Nội san

RÈN LUYỆN CÁC KỸ NĂNG HÁT TIẾNG ANH CƠ BẢN CHO TRẺ 5-6 TUỔI

30 Tháng Bảy 2019

Nguyễn Thị Lê [*]

 

Trong quá trình dạy hát các bài hát tiếng Anh cho trẻ 5-6 tuổi, giáo viên ngoài việc rèn luyện cho trẻ các kỹ năng phát âm tiếng Anh còn cần rèn luyện cho trẻ các ký năng ca hát tiếng Anh cơ bản như: tư thế, khẩu hình, hơi thở, hát liền tiếng, hát diễn cảm.

Một trong những kỹ năng cơ bản khi bắt đầu học hát đó chính là tư thế ca hát. Tư thế đúng sẽ tạo thuận lợi cho âm thanh, có tính thẩm mỹ. Tư thế đứng ca hát đúng là đứng thẳng ngẩng cao đầu không bẻ vai về phía sau, hai tay thả lỏng tự nhiên, trọng tâm cơ thể dồn ở hai chân một cách thoải mái. Trong quá trình dạy học giáo viên cần quan tâm tới tư thế của trẻ, tư thế đứng đúng không chỉ mang tính thẩm mỹ khi trình diễn mà còn ảnh hưởng đến hơi thở và chất lượng âm thanh khi hát.

Cũng giống như tư thế khi hát, khẩu hình cũng vô cùng quan trọng trong ca hát, bởi nó quyết định chất lượng âm thanh và thẩm mỹ khi thể hiện bài hát. Khẩu hình là cách mở miệng trong ca hát. Cụ thể hơn đó là hình dáng bên ngoài của miệng, miệng cần phải mở tròn, không mở quá to. Ngoài ra đó còn là sự kết hợp của khoang miệng, răng, lưỡi, môi của người hát. Giọng hát có vang, sáng hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách mở khẩu hình. Trong quá trình học hát, một số số trẻ miệng mở quá to khiến môi bị chuyển động liên tục, hơi thoát ra nhiều âm thanh phát ra không nghe rõ lời hát. Hình dáng bên ngoài của miệng thay đổi theo sự nhả chữ, âm thanh phụ thuộc vào nguyên âm, khi hát khác khi nói, khi nói  không cần mở rộng miệng để kéo dài nguyên âm, nhưng khi hát chúng ta phải kéo dài câu hát theo trường độ của nốt nhạc, thì miệng phải mở rộng, linh hoạt, tích cực hơn, nếu không thì âm thanh sẽ không thoát ra ngoài được tự nhiên. Lưỡi là bộ phận phát ra âm thanh tạo ra lời hát, lưỡi hoạt động không linh hoạt thì phụ âm sẽ phát ra không rõ nét, lời không đẹp và không rõ ràng. Lưỡi cứng là nguyên nhân gây ra giọng cổ, hát không rõ lời, cuống lưỡi cong lên nhiều quá sẽ khó khăn khi hát những âm thanh cao, hoạt động của lưỡi còn phụ thuộc vào cử động của hàm dưới, nếu hàm dưới cứng hoạt chìa ra phía trước cũng sẽ làm cho lưỡi cứng và ghẹt âm thanh. Vậy nên khi  dạy các bài hát tiếng Anh cho trẻ giáo viên cần hướng dẫn trẻ chú ý buông lỏng hàm dưới cho mềm mại, ta có thể luyện tập lưỡi bằng những bài tập nguyên âm (a, e, o, i, u)  ghép với các phụ âm (đ, l, n, r, t) việc này trợ giúp trẻ rất nhiều trong quá trình học các bài hát tiếng Anh.

Có nhiều quan điểm cho rằng việc học lấy hơi chỉ dành cho người học âm nhạc chuyên nghiệp, còn trẻ em thì không. Việc lấy hơi, điều chỉnh hơi thở rất quan trọng khi hát giúp trẻ kiểm soát hơi thở không tốt sẽ khiến bị hụt hơi giữa chừng, hát chưa hết câu hoặc hết ý đã phải dừng lại lấy hơi. Ngoài ra khi hát nếu không kiểm soát hơi thở tốt sẽ gặp phải một số hiện tượng như có những câu, đoạn trong bài hát cần xử lý sắc thái hát nhỏ, nhẹ việc dùng một lượng hơi lớn, không kiểm soát được lượng hơi sẽ khiến việc nhả chữ bị thô. “Khi hít hơi vào, không nên tham nhiều hơi, sẽ bị căng cứng, lên gân, không điều tiết được hơi. Nhắc học sinh lấy hơi bằng mũi, không hít bằng miệng. Lấy hơi bằng miệng, yết hầu chóng bị khô, gây rát và viêm họng, gây khản cổ và ho” [2; 59]. Trong luyện tập hơi thở có kỹ thuật lấy hơi và điều tiết hơi. Lấy hơi sâu, đầy đặn sẽ giúp âm thanh phát ra được căng, tròn đầy; hít hơi nông, lượng hơi chưa đủ, âm thanh phát ra mỏng, yếu, không nghe rõ lời. Việc hít thở và điều tiết âm thanh là hoạt động thống nhất của một quá trình, tuy nhiên trái chiều nhau. Nếu như hít thở là lấy một lượng hơi vào cơ thể thì điều tiết âm thanh là cách sử dụng lượng hơi hít vào đó của người hát. Giáo viên cần kết hợp các bài tập rèn luyện hơi thở cho trẻ. Để đảm bảo tính vừa sức, giáo viên cho trẻ luyện tập từng từ nốt e1 ngân dài phát âm năm nguyên âm (o, a, u, i,…) hỗ trợ trong quá trình hát tiếng Anh.

Trong quá trình luyện tập, giáo viên cần giải thích cho trẻ, kết hợp thị phạm hướng dẫn trẻ cách hít thở sâu bằng cả mũi và miệng rồi từ từ thở ra, giữ hơi thở lâu càng tốt. Luyện tập hơi thở đòi hỏi cả giáo viên và trẻ phải kiên trì bởi với trẻ 5-6 tuổi lứa tuổi còn nhỏ, hơi thở ngắn nên sự cảm nhận hơi thở và điều tiết hơi thở còn có nhiều hạn chế. Học cách lấy hơi không chỉ rất quan trọng với người học hát chuyên nghiệp mà còn rất quan trọng với trẻ hay bất kì ai muốn học ca hát. Tuy nhiên, hơi thở không phải là yếu tố duy nhất quyết định giọng hát hay mà còn là sự kết hợp của nhiều yếu tố bởi phát âm là một quá trình phối hợp giữa nhiều bộ phận của cơ quan phát âm.

            Đối với trẻ 5-6 tuổi khi hát các tiếng bị rời rạc thiếu sự liên kết do hơi thở ngắn, dây thanh quản còn yếu vậy nên yêu cầu quan trọng trong việc dạy hát cho trẻ chính là giúp trẻ hát liền tiếng, câu hát liền mạch không rời rạc. Đối với trẻ 5-6 tuổi khi đưa ra các bài tập rèn luyện kỹ năng hát liền tiếng, giáo viên không nên lấy độ cao thấp hoặc cao hơn nốt e1 vì với tầm cữ giọng trẻ nếu thực hiện ở nốt thấp hơn e1 thì âm thanh phát ra sẽ bị tối và xỉn. Còn nếu cao hơn trẻ phải dùng sức, tốn nhiều hơi như vậy khiến trẻ khó có thể ngân dài. Hát liền tiếng chính là việc tạo sự liên kết giữa các âm, lời ca một cách mềm mại, không ngắt quãng. Sự điều tiết hài hòa các cơ quan phát âm, kết hợp kĩ thuật hơi thở, giai điệu bài hát không bị vụn, nát mà tạo thành dòng âm thanh trong sáng.

Khi tập hát, giáo viên hướng dẫn trẻ chú ý lắng nghe, điều chỉnh để âm thanh phát ra vang, sáng, tròn tiếng, không thay đổi tính chất, có vị trí thống nhất. Hướng dẫn trẻ hơi thở cố gắng giữ không bị đứt đoạn do hơi thở của trẻ ngắn. Lúc đầu nên tập từ những giai điệu đơn giản, mượt mà, có quãng hẹp. Trước khi vào tập các bài hát nên cho trẻ luyện các mẫu câu khởi động bằng các từ khác nhau.

            Khi trẻ đã khá thành thạo các mẫu trên, có thể cho trẻ luyện thêm các mẫu âm dưới đây nhằm phát triển giọng:

Ví dụ:

             

Khi luyện tập hát liền tiếng các phách đầu nhịp đặt âm thanh nhẹ nhàng nhưng chắc, hơi nhấn. Đẩy hơi đều cho hết câu luyện thanh. Ở nốt cao phải mở rộng phía trong miệng. Tùy vào khả năng của từng trẻ và thời lượng mỗi tiết học mà giáo viên vận dụng bài tập cho phù hợp. Các bài tập này không chỉ giúp trẻ nắm được kỹ thuật hát liền tiếng mà còn taọ tiền đề phát triển, mở rộng âm vực và chất lượng giọng hát cho trẻ.

            Hát diễn cảm chính là “thể hiện sắc thái cường độ bằng sự thay đổi mạnh, nhẹ, to, nhỏ của một nốt nhạc hoặc của cả câu nhạc là một kỹ thuật hát để bộc lộ những thay đổi trong tình cảm, tư tưởng, nội dung âm nhạc” [1; 66]. Ta có thể hiểu hát diễn cảm là hát có sắc thái, thể hiện được tình cảm, nội dung mà bài hát đề cập. Với lứa tuổi 5-6 tuổi vốn từ của trẻ còn nhiều hạn chế trong cách hiểu, cách phát âm. Việc hát diễn cảm với trẻ ở lứa tuổi này không đòi hỏi nhiều ở kỹ thuật hát, trẻ có thể hát kết hợp vận động theo nhạc, góp phần tăng thêm cảm xúc cho người nghe, người xem. Ví dụ trong bài hát Happy birthday to you, trẻ hát với cảm xúc vui tươi, nhí nhảnh. Đây là bài hát mà trẻ thường được hát trong các buổi sinh nhật của trẻ hay bạn bè, người thân. Trẻ có thể thể hiện cảm xúc qua giọng hát vui tươi, vỗ tay theo nhịp. Hay như trong bài hát Silent night (tạm dịch tiêu đề Đêm yên bình).

Ví dụ :                                                        SILENT NIGHT

(trích)    England folk

 

            Bài hát có giai điệu du dương, nhẹ nhàng, khi hướng trẻ hát diễn cảm bài hát này, giáo viên hướng dẫn trẻ hát diễn cảm theo từng câu hát, hát liền tiếng thể hiện sự du dương nhẹ nhàng của một bài hát ru. Sau mỗi dấu phẩy, dấu chấm của lời ca, hướng dẫn trẻ lấy hơi thật nhẹ rồi tiếp tục hát. Cho tới câu hát “round your virgin mother and child” nghĩa là: quanh Đức Mẹ Đồng trinh và Chúa Hài Đồng, “sleep in heavenly peace” nghĩa là: ngủ trong sự bình yên tuyệt trần, cường độ hát tăng lên, to hơn như nhấn mạnh vào nội dung của câu hát, đồng thời vẫn hát liền tiếng. Cách hát diễn cảm như vậy dựa trên tính chất của bài hát là một bài hát ru, đồng thời dựa trên giai điệu hình làm sóng, khi lên cao, khi xuống thấp, tạo nên nét giai điệu du dương đưa trẻ vào giấc ngủ.

            Việc rèn luyện các kỹ năng ca hát cho trẻ là rất cần thiết trước khi dạy trẻ học hát nói chung và các bài hát bằng tiếng Anh nói riêng. Trong quá trình hướng dẫn trẻ thực hiện rèn luyện các kỹ năng ca hát giáo viên cần đảm bảo tính vừa sức cho trẻ, các bài tập cần đi từ dễ tới khó.

 

                                             

 

                                                        Tài liệu tham khảo

Nguyễn Thị Tố Mai (2014), Giáo trình lịch sử âm nhạc thế giới, Trường đại học sư phạm nghệ thuật trung ương, Hà Nội.

  1. Ngô Thị Nam (2007), Giáo trình Hát, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  2. Nguyễn Minh Nhật (biên tập) Super songs for children (2010) tập 1;2;3, Nxb Trẻ.

 

 

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc