Nghiên cứu lý luận

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử khu phố cổ Hà Nội gắn với phát triển du lịch

02 Tháng Năm 2019

                                                                                           Nguyễn Thị Thùy Linh [*]

Khu phố cổ Hà Nội là một khu đô thị cổ nằm trung tâm thủ đô, còn được gọi là “Khu 36 phố phường” do cách gọi ước lệ xưa về phố cổ. Nơi đây được công nhận khu di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2004. Du lịch ngày càng phát triển, đặc biệt du lịch di sản văn hóa, nhằm phát triển khu phố cổ gắn với du lịch nhưng vẫn gìn giữ, bảo tồn được những giá trị vốn có đòi hỏi sự kết hợp chung tay của các cấp, các ngành, địa phương cũng như cộng đồng dân cư.

Những di tích giá trị trong khu phố cổ nằm xen kẽ trong khu dân cư, trong quần thể kiến trúc độc đáo của phố cổ xưa. Việc quản lý văn hóa ở một khu di tích là một công việc hết sức khó khăn và phức tạp, đòi hỏi phải có sự quan tâm chỉ đạo thống nhất từ trung ương xuống địa phương, sự chung tay của các cấp, ban, ngành theo đường lối chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, công tác quản lý không thể tách rời với cộng đồng dân cư sinh sống nơi đây.

Thời gian qua, khu phố cổ đã có diện mạo mới do được sự quan tâm, đầu tư, tôn tạo nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích lịch sử khu phố cổ Hà Nội gắn với phát triển du lịch cần có các giải pháp cụ thể:

Thư nhất, Nâng cao nhận thức về trách nhiệm, vai trò của công tác quản lý nhà nước về di tích lịch sử văn hóa phố cổ Hà Nội

Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý, cần phải có sự phân cấp trong công tác quản lý một cách rõ ràng, triệt để. Yêu cầu được đặt ra là dù phân cấp ra sao thì vẫn phải có sự thống nhất trong tổ chức từ trên xuống dưới. Đối với Khu phố cổ Hà Nội, đơn vị quản lý trực tiếp là Ban quản lý phố cổ Hà Nội, bởi vậy khi có đơn vị quản lý trực tiếp thì phải nâng cao trách nhiệm cho họ bởi nếu không có quyền thì họ sẽ không thể thực hiện công tác quản lý một cách có hiệu quả.

Thứ hai, Củng cố và hoàn thiện văn bản quản lý

Cần có quy định rõ ràng, cụ thể và chi tiết và có sự hướng dẫn đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa tại từng di tích nhỏ, lẻ thuộc quần thể di tích khu phố cổ Hà Nội. Những văn bản hướng dẫn cụ thể, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển phù hợp với từng loại hình hoạt động văn hóa với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng tuyến phố đi bộ. Sự phát triển kinh tế, du lịch luôn đi kèm với những tác động tích cực và tiêu cực đối với sự bảo tồn di sản. Bởi vậy cần có những chế tài hợp lý trong cơ chế quản lý.

Thứ ba, Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý di tích và hoạt động du lịch

Công tác quản lý di tích lịch sử khu phố cổ Hà Nội đòi hỏi việc đào tạo và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có đủ năng lực chuyên môn cần thiết. Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều khóa học bồi dưỡng, mở các lớp nghiệp vụ, tập huấn về quản lý văn hóa cho cán bộ chuyên ngành, có chiến lược đào tạo cán bộ trẻ để xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu phát triển chung của xã hội.

Thứ tư, Tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá di tích lịch sử phố cổ Hà Nội

Việc mở các lớp tuyên truyền, tập huấn cho người dân nhận thức được chủ trương đường lối chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, hiểu được họ vừa là chủ thể, vừa là người bảo vệ và được hưởng quyền lợi từ những giá trị của di tích. Từ đó, người dân có ý thức và hành động thiết thực nhất trong việc giữ gìn các di sản văn hóa. Công tác tuyên truyền vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất để cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Đây chính là hình thức tự quản cho di tích một cách hiệu quả nhất.

Tuyên tuyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các website giới thiệu du lịch khu phố cổ. Tổ chức các phương án hỗ trợ các chương trình trình diễn sản xuất, bán hàng thủ công cho du khách, tổ chức thêm các điểm mua sắm cũng như biểu diễn nghệ thuật phục vụ khách du lịch. Mở nhiều lớp hoạt động ngoại khóa giúp thanh, thiếu niên từ trong nhà trường hiểu được giá trị di tích để từ đó có ý thức hơn trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản cũng như có những ứng xử văn hóa, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo tồn và di tích lịch sử phố cổ Hà Nội.

Thứ năm, Thanh tra, kiểm tra và  xử lý vi phạm trong các hoạt động văn hóa

Khu phố cổ Hà Nội tồn tại lâu dài và trải qua nhiều thời kỳ biến động xã hội khác nhau nên việc vi phạm di tích diễn ra là điều không tránh khỏi. Cần tăng cường thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước đối với các hoạt động văn hóa. Khu phố cổ có những giá trị về kiến trúc và cảnh quan nên công tác giám sát chặt chẽ trong quá trình quản lý, tôn tạo di tích phải luôn sát sao, kịp thời xử lý những vi phạm để tránh phá hỏng quần thể kiến trúc di tích mang giá trị lịch sử của thủ đô.

Các tuyến phố đi bộ, tuyến phố ẩm thực cũng cần được tăng cường kiểm tra và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh. Xử lý triệt để tình trạng chèo kéo du khách, ép giá khách du lịch. Công tác tổ chức lễ hội truyền thống tại khu phố cổ cũng được giám sát hoạt động, tránh các tình trạng thu phí cũng như như các tệ nạn trong công tác quản lý lễ hội.

Công tác thanh tra, kiểm tra cần có sự phối hợp của đội thanh tra liên ngành (văn hóa, lao động, công an, quản lý thị trường, thuế…). Công tác thi đua, khen thưởng luôn đi kèm cùng với thanh tra, kiểm tra. Đối với vi phạm cần xử lý nghiêm minh, đối với thành tích cần có sự khen thưởng thích đáng, rõ ràng.

Thứ sáu, Phát huy vai trò của cộng đồng trong quản lý di tích

Khu phố cổ gắn bó chặt chẽ với cộng đồng dân cư, do vậy cần tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ, sử dụng và khai thác giá trị của di tích. Việc trao cho cộng đồng quyền chủ động quản lý các di tích, thành lập các tiểu Ban quản lý di tích do chính người dân địa phương bầu chọn cũng làm cho người dân cảm thấy được quyền làm chủ của mình, từ đó tạo niềm tự hào, có ý thức trách nhiệm đối với các di tích. Đồng thời cần giám sát, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức về di tích, về di sản văn hóa cũng như nghiệp vụ quản lý cho các thành viên của các Ban Quản lý.

Sự đóng góp (nhất là về kinh phí) chủ yếu tập trung vào các di tích tôn giáo - tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu, nhà thờ họ... Cần khuyến khích, động viên các tổ chức doanh nghiệp, đoàn thể cá nhân tích cực đầu tư, ủng hộ các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di tích.

Chỉ có dựa vào sức mạnh của cộng đồng trên cơ sở: tự nguyện, đồng thuận, tự do, bình đẳng, cùng có lợi, thì công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử khu phố cổ mới có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Đây là một nhóm giải pháp cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công hay thất bại của mọi công tác.

Như vậy, để nâng cao chất lượng quản lý di tích lịch sử khu phố cổ thì cần có sự phối hợp đồng bộ các giải pháp nêu trên, đồng thời cũng cần có sự chỉ đạo, hợp giữa các cơ quan quản lý, các cấp, ban, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư. Từ đó góp phần vào công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị khu phố cổ gắn với sự phát triển du lịch khu phố cổ nói riêng và du lịch thủ đô nói chung.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Chí Bền (2010), Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá vật thể Thăng Long - Hà Nội, Nxb Hà Nội.
  2. Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (27/08/2014), Công văn số 2946/2014/BVHTTDL-DSVH về việc kiện toàn bộ máy quản lý di tích.
  3. Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin (2004), Quyết định số 14/2004/QĐ-BVHTT về việc xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia - KPC Hà Nội.
  4. Hoàng Đạo Kính (2002), Di sản văn hóa bảo tồn và trùng tu, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
  5. UBND Thành phố Hà Nội (2013), Quyết định số 6398/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý Quy hoạch Kiến trúc trong KPC.

 

--------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K4 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa