Nghiên cứu lý luận

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG KARAOKE TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ BẮC GIANG

10 Tháng Sáu 2019

Trần Mai Phong [*]

 

Karaoke là hình thức sinh hoạt văn hóa hiện đại, là sự kết hợp giữa âm nhạc và hình ảnh, giữa giải trí và đam mê, là một hình thức giải trí, thư giãn khá phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới, karaoke là phương tiện giải trí lành mạnh, hướng con người đến điều tốt đẹp.

Trong quá trình hội nhập và phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh Bắc Giang từng bước được nâng lên, các hoạt động văn hoá, dịch vụ văn hoá trong đó có hoạt động dịch vụ karaoke có xu hướng phát triển nhanh, tính đến hết năm 2018 trên địa bàn thành phố Bắc Giang có 62 cơ sở kinh doanh karaoke tập trung tại các khu vực: xã Song Khê, Tân Mỹ, đường Nguyễn Thị Lưu, phường Ngô Nguyền, phường Thọ Xương….Hoạt động dịch vụ karaoke đem lại hiệu quả xã hội thiết thực, tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia hưởng thụ một hoạt động văn hóa hiện đại, lành mạnh, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thương mại - du lịch và thu hút đầu tư. Tuy nhiên, karaoke là loại hình khá nhạy cảm nếu phát triển tràn lan, thiếu quy hoạch và quản lý, công tác kiểm tra không chặt chẽ thì các cơ sở kinh doanh dịch vụ này dễ biến tướng, phát sinh các tệ nạn xã hội, làm ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và nhu cầu thẩm mỹ của bộ phận nhân dân, nhất là giới trẻ, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, nguy cơ làm cho giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống tốt đẹp bị đe dọa.

1. Thực trạng quản lý các dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố Bắc Giang trong thời gian qua.

Trong các năm qua, được sự chỉ đạo thống nhất từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố, các xã, phường thị trên địa bàn thành phố đã tham gia tích cực trong công tác quản lý đối với dịch vụ karaoke.

Công tác quy hoạch karaoke trên địa bàn thành phố cụ thể, khoa học đảm bảo hài hòa giữa kinh tế, văn hóa, chính trị; không có các cơ sở kinh doanh tại các khu vực, tuyến đường có trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể, các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo; khu vực, tuyến đường dành để tổ chức các hoạt động chính trị, nghi lễ truyền thống hoặc khu tưởng niệm cần sự yên tĩnh.

 Công tác quản lý nhà nước về hoạt động karaoke được chú trọng và tăng cường. UBND tỉnh, Sở VHTTDL, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ, tạo điều kiện để phát triển và quản lý dịch vụ karaoke; tổ chức phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các cơ sở kinh doanh giúp cho chủ các cơ sở hiểu biết các quy định về điều kiện hoạt động, an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ, hợp đồng lao động…Bên cạnh đó có sự tham gia tích cực của cộng đồng trong quản lý dịch vụ; các hiện tượng tiêu cực trong hoạt động karaoke từng bước được hạn chế. Hoạt động dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố đã dần đi vào nề nếp, phần lớn các cơ sở kinh doanh trên địa bàn hiểu và chấp hành tốt các quy định trong hoạt động.

Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn tồn tại những hạn chế trong công tác quản lý dịch vụ này. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên nên vẫn xảy ra tình trạng vi phạm các quy định trong hoạt động kinh doanh như: Sử dụng nhân viên nữ phục vụ trong một phòng karaoke vượt quá số lượng quy định; gây tiếng ồn vượt quy chuẩn; hoạt động quá thời gian quy định; hoạt động ngoài phạm vi giấy phép… Mặc dù chưa xảy ra những vụ việc vi phạm lớn, nhưng cũng đã có hiện tượng kinh doanh không lành mạnh, biến tướng, trá hình, trục lợi, để xảy ra việc khách dùng ma túy, môi giới mại dâm gây mất an ninh, trật tự.

Hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke được thực hiện trong một thời gian dài; một số quy định, điều kiện không còn phù hợp với tình hình thực hế nhưng việc điều chỉnh, bổ sung chưa kịp thời.

Quá trình quản lý dịch vụ karaoke còn bộc lộ những khó khăn, hạn chế, tồn tại, bất cập cần phải giải quyết; yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan quản lý là làm thế nào để phát huy tốt mặt tích cực của dịch vụ karaoke, ngăn chặn có hiệu quả những biến tướng phức tạp, tiêu cực, đưa hoạt động dịch vụ karaoke ở thành phố Bắc Giang phát triển đúng hướng thì cần có những giải pháp cụ thể và cơ bản.

2. Những giải pháp quản lý dịch vụ karaoke góp phần kích cầu thị trường văn hóa phát triển

 Để thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động dịch vụ karaoke thì một trong các nhiệm vụ quan trọng đó là công tác thanh tra, kiểm tra; thông qua thanh, kiểm tra để nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động và xử lý các vi phạm.

Để thực hiện tốt công này, trước hết quan tâm xây dựng đội ngũ thanh tra viên, cán bộ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra từ tỉnh đến thành phố, xã, phường phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có nghiệp vụ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm, am hiểu và nắm vững các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh và các quy định trong việc xử lý vi phạm.

Công tác thanh tra, kiểm tra phải có kế hoạch và được triển khai thường xuyên. Trước khi tiến hành phải khảo sát nghiên cứu kỹ địa bàn, nắm bắt tình hình, xác định những vấn đề trọng tâm cần giải quyết, dự đoán các tình huống có thể xảy ra và đưa ra các phương án dự phòng. Quá trình thực hiện phải có đầy đủ phương tiện, trang thiết bị nhằm đánh giá đúng mức độ vi phạm của các cơ sở kinh doanh. Các đợt kiểm tra có tính chất phức tạp, cần được tổ chức kết hợp giữa Thanh tra Sở VHTTDL với Đội kiểm tra liên ngành các cấp.

Hoạt động thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành khách quan, công bằng, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ sở kinh doanh. Chú trọng kiểm tra địa bàn phức tạp, gây dư luận hoặc bức xúc trong nhân dân.  Xử lý vi phạm hành chính là khâu quan trọng, là cơ sở để đảm bảo công bằng xã hội và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Để làm tốt điều đó thì các hành vi vi phạm phát hiện phải được xử lý nghiêm minh, việc xử phạt vi phạm hành chính cần được tiến hành công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật; trong quá trình xử lý, các hành vi vi phạm hành chính cần được xem xét tính chất, mức độ, hậu quả, đối tượng và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng, mang tính giáo dục để các cơ sở kinh doanh không tái phạm.

Bên cạnh đó, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, cần đánh giá những mặt tích cực, tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về dịch vụ karaoke; kiến nghị kịp thời các giải pháp trong công tác quản lý, chỉ đạo, đồng thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Thực tế cho thấy đội ngũ cán bộ văn hóa ở thành phố Bắc Giang và các xã, phường tính ổn định công tác không cao, thường xuyên luân chuyển công tác. Do vậy cần thiết phải có sự quy hoạch đội ngũ này, trên cơ sở đó phân loại và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Có chính sách sử dụng, bố trí cán bộ cho phù hợp, xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận đảm bảo tính kế thừa.

Để thực hiện tốt công tác quản lý dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố Bắc Giang không thể thiếu vai trò quan trọng của cộng đồng. Cần xác định rõ trách nhiệm của UBND các cấp, các ngành và đoàn thể trong việc quản lý và tham gia giám sát hoạt động karaoke trên từng địa bàn. Phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong tham gia đấu tranh, giám sát, tố giác, phản ánh các vi phạm trong kinh doanh karaoke, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng nhằm phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa, từng bước đưa karaoke vào trong hoạt động của nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, tạo điều kiện cho mọi người dân được tham gia vào loại hình văn hóa này, đồng thời có định hướng hoạt động và biện pháp quản lý chặt chẽ. Chú trọng đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở (quan tâm các khu công nghiệp), tạo nhiều điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi lành mạnh để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, giảm bớt tệ nạn xã hội và những hoạt động phi văn hóa.

Khuyến khích, động viên khen thưởng kịp thời và đưa ra những quy định bảo mật, đảm bảo an toàn đối với tập thể, cá nhân có công khai báo, tố giác những biểu hiện vi phạm tệ nạn xã hội nghiêm trọng trong kinh doanh karaoke.

Như vậy, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế cùng với xu hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước của tỉnh nói chung, của thành phố Bắc Giang nói riêng, nhiều loại hình dịch vụ văn hóa đã du nhập và phát triển thì hoạt động kinh doanh karaoke ngày càng có xu hướng phát triển mở rộng, trở thành sân chơi lành mạnh, nơi giao lưu văn hóa của các tầng lớp nhân dân; karaoke phát triển phù hợp với các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực đáp ứng nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của xã hội; tạo môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội. 

                                            TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Chính phủ (2009), Nghị định số 103/NĐ-CP, ngày 06/11/2009,Ban hành Quy chế hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng.
  2. Chính phủ (2013), Nghị định số 158/2013/NĐ-CP,ngày 12/11/2013, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Quảng cáo.
  3. Đảng cộng sản Việt Nam (2014),Nghị quyết 33-NQ/TW về“Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Nxb Lao động, Hà Nội.
  4. Trần Ngọc Thêm (1998), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  5. UBND tỉnh Bắc Giang (2012), Quyết định số 946/QĐ-UBND ngày 18/7/2012 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch địa điểm kinh doanh Karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
  6. Bách khoa toàn thư mở, https://vi.wikipedia.org/wiki/karaoke

 

 

------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7- Chuyên ngành Quản lí văn hóa