Nội san

Xây dựng nội dung hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục Mỹ thuật địa phương cho sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định

22 Tháng Giêng 2019

Phạm Ngọc Hưng [*]

Hoạt động ngoại khóa là hoạt động học tập ngoài giờ học chính khóa, diễn ra ngoài lớp, ngoài trường học. Hoạt động ngoại khóa là một trong những mảng hoạt động giáo dục quan trọng ở nhà trường, có ý nghĩa hỗ trợ cho giáo dục chính khóa, góp phần phát triển và hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng sáng tạo của học sinh, sinh viên.

Hoạt động ngoại khóa có thể coi như một hình thức để đánh giá sinh viên theo quan điểm phát triển toàn diện và càng có ý nghĩa hơn nếu các hoạt động ngoại khoá có tác động trở lại, giúp sinh viên có thêm hứng thú, niềm vui trong học tập, rèn luyện đạo đức. Chất lượng học tập sẽ cao, kích thích được hứng thú học tập, nhu cầu, khả năng độc lập, tích cực tư duy của sinh viên. Đối với môn Mỹ thuật, hoạt động ngoại khóa là hoạt động hết sức cần thiết. Không chỉ giúp sinh viên có điều kiện thâm nhập vào thực tế để học tập, trực tiếp quan sát, học hỏi từ tự nhiên, hoạt động của con người mà còn là điều kiện tốt cho việc tìm hiểu truyền thống, lịch sử mỹ thuật của dân tộc.

Nhận thức được tầm quan trọng của bộ môn Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định đã đưa môn học này vào chương trình giảng dạy cho sinh viên ngành Sư phạm Mỹ thuật. Đây là môn học quan trọng gắn với giáo dục về tư tưởng, thẩm mỹ đối với sinh viên; giúp sinh viên hiểu và nắm vững lịch sử mỹ thuật của dân tộc, từ đó biết yêu, quý trọng và phát huy các truyền thống vốn quý của dân tộc. Đồng thời, đây cũng là môn học có ảnh hưởng lớn đến hoạt động sáng tạo của sinh viên trong các môn học khác như: Phương pháp dạy học, Mỹ thuật học, Mỹ học, Trang trí, Bố cục... Vì thế, Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định đã có sự quan tâm đầu tư nhiều về cơ sở vật chất cũng như động viên các giảng viên đầu tư thời gian nghiên cứu chuyên sâu để giảng dạy môn học này.

  1. Thực trạng tổ chức hoạt động ngoại khóa của sinh viên tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định

Hoạt động ngoại khóa là hoạt động tổ chức ngoài giờ học chính khóa, bên cạnh những lợi ích về việc lôi kéo học sinh vào các hoạt động xã hội có ích, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng học tập còn hướng học sinh vào việc củng cố kiến thức môn học sau giờ học chính khóa. Nam Định là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với những di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu cho sự phát triển của lịch sử mỹ thuật Việt Nam (LSMTVN). Việc khai thác các di tích này vào hoạt động ngoại khóa cho sinh viên học tập, tìm hiểu có ý nghĩa thiết thực, giúp các em ngoài việc nâng cao kiến thức, củng cố, vận dụng được kiến thức học LSMTVN trong giờ học chính khóa còn nâng cao tay nghề vẽ, hiểu biết về lịch sử văn hóa địa phương; thêm yêu và quý trọng vốn cổ dân tộc; khích lệ niềm đam mê, truyền lửa đam mê cho các thế hệ học sinh sau này.

  Từ trước tới nay, việc dạy và học mỹ thuật ở Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) Nam Định chủ yếu tập trung vào hoạt động dạy chính khóa. Chỉ có sinh viên năm cuối sẽ được tham gia một đợt tham quan dã ngoại do nhà trường tổ chức bao gồm toàn bộ sinh viên bộ môn Âm nhạc và Mỹ thuật tham gia. Thường những lần thăm quan dã ngoại có quy mô do nhà trường tổ chức này sẽ cho sinh viên đi tham quan ở Hà Nội hoặc Huế. Những chuyến đi này với lượng người tham gia đông, sinh viên từ nhiều bộ môn, ngành học khác nhau cùng tham gia nên chủ yếu có mục đích cho sinh viên tham quan, dã ngoại là chính.

