Nội san

CÁC GIÁ TRỊ LỄ HỘI LÀNG NIỆM THƯỢNG TRONG ĐỜI SỐNG CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG

15 Tháng Bảy 2019

Lê Thanh Lâm[*]

  Bản chất của lễ hội đình làng Niệm Thượng là một hoạt động sinh hoạt văn hóa của cư dân nông nghiệp mà nghi lễ chém lợn là ví dụ điển hình. Trong quá khứ, làng Niệm Thượng là một làng thuần nông, để khuyến khích sản xuất nông nghiệp đặc biệt là trong chăn nuôi, người dân làng đã tổ chức hội thi nuôi lợn giữa hai giáp bên trung và bên chính của làng, cuộc thi này khuyến khích người dân tìm ra những phương pháp tối ưu nhất trong chăn nuôi để làm sao nuôi lợn có cân nặng cao nhất trong một khoảng thời gian. Để nâng cao ý nghĩa của cuộc thi này, tổ tiên làng Niệm Thượng đã ghép cuộc thi này vào lễ hội và thiêng hóa nghi lễ chém lợn với sự tích thần Thành hoàng.

                Trải qua hàng trăm năm lịch sử, nghi lễ chém lợn vẫn được duy trì tới ngày nay và có những vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với đời sống tâm linh của người dân làng Niệm Thượng. Nghi lễ chém lợn là một nghi lễ mang tính kế thừa và tiếp nối di sản của tổ tiên làng Niệm Thượng. Tên đầy đủ của lễ hội là “lễ hội thổi xôi thi, chém lợn, tế thần” nhưng người dân làng Niệm Thượng vẫn gọi tắt lễ hội làng mình là lễ hội chém lợn và gác hai nghi thức kia sang một bên, cách gọi này cho thấy tầm quan trọng của nghi lễ này trong lễ hội làng Niệm Thượng. Nghi lễ chém lợn và những nghi thức liên quan đến ông Ỉn của lễ hội trong tiềm thức của người dân và trong khảo cứu của Toan Ánh thì đã được tổ tiên của làng Niệm Thượng xây dựng từ xa xưa chứ không phải là một sáng tạo văn hóa trong thời gian gần đây. Qua mỗi mùa lễ hội, các thế hệ người dân làng vẫn nhắc nhở nhau phải duy trì và phát triển lễ hội như duy trì truyền thống của tổ tiên. Nghi lễ này cũng là sự tự hào của nhân dân làng Niệm Thượng bởi chỉ trong miền bắc của Việt Nam đã có tới 275 đình, đền, miếu, nghè thời đức Đông Hải Đại Vương Lý Đoàn Thượng[1]nhưng chỉ duy nhất lễ hồi đình làng Niệm Thượng là tổ chức nghi lễ chém lợn bởi chỉ nơi đây mới có sự tích chém lợn nuôi quân của ngài năm xưa. Chính vì vậy, duy trì nghi lễ chém lợn ngoài trách nhiệm với truyền thống tổ tiên thì đó còn là sự khác biệt đáng tự hào về lễ hội của dân làng.

           Nghi lễ chém lợn được đề cao trong công tác chuẩn bị: là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất trong năm của làng Niệm Thượng, đã từ 16 mùa lễ hội tới nay, lễ hội được người dân tích cực chuẩn bị từ rằm tháng 7 âm lịch năm trước. Công tác chuẩn bị từ trước ngày diễn ra lễ hội không nhằm vào các nghi lễ nhập tịch, tế thần hay dâng hương mà tập trung vào nghi lễ chém lợn, rồi mới đến những nghi lễ khác.Từ rằm tháng 7 âm lịch phải chọn ra được người nuôi ông Ỉn và thủ đao để trình với dân, với làng, việc lựa chọn kỹ lưỡng tất cả các công việc liên quan đến lễ tế thể hiện lòng thành kính cuả dân làng với truyền thống xa xưa.  

          Nghi lễ chém lợn là nghi lễ thứ 5 trong 7 nghi lễ của lễ hội truyền thống đình làng Niệm Thượng được diễn ra vào khoảng 12 giờ trưa (chính Ngọ) ngày mùng 6 tháng giêng. Đây là nghi lễ thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân nhất trong 7 nghi lễ của lễ hội. Nếu như lễ nhập tịch với thành phần chủ yếu là các thành phần chủ chốt trong lễ hội và một phần người dân, lễ hành rước vào sáng mùng 6 tháng giêng chỉ tập trung khoảng 200 người thì nghi lễ chém lợn tập trung hầu như toàn bộ người dân làng Niệm Thượng (chủ yếu từ 18 tuổi trở lên), nhân dân trong vùng và du khách đến với lễ hội tận mắt nhìn thấy máu ông Ỉn thấm đất, dính đao thì mới yên tâm là đã hoàn thành trách nhiệm với thần Thành hoàng. Đây là một phần trách nhiệm mà người dân làng Niệm Thượng báo đáp thần linh cầu mong sự che chở của Thành hoàng.

  Đối với người dân làng Niệm Thượng, duy trì lễ hội và các nghi lễ trong lễ hội đặc biệt là nghi lễ chém lợn tế thần là sự tiếp nối truyền thống văn hóa của tổ tiên, duy trì lễ hội là trách nhiệm của toàn bộ người dân trong làng, đồng thời nghi lễ chém lợn đối với người dânlà nghi lễ thiêng liêng, ảnh hưởng đến đời sống của dân làng. Từ tầm quan trọng của nghi lễ trên, việc nên duy trì hay xóa bỏ tục chém lợn thì chỉ những chủ nhân của lễ hội mới có thể quyết định.

Có thể nói, lễ hội đình làng Niệm Thượng là lễ hội phổ biến nhất, được nhiều người dân biết đến nhất trong các lễ hội văn hóa của làng. Làng Niệm Thượng xưa và nay chỉ có hai lễ hội văn hóa là lễ hội truyền thống đình làng Niệm Thượng được tổ chức từ mùng 5 đến mùng 6 tháng giêng âm lịch hàng năm, và lễ hội Thượng Nguyên được tổ chức tại chùa Đại Bi vào rằm tháng giêng âm lịch hàng năm.

Lễ hội đình làng Niệm Thượng mang những giá trị sâu sắc:

1. Tính giáo dục: Trước hết là giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, trong truyền thuyết về thần Thành hoàng làng ngoài sự tích ngài chém lợn nuôi quân còn nhắc tới công lao khai khẩn vùng đất này của ngài. Tưởng nhớ công ơn của ngài với vùng đất này mà người dân tôn thờ ngài làm Thành hoàng làng, hàng năm tổ chức cúng tế đều đặn. Những thế hệ hiện đang sinh sống trên vùng đất Niệm Thượng thừa hưởng thành quả của những người đi trước và thừa hưởng công lao của thần Thành hoàng, chính vì vậy mỗi năm diễn ra lễ hôi là dịp người dân thực hiện lại những nghi lễ, nghi thức tưởng nhớ thần Thành hoàng, là dịp các cụ cao niên trong làng kể cho con cháu nghe thần tích về thần Thành hoàng, là dịp để những người cao tuổi nhắc nhở con cháu về truyền thống của tổ tiên, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, chỉ khi mỗi con người ý thức về lịch sử làng mình thì mới ý thức tốt về lịch sử dân tộc, đó là giá trị giáo dục lịch sử quý báu của lễ hội. Tiếp theo là giáo dục ý thức trách nhiệm với cộng đồng, mỗi mùa lễ hội trôi qua là mỗi lần hội ba bàn chia tay giáp tuổi 49 và nhận vào hội thêm một lứa đồng niên tuổi 36, tương tự như vậy với đội dâng hương, đối tế. Vì vậy lễ hội là nơi mỗi cá nhân thực hiện trách nhiệm với cộng đồng làng xã trên tình thần ai cũng được làm và ai cũng phải làm, vì ý nghĩa giáo dục trách nhiệm quan trọng này mà người dân làng Niệm Thượng có trách nhiệm hơn với đất nước.

          2. Giá trị cố kết cộng đồng làng xã: hiện nay làng Niệm Thượng có hơn 3100 nhân khẩu sống trên 4 cụm dân cư riêng biệt là xóm Ba Huyện, xóm Thiềng, xóm Nghè và xóm Chùa[2]. Lễ hội là dịp để người dân trong các cụm dân cư có cơ hội gặp mặt nhau, cùng nhau sinh hoạt văn hóa và thể hiện tinh thần đoàn kết cùng tham gia công việc của làng. Dưới tác động của đô thị hóa đã phá vỡ tinh khép kín của làng xã truyền thống và cộng đồng làng xã đã mở rộng quy mô cộng đồng để phù hợp với hoàn cảnh lịch sử mới, đi cùng với sự thay đổi đó là giá trị cố kết cộng đồng của lễ hội càng được biểu hiện rõ.Số lượng người dân nhập cư đến sinh sống ở làng ngày càng tăng và lễ hội là dịp để cố kết những người chính cư trong làng và những người ngụ cư mới đến làng, thông qua việc cùng nhau thực hiện công việc của làng, những người ngụ cư được trở thành một phần trong làng, được đối xử công bằng như những người dân chính cư khác của làng. Lễ hội Việt Nam vừa mang tính cố kết cộng đồng, vừa là nơi hội tụ hài hòa các hình thái nghệ thuật dân gian dân tộc; hội vừa là nhu cầu giải tỏa, vừa là khát vọng vươn tới cái đẹp của đời sống cộng đồng[3].

          3. Lễ hội là nơi người dân thực hiện nhu cầu tâm linh: trong đời sống tâm linh của người dân làng Niệm Thượng thì thần Thành hoàng có vai trò đặc biệt quan trọng, đình làng là nơi người dân tìm đến để cầu xin sự che chở. Mỗi khi gia đình có việc quan trọng gì từ đám cưới, đám ma, nhà có người đi làm ăn xa, có thêm con cháu trong nhà… là lúc họ ra đình làm lễ cầu xin sự che chở của thần Thành hoàng. Đối với đa số người dân làng Niệm Thượng, thành công của họ ngày hôm nay ngoài những yếu tố do con người đem lại thì một phần quan trọng trong thành công ấy là sự phù hộ của thần Thành hoàng. Từ khi khôi phục lại lễ hội vào năm 2000 cho đến nay, đời sống của người dân dần đi lên, tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm, tính đến nay làng có hơn 500 người trong hội người cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên), trong số đó có 30 cụ thượng thọ 80, những cụ tuổi ngoài 70 ở làng không còn là chuyện xưa nay hiếm… Đây là một trong những lý do quan trong lý giải tại sao người dân kiên quyết giữ lễ hội của mình đến cùng, bất chấp những sức ép từ phía dư luận, từ các cấp lãnh đạo.

          Từ những lý giải trên đã cho thấy vai trò không thể thiếu của lễ hội đình làng Niệm Thượng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng của dân làng. Vì vậy, khi làng Niệm Thượng bị tổ chức động vật châu Á kêu gọi hủy bỏ lễ hội, chịu sức ép của lãnh đạo địa phương phải đổi tên lễ hội hoặc đổi nghi thức chém lợnvà sức ép đến từ một bộ phận người dân trong cả nước thì phản ứng của đa số người dân làng Niệm Thượng (hầu hết là những người trên 50 tuổi) tỏ ra rất bức xúc, họ không hiểu vì sao họ lại phải từ bỏ lễ hội truyền thống đã được cha ông họ xây dựng cách đây hàng trăm năm, tại sao một tổ chức phi chính phủ lại có quyền can thiệp vào đời sống văn hóa của một cộng đồng cư dân trong khi họ không hề vi phạm pháp luật khi tổ chức lễ hội với hiến pháp của nước Việt Nam, lễ hội mà họ tổ chức là để phục vụ cho đời sống của dân làng và duy trì truyền thống của tổ tiên. Nếu bỏ lễ hội thì không khác nào bắt họ phải quên đi tổ tiên, nguồn gốc của mình. Ông Nguyễn Hữu Chế, nguyên trưởng làng Niệm Thượng trình bày quan điểm của mình

Lễ hội truyền thống đình làng Niệm Thượng là sự lệ hàng năm của làng, trong những năm xưa phần lễ là của riêng làng, không truyền ra bên ngoài. Tuy nhiên trong thời điểm hiện nay với sự phổ biến của báo chí và truyền thông, lễ hội làng chúng tôi được cả nước biết đến trong đó có tổ chức động vật châu Á, tổ chức này đã lên án lễ hội của chúng tôi là dã man rồi kêu gọi hủy bỏ lễ hội. Việt Nam chỉ tham gia công ước quốc tế bảo vệ động vật hoang dã chứ không tham gia bảo vệ vật nuôi, mà vật nuôi là lục súc tại gia: trâu, bò, chó, ngựa, lợn gà. Như vậy với công ước thế giới chúng tôi không vi phạm, với luật pháp Việt Nam chúng tôi cũng không vi phạm thì tại sao lại lên án chúng tôi, chuông làng nào làng ấy đánh, thánh nào nào làng ấy thờ, chúng tôi không nói chúng tôi quá đúng hay những tổ chức kia quá sai nhưng những nghi lễ trong lễ hội của chúng tôi thể hiện bản sắc riêng của làng Niệm Thượng. Đặc biệt liên hiệp quốc có công ước bảo vệ văn hóa đa sắc màu, Việt Nam cũng tham gia công ước ấy, vì vậy văn hóa đa sắc màu nên tôn trọng đặc biệt là văn hóa truyền thống. Đời sống ngày càng phát triển thì càng phải bảo vệ truyền thống văn hóa ấy, với những cái gì đã lạc hậu thì chúng tôi sẵn sàng thay đổi, nhưng các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, các cấp lãnh đạo phải về đây cùng chúng tôi bàn bạc để tìm ra hướng giải quyết tốt nhất [5, tr.54].

Lễ hội dân gian truyền thống làng Niệm Thượng, trong đó nổi bật là nghi lễ “chém lợn” là một sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng cư dân địa phương. Bên trong lễ hội ấy, hàm chứa nhiều giá trị của đời sống văn hóa. Những giá trị ấy có sức sống lâu bền, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đào Duy Anh (2000), Việt Nam văn hóa sử cương, NxbVăn hóa thông tin, Hà Nội.

2. Toan Ánh (2005), Hội hè đình đám (quyển hạ), NxbTrẻ, TP Hồ Chí Minh.

3. Toan Ánh (2005), Hội hè đình đám (quyển thượng), NxbTrẻ, TP.HCM

4. Toan Ánh (2005), Tín ngưỡng Việt Nam (quyển hạ), NxbTrẻ, TP.HCM

5. Toan Ánh (2005), Tín ngưỡng Việt Nam (quyển thượng), NxbTrẻ, TP.HCM            

6. Toan Ánh (2005), Làng xóm Việt Nam, NxbTrẻ, TP.HCM      

7. Phan Kế Bính (2001): Việt Nam phong tục. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

8. Đảng bộ thành phố Bắc Ninh (2007), Lịch sử Đảng bộ xã Khắc Niệm, công ty cổ phần quảng cáo báo chí truyền hình Hà Nội, Hà Nội.

9. Hoàng Quốc Hải (2001), Văn hóa phong tục,Nxb văn hóa thông tin, Hà Nội

10. Website:http://www.animalsasia.org/

 

[1] Theo con số thống kê trên Website:http://www.animalsasia.org/. Xin xem thêm trong: Toan Ánh (2005), Nếp cũ – Hội hè đình đám (quyển Thượng – Hạ), Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh

[2]Đảng bộ thành phố Bắc Ninh (2007), Lịch sử Đảng bộ xã Khắc Niệm, sđd

[3]Hoàng Quốc Hải (2001), Văn hóa phong tục, sđd, tr. 80