Nghiên cứu lý luận

Một số biện pháp dạy học hát cho học sinh khối lớp 5 tại Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội

28 Tháng Sáu 2019

Nguyễn Thuý Trang [*]

Dạy học hát cho học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh bậc Tiểu học, ngoài các kiến thức, kỹ năng ca hát thông thường, cần có những đổi mới trong từng thao tác dạy. Với cùng một bài hát trong chương trình sách giáo khoa nhưng mỗi giáo viên lại có những tìm tòi, sáng kiến khác nhau trong quá trình giảng dạy.

Từ thực tế khảo sát hoạt động dạy học môn Âm nhạc, chúng tôi đưa ra một số biện pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học phân môn Học hát cho học sinh khối lớp 5 tại Trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

1. Đổi mới cách dạy khởi động giọng

Khởi động giọnglà một hoạt độngnhằm giúp người hát “thông giọng”, “dọn giọng”, ổn định giọng, lấy tâm thế và sự tập trung trước khi hát. Mặc dù ở từng môi trường đào tạo lại có những yêu cầu, đặc điểm riêng, nhưng khởi động giọng là một hoạt động khá quan trọng. Ở trường tiểu học, khi vào tiết dạy hát, hoạt động khởi động giọng vừa giúp cho giọng hát của học sinh được thuận lợi hơn vừa góp phần tạo không khí hào hứng cho các em khi bắt đầu vào tiết học hát. So với việc luyện thanh trong dạy học thanh nhạc chuyên nghiệp, khởi động giọng trong dạy học hát ở các trường phổ thông có phần đơn giản hơn. Chúng tôi đồng nhất với quan điểm cho rằng, đối với học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh bậc tiểu học thì “khởi động giọng không cần phải kỹ càng, bài bản với những mẫu âm phức tạp như học sinh học âm nhạc chuyên nghiệp” (1),nhưng nếu giáo viên không chú trọng vào thao tác này sẽ làm giảm chất lượng học tập ca hát của học sinh. Vậy vấn đề đặt ra là: dạy khởi động giọng cho học sinh lớp 5 nên đi theo hướng nào?

Qua khảo sát thực tế hoạt động dạy học phân môn Học hát tại trường Tiểu học Tân Mai, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, chúng tôi thấy, ở thao tác dạy khởi động giọng, giáo viên thường thực hiện khá sơ sài và chưa thật sự có hiệu quả. Như đã nêu, mặc dù thao tác này không cần dạy quá kỹ như trong dạy thanh nhạc chuyên nghiệp nhưng cũng không nên quá đơn giản, qua loa. Để hoạt động khởi động giọng thực sự có hiệu quả, nên đổi mới cách dạy như sau:

Sáng tạo các mẫu âm gần với bài hát

Trong chương trình môn Âm nhạc lớp 5, ở phân môn Học hát có 10 bài hát được sử dụng dạy riêng hoặc kết hợp với các nội dung khác như tập đọc nhạc, nghe nhạc. Thực tế cho thấy,hiện nay, hầu hết các giáo viên tại trường vẫn dạy theo cách cũ, tức là trước khi vào dạy một bài hát mới hoặc ôn lại một bài hát cũ, giáo viên thường cho học sinh hát các mẫu âm luyện thanh thông thường với các âm “mi mê ma mô mu”. Các mẫu luyện thanh này, về cơ bản là cần thiết, tuy nhiên, đối với học sinh tiểu học, cần có sự đổi mới nhằm thu hút sự chú ý và tinh thần hào hứng học tập của các em trong thao tác khởi động giọng bằng cách bổ sung thêm các mẫu âm gần với âm điệu, tiết tấu, tầm cữ giai điệu của từng bài hát cụ thể. Nên xây dựng các mẫu âm này với dạng “tiết tấu hoá” nhưng phải đảm bảo nguyên tắc dễ hát, dễ nhớ và tạo hiệu quả cuốn hút, hấp dẫn đối với học sinh. Chẳng hạn, với bài Reo vang bình minh(2), có thể thực hiện như sau:

Mẫu âm thứ nhất bắt đầu với âm chủ của bài (giọng pha trưởng) và có các âm đi liền bậc ở tầm âm trung bình. Sau đó, cần tạo thêm một mẫu âm có các âm cao hơn, gần với tầm âm cao của giai điệu bài hát. Bên cạnh đó, để cho các mẫu âm này gần gũi và hướng tới phần âm nhạc của bài hát, nên dựa vào âm điệu và tiết tấu của bài. Ca từ dùng để hát với các mẫu âm là từ La. Dưới đây là các mẫu âm khởi động giọng phù hợp với bài hát Reo vang bình minh:

Mẫu 1:

Mẫu 2:

Khi rèn luyện các mẫu âm khởi động giọng gắn với từng bài hát cụ thể, giáo viên nên chia học sinh ra từng nhóm nhỏ (khoảng 5 đến 6 học sinh) và phân chia cho mỗi nhóm hát một mẫu âm. Chẳng hạn: nhóm 1 hát mẫu 1, nhóm 2 hát mẫu 2 và cho các nhóm hát luân phiên lần lượt, sau đó đảo lại để đảm bảo tất các nhóm đều được hát các mẫu âm.

Khi rèn luyện nhóm lớn (chia mỗi nhóm 1/2 lớp) cách làm cũng tương tự: cho nhóm 1 bên tay trái của giáo viên hát mẫu 1, nhóm 2 bên tay phải của giáo viên hát mẫu 2, rồi đảo lại để đảm bảo các nhóm đều được luyện hát tất cả các mẫu âm. Sau khi đã rèn luyện theo các nhóm (nhỏ và lớn) giáo viên cho cả lớp hát lại cả2 mẫu âm. Tất cả các thao tác rèn luyện khởi động giọng (từ nhóm nhỏ, nhóm lớn và cả lớp) đều phải được hỗ trợ bởi phần đệm đàn của giáo viên.

Vận động theo các mẫu âm khởi động giọng

Mặc dù thao tác dạy khởi động giọng chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn của một tiết học hát, nhưng, bên cạnh việc hướng dẫn rèn luyện các mẫu âm, giáo viên cần chú ý cho học sinh vận động cơ thể theo tiết tấu của các mẫu âm. Hình thức vận động này nhằm giúp các em giải phóng cơ thể, tránh căng cứng, máy móc trong học tập. Vận động cơ thể theo nhạc điệu, tiết tấu của các mẫu âm luyện thanh khởi động giọng sẽ góp phần tạo thêm hứng thú cho học sinh trước khi vào học bài hát.

Việc đổi mới cách dạy khởi động giọng còn có thể được áp dụng với tất cả những bài hát khác trong chương trình môn Âm nhạc lớp 5. Mặc dầu vậy, trên thực tế, thao tác dạy khởi động giọng phụ thuộc vào năng lực và khả năng tự tìm tòi, sáng tạo của mỗi giáo viên. Nếu giáo viên năng động và chú ý nghiên cứu, sáng tạo thì dù chỉ là một “mắt xích” nhỏ thì thao tácnày cũng mang lại hiệu quả cao cho tiết dạy học hát.

2. Áp dụng một số kỹ thuật hát

Việc hướng dẫn áp dụng các kỹ thuật ca hát trong thể hiện các bài hát là rất cần thiết, mặc dù đối với học sinh lớp 5 thì công việc này mới ở mức độ “làm quen” nhưng nếu thực hiện tốt sẽ mang lại hiệu quả và nâng cao chất lượng giọng hát cho các em.

Kỹ thuật Legato

Về kỹ thuật Legato (hát liền tiếng), trên thực tế, kỹ thuật này chưa thực sự được các giáo viên tại trường chú trọng trong các tiết dạy học hát của mình, dẫn đến tình trạng học sinh hát “ào ào” cho qua và chưa đạt được hiệu quả về biểu cảm các bài hát như mong muốn. Trong nghệ thuật ca hát, Legato là một kỹ thuật khó, hơn nữa đối với học sinh tiểu học nói chung và học sinh lớp 5 nói riêng là học hát theo hướng “đại trà”, do đó, khi dạy, không đặt ra yêu cầu quá cao về kỹ thuật này nhưng giáo viên cũng cần hướng dẫn để các em nắm và thực hiện được. Điều quan trọng ở đây là cần cho các em hiểu được sự khác biệt giữa cách hát thông thường với cách hát có áp dụng kỹ thuật Legato và bước đầu có thể thực hành được kỹ thuật này. Chẳng hạn, ở tiết học thứ 12, khi học bài hát Ước mơ, giai điệu của bài hát mang tính chất thiết tha, trìu mến, được viết ở loại nhịp 4/4 với tiết tấu, nhịp điệu trải rộng. Nếu không áp dụng kỹ thuật Legato thì sức biểu cảm sẽ không cao. Như vậy, ở đoạn a của bài hát, cần lấy hơi hợp lý và giữ cho đủ hơi để thực hiện được các âm ngân dài (trắng, tròn), tiếp đó, giáo viên hướng dẫn học sinh hát “miết” âm thanh và giữ các âm thanh cho liền với nhau không tách rời khi thực hiện câu hát.

 

Kỹ thuật Legato còn có thể được áp dụng với đoạn b của bài hát kết hợp với sự gia tăng sắc thái cường độ góp phần thể hiện tính chất tha thiết, dạt dào. Với chi tiết này, giáo viên cần làm mẫu nhiều lần cho học sinh và phân tích, giải thích rõ yêu cầu về sắc thái cường độ để học sinh thực hiện tốt đoạn hát.

Kỹ thuật Legato cũng có thể được áp dụng vào một số bài hát khác trong chương trình Âm nhạc lớp 5như bài Tre ngà bên lăng Bác hay câu hát thứ nhất trong đoạn b của bài hát Dàn đồng ca mùa hạ.

Kỹ thuật Staccato

Ngoài kỹ thuật Legato, trong ca hát còn rất phổ biến kỹ thuật Staccato. Đây là một kỹ thuật tạo ra những âm thanh nảy, sắc nét và gọn gàng. Nếu áp dụng được kỹ thuật này trong quá trình dạy hát sẽ góp phần nâng cao và phát triển được năng lực ca hát của các em học sinh lớp 5, đặc biệt đối với những câu hát, đoạn hát, bài hát cần xử lý ở nhịp độ nhanh với tính chất âm nhạc vui, linh hoạt. Trong khi dạy hát, giáo viên có thể áp dụng dạy kỹ thuật này vào một số câu, đoạn của các bài hát. Chẳng hạn, với đoạn b của bài Reo vang bình minh có thể sử dụng kỹ thuật Staccato đan xen trong các câu hát với âm thanh nảy, gọn, nhẹ tạo tính chất vui tươi thanh thoát:

     

Như vậy, việc đổi mới cách dạy khởi động giọng và áp dụng hai kỹ thuật hát Legato và Staccato trong dạy học hát cho học sinh khối lớp 5 là những biện pháp nâng cao chất lượng học tập phân môn Học hát của học sinh ở Trường Tiểu học Tân Mai. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động dạy môn Âm nhạc trong đó có phân môn Học hát ở các trường tiểu học hiện nay nghiêng về giáo dục và cảm thụ hơn là dạy các kỹ năng chuyên sâu. Do đó, việc áp dụng những biện pháp này cũng cần có sự uyển chuyển và tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế, sức tiếp thu, khả năng học tập môn Âm nhạc của các em học sinh trong từng lớp thuộc khối lớp 5 tại trường.

Chú thích

(1). Xem: Nguyễn Thị Thuỳ Dương (2016), Dạy học hát cho học sinh lớp 1 ở trường Tiểu học Nguyễn Trãi Quận Thanh Xuân, Hà Nội (Luận văn thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học Âm nhạc, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuậtTrung ương), tr. 37,38.

(2). Bài hát được dạy ở tiết thứ 2 trong sách Giáo khoa Âm nhạc 5 - Hoàng Long (chủ biên) (2018), Lê Minh Châu, Hoàng Lân, Lê Đức Sang, Lê Anh Tuấn, Nxb Giáo dục Việt Nam năm,tr. 6.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Lê Hoà (2013), Giáo trình phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.

2. Vũ Tự Lân - Lê Thế Hào (2000) Phương pháp hát và chỉ huy dàn dựng hát tập thể, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

  3. Hoàng Long, Hoàng Lân (2005), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

  4. Lê Đức Sang (2006), Thiết kế bài giảng âm nhạc lớp 5, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.         

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K9 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc