Nội san

Đổi mới phương pháp dạy học Nhạc cơ sở cho Sinh viên Cao đẳng Sư phạm Mầm non

28 Tháng Năm 2019

                                                      Nguyễn Thị Ái [*]

Giáo dục âm nhạc (AN)  trong trường Mầm non được xem là một hình thức giáo dục mang tính đặc thù, đan xen giữa các nội dung giáo dục khác nhằm đạt được mục tiêu giáo dục đề ra. Mục đích của giáo dục âm nhạc cho lứa tuổi mầm non nhằm hình thành và phát triển nhân cách cho trẻ.

Trong chương trình đào tạo giáo viên Mầm non, trình độ Cao đẳng bao gồm khối kiến thức giáo dục đại cương và chuyên nghiệp. Trong khối kiến thức chuyên nghiệp, ngoài các môn rèn luyện về nghiệp vụ Mầm non; sinh viên (SV) được trang bị các kiến thức về âm nhạc. Trong đó môn Nhạc cơ sở (NCS) được xem là môn học làm nền tảng, đóng vai trò quan trọng, là điều kiện tiên quyết cho các môn học AN tiếp theo. Môn học này bao gồm 2 nội dung lý thuyết (các kiến thức về lý thuyết âm nhạc cơ bản) và thực hành (học các bài hát  mầm non).

Qua thực tế giảng dạy học AN cho sinh viên (SV) Mầm non tại trường Cao đẳng Sư phạm TW- Nha Trang, chúng tôi nhận thấy ngoài những ưu điểm như: SV nắm được các kiến thức cơ bản về nhạc lý, bước đầu thực hành được các bài hát mầm non. Giảng viên (GV) đa số nhiệt tình, tâm huyết, có sự đầu tư trong giảng dạy, Tuy nhiên các phương pháp (PP) mà GV sử dụng vẫn chưa thật sự đạt hiệu quả. Để vận dụng các kiến thức AN trong việc thực hành bài hát thì SV chưa thể hiện rõ, các em còn lúng túng trong thực hành bài hát, vỗ đệm theo phách - nhịp chưa đều, còn hát sai cao độ theo thói quen, chưa thể hiện rõ tính chất tình cảm bài hát. GV chưa có PP tối ưu cho việc hướng dẫn SV học lý thuyết và thực hành, chưa có nhiều sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau giữa hai nội dung này.

1. Phương pháp dạy học cho phần Lý thuyết âm nhạc cơ bản

            Theo định hướng của việc đổi mới giáo dục hiện nay, thì quá trình giáo dục cần chú trọng đến việc phát triển năng lực của người học, giúp người học phát huy tối đa tính tích cực - chủ động - sáng tạo của mình. Qua đó, mỗi GV cần tích cực trong việc thay đổi PP dạy học cho phù hợp, hiệu quả.

            Để SV nắm chắc các kiến thức về Lý thuyết âm nhạc, GV nên yêu cầu SV tìm ví dụ cho mỗi khái niệm hoặc ngược lại, GV phân tích ví dụ và yêu cầu SV đưa ra các khái niệm. Có như vậy, mới phát huy được tính tích cực, chủ động của SV; tăng cường sự tương tác giữa thầy - trò, tạo môi trường dạy học tích cực, lôi cuốn SV vào bài học. Sau mỗi nội dung, GV ra các bài tập thực hành trên lớp và ở nhà cho SV. Các bài tập được tổ chức với nhiều hình thức: nhóm, cá nhân; cần cho SV tự  kiểm tra, đánh giá chéo trước khi GV đánh giá.

Ví dụ: với nội dung bài “ Trường độ”, khi giới thiệu các hình nốt và các dấu lặng theo thứ tự: tròn, trắng, đen…và phân tích giá trị trường độ, GV cần yêu cầu SV xác định sự tương quan trường độ cơ bản (trường độ đứng trước có giá trị gấp đôi trường độ đứng sau kề nó). Sau đó, ra các bài tập ứng dụng; các bài tập được khai thác theo nhiều hướng khác nhau. Có thể ra các bài tập như sau:

Thay mỗi nhóm trường độ sau bằng một nốt có độ dài tương đương:

Hãy xác định sự tương quan trường độ:

Ở  dạng bài tập thứ nhất, SV được yêu cầu thay thế tổng số trường độ được liên kết lại bằng một nốt có độ dài tương đương với nó. Còn ở dạng bài tập thứ hai, SV cần xác định tổng số các nốt được liên kết có giá trị bằng bao nhiêu nốt đen. Như vậy, dù hướng khai thác bài tập ở hai dạng khác nhau, nhưng SV chỉ cần nắm, hiểu về sự tương quan trường độ cơ bản là có thể thực hiện nhanh, đúng cả hai dạng này.

Ngoài lựa chọn PP dạy học phù hợp, thì việc khai thác hiệu quả các trang thiết bị trong quá trình lên lớp cũng góp phần trong việc chuyển tải nội dung và cung cấp thông tin đến SV. GV có thể minh họa các vấn đề bằng phương tiện nghe nhìn trực quan, để mở rộng tư duy, nâng cao năng lực cảm thụ âm nhạc cho SV. GV lựa chọn thiết bị dạy học hiện đại (âm thanh audio, máy chiếu…) kết hợp với các phương tiện dạy học truyền thống (đàn piano, bảng dòng kẻ…) sao cho phù hợp với từng nội dung bài giảng.

Ví dụ: khi trình bày các điệu thức trưởng - thứ, ngoài việc phân tích cấu tạo, GV nên kết hợp cho SV nghe màu âm của các loại điệu thức để SV phân biệt bằng tai nghe; như vậy, SV sẽ dễ dàng cảm nhận sự khác nhau giữa điệu thức trưởng - thứ. Với nội dung này, GV có thể cho SV nghe trực tiếp trên đàn piano hoặc nghe qua các phương tiện. Việc kết hợp giữa nghe và nhìn, chắc chắn truyền tải nội dung đến SV một cách nhanh chóng, đầy đủ và quá trình dạy học sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Tăng cường vận dụng lý thuyết vào thực hành để có thể hiểu sâu hơn và trau dồi kỹ năng thực hành. Nếu chỉ dừng lại ở việc nắm bắt kiến thức mà không rèn luyện kỹ năng thì không đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của môn học. Ví dụ: khi tập xác định tên các nốt nhạc qua các bài tập, cần phải xác định ngay trong các bài hát và kết hợp đọc cao độ của bài; hoặc làm các bài tập về trường độ, nhịp phách thì nên kết hợp đọc nhạc, hoặc hát có gõ, vỗ tay theo phách, nhịp hoặc tiết tấu của bài trong chương trình. Như vậy thì nội dung lý thuyết và thực hành mới có sự phối hợp bổ trợ cho nhau giúp sinh viên nắm được kiến thức và có được kỹ năng như mong muốn.

GV cần có sự linh hoạt để phối hợp tốt giữa giữa 2 nội dung lý thuyết và thực hành âm nhạc. Ví dụ: khi phân tích về nhịp- phách, GV nên lấy các bài hát trong chương trình ra phân tích từng phách- nhịp trong từng câu, đoạn, cách ghõ theo phách- nhịp ở bài hát cụ thể tức lồng ghép lý thuyết và thực hành. GV cũng cần chú ý đến việc sử dụng các hình thức tổ chức lớp học sao cho phù hợp: cá nhân, nhóm, tập thể để tạo sự đa dạng, phong phú nhằm thu hút SV vào bài giảng, có như thế mới có thể khai thác tối đa năng lực của SV trong quá trình học.

2. Phương pháp dạy học cho phần Thực hành các bài hát trong chương trình giáo dục mầm non

            Trong chương trình môn NCS, ở nội dung thực hành, SV luyện tập các bài hát mầm non và các bài hát “cho trẻ nghe hát”. Với nội dung này, GV hướng dẫn SV chủ yếu là theo lối truyền khẩu và làm mẫu sửa sai cho SV. Cách hướng dẫn theo một quy trình: hát mẫu, luyện tập từng câu theo lối móc xích, ghép toàn bài cho đến khi hoàn chỉnh. Như vậy, những hoạt động của giờ thực hành được tiến hành dưới vai trò chủ đạo của GV. SV hát được giai điệu, có chú ý thể hiện được sắc thái bài hát, chủ yếu là làm theo sự hướng dẫn từng bước của GV; còn việc tự vỡ bài hát mới hay tìm hiểu tính chất bài hát để thể hiện cho phù hợp thì SV còn nhiều lúng túng. Do đó, cần có sự thay đổi phương pháp dạy học thực hành để khắc phục những hạn chế trên của SV, giúp SV có thể vỡ các bài hát có cấu trúc đơn giản, hoặc tự ghép được đúng giai điệu, lời ca sau khi nghe GV đàn hoặc xướng âm bài hát. GV hướng dẫn gợi ý SV tự tập xử lý kỹ thuật,thể hiện tính chất bài hát, sau đó GV góp ý chỉnh sửa thêm cho các em được nhuần nhuyễn hơn. Do đó, để SV học thực hành bài hát được một cách tối ưu nhất, GV cần phải thay đổi PP dạy học theo hướng tích cực.

            Mặc dù là hướng dẫn thực hành, nhưng PP thuyết trình cần được sử dụng cho việc giới thiệu về nội dung, tính chất bài hát, mục đích để SV nắm được khái quát về bài đồng thời, trong mỗi hoạt động cần có sự phân tích, giảng giải cho từng vấn đề. Để PP này mang lại hiệu quả, cần chú ý đến việc diễn giải sao cho ngắn gọn, súc tích, rõ ràng, nổi bật vấn đề; tránh dài dòng, gây cảm giác nhàm chán.

            Đối với các môn thực hành AN, thì PP cần thiết và quan trọng là PP thị phạm. GV hát mẫu hoặc làm mẫu từng câu, từng chữ để sửa sai cho SV. PP này có hiệu quả rất cao trong những giờ thực hành, SV sẽ lĩnh hội được vấn đề một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng từ phía GV; bởi việc thể hiện bài hát không chỉ đúng mà còn phải mang sức truyền cảm đến cho người nghe, có như thế mới tạo sự hứng thú cho SV trong quá trình học hát. Các bước học hát phải được thực hiện liên lục, nhiều lần. Do đó, bên cạnh các PP trên, PP mà GV thường sử dụng cho hoạt động này chính là PP thực hành - luyện tập. Khi nắm được khái quát nội dung, giai điệu bài hát; SV  bắt đầu thực hành theo sự hướng dẫn của GV; mỗi câu, mỗi đoạn trong bài được luyện tập liên tục theo trật tự logic cho đến khi hoàn thiện bài. Việc thực hành - luyện tập giúp SV nắm vững giai điệu, sắc thái bài hát và thực hành lại chính xác. Tuy nhiên, GV cần tạo cho SV tính chủ động, tích cực khi tiến hành PP này, bằng cách yêu cầu các cá nhân/nhóm tổ chức luyện tập và tự sửa sai cho nhau trước khi GV sửa. Điều này sẽ tạo được sự tập trung, đồng thời rèn luyện tai nghe cho SV trong quá trình cảm thụ AN. Giữa lý thuyết và thực hành luôn có sự liên quan, móc xích chặt chẽ. Do đó, để thực hành tốt thì kiến thức lý thuyết phải vững vàng; thông qua các bài tập LTANCB để vận dụng vào các bài hát mầm non.

            Kết luận

Để quá trình dạy học đạt hiệu quả như mong muốn, Giảng viên cần phải có phương pháp dạy học phù hợp, biết lựa chọn và phối hợp các (PP), có sự đổi mới phù hợp với từng nội dung giờ học lý thuyết và  thực hành. Mục đích giúp cho SV vừa vững về kiến thức lý thuyết âm nhạc cơ bản, vừa có kỹ năng thực hành hát đúng cao độ, tiết tấu, biết kết hợp gõ đệm, đồng thời biết thể hiện nhạc cảm, có phong cách tự tin khi biểu diễn.

Đổi mới phương pháp dạy học phù hợp sẽ hướng tới việc tiếp cận năng lực của SV, làm cho SV chủ động, tích cực trong việc lĩnh hội kiến thức vàrèn luyện kỹ năngnhằm đạt mục tiêu, nâng cao chất lượng dạy học.

Trên đây là vấn đề nghiên cứu của chúng tôi về đổi mới về phương pháp dạy học LTANCB và thực hành các bài hát cho SV Mầm non. Đây cũng là một trong những biện pháp góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn nhạc cơ sở cho SV Cao đẳng Sư phạm Mầm non.

                                    TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đặng Vũ Thị Mai Quế Anh (2016), Dạy học môn Lý thuyết âm nhạc cơ bản ở trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Nam Định, Luận văn thạc sĩ Âm nhạc, Trường ĐHSP Nghệ Thuật TW.
  2. Mai Linh Chi (2014), Phương pháp giảng dạy môn Lý thuyết âm nhạc cho hệ ĐHSP Âm nhạc trường ĐHSP Nghệ Thuật TW.
  3. Phạm Tú Hương (2007), Lý thuyết âm nhạc cơ bản, Nxb ĐHSP.
  4. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp học hát, Nxb Văn hóa, Hà nội.
  5. Nguyễn Minh Toàn, Nguyễn Hoành Thông, Nguyễn Đắc Quỳnh (2000), Âm nhạc và phương pháp dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  6. Phan Trọng Ngọ (2005), Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, Nxb Đại học sư phạm.

--------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K9 -  Lí luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc