Tin tức – Sự kiện

Nâng chất dạy học nghệ thuật: Hạn chế cầm tay chỉ việc

29 Tháng Bảy 2019

Học sinh Trường THPT Ban Mai (Hà Nội) thuyết minh về tranh vẽ Lăng Bác Hồ. Ảnh: ITN

Dạy học Mỹ thuật, Âm nhạc, không nên tạo áp lực hoặc yêu cầu thái quá ở học sinh, đồng thời cũng không nên “cầm tay, chỉ việc”. Để đáp ứng yêu cầu phát triển năng lực học sinh, đòi hỏi giáo viên phải chủ động, sáng tạo, nhiều ý tưởng; linh hoạt xác định mục tiêu với các yêu cầu cụ thể, phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học.

Giúp học sinh phát triển năng lực âm nhạc

Mục tiêu giáo dục trọng tâm chương trình môn Âm nhạc trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là tập trung hình thành và phát triển năng lực âm nhạc cho học sinh. Đó cũng là quá trình thẩm thấu vẻ đẹp của âm nhạc, qua việc thực hành và rèn luyện các kĩ năng ca hát, biểu diễn... một cách thường xuyên và lâu dài. Vì vậy, trong mỗi tiết học, giáo viên cần linh hoạt xác định mục tiêu với các yêu cầu cụ thể, phù hợp với nội dung và thời lượng dạy học.

Cô Nguyễn Lê Tú Uyên - giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TPHCM – cho biết: Điểm cốt lõi của giáo dục âm nhạc là phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập cũng như phát triển tiềm năng âm nhạc ở học sinh. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phải triển khai nhiều ý tưởng, tích hợp các nội dung, tổ chức hoạt động biểu diễn với quy mô nhỏ như nhóm, tổ, lớp nhằm kích thích sự hứng thú trong thi đua biểu diễn nghệ thuật của học sinh.

Trong đó, giáo viên phải chú trọng đến không gian và hình thức tổ chức để hình thành cho học sinh các kĩ năng thực hành qua trải nghiệm thực tế và tự hình thành các kiến thức, kĩ năng âm nhạc từ thực tế tham gia các hoạt động âm nhạc. Thông qua trải nghiệm thực hành âm nhạc, học sinh có thể đánh giá và nhận ra các hạn chế hay lỗi của bản thân và bạn bè. Chẳng hạn, khi trình diễn học sinh nhận ra các động tác sai hoặc chưa tốt; nên điều chỉnh hoặc xử lý thế nào; cần có các hình thức chào hỏi trên sân khấu thế nào để đạt được tính nghệ thuật cao; cách biểu cảm khuôn mặt, biểu đạt âm nhạc qua hình thể và các động tác sao cho có thể chạm đến cảm xúc âm nhạc của người xem...

Cũng theo cô Nguyễn Lê Tú Uyên, để phát triển năng lực học sinh, đòi hỏi giáo viên luôn quan sát, nắm bắt được năng khiếu từng học sinh. Khi giáo viên khai thác đúng năng lực từng học sinh, quá trình dạy học sẽ phát huy tích cực sự tương tác và bổ trợ của các cá thể với nhau, giữa các thành viên trong nhóm. Từ đó kích thích sự gắn kết, cùng nhau đưa ra ý tưởng sáng tạo. Muốn vậy, giáo viên âm nhạc phải vững về chuyên môn, tham khảo, tìm hiểu và vận dụng nhiều phương pháp giáo dục âm nhạc tiên tiến, hiện đại.

Giới thiệu phương pháp vận động cơ thể Body Percussion để phụ họa, gõ đệm cho bài hát và chơi hòa âm đơn giản – một phương pháp dạy học âm nhạc phổ biến trong giáo dục âm nhạc nhiều quốc gia trên thế giới – cô Nguyễn Lê Tú Uyên chia sẻ: “Trong quá trình áp dụng tại Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh, chúng tôi nhận thấy việc kết hợp phương pháp vận động âm nhạc với Body Percussion giúp người học linh hoạt trong hoạt động dạy hát, trình diễn bài hát, kết nối nhanh và hiệu quả tới từng học sinh với mức độ năng khiếu khác nhau. Với phương pháp này, chỉ cần một vài âm hình tiết tấu, giáo viên có thể ứng dụng nhiều bài hát, nhiều cách trình diễn sáng tạo. Đa số các bài hát tiểu học đều viết theo nhịp điệu 2/4, 3/4, 4/4 khi giáo viên thực hiện được một bài hát sẽ ứng dụng hầu hết tất cả những bài hát có nhịp điệu tương tự, nhưng khác nhau về hình thức, sự sáng tạo, ý tưởng”.

Dạy học Mỹ thuật bằng trải nghiệm

Dựa trên lí thuyết học tập trải nghiệm của Kolb - một nhà lí luận giáo dục người Mĩ, dựa trên đặc thù của môn học nghệ thuật thị giác/mỹ thuật tạo hình, đồng thời căn cứ vào kết quả khảo sát định tính thông qua phương pháp phỏng vấn GV dạy môn Mĩ thuật và HS ở trường phổ thông, cô Trần Thị Vân – giảng viên khoa Sư phạm Mỹ thuật – Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương – đề xuất mô hình hoạt động trải nghiệm mỹ thuật với 4 bước: Trải nghiệm, phản ánh, thực hành sáng tạo và đánh giá.

Với bước đầu tiên, cô Trần Thị Vân cho rằng: Hoạt động trải nghiệm mỹ thuật cần tạo ra nhiều loại hình phù hợp với từng môi trường tổ chức, đảm bảo cho HS được trải nghiệm, từ đó rút ra kiến thức và vận dụng sáng tạo vào các tình huống mới. Tùy theo hoàn cảnh và đối tượng, tùy theo đặc trưng của nội dung mà khuyến khích các hình thức giáo dục trải nghiệm khác nhau.

Trong hoạt động trải nghiệm mĩ thuật, 3 hình thức cơ bản được phối hợp là: vẽ qua quan sát; vẽ theo trí nhớ và vẽ từ sự tưởng tượng. Các hình thức này luôn luôn đan xen và hoà hợp với nhau trong quá trình sáng tạo. Để bắt đầu mỗi hoạt động trải nghiệm, thông thường sẽ được khởi đầu bằng một trong ba hình thức trên.

Bước phản ánh là hoạt động tiếp nối sau hoạt động trải nghiệm. Hoạt động phản ánh giúp HS có cơ hội quan sát, cùng nhau chia sẻ, thảo luận, so sánh về nội dung, hình thức, kĩ thuật tạo hình sản phẩm/ tác phẩm mỹ thuật đã thực hiện ở bước trải nghiệm; cùng nhau đưa ra vấn đề/ câu hỏi cần thảo luận nhằm làm rõ trước khi thực hành - sáng tạo ở bước tiếp theo. Hoạt động này cũng khơi gợi ở HS khả năng cảm nhận về sự biểu cảm của các yếu tố tạo hình như màu sắc, đường nét, hình khối,…để từ đó rút ra kinh nghiệm điều chỉnh bài của mình. Ở bước thực hành – sáng tạo, HS sẽ ứng dụng những chia sẻ, rút kinh nghiệm từ hoạt động 2 nhằm điều chỉnh sản phẩm của mình tốt hơn; đồng thời mở rộng ý tưởng tạo hình, kết hợp học tập hợp tác để tạo sản phẩm nhóm. Cô Vân cho rằng, hoạt động thực hành - sáng tạo đòi hỏi HS ngoài biết sử dụng kiến thức, kĩ năng của môn học còn phải biết vận dụng các kĩ năng, kiến thức khác về văn hoá, xã hội,… để tạo được sản phẩm/ tác phẩm mỹ thuật có tính thẩm mỹ và tính ứng dụng cao. Thông qua hoạt động thực hành - sáng tạo, HS được rèn luyện, phát triển năng lực cá nhân, năng lực hợp tác nhóm trong việc tập trung hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Bước cuối cùng - đánh giá - là quá trình thu thập và xử lí thông tin về tình hình học tập của HS đối chiếu với mục tiêu đã đề ra nhằm xác nhận kết quả học tập của HS tại từng thời điểm trong quá trình học tập; xác nhận sự tiến bộ từng bước về kiến thức, kĩ năng của HS theo các mục tiêu học tập cụ thể trong suốt một đơn vị bài học. Hoạt động đánh giá cũng tạo điều kiện để GV có cơ sở thực tế để nhìn nhận những điểm mạnh và điểm yếu của chính mình để tự hoàn thiện hoạt động dạy, nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học mĩ thuật. Việc đánh giá sẽ trở nên thú vị, hấp dẫn với chính HS nếu các em được khuyến khích tự đánh giá, tự nhận xét và đánh giá đồng đẳng. Cuối cùng GV mới đánh giá kết quả học tập của HS trên cơ sở các yếu tố như thái độ học tập; sự tập trung chú ý trong học tập; những kiến thức, kĩ năng; sự hợp tác với bạn bè; kế hoạch học tập; khả năng phát triển chủ đề…

Hải Bình