Tin tức

Khoa Sư phạm Mỹ thuật - câu chuyện về “ Những viên gạch hồng”

22 Tháng Tư 2019

Đan Đan

Nghề giáo là một trong những nghề cao quý được xã hội nể trọng từ bao đời nay song cũng có thể nói đây là một trong những nghề phải gồng gánh bao nỗi lo toan đời thường, “thói thường” của xã hội. Cuộc sống với bao bộn bề lo toan song người thầy “vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa” phải tự học, tự phấn đấu vươn lên dù ở bất cứ hoàn cảnh nào để được được đứng trong hàng ngũ nhà giáo.

Làm thầy đã khó, làm thầy của thầy càng khó, song cái khó là phải biết cảm thông sẻ chia với những người thầy, người cô đã/ đang và sẽ tạm gác các công việc thường nhật để cứ cuối tuần lại lên giảng đường ngồi học – đó chính là học viên liên thông từ Trung cấp, Cao đẳng lên Đại học chính quy. Điều dễ hiểu là học để nâng cao kiến thức, học để chuẩn hóa bằng cấp song không phải ai cũng có điều kiện để đi học, có những người gần 20 năm chưa vào biên chế vì chưa đủ tiêu chuẩn bằng cấp, song cũng có nhiều người may mắn ra trường trúng tuyển biên chế ngay, bởi thế mới nói đến khó khăn của người đi học với muôn mặt đời thường.

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với bề dày kinh nghiệm gần 50 năm đào tạo giáo viên mỹ thuật, nhiều thầy cô đã trưởng thành từ mái trường thân yêu này để sau bao nhiêu năm gặp lại họ lại chính là những phụ huynh lựa chọn cho con em mình thi vào trường với mong muốn con em được kế nghiệp bằng tình yêu nghề nghề tha thiết, yêu thầy cô và yêu quý ngôi trường thân yêu nơi họ đã trưởng thành.

Câu chuyện về “Những viên gạch hồng” không phải là việc xây nên những tòa tháp mà là nền tảng dựng xây nên những thế hệ tiếp truyền tình yêu nghề, yêu người. Chương trình học tập tại khoa SPMT ở trường ĐHSP Nghệ thuật TW phù hợp với mọi đối tượng có năng khiếu, yêu thích nghệ thuật, muốn nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao bằng cấp… Nhiều khóa đào tạo liên thông từ Trung cấp, Cao đẳng lên Đại học chính quy trường đã tạo điều kiện cho các giáo viên từ khắp mọi miền Tổ quốc có cơ hội được học tập, nâng cao kiến thức và phát huy năng lực sáng tạo mỹ thuật để họ có cơ hội trở thành giáo viên cơ hữu tại các trường phổ thông trên toàn quốc.

Qua trao đổi với các phụ huynh đang quan tâm đến công tác tuyển sinh của Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, chúng tôi nhận thấy vấn đề chung mà các bậc phụ huynh quan tâm là những câu hỏi liên quan: học phí đóng góp thế nào? chương trình đào tạo ra sao? đầu ra sau khi học tại trường?

 

Ban Giám hiệu Nhà trường cắt băng khai mạc triển lãm tranh

tại trường ĐHSP Nghệ thuật TW

Thứ  nhất, sinh viên chính quy theo học tại ngành Sư phạm mỹ thuật, chuyên ngành SPMTM được nhà nước hỗ trợ nên miễn hoàn toàn học phí trong 4 năm học. Ngoài ra sinh viên có cơ hội được nhận học bổng, được giao lưu, học hỏi và tiếp cận các phương pháp dạy – học mới, các kỹ thuật và phương thức tạo hình hiện đại. Sau khi tốt nghiệp các em đủ năng lực, tự tin để tiếp tục hành trang tri thức của đứng trên bục giảng dạy mỹ thuật ở các cơ sở đào tạo, các trường học từ mầm non đến phổ thông trung học (đáp ứng chương trình giáo dục tổng thể do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành 12/2018).

Thứ hai, Nhà trường có sứ mạng, mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực về văn hóa, nghệ thuật có chất lượng cao cho Việt Nam và các nước bạn. Chương trình học tập tại trường nói chung, tại  khoa SPMT nói riêng kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành giúp cho người học vừa có kỹ năng cứng vừa thành thạo kỹ năng mềm. Đặc biệt, giáo viên mỹ thuật dù không phải là ngành Hot như cách gọi tên của thời đại @ nhưng là nghề không sợ thất nghiệp, tương lai gần các sở đào tạo, các trường phổ thông thiếu hơn 4000 giáo viên dạy nghệ thuật trong đó có mỹ thuật, điều đó chứng tỏ đây là một trong những nghề quan trọng trong xã hội góp nên những viên gạch hồng phát triển nhân cách, năng lực của con người thời hiện đại.

PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Hiệu trưởng giới thiệu chuyên ngành ĐH Sư phạm Mỹ thuật của Nhà trường với TS. Outhay Bannavong – Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán nước CHDC Nhân dân Lào tại Việt Nam.

 

Sản phẩm đào tạo của khoa SPMT nói riêng, trường ĐHSP Nghệ thuật TW nói chung là sản phẩm chất lượng cao, sinh viên sau khi ra trường với những kiến thức, tri thức đã được tích lũy trong 4 năm (SPMT), 5 năm với (Hội họa, TKĐH) đủ tài để đứng trong xã hội, đủ tâm để dựng nghiệp và đủ tầm để sáng tạo.

Sinh viên K12 – ĐHSP mỹ thuật thực hành làm phù điêu

Lớp trưởng lớp liên thông K10 – sinh viên Bùi Thị Kim Chi ngành SPMT có trao đổi khi chúng tôi phỏng vấn và cũng là tâm sự của một cô giáo trẻ đang theo học tại trường, đồng thời là một giáo viên giàu kinh nghiệm tại trường THCS Huy Văn; Cô cho biết “Học ở trường ĐHSP Nghệ thuật TW chúng em thấy có rất nhiều ưu điểm. Chương trình học tập phù hợp với những người làm nghề như chúng em, học tập giúp giáo viên chúng em hiểu ra nhiều điều vì trước kia học cao đẳng có một số chất liệu không được học. Các môn lý thuyết đăc biệt lý thuyết cơ sở ngành, lý thuyết chuyên ngành bổ ích vì bây giờ nếu chỉ có kiến thức chuyên môn ở mức độ tầm tầm vẫn có thể đi dạy ở phổ thông bình thường. Nhưng kiến thức xã hội và sự tích hợp cần và vô cùng cần thiết trong thời đại công nghệ 4.0, học sinh phổ thông cần được cung cấp những kiến thức liên ngành…  Nếu có thể, chúng em muốn được học tăng cường thêm chất liệu ”

Học đi đôi với hành, lý luận kết hợp với thực tiễn là tiêu chí xây dựng chương trình học tập tại khoa Sư pham mỹ thuật nói riêng, trường ĐHSP Nghệ thuật nói chung. Trên cơ sở mục tiêu lấy người học là trung tâm, phát huy năng lực sở trường của người học đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đã từng bước khẳng định ĐHSP Nghệ thuật TW là ngôi trường thân thiện, là môi trường đào tạo chuyên nghiệp.

Giờ học lý thuyết mỹ thuật tại thư viện

Sinh viên K10 liên thông ĐHSP mỹ thuật

Trường thường xuyên có những giao lưu với bạn bè quốc tế về học thuật, chuyên môn. Gần đây nhất tháng 4 năm 2019, Nhà trường đã gửi một số tác phẩm Hội họa của sinh viên tham gia triển lãm tại Lào thể hiện tình hữu nghị bền chặt hai nước láng giềng và có nhiều học bổng học tập tại liên bang Nga và các nước khác theo chương trình hợp tác đào tạo giữa ĐHSP Nghệ thuật TW và các trường Đại học danh tiếng của các nước trên thế giới.

 

Tranh lụa tham gia triển lãm tại Lào của sinh viên K10 liên thông

Tháng 4/2019

PGS.TS. Đào Đăng Phượng – Hiệu trưởng cùng Cán bộ, giảng viên khoa Sư phạm Mỹ thuật của Nhà trường tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

 

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW - cái nôi đào tạo giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật trên cả nước, Nhà trường luôn nỗ lực trong công cuộc trồng người, đào tạo nghề, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại. Trường luôn dang rộng vòng tay chào đón các thí sinh có nguyện vọng thi tuyển vào các ngành Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Sư phạm Âm nhạc mầm non, Sư phạm Mỹ thuật mầm non, Văn hóa Nghệ thuật, Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Thời trang…,Sau đại học chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật , Quản lý Văn hóa. Trường luôn tự hào xây tiếp “Những viên gạch hồng” trong “thư viện” tri thức trong sự nghiệp giáo dục văn hóa – nghệ thuật hôm nay và mai sau.

 
   

 

Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương dự kiến tổng chỉ tiêu tuyển sinh Đại học năm 2019 là: 1070 trong đó có tuyển 200 cử nhân (sư phạm mỹ thuật, chuyên ngành sư phạm mỹ thuật mầm non).  Phương thức thi tuyển thực hiện theo đề án tự chủ tuyển sinh riêng từ năm 2013, trong đó thí sinh sẽ tham gia xét tuyển môn văn hóa và thi tuyển môn năng khiếu. Đối với thí sinh theo học cử nhân Sư phạm mỹ thuật hoặc Sư phạm mỹ thuật mầm non sẽ thi môn hình họa (vẽ tượng chân dung) và môn vẽ màu.