Tin tức

Hội nghị triển khai Chương trình khoa học giáo dục năm 2019

01 Tháng Tư 2019

Chiều 28/3, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình khoa học giáo dục năm 2019. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ nhiệm Chương trình chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ, Nguyễn Văn Phúc, Lê Hải An, các thành viên Ban Chủ nhiệm Chương trình, đại diện Bộ KH&CN, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cơ quan Bộ, chủ nhiệm các đề tài,đề án khoa học giáo dục thuộc Chương trình.

Hơn 500 ý tưởng được đề xuất, 50 nhiệm vụ được thực hiện

Theo báo cáo của Văn phòng Chương trình, trong giai đoạn 2016-2018, Chương trình khoa học giáo dục đã tiếp nhận 507 đề xuất ý tưởng nghiên cứu; 50 nhiệm vụ trong số đó được xác định để thực hiện Chương trình đến năm 2020.

 

Bộ trường Phùng Xuân Nhạ và các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Nghĩa, Nguyễn Hữu Độ, Lê Hải An, Nguyễn Văn Phúc chủ trì Hội nghị

Cũng trong gần 3 năm, đã có hơn 1225 lượt chuyên gia, nhà khoa học tham gia thực hiện đề tài, đề án của Chương trình; gần 200 hội thảo, tạo đàm, hội nghị khoa học được tổ chức; 08 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí trong nước, 04 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI/SCOPUS.

Đặc biệt, đã có hơn 1700 lượt báo cáo cung cấp luận cứ khoa học, kinh nghiệm quốc tế, đánh giá tác động chính sách gửi góp ý xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo.

Nhiều đề tài, đề án trong số đó đã cung cấp luận cứ tốt để xây dựng hai Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội thông qua và Luật Giáo dục sửa đổi, dự kiến thông qua trong kỳ họp Quốc hội lần thứ 7.

Nhiều vấn đề “nóng” của ngành giáo dục như đổi mới thi, bạo lực học đường, phát triển đội ngũ, quy hoạch, sắp xếp các cơ sở giáo dục đại học, đào tạo giáo viên, giáo dục đạo đức lối sống, chiến lược phát triển giáo dục, phát triển nhân lực,… cũng đang được triển khai nghiên cứu bài bản.

Trong quá trình triển khai các đề tài, đề án, Chương trình cũng hình thành được đội ngũ các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực liên quan đến phát triển giáo dục và đào tạo để tiếp tục tư vấn cho ngành.

Năm 2019, các đề tài, đề án của Chương trình sẽ tập trung phối hợp để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT như: Dự án Luật Giáo dục sửa đổi; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045;

Phát triển nhân lực chất lượng cao, trình độ cao; sắp xếp cơ sở đào tạo giáo viên và hợp nhất, sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục đại học; đổi mới thi, bạo lực học đường; phát triển đội ngũ nhà giáo; giáo dục đạo đức lối sống, lối sống văn hóa; xã hội hóa giáo dục.

Cần hình dung hết những vấn đề của giáo dục

Nhìn lại 3 năm triển khai Chương trình khoa học giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Chủ nhiệm Chương trình cho rằng, mặc dù thời gian không dài, các đề tài vẫn đang trong quá trình thực hiện, song nhiều đề tài đã đóng góp cho ngành Giáo dục những luận cứ vững chắc, làm cơ sở cho việc xây dựng, ban hành chính sách đổi mới giáo dục và đào tạo.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị

“Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và nhiều Nghị định, Thông tư được ban hành dựa trên kết quả và một phần kết quả của các đề tài nghiên cứu đã khẳng định hướng đi đúng của Chương trình, khẳng định nghiên cứu đã gắn với thực tế nhiều hơn. Đây là bước tiến rất lớn”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ ra một số bất cập. Theo Bộ trưởng, do khi đề xuất nghiên cứu chưa hình dung hết được những vấn đề của giáo dục nên không ít nội dung nghiên cứu và nhiệm vụ của ngành chưa thực sự khớp nhau, dẫn tới sử dụng kết quả bước đầu chưa hiệu quả.

Vẫn còn tình trạng thiếu kết nối, thiếu phối hợp, thiếu hướng đi rõ ràng. Kết quả nhiều nghiên cứu quá “thận trọng”, chưa cộng hưởng với những vấn đề cấp thiết của ngành để tham góp trong điều chỉnh chính sách. Ngoài ra, cơ chế cấp tài chính chậm cũng chưa tạo động lực cho các nhóm nghiên cứu.

Để kết nối vững chắc giữa nghiên cứu với thực tế, Bộ trưởng đề nghị các vụ, cục của Bộ GD&ĐT cùng với các chủ nhiệm đề tài rà soát lại nội dung của từng đề tài, hình dung hết những vấn đề của ngành, chủ động đề xuất những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để giải quyết, tư vấn chiến lược phù hợp.  

Các vụ, cục cũng cần chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin, tài liệu có liên quan,  giới thiệu các chuyên gia, các kênh tham vấn. Đồng thời, trực tiếp tham gia vào quá trình khảo sát thực tế trong nước và nước ngoài của các nhóm đề tài, điều này sẽ giúp cho tầm nhìn của những người làm chính sách rộng hơn, có tính thực tiễn hơn.

Trong quá trình triển khai nhiệm vụ nghiên cứu, hai bên cần phối hợp để tổ chức các tọa đàm, hội nghị, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi dư luận, tạo sự đồng thuận trước khi ban hành các văn bản, chính sách. Đây đồng thời cũng sẽ tạo hiệu quả truyền thông, định hướng dư luận về những chủ trương, chính sách, vấn đề lớn của ngành.

Quan tâm tới chuyển giao kết quả, Bộ trưởng cho rằng, chất lượng nghiên cứu khoa học chỉ được thể hiện thông qua đóng góp vào chính sách. “50 đề tài nghiên cứu trải rộng trên các lĩnh vực của giáo dục và đào tạo của Chương trình là minh chứng cho sự gắn kết giữa nhà quản lý và nhà khoa học trong nghiên cứu và xây dựng chính sách, đảm bảo các chính sách giáo dục được xây dựng dựa trên luận cứ khoa học và yêu cầu thực tiễn” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

 

Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” là Chương trình nghiên cứu cấp quốc gia đầu tiên về lĩnh vực giáo dục và đào tạo được triển khai để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29.

 

 

Trung tâm Truyền thông Giáo dục