Nghiên cứu lý luận

Bảo tồn văn hóa vùng Trường Sơn - Tây Nguyên tại “ngôi nhà chung” của 54 dân tộc Việt Nam

09 Tháng Năm 2019

Bàn Thị Trang [*]

            Văn hóa vùng Trường Sơn - Tây Nguyên được phục dựng lại tại cụm các Làng dân tộc II, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) như một minh chứng sống động trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa cộng đồng các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Nơi đây không chỉ lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thốngmà còn là nhịp cầu văn hóa, quảng bá nét đẹpvùng đất Trường Sơn - Tây Nguyên đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

            Việt Nam với 54 dân tộc anh em sinh sống cùng xây dựng và bảo vệ đất nước trong suốt hàng nghìn năm lịch sử dựa trên tinh thần yêu nước, sự tương thân tương ái. Nhằm bảo tồn tính đa dạng của văn hóa các dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc, những chính sách đó đã có tác dụng tích cực đối với việc kế thừa, phát triển truyền thống văn hóa vật thể, phi vật thể của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tiến bộ toàn dân tộc.

            Nhận thấy tầm quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy và giới thiệu văn hóa truyền thống vùng miền, ngày 21/8/1997 Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kí Quyết định xây dựng Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (LVH-DLCDTVN) tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Với các mục tiêu xây dựng nơi này trở thành một trung tâm hoạt động Văn hoá - Du lịch mang tính quốc gia, nhằm tập trung gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam.Đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài nước, tăng cường tính đại đoàn kết toàn dân.Ngày 19/9/2010 nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, LVH-DLCDTVN chính thức mở cổng đón khách trong nước và quốc tế tới tham quan.

            Nằm cách trung tâm Hà Nội về phía Tây gần 41km, LVH-DLCDTVN có tổng diện tích 1.544 ha trong đó có hơn 900 ha diện tích mặt nước hồ Đồng Mô và hơn 600 ha diện tích mặt đất. Chia thành 7 phân khu chức năng khác nhau: Khu các làng dân tộc;  Khu Di sản văn hóa thế giới; Khu trung tâm văn hóa và vui chơi giải trí; Khu công viên bến thuyền; dịch vụ, du lịch tổng hợp; Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô; Khu Quản lý điều hành văn phòng.

            Khu các làng dân tộc có tổng diện tích là 198,61 ha và được chia thành 4 cụm Làng chính theo những nhóm và hệ ngôn ngữ khác nhau. Nơi đây đã trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào các dân tộc, nơi tổ chức các hoạt động văn hoá, du lịch nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. Góp phần bảo tồn, gìn giữ, quảng bá văn hoá Việt Nam và tăng cường, củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.

            Tại đây, văn hóa vùng Trường Sơn - Tây Nguyên được phục dựng lại tại cụm các Làng dân tộc II: Gồm các công trình văn hóa và cảnh quan 18 dân tộc vùng cao nguyên, đồi núi thuộc các dân tộc vùng văn hóa Bắc Trung Bộ, Trường Sơn, Tây Nguyên với hệ ngôn ngữ Môn - Khmer, Nam Đảo, bao gồm các dân tộc sau: Ba Na, Bru-Vân Kiều, Tà Ôi, M’nông, Mạ, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, X’tiêng, Rơ Măm, Hrê, Cơ Ho, Cor, Raglai, Ja Rai, Ê Đê, Cơ Tu, Brâu, Chứt.

            Không giống với các mô hình bảo tàng khác, LVH-DLCDTVN xây dựng với mục tiêu chính là để chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình. Do vậy, phương thức bảo tồn, gìn giữ phát huy các giá trị văn hóa ở đây luôn được quan tâm và coi trọng. Các hiện vật văn hóa không phải chỉ để trong tủ kính trưng bày mà được sưu tầm, tái hiện lại hết sức phong phú, sống động nhưng vẫn đảm bảo tính nguyên mẫu.

            Ngoài các kiến trúc nhà ở truyền thống của 18 dân tộc vùng Trường Sơn  -Tây Nguyên. Không gian văn hóa cụm Làng II được phục dựng lại với 11 ngôi nhà mồ tại 7 làng, với 85 bức tượng. Ngoài 11 ngôi nhà mồ được dựng tại không gian làng các dân tộc thì tại không gian bên cạnh làng dân tộc Tà Ôi được dựng lên với gần 200 bức tượng đã được hơn 20 nghệ của cộng đồng dân tộc Tây Nguyên điêu khắc để tặng lại cho Làng vào năm 2013.

            Để sưu tầm được các hiện vật có giá trị về mặt văn hóa như đồ dùng sinh hoạt, trang phục, công cụ dụng cụ lao động, các sản phẩm đan lát thủ công mỹ nghệ, các loại nhạc cụ truyền thống,... Ban Quản lýđã tổ chức các chương trình cộng đồng các dân tộc tham gia hiến tặng hiện vật. Cho đến nay, đã có đến hàng trăm các hiện vật quý do các địa phương, các nghệ nhân hiến tặng và được trưng bày, bảo quản tại các nhà trưng bày hay chính nhà ở của các làng dân tộc.

            Cụm làng dân tộc II không chỉ phục dựng lại kiến trúc văn hóa vật thể mà còn là nơi tổ chức tái hiện lại các nghi thức, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Đến nay, đã đón được 72 lượt đồng bào của 6 tỉnh, thành phố và Trường Trung cấp Đam San về tham gia vận hành, đã tái hiện lại 43 nghi thức lễ hội, trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống như: lễ mừng nhà mới; lễ cúng lúa mới; lễ cầu mưa; lễ trỉa lúa; lễ cúng bến nước, lễ cưới,...

            Cũng giống như các làng khác, việc duy tu, bảo dưỡng đối với kiến trúc nhà ở tại Cụm làng IIđặt ra không ít khó khăn do điều kiện mưa bão, giông lốc. Chính vì vậy, tình trạng nhà tốc mái xảy ra thường xuyên vào mùa mưa bão. Cảnh quan thiên nhiên cũng chịu ảnh hưởng rất lớn của những mùa mưa bão. Bên cạnh đó, cần có những chính sách hỗ trợ hơn nữa để giúp đồng bào về sinh sống, lưu giữ và bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu. 

            Do đó, thường xuyên tổ chức rà soát, sửa chữa nhỏ các ngôi nhà đồng bào đang hoạt động hàng ngày và các ngôi nhà có đồng bào dân tộc về tham gia sự kiện, đặc biệt là khắc phục các sự cố sau giông lốc trong mùa mưa bão.Xây dựng và triển khai phương án tăng cường vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp thường xuyên phục vụ khách tham quan: đảm bảo cảnh quan theo tuyến điểm tham quan, thực hiện phân loại rác thí điểm, trồng hoa nâng cấp cảnh quan, chăm sóc cây do lãnh đạo trồng kỷ niệm, thu gom và vận chuyển rác ra ngoài xử lý theo quy định.

            Để nâng cao vai trò và huy động được sự tham gia của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa vật thể tại, cần tuyên truyền, định hướng giúp cho người dân nhận thức đúng vai trò, giá trị văn hóa vật thể, để từ đó cộng đồng có sự quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy, đầu tư khai thác một cách hợp lý. Cộng đồng cùng nhau vun đắp, giữ gìn hình ảnh, niềm tự hào, danh dự của dân tộc mình.

            Cần phát huy vai trò của người dân trong xây dựng quy ước gìn giữ bảo tồn văn hóa, quy ước phục vụ khách du lịch, góp phần khơi dậy những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình. Già làng có vai trò hết sức quan trọng, cần phải phát huy đội ngũ này trong vấn đề bảo tồn và phát huy. Người tiên phong trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa đó chính là những nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín, bởi họ chính là tấm gương cho cả cộng đồng học tập và làm theo. Cộng đồng cần phải nâng cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, cùng bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

            Văn hóa vật thể chính là trung tâm, là đối tượng, là nguồn tài nguyên quý giá của văn hóa vùng Trường Sơn - Tây Nguyên.Không những cần được gìn giữ, không để mai một, mất đi mà còn cần phải làm cho chúng phong phú thêm, giàu có thêm trong đời sống đương đại. Trong bối cảnh phát triển xã hội ngay nay, nguồn tài nguyên này cần được phát huy theo nhiều cách trong đó có cách biến chúng thành các sản phẩm du lịch phục vụ du khách tham quan.

            Đồng thời tạo cơ chế chính sách để các nghệ nhân phổ biến văn hóa vật thể và phi vật thể, truyền dạy nghề, nghệ thuật truyền thống khi du khách tới tham quan. Hoàn chỉnh chính sách phối hợp với các địa phương đưa đồng bào về hoạt động hàng ngày phù hợp với lợi ích của cộng đồng dân tộc.Đẩy mạnh sự hợp tác liên kết phát triển du lịch nhằm phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; chủ động hợp tác quốc tế về văn hóa nhằm tiếp thu những kinh nghiệm bảo tồn, tổ chức, quản lý văn hóa của các nước trên thế giới.

            Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể vùng Trường Sơn -  Tây Nguyên tại LVH-DLCDTVN, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong điều kiện mở cửa giao lưu hội nhập quốc tế, trong điều kiện đất nước đang chuyển mình, cần quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể tại đây để góp phần giữ gìn bản sắc của văn hóa Việt Nam một bản sắc văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc.

            Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể vùng Trường Sơn - Tây Nguyên trong thời kỳ hiện nay không còn là nhiệm vụ riêng của LVH-DLCDTVN hay 18 dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, mà là vấn đề đặt ra cho các Bộ nghành liên quan, từ Trung ương đến địa phương cũng như tất cả người dân Việt Nam có những hành động thiết thực đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể để nét đẹp văn hóa mãi được lưu truyền.

Tài liệu tham khảo

            1.  Phòng Nghiệp vụ – Tổ chức sự kiện, Ban Quản lý Khu các làng dân tộc, Báo cáo công tác năm 2018, Hà Nội.

            2. Nguyễn Hồng Thái (2014), Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc ở Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

            3. Thủ  tướng  Chính  phủ  (1997),  Quyết định số 667/TTg ngày 21/8/1997 về phê duyệt Quy hoạch tổng thể Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam,  Hà Nội.

            4. Thủ tướng Chính phủ (1999), Quyết định số 142/QĐ-TTg ngày 16/6/1999 thành lập Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hà Nội.

            5. Thủ  tướng  Chính  phủ  (2003),  Quyết  định  số  124/2003/QĐ-TTg ngày17/06/2003 về việc phê duyệt Đề án bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020, Hà Nội.

            6. Thủ tướng Chính phủ (2006), Quyết định số 15/2006/QĐ-TTg ngày 18/01/2006  quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hà Nội.

            7. Thủ tướng Chính phủ (2008), Quyết định 95/2008/QĐ-TTg ngày 10/7/2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Hà Nội.

8. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội (1992), Công văn số 3387/VX-UB ngày 19/10/1992 về việc Thống nhất xây dựng Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam.Hà Nội.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Quản lí Văn hóa