Phần lớn thời gian dạy học chính khóa, trong khi tài liệu sách, hình ảnh và điều kiện tiếp xúc hiện vật mỹ thuật của sinh viên còn thiếu. Mặc dù giảng viên đã cố gắng truyền tải những kiến thức nền cơ bản nhất, sử dụng các phương tiện kỹ thuật, công nghệ hỗ trợ như máy chiếu, phim ảnh nhưng thẳng thắn nhìn nhận, môn học chưa thu hút được sinh viên. Cho đến nay việc dạy, học Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định chủ yếu vẫn theo cách học truyền thống trên giảng đường.

2. Xây dựng nội dung chương trình hoạt động ngoại khóa

  Hoạt động ngoại khóa được tổ chức theo mô hình câu lạc bộ (CLB). Không chỉ tạo sân chơi và lớp học bổ ích cho sinh viên chuyên ngành mà còn thu hút các bạn trẻ yêu thích mỹ thuật tham gia. Từ mô hình CLB Mỹ thuật đã hình thành từ 2015, các giảng viên tổ Mỹ thuật đã duy trì hoạt động này ở phạm vi hoạt động mỗi năm 01 lần tổ chức triển lãm tranh nhóm. CLB duy trì số lượng mỗi năm 15 - 20 thành viên (04 giảng viên Mỹ thuật là thành viên cố định), dự kiến chương trình hoạt động thường niên của CLB gắn với việc giáo dục môn LSMTVN ở trường CĐSP Nam Định như sau:

Mỗi năm học tổ chức 05 buổi học ngoại khóa và 01 buổi tổng kết chuyên đề LSMTVN (kết hợp vẽ ký họa, chép hoa văn vốn cổ) theo các chủ đề trọng điểm: Tổng quan; Mỹ thuật thời Lý; Mỹ thuật thời Trần kết hợp Mỹ thuật Lê Sơ và Mạc; Mỹ thuật thời Lê Trung Hưng và Nguyễn; Mỹ thuật dân gian và Mỹ thuật hiện đại. (Dự kiến vào thứ 7 các tuần thứ 3 của tháng 10, 11, 12, 2, 3; tổng kết hoạt động vào tháng 4).

Bảng 1: Cụ thể dự kiến thời gian và hoạt động như sau:

TT

Thời gian

Địa điểm

Giai đoạn mỹ thuật

Hoạt động

Ghi chú

Học kỳ 1

1

Tháng 10

Bảo tàng Nam Định

Tổng quan LSMTVN qua hiện vật trưng bày ở Bảo tàng

Sáng

- Nghe thuyết minh tìm hiểu hiện vật trưng bày tại Bảo tàng

Thứ 7 tuần thứ 3 của tháng 10

Chiều

- Chép họa tiết hoa văn vốn cổ hiện vật bày ở Bảo tàng.

2

Tháng 11

Cụm di tích núi Chương Sơn (chùa Ngô Xá, Phi Lai)

Mỹ thuật thời Lý

Sáng

- Giao lưu tìm hiểu lịch sử di tích

- Chép vốn cổ

Thứ 7 tuần thứ 3 của tháng 11

Chiều

- Vẽ ngoại cảnh

3

Tháng 12

Cụm di tích đền Trần, chùa Tháp

Mỹ thuật thời Trần, Lê Sơ, Mạc

Sáng

- Giao lưu tìm hiểu lịch sử di tích

- Chép vốn cổ

Thứ 7 tuần thứ 3 của tháng 12

Chiều

- Vẽ ngoại cảnh

Nghỉ tháng tết (tháng 1 – giữa tháng 2)

Học kỳ 2

4

Tháng 2

1 trong các Cụm di tích khu vực Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Nghĩa Hưng hoặc Vụ Bản.

Mỹ thuật thời Lê Trung Hưng

Sáng

Tìm hiểu lịch sử di tích

- Vẽ ngoại cảnh

Chiều

- Tiếp tục vẽ ngoại cảnh

Thứ 7 tuần thứ 3 của tháng 2

5

Tháng 3

Làng tranh Đồng Hồ và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Mỹ thuật dân gian, Mỹ thuật hiện đại (tổng kết tiến trình LSMTVN)

Sáng

- Giao lưu nghệ nhân, tìm hiểu lịch sử, đặc trưng tranh dân gian Đông Hồ

- Trải nghiệm in tranh dân gian Đông Hồ

Thứ 7 tuần thứ 3 của tháng 3

Chiều

Nghe thuyết minh, thăm quan Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

6

Tháng 4

Tổng kết hoạt động ngoại khóa

Trưng bày sản phẩm hoạt động cả năm học.

Sáng

Khai mạc triển lãm sản phẩm hoạt động ngoại khóa: ảnh chụp tin hoạt động, bài chép họa tiết hoa văn vốn cổ; bài vẽ ngoại cảnh.

Trong tháng 4 đến tháng 5

Chiều

Thuyết trình 04 chuyên đề theo nhóm (04 nhóm, 1 nhóm 2-3 người), mỗi nhóm phụ trách 1 nội dung hoạt động từ 2-5

 

Chia nhóm: 04 nhóm.

Hoạt động nhóm: mỗi nhóm phụ trách ghi chép, tìm hiểu về đặc trưng mỹ thuật của một giai đoạn trọng điểm. Cụ thể, Bảo tàng tỉnh Nam Định có thế mạnh về hiện vật Mỹ thuật các giai đoạn: Mỹ thuật thời Lý (nhóm1), Mỹ thuật thời Trần (nhóm 2), Mỹ thuật thời Mạc (nhóm 3), Mỹ thuật thời Lê Trung Hưng - Mỹ thuật thời Nguyễn (nhóm 4).

Chiều: các nhóm tiếp tục chọn, chép ký họa vốn cổ đặc trưng của từng giai đoạn mỹ thuật.

Tổng kết hoạt động, bài vẽ.

Đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa của CLB từ một CLB Mỹ thuật đơn thuần với các hoạt động bày sản phẩm Mỹ thuật thường niên mỗi năm 1 lần thành hoạt động ngoại khóa sinh hoạt theo tháng. Hoạt động ngoại khóa gắn liền với chương trình giảng dạy chính khóa môn LSMTVN.

Lịch trình sinh hoạt ngoại khóa được xây dựng dựa trên lộ trình tiến trình LSMTVN, phân vùng hoạt động chủ yếu trên địa bàn tỉnh Nam Định. Việc xây dựng khung chương trình hoạt động ngoại khóa phù hợp với đặc thù môn học và đặc thù di sản địa phương có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, phát huy sở trường, năng lực của giảng viên cũng như sinh viên; kết hợp giáo dục LSMTVN với giáo dục di sản địa phương.

3. Kết luận

Trước hết, tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên giải tỏa căng thẳng trong việc học với khối lượng kiến thức lớn ở giảng đường. Việc được thay đổi môi trường học gò bó trên lớp, hoạt động ngoại khóa gắn với môn học có ý nghĩa tích cực trong việc thúc đẩy sinh viên tham gia vào các hoạt động chủ động học tập. Rút ngắn khoảng cách giữa giảng viên và sinh viên; Phát huy vai trò của giảng viên, cán bộ nhà trường tham gia hoạt động ngoại khóa; Phát huy tính tự quản của học sinh.

Chương trình thực nghiệm kết hợp hoạt động ngoại khóa với việc giảng dạy môn LSMTVN ở trường CĐSP Nam Định đã đưa lại những kết quả khả quan. Hoạt động ngoại khóa đã giúp rất nhiều học sinh, sinh viên tìm được môi trường sinh hoạt lành mạnh sau những giờ lên lớp. Không những vậy, thông qua các hoạt động này, học sinh, sinh viên nhà trường còn học tập và phát triển rất nhiều kỹ năng góp phần hoàn thiện bản thân cùng với những kiến thức được học để xây dựng hành trang vững chắc nhất khi bước vào xã hội. 

Hoạt động ngoại khoá không chỉ góp phần nâng cao khả năng tư duy độc lập, tăng cường khả năng sáng tạo trong học tập, kích thích lòng ham muốn tìm tòi, khám phá những kiến thức mới của người học, đồng thời sinh viên hiểu sâu hơn về những giá trị lịch sử, giá trị văn hoá của những di sản mỹ thuật trên quê hương Nam Định.

Tài liệu tham khảo

 

1. Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định (2008), Di tích lịch sử - văn hóa tỉnh Nam Định, Nxb Văn hoá dân tộc, Hà Nội.

2. Nguyễn Lăng Bình, Phạm Thị Chỉnh (2000), Mỹ thuật và phương pháp giảng dạy - tập III, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

3. Phạm Thị Chỉnh (2005),  Lịch sử mĩ thuật Việt Nam, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

4. Nguyễn Phi Hoanh (1970), Lược sử mỹ thuật Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

--------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K1 -  Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật