Nghiên cứu lý luận

Phương pháp vận hành các bước trong tiến trình dạy hát cho học sinh lớp 4

21 Tháng Sáu 2019

Nguyễn Lê Xuân Quý [*]

Việc dạy một bài hát ở trường tiểu học học không đơn giản là thuộc lời sau đó tiến hành dạy lại theo lối truyền khẩu mà cần có sự vận dụng phương pháp, kỹ thuật dạy học sao cho hiệu quả, phù hợp với điều kiện dạy học cụ thể.

Nói đến phương pháp dạy học hát là đề cập đến các vấn đề như sử dụng phương tiện, vận dụng và vận hành các bước của người giáo viên. Mỗi khâu trong quá trình dạy học từ nghiên cứu nội dung, lựa chọn phương pháp, dự kiến bài giảng đến tiến hành các bước thực dạy… đều có những vai trò quan trọng trong dạy học hát. Bài viết bàn về vấn đề áp dụng phương pháp dạy hát trong từng bước của quá trình dạy hát như thế nào.

Có thể nói, mỗi bước trong quy trình đều rất quan trọng và có yêu cầu cụ thể riêng, để học sinh tiếp thu một cách toàn diện, hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo nội dung thì dạy học hát cần chú trọng, thực hiện tốt từng bước thì mới đạt được kết quả như mong muốn. Đó cũng là vấn đề được đề cập đến ở phạm vi bài viết này.

1. Giới thiệu bài hát

 Đây là bước đầu tiên tạo ấn tượng, kích thích sự chú ý của các em. Dẫn dắt giới thiệu như thế nào để giúp các em hào hứng là một yếu tố quan trọng  Có thể vận dụng các phương pháp giới thiệu bài hát như sau:

Phương pháp thuyết trình (dùng lời) để giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh ra đời của bài hát. Song để việc làm này không đơn điệu, giáo viên nên kết hợp sử dụng đồ dùng trực quan như hình ảnh, mô hình, nhạc cụ liên quan đến nội dung bài, hoặc sử dụng âm thanh (đệm đàn nghe giai điệu quen thuộc, nghe giai điệu qua băng đĩa).

Có thể dẫn dắt, giới thiệu bài bằng hệ thống câu nghi vấn mà giáo viên đã chuẩn bị từ trước. Các bài hát có cùng nội dung, chủ đề sẽ học, tác giả, thông tin, sự kiện gắn liền với bài học. Sử dụng câu hỏi trắc nghiệm hoặc trò chơi đố vui để giới thiệu bài cũng đem lại hiệu quả, tạo không khí sôi nổi khi mở bài. Có thể sử dụng trò chơi ô chữ về những bài hát về chủ đề con vật, hoặc những ca khúc do nhạc sỹ Phạm Tuyên sáng tác, khi các em lật mở được từ khóa của ô chữ, có thể cho đọc đồng thanh tên bài hát. Cũng có thể cho học sinh nghe giai điệu đoán tên bài hát hoặc xem một đoạn clip mẫu đoán tên nội sung bài sẽ học. Cách thứ năm, giáo viên chuẩn bị một số câu hỏi mở rộng, liên hệ thực tế như nơi sinh sống, trọng lượng, đặc điểm, những đóng góp về loài voi trong đời sống con người…

Nhìn chung, có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để dẫn dắt vào bài nhằm kích thích, gây sự chú ý giúp học sinh tiếp thu bài hiệu quả. Giáo viên cần vận dụng linh hoạt tùy theo đặc điểm, nguồn gốc xuất xứ từng bài.

2. Đọc lời ca

Đây là bước cần thiết để các em chủ động nắm bắt ý nghĩa bài, thông qua đó phát triển ngôn ngữ, làm giàu vốn hiểu biết. Ở lớp 4, khả năng đọc viết và ngôn ngữ của các em đã hoàn thiện hơn hẳn so với các lớp dưới, vì thế học sinh có thể tự đọc lời ca, hát rõ lời, phát âm chuẩn xác hơn vì vốn từ ngữ, chính tả và ngữ âm tiếng Việt phong phú hơn. Do đó việc đọc phần lời ca, giáo viên có thể hướng dẫn để học sinh thực hiện trước ở nhà, khi đến lớp đặt câu hỏi cho giáo viên giải thích các từ khó. Rèn luyện được thói quen này sẽ giúp các em khả năng tự giác đọc lời ca, tự tin và thể hiện đúng sắc thái, tình cảm bài hát. Tuy nhiên, mức độ ghi nhớ của học sinh còn máy móc, chưa có tính hệ thống, khái quát vấn đề nên trước khi đọc lời ca, giáo viên cần gợi mở, giúp học sinh tìm hiểu, chia câu đoạn, hiểu nghĩa số từ khó và đọc lời ca trôi chảy, đọc theo tiết tấu.

Cách chia câu, đoạn trong bài hát đối với học sinh tiểu học nói chung chỉ mang tính tương đối. Do đó, cách phân chia câu chữ để tìm hiểu bài và đọc lời thường theo tiết tấu câu hát, sẽ giúp học sinh dễ dàng hơn khi học từng câu. Tùy thuộc vào từng bài, từng đối tượng học sinh, đặc biệt là khi giáo viên gợi ý cho các em trả lời, nên tôn trọng và tuyên dương, khích lệ, tạo sự gần gũi để học sinh mạnh dạn nêu ý kiến cá nhân trước tập thể.

 3. Hát mẫu

Có nhiều cách hát mẫu như nghe qua băng đĩa cassette, xem clip biểu diễn, mời trợ giảng hát mẫu... Trên thực tế, học sinh vẫn thích nghe chính giáo viên giảng dạy trình bày bài hát, vì đây là người có ảnh hưởng trực tiếp đến các em trong toàn bộ tiết học và chương trình. Qua tiếng hát kết hợp với cử chỉ, điệu bộ, giáo viên đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn và cảm xúc của học sinh. Điều này đòi hỏi giáo viên cần chuẩn bị bài tốt, rèn luyện và thể hiện giọng hát chuẩn mực, tinh tế.

Việc dẫn dắt, gợi mở cho học sinh nêu nhận xét về bài hát cũng rất quan trọng. Giáo viên có thể dùng các câu hỏi như: Hãy nêu cảm nhận của em sau khi nghe mẫu? Tính chất bài hát ra sao (vui tươi, sôi nổi hay nhẹ nhàng, tha thiết)? Giai điệu bài nhanh hay chậm? Nêu nhận xét về lời ca? Em thích câu hát nào?,...

          Ưu điểm của hát mẫu không chỉ thể hiện năng lực âm nhạc, thể hiện cảm xúc của giáo viên mà mục tiêu là học sinh được truyền cảm hứng, bước đầu làm quen với giai điệu, lời ca bài hát.

4. Khởi động giọng

 Khởi động giọng đối với học sinh tiểu học mang tính nhẹ nhàng, hít thở, đẩy hơi, đóng mở âm thanh tự nhiên nhưng đây cũng là một bước khởi đầu cơ sở nền tảng hình thành thói quen tốt trong rèn luyện kỹ năng ca hát. Việc xây dựng các mẫu khởi động giọng theo đặc điểm từng bài, không chỉ giúp các em điều tiết tốt hơi thở mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các em hát đúng giọng khi học bài hát. Giáo viên cần đàn từng nốt riêng, thị phạm chính xác để học sinh lắng nghe và thực hiện.

Các câu khởi động cho học sinh lớp 4 thường là những câu đơn giản, giáo viên có thể chọn một bài đã học cho học sinh hát. Cần lưu ý, các mẫu âm hay bài hát nên thực hiện cùng một tone, sẽ giúp học sinh ổn định về tai nghe. Thời gian cho bước khởi động giọng diễn ra từ 2 - 3 phút, giáo viên cần hướng dẫn học sinh có thái độ nghiêm túc, tư thế đứng thẳng tự nhiên, thả lỏng người, mở khẩu hình đúng. Phát âm theo 5 nguyên âm hoặc khi sử dụng bài hát ngắn thì mỗi tiếng mở phải tròn vành rõ chữ.

5. Dạy hát từng câu

Đây là bước trọng tâm trong tiến trình dạy hát. Tập từng câu giúp học sinh ghi nhớ giai điệu, hát đúng lời ca, rèn luyện khả năng nghe nhạc, phân biệt luyến láy, cao độ, thể hiện được những chỗ khó trong bài. Thời gian dành cho tập hát từng câu nhiều nhất, đòi hỏi quá trình làm việc nghiêm túc giữa thầy và trò, cách dạy hiệu quả nhất là giáo viên sử dụng nhạc cụ, đàn giai điệu và hát mẫu. Đối với một số bài hát có giai điệu đơn giản, giáo viên có thể khuyến khích học sinh hát mẫu từng câu sau khi giáo viên đã đệm đàn 2 - 3 lần để phát huy tính tích cực, đồng thời động viên, khích lệ tinh thần tự giác của các em. Bên cạnh đó, việc tuyên dương hay sửa sai những chỗ chưa đúng giúp học sinh khắc sâu kiến thức, thể hiện chính xác hơn.

Thông qua bước hát mẫu, trước khi tập từng câu, giáo viên có thể để giai điệu toàn bài cho học sinh nghe lại. Đồng thời hướng dẫn học sinh cách lấy hơi sau mỗi câu hát, thể hiện đúng những chỗ luyến láy.

Tùy vào đặc điểm từng bài, mức độ đơn giản hay phức tạp, giáo viên linh động lựa chọn cách tiến hành phù hợp. Dạy hát từng câu theo lối móc xích là phương pháp phổ biến nhất, cách dạy này giúp học sinh tiếp thu bài một cách trọn vẹn. Với mỗi câu, giáo viên nên khuyến khích các em nghe kỹ giai điệu trên đàn và thể hiện lại, đồng thời giáo viên lắng nghe phát hiện và sửa sai kịp thời, hướng dẫn học sinh cách tự điều chỉnh. Khi dạy hát từng câu, giáo viên nên khai thác triệt để phương tiện dạy học, đánh đàn giai điệu từng câu giúp học sinh cảm nhận chính xác cao độ, âm thanh trầm bổng của nhạc cụ tạo không khí sôi nổi trong tiết học và tạo được hiệu quả cao giúp phát triển tai nghe.

6. Hát cả bài

Sau khi luyện tập từng câu, hát hết cả bài là hoạt động liên kết giữa các câu, đoạn trong bài một cách trọn vẹn. Khi thực hiện, nên cho các em nghe và hát ngẫm lại toàn bộ bài theo giai điệu đàn. Đây cũng là bước giúp học sinh lưu ý và hoàn thiện dần những chỗ chưa đúng, biết cách thể hiện ở chỗ ngân nghỉ và sắc thái tình cảm của bài. Nếu sử dụng nhạc beat hoặc phần nhạc đệm cài sẵn trong đàn, giáo viên nên đánh và giữ nhịp, nhắc nhở các em ngắt câu, ngân nghỉ chính xác.

Tầm cữ giọng hát của học sinh lứa lớp 4 độ vang sáng nhất trong khoảng từ quãng 6 đến quãng 8, các bài hát trong chương trình sách giáo khoa hiếm gặp bài hát quá quãng 9. Nhưng tùy theo cách bắt nhịp vào từng bài cũng như để bảo vệ giọng hát các em được tự nhiên, không bị rướn, ép giọng gây cảm giác bị đanh, thé hay vỡ tiếng. Để cải thiện tình trạng này, giáo viên có thể điều chỉnh trực tiếp khi đệm giai điệu đàn cho học sinh hát. Nếu sử dụng nhạc đệm trên đàn Organ thì hạ hay nâng tone bằng chức năng Transpose (Trường hợp sử dụng băng đĩa nhạc beat, cũng cần lựa chọn bài thu âm phù hợp, đảm bảo cùng tầm cữ giọng xuyên suốt quá trình dạy hát, luyện thanh, nghe mẫu).

Dựa theo tình hình thực tế, chúng tôi đã tổng hợp các bài hát trong chương trình và điều chỉnh dịch giọng trên đàn của các bài theo các tiết học như sau:

STT

Bài hát

Giọng gốc

(theo SGK)

Dịch giọng trên đàn

1

Em Yêu Hòa Bình (Nguyễn Đức Toàn)

F-dur

D-dur

2

Trên ngựa ta phi nhanh(Phong Nhã)

G-dur

E-dur

3

Khăn quàng thắm mãi vai em

(Ngô Ngọc Báu)

C-dur

A-dur

4

Chúc mừng

(Nhạc Nga, Lời Việt: Hoàng Lân)

d-moll

b-moll

5

Bàn tay mẹ (Nhạc: Bùi Đình Thảo; Lời thơ: Tạ Hữu Yên)

F-dur

D-dur

6

Chú voi con ở Bản Đôn (Phạm Tuyên)

F-dur

E-dur

7

Thiếu nhi thế giới liên hoan

(Lưu Hữu Phước)

F-dur

D-dur

 

Riêng các bài dân ca viết ở điệu thức 4 hoặc 5 âm trong âm nhạc dân tộc Việt Nam thì sự dịch giọng lên hay xuống cũng làm sao cho phù hợp với tầm cữ giọng của học sinh. Chẳng hạn như bài Cò lả viết ở thang âm: f-g-a-c thì có thể dịch xuống nửa cung; bài Bạn ơi lắng nghe (Dân ca Ba-na) ở điệu thức 6 âm: c-e-f-g-h-c thì có thể dịch xuống 1,5 cung.

7. Luyện tập, củng cố

 Đây là khâu có vai trò tái hiện một lần nữa trí nhớ của các em về giai điệu, tiết nhịp, lời ca. Bước luyện tập, củng cố được lặp đi lặp lại càng giúp phát triển tai nghe, nâng cao khả năng cảm thụ bài hát, không chỉ giúp các em thể hiện chính xác mà còn thể hiện tình cảm, sắc thái. Việc tiến hành luyện tập luân phiên giữa các tổ, nhóm, cá nhân là hình thức thường dùng nhất phát huy tinh thần đoàn kết, tự giác và sáng tạo.

Tiến hành luyện tập bằng các hình thức hát kết hợp vỗ tay, gõ đệm theo phách, nhịp; hát theo cách đối đáp, hát đuổi... Thi đua biểu diễn, trình bày bài hát giữa các cá nhân, tổ, nhóm sẽ làm cho tiết học sôi động, hứng khởi.

Giáo viên nên liên hệ thực tế, lồng ghép nội dung giáo dục của bài hát, thông điệp của tác giả muốn gửi gắm, hoặc đặt những câu hỏi liên quan đến chủ đề, nội dung trọng tâm, những câu hát mà em yêu thích trong bài, giải thích lý do, bài học kinh nghiệm rút ra cho bản thân...

Để một giờ học hát đạt được hiệu quả cần chuẩn bị chu đáo, chú trọng từng bước lên lớp sao cho linh hoạt để giờ dạy hát không chỉ giờ dạy truyền khẩu, mà là một giờ học thực hành kỹ năng ca hát cho học sinh thông qua những giờ giảng. Đồng thời để học sinh được tương tác một cách chủ động, tích cực với những giá trị giáo dục mà âm nhạc mang lại thông qua những giờ học hát. Qua đó học sinh biết tiếp nhận cái hay, cái đẹp một cách tự nhiên, sâu sắc, khơi dậy những cảm xúc, tình cảm tốt đẹp, giúp các em biết yêu thương có ý thức vươn lên trong cuộc sống.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Phan Trần Bảng (2000), Phương pháp giảng dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Hồ Ngọc Đại (1983), Tâm lý học dạy học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
  4. Ngô Thị Nam (1994), Phương pháp dạy học âm nhạc, tập 1, Nxb Hà Nội.
  5. Lê Anh Tuấn (2012), Thiết kế bài giảng âm nhạc 4, Nxb Hà Nội.

----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K9 - Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc