Nội san

BIỆN PHÁP DẠY HỌC PIANO CHO TRẺ 5 TUỔI

20 Tháng Năm 2019

Hoàng Văn Đạt [*]

                                                                          

Giáo dục âm nhạc cho trẻ nói chung và dạy piano cho trẻ 5 tuổi nói riêng là hoạt động nghệ thuật có tác dụng nâng cao thẩm mỹ, giúp trẻ phát triển trí tuệ, thúc đẩy phát triển ngôn ngữ, có khả năng trải nghiệm những cảm xúc trong quá trình cảm thụ và thể hiện âm nhạc.

Để dạy học piano đạt hiệu quả, giáo viên cần thiết kế giờ dạy và hướng dẫn từng nội dung dạy học cho phù hợp. Ngoài việc dạy cho trẻ đạt được cách chơi các kỹ thuật cơ bản: legato, nonlegato qua thực hành luyện gam và bài tập thực hành theo đúng mục tiêu dạy học, các nội dung về lý thuyết cũng cần được lồng gép đưa vào chương trình với cách thiết kế phong phú, để bổ trợ cho việc dạy piano đạt hiệu quả tốt. Bên cạnh những yêu cầu cần đạt về kỹ thuật, giáo viên cần nâng cao nhận thức thẩm mỹ về âm nhạc cho trẻ trong từng tiết học, giúp các em cảm nhận và có tư duy tốt vể âm nhạc phù hợp với lứa tuổi, từ đó hình thành kỹ năng thực hành tốt trên đàn piano.

Nội dung thực hành piano

Chương trình dạy học piano cho trẻ 5 tuổi cần được biên soạn dựa trên cơ sở lựa chọn từ một số giáo trình đang lưu hành rộng rãi tại các trung tâm đào tạo âm nhạc có uy tín ở Hà Nội, nhưng chủ yếu là áp dụng giáo trình John Thompson (phần 1 và phần 2). Đây là giáo trình sử dụng khá nhiều các bài tập bổ trợ nhằm rèn luyện khả năng đọc nốt, giữ nhịp, hòa tấu, ôn tập lý thuyết, xướng âm. Ngoài ra, có thể cho trẻ tập ghép với phần đệm của giáo viên sau khi đã ghép bài hoàn thiện. Những nội dung đó sẽ giúp các em hứng thú trong việc học và rèn luyện khả năng giữ nhịp khi chơi hòa tấu, phần đọc nốt (read aloud), xướng âm các tiểu phẩm, bài tập về nhà (ở các phần word sheet),… Giáo trình John Thompson có những đặc điểm phù hợp hơn với đối tượng trẻ em (đặc biệt là trẻ 5 tuổi) mới theo học đàn piano.

Để phù hợp với lứa tuổi lên 5, cần đề xuất biên soạn các bản piano dựa trên những giai điệu ca khúc thiếu nhi Việt Nam, là những bài hát quen thuộc mà các em đã được học từ lớp mẫu giáo bé, mẫu giáo nhỡ. Những giai điệu quen thuộc đó sẽ  kích tích tinh thần học tập của trẻ. Trong quá trình thực hiện, cần nắm vững nguyên tắc biên soạn piano cho trẻ 5 tuổi phải đơn giản, dễ nhìn, dễ thuộc.

Các ca khúc thiếu nhi được lựa chọn để soạn thành bản nhạc cho piano phải có nội dung trong sáng, giai điệu đẹp, phụ hợp với lứa tuổi như: Ai cũng yêu chú mèo (Kim Hữu), Đàn gà con (Nhạc: phi-lip-pen-cô: lời: Việt Anh), Mời bạn vui múa ca (Phạm Tuyên), Một con vịt (Kim Duyên), Rửa mặt như mèo (Hàn Ngọc Bích), Tập đếm (Hoàng Công Sử), Cả nhà thương nhau (Phan Văn Minh), Đi học về (Hoàng Lân - Hoàng Long), Đội kèn tí hon (Phan Huỳnh Điểu), Sắp đến tết rồi (Hoàng Vân), Tạm biệt búp bê thân yêu (Hoành Thông), Thật là hay (Hoàng Lan),... Những ca khúc này có giai điệu trong sáng, hồn nhiên và chân thật sẽ giúp các em liên tưởng tới những hình ảnh thực trong đời sống.

Ngoài ra, để giúp các em phát triển kỹ thuật piano, chương trình học cũng cần có thêm một số bài tập luyện gam, hanon và etude nhỏ. Đây là dạng bài tập rất tốt để củng cố và phát triển kỹ thuật cho ngón tay. Dạng bài tập này cũng cần chú ý lựa chọn những bản có tính chất âm nhạc khác nhau để tăng thêm sự hấp dẫn, tránh gây nhàm chán cho trẻ trong quá trình rèn luyện.

Phần lý thuyết bổ trợ

Để học piano hiệu quả, trẻ 5 tuổi cần phải được trang bị một số kiến thức âm nhạc cơ bản để nhận biết được các ký hiệu, hình nốt trên bản nhạc. Khi được học lý thuyết, các em sẽ được tư duy từ  lý thuyết sang thực hành một cách vững vàng, tránh được tình trạng “học vẹt”, học máy móc kiểu truyền ngón như trước.

Với phần lý thuyết, để phù hợp với mức độ tiếp nhận của trẻ, nên giới hạn ở mức độ sơ giản nhất. Theo đó, nội dung về ký hiệu được lựa chọn để trẻ có thể nhận biết ngay là: khóa nhạc; các nốt nhạc cơ bản; vị trí các nốt cơ bản trên khuông nhạc có khóa sol; vị trí các nốt nhạc trên khuông nhạc có khóa pha; các tiết tấu cơ bản: đen, đơn, trắng, tròn; các ký hiệu ngân dài: dấu chấm dôi, dấu miễn nhịp (dấu mắt ngỗng), dấu luyến; dấu nhắc lại (quay lại).

Biện pháp dạy học

Khi dạy các bài tập trong giáo trình John Thompson’s cho trẻ, GV cần hướng dẫn tập di chuyển ngón tay trên phím đàn một cách tự nhiên. Do ngón tay ở lứa tuổi này còn mềm, nên mỗi buổi học cần phải sửa kỹ ngón tay và thế ngồi để các em không bị gồng người, gồng tay.

Các ngón tay khi chơi piano có quy định, từ ngón cái đến ngón út sẽ tương ứng với các số từ 1 đến 5. Khi hướng dẫn trẻ, bên cạnh việc giảng giải, giáo viên cần làm mẫu cho các em nắm bắt nhanh hơn kỹ thuật bàn tay và ngón tay. Theo đó, ngón 1 (ngón cái) đánh vào cạnh ngón vuông góc với phím đàn. Các ngón còn lại, ngón 2 tương ứng với ngón trỏ, ngón 3 tương ứng với ngón giữa, ngón 4 tương ứng với ngón áp út, ngón 5 tương ứng với ngón út phải được khum tròn, không bị gãy ngón hoặc vểnh ngón lên khỏi phím đàn. Cùng với bàn tay và ngón tay khum tròn, GV cũng cần lưu ý phần vai, cánh tay và bàn tay của trẻ cũng phải thả lỏng. Đó là những yêu cầu cần đạt khi rèn luyện cho trẻ học piano ở cấp độ cơ bản.  

Luyện gam cũng là yêu cầu cần đạt đối với trẻ 5 tuổi. Khi được luyện gam, các em sẽ được luyện ngón tay linh hoạt hơn. Tuy nhiên, với đối tượng nhỏ tuổi này, chỉ nên hướng dẫn luyện gam đô trưởng, là gam mẫu về sự sắp xếp ngón tay để rèn cho các em kỹ thuật luồn ngón và vắt ngón, đồng thời hình thành nên những cung bậc của hàng âm cơ bản.

Khi luyện gam, GV cũng cần chú ý tư thế ngồi và độ cao của ghế cho phù hợp với trẻ, phải luôn chỉnh sửa cách thả lỏng cánh tay, cổ tay, ngón tay khum tròn và phải tuân thủ đúng số ngón tay theo quy định tương ứng với từng nốt nhạc.

          Các bài tập piano biên soạn từ ca khúc thiếu nhi là những bài hát dễ nhớ, dễ thuộc, nội dung trong sáng, giai điệu vui tươi, hình ảnh sống động, có thể đáp ứng được mục đích rèn luyện nhân cách, hình thành thế giới quan cho trẻ. Chẳng hạn, ca khúc Một con vịt; Đàn gà con, Rửa mặt như mèo... sẽ gợi cho trẻ niềm vui, hào hứng phấn khởi bởi tính chất nhộn nhịp của bài hát, đồng thời khi học, các em sẽ liên tưởng hình ảnh của những động thực vật diễn ra ở xung quanh mình, giúp các em tòm mò và quan sát kỹ hơn khi được tiếp cận với chúng. Các ca khúc Cả nhà thương nhau; Đi học về; Đội kèn tí hon; Sắp đến tết rồi; Tạm biệt búp bê thân yêu; Thật là hay... sẽ giúp trẻ hình thành những tình cảm đạo đức, gợi nên những tình cảm yêu mến, kính trọng bố mẹ, thầy cô, bạn bè.

          Như vậy, những bản piano được biên soạn từ ca khúc thiếu nhi không chỉ củng cố những kỹ thuật cơ bản được học từ giáo trình John Thompson’s đồng thời còn giúp cho trẻ đến với cái đẹp một cách tự nhiên, góp phần giúp các em biết yêu và trân trọng cái đẹp.

Ngoài ra, GV có thể lựa chọn bài tập luyện ngón của Hanon và etude cho trẻ luyện tập. Đây là các dạng bài tập luyện giúp cho các ngón tay nhanh linh hoạt hơn. Với đối tượng trẻ mầm non, chỉ nên lựa chọn hai dạng bài luyện quãng 2 và quãng 3, là những quãng hẹp, phù hợp với độ dãn của ngón tay mà không bị quá sức đối với các em. Khi hướng dẫn luyện tập, cần tạo tiếng đàn đều đặn, rõ nét ở từng nốt nhạc. Tất nhiên, trong quá trình rèn luyện, luôn phải tuân thủ ngón tay đúng kỹ thuật khum tròn, bổ xuống phím đàn bằng phần dưới đầu ngón tay, cổ tay thẳng và mềm mại.

Khi tập etude và bài tập của Hanon, các ngón phải di chuyển một cách ổn định trên bàn phím piano, không kéo ngón tay từ phím này sang phím khác mà phải ổn định ngón khum tròn, đều đặn. Với đối tượng trẻ mới lên 5, khi được rèn luyện những bài tập này, các kỹ thuật cơ bản sẽ được củng cố, giúp cho ngón tay linh hoạt và đáp ứng đúng yêu cầu về kỹ thuật.

Tóm lại, với những tác dụng hữu ích, piano đã trở thành môn học cần thiết cho mọi lứa tuổi, đặc biệt là giúp cho trẻ em trong giai đoạn đầu đời. Việc trang bị cho trẻ 5 tuổi những kỹ năng ban đầu để có thể chơi đàn piano ở mức độ cơ bản đã giúp cho các em cảm thụ được âm nhạc một cách tốt hơn, đồng thời nâng cao khả năng nghe âm nhạc qua những bài tập thực hành. Piano là một trong những môn học đặc thù nên phương thức luyện tập cần phải có những biện pháp khác nhau, phù hợp với độ tuổi và tâm sinh lý của trẻ. Do đó, khi dạy học GV cần quan tâm đến việc rèn luyện cho các em thả lỏng cơ thể, thả lỏng cánh tay và các ngón tay phải được khum tròn, sắp xếp đúng theo quy định chơi đàn piano. Khi thực hành bài tập, cần có sự đầu tư kỹ lưỡng về giáo trình, nội dung dạy học để có thể hướng dẫn trẻ hiệu quả từ khâu vỡ bài cho đến hoàn thiện bài.

 

                                           Tài liệu tham khảo

 

  1. Đào Ngọc Dung sưu tầm biên soạn (2009), Âm nhạc thiếu nhi - tác giả, tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Lê Dũng (2001), Piano cho thiếu nhi phần 1,2,3, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  3. Tạ Quang Đông (2013), Một số hình thức kỹ thuật cơ bản của nghệ thuật chơi đàn piano, Nxb Âm nhạc.
  4. Lê Thị Hiền (2010), Học chơi đàn piano nhanh nhất cho trẻ em, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  5. Phạm Tuyên (1999), Âm nhạc với trẻ em, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

 

------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K8 - Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc