Nội san

Biện pháp truyền dạy cồng chiêng Giẻ Triêng cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Đắk Glei, tỉnh Kon Tum

28 Tháng Sáu 2019

Võ Thị Ti Na [*]

Hiện nay, việc giáo dục âm nhạc dân tộc trong trường phổ thông đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo chú trọng, tăng cường. Bên cạnh nhằm giúp hình thành và hoàn thiện về nhân cách, hài hòa về thể chất và tinh thần, giáo dục âm nhạc dân tộc còn làm tăng sự hiểu biết, khơi gợi tình yêu của thế hệ trẻ đối với những di sản văn hóa của cha ông, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa.

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đắk Glei với gần 90% học sinh là con em dân tộc Giẻ Triêng có văn hóa, lối sống giàu tính bản địa. Do vậy, quan điểm giáo dục và đào tạo của nhà trường luôn gắn với mục tiêu khơi dậy và phát triển vốn văn hóa địa phương của học sinh, nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục học sinh hướng đến các giá trị truyền thống; khuyến khích, hỗ trợ học sinh phát huy vốn văn hóa địa phương trong các hoạt động sinh hoạt, học tập, giải trí.

Với mục đích đưa cồng chiêng Giẻ Triêng vào hoạt động ngoại khóa, chúng tôi dự kiến truyền dạy với hai cách thức: Truyền khẩu, truyền tay bài chiêng và dạy theo bài bản ký âm.

Dạy truyền khẩu, truyền tay bài chiêng:

Theo cách này cần nhờ nghệ nhân truyền khẩu. Truyền khẩu, truyền tay là một trong những đặc trưng của âm nhạc dân gian để truyền dạy cho học sinh. Cách làm này vừa thể hiện tính đặc sắc vừa góp phần bảo lưu các giá trị truyền thống và cũng giúp người nghệ nhân truyền dạy một cách thoải mái, không bỏ sót các nội dung và hoạt động truyền dạy, quản lý dễ dàng quỹ thời gian của mỗi giờ sinh hoạt.  

Các bài chiêng của cồng chiêng Giẻ Triêng nói chung và cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng đều được lưu truyền bằng hình thức truyền khẩu. Trong một buôn làng, thường có các nghệ nhân là những người thành thạo đánh chiêng và thuộc tất cả các bài chiêng của từng lễ hội. Tại làng Đắk Wất, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum, nghệ nhân A Thơn là một trong những nghệ nhân nổi tiếng của vùng, người đã truyền dạy cho thế hệ con em người Giẻ Triêng các bài chiêng tiêu biểu của dân tộc mình.

Thông thường, người đánh cồng chiêng là nam giới (cũng có thể là nữ giới nếu họ nắm được bài chiêng), đại diện cộng đồng tiếp xúc với thần linh, hơn nữa cồng chiêng chủ yếu làm từ hợp kim đồng, có khối lượng tương đối vì vậy cần đến sức lực và đôi tay vạm vỡ của các chàng trai. Ngoài ra, mỗi người trong dàn chiêng cần có tinh thần tập trung tốt, khả năng đồng điệu, nắm vững tiết tấu, nắm chắc giai điệu và hơn cả là tai nghe tốt.

Khi tham gia diễn tấu bài chiêng, người đánh sẽ di chuyển quanh cây nêu theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ. Riêng bộ cồng chiêng 12 chiếc được cho phép ngồi đánh trong trường hợp không có phụ họa đi kèm, hoặc lúc tập.

Đối với các chiêng bằng, người chơi cầm chiêng bằng tay trái, tay phải dùng dùi làm bằng thân cây mềm, xốp kích âm vào chính giữa mặt chiêng. Đối với các chiêng có núm, người chơi đeo chiêng vào vai trái, riêng chiếc chiêng to nhất có khi khiêng trên vai bởi hai người, người chơi dùng tay trái đỡ phía sau để hãm hoặc chặn tiếng chiêng, có khi rời mặt chiêng để tạo ra âm chiêng, tay phải dùng dùi được cuốn bằng vải hoặc đấm tay kích vào mặt chiêng.

Người chơi diễn tấu cồng chiêng theo bài bản do nghệ nhân (là người thuộc lòng bài bản của từng chiếc chiêng trong bài chiêng) hướng dẫn theo hình thức truyền khẩu, truyền ngón, truyền nghề. Ban đầu, nghệ nhân tập cho từng người chơi, sau khi người chơi thuộc lòng bài bản mới kết hợp diễn tấu 8 chiêng.

Mở đầu bài chiêng, nhóm 3 chiêng có núm sẽ đi trước gọi đầu, dẫn dụ nhịp điệu cho nhóm 5 chiêng bằng nghe theo đó bắt dần vào bài.

Mỗi người trong dàn chiêng giữ một cao độ, tiết tấu khác nhau, do vậy người đánh  phải nắm vững tiết tấu, giai điệu, thời khắc ra vào chiêng của mình.

Dạy theo bài bản ký âm:

Dạy bài chiêng theo bài bản ký âm là cách dạy âm nhạc thông thường ở các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp cũng như các trường phổ thông hiện nay. Tuy nhiên, để dạy theo cách này, trước hết phải có bài bản ký âm tương đối chính xác. Muốn ký âm được một bài bản cồng chiêng cần có kinh nghiệm nghiên cứu cồng chiêng và khả năng ký âm loại âm nhạc này.

Ký âm bài bản cồng chiêng là viêc phức tạp, khả năng của người giáo viên âm nhạc phổ thông rất khó để thực hiện. Do vậy, cần phải nhờ đến chuyên gia nghiên cứu âm nhạc cồng chiêng ký âm giúp.

Sau khi có bài bản ký âm, giáo viên trực tiếp truyền dạy cần tiếp nhận tốt bài bản cồng chiêng trước khi làm kế hoạch giảng dạy.

Đây là cách thức người giáo viên trực tiếp tham gia truyền dạy theo bài bản đã được ký âm, vận dụng các kiến thức âm nhạc phổ thông và các phương pháp dạy học truyền thống thông qua giờ sinh hoạt ngoại khóa âm nhạc. Giáo viên cũng cần xây dựng giáo án giảng dạy cụ thể, để giúp việc thực hiện truyền dạy có hệ thống, khoa học, quản lý được thời gian cũng như nội dung bài học, đảm bảo mục tiêu đã đề ra.

Để thực hiện truyền dạy một bài chiêng người giáo viên cần chuẩn bị các chi tiết thiết yếu: Bộ cồng chiêng được sử dụng trong bài chiêng; Chuẩn bị phân phổ âm hình tiết tấu cơ bản cho từng chiếc chiêng, trống; Chuẩn bị cao độ của từng chiêng (đạt chuẩn theo bộ chiêng truyền thống của người Giẻ Triêng). Sau đó, giáo viên có thể tiến hành truyền dạy bài chiêng theo các bước như sau:

Bước 1: Tiến hành chia học sinh thành hai nhóm chơi chiêng bè trầm và nhóm chơi chiêng bè giai điệu. Phân chia vai trò các chiêng theo tổng phổ tương ứng với số học sinh ở từng nhóm. Tùy theo số người tham gia học nhiều hay ít mà phân công một, hai hay ba hoặc nhiều học sinh hơn cho vị trí của mỗi chiêng. Điều này có lợi là học sinh có thể thay nhau chơi cho cùng một vị trí, có thể trao đổi, bổ sung cho nhau và hướng dẫn lẫn nhau trong luyện tập.

Bước 2: Hướng dẫn từng học sinh tập luyện theo từng bè trong tổng phổ.

Bước 3: Hướng dẫn học sinh phối hợp theo từng nhóm và sau đó ghép các nhóm theo đúng tổng phổ.

Bước 4: Phối hợp cả dàn chiêng/cả nhóm chơi. Sau khi đã tập kỹ từng vị trí và tập kỹ phối hợp theo các cặp nghe nhau, tiến hành ghép phối hợp cả dàn.

Bước 5: Đánh giá, nhận xét. Giáo viên nhận xét từng nhóm, khen thưởng các nhóm thực hiện tốt; nhắc nhở, dặn dò các nhóm chưa thực hiện tốt.

Có thể áp dụng một trong hai cách thức trên trong thực hiện truyền dạy cồng chiêng Giẻ Triêng. Mỗi cách thức đều có những ưu điểm, đặc trưng khác nhau, tùy theo điều kiện thực tế để lựa chọn sao cho phù hợp và hiệu quả nhất.

Việc truyền dạy cồng triêng Giẻ Triêng cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Đắk Glei trong giờ sinh hoạt ngoại khóa là nội dung mang tính cần thiết vàcó ý nghĩa thiết thực, góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống dân tộc. Tuy nhiên để có thể nhân rộng mô hình truyền dạy cần đến sự quan tâm hơn nữa của các cấp lãnh đạo Sở, phòng Giáo dục và Đào tạo và của nhà trường trên mọi phương diện. Và hơn hết, để làm phong phú về vốn bài hơn cho hoạt động ngoại khóa giáo dục âm nhạc dân tộc, cần có những công tác bồi dưỡng và đào tạo cho giáo viên công tác Đoàn và giáo viên âm nhạc. Phòng Giáo dục và Đào tạo của huyện có thể kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đề ra các kế hoạch, chương trình mời nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng cho đội ngũ giáo viên. Song song với đó, chính người giáo viên cũng cần có tâm huyết, ý thức tự hoàn thiện vốn kiến thức văn hóa bản địa, truyền thống dân tộc.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Công văn về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2018 – 2019 đối với giáo dục dân tộc, Hà Nội.

2. Nguyễn Quang Nhã (2014), “Đưa Cồng chiêng Mường vào chương trình giáo dục âm nhạc cho bậc Trung học cơ sở ở tỉnh Hòa Bình”.

3. Nhiều tác giả (2004), Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Viện Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

4. Đào Huy Quyền (2010), Văn hóa cồng chiêng các dân tộc, NXb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

5. Viện Văn hóa Thông tin (2006), Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại: Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Nxb Thế Giới, Hà Nội.

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K9 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc