Nghiên cứu lý luận

ĐẶC ĐIỂM CỦA CA KHÚC VIẾT VỀ LÀO CAI TRONG HOẠT ĐỘNG DÀN DỰNG CA KHÚC

30 Tháng Bảy 2019

Dương Văn Tý [*]

Là một tỉnh vùng cao biên giới nằm ở khu vực Tây Bắc Bộ, tỉnh Lào Cai có những lợi thế riêng về thiên nhiên, có nhiều địa danh nổi tiếng như: Sa Pa, Bắc Hà, Y Tý…nơi sản sinh những nét văn hóa độc đáo riêng có với những con người vùng cao phóng khoáng, thân thiện, chân thành. Đây là nơi truyền cảm hứng để các nhạc sĩ cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc có giá trị, đặc biệt là mảng ca khúc.

Ca khúc viết về Lào Cai khá phong phú và đa dạng. Từ những ca khúc viết cho hình thức hát tốp ca mang tính cổ vũ, động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, phục vụ nhiệm vụ chính trị, ca ngợi quê hương đất nước đến các ca khúc nói về tình yêu đôi lứa của các bạn trẻ vùng cao…với nhiều ca khúc nổi tiếng như:Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời (Sáng tác: Phùng Chiến), Sa Pa thành phố trong sương (Sáng tác: Vĩnh Cát), Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên (Sáng tác: Ngọc Quang), Lào Cai mùa xuân (Sáng tác: Phó Đức Phương), Bắc Hà yêu thương (Sáng tác: Thuận Yến), Suối Mường Hum còn chảy mãi (Sáng tác: Nguyễn Tài Tuệ), Lào Cai thành phố trẻ ta yêu (Sáng tác: Minh Sơn), Lào Cai thành phố anh hùng (Sáng tác:Văn Bình), Lào Cai ngày nắng mới (Sáng tác: Kim Xuân Hùng), Tìm em cô gái Si Ma Cai (Sáng tác: Xuân Quỳnh),…

Nhìn chung, ca khúc viết về Lào Cai phân chia thành 2 mảng rõ rệt, mảng ca khúc mang âm hưởng dân ca dân tộc ít người: Hmông, Dao, Tày, Nùng…và mảng ca khúc hiện đại. Trong các sáng tác của mình, các nhạc sĩ đã đưa vào tác phẩm những vẻ đẹp của thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa, ca ngợi vẻ đẹp của các phong tục tập quán của người dân bản địa, sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh trong những năm gần đây. Để tìm ra những đặc điểm của  khúc viết về Lào Cai, từ đó ứng dụng trong hoạt động dàn dựng và biểu diễn ta phân tích chủ yếu ở các nội dung sau:

Về hình thức: Ca khúc viết về Lào Cai thường có hình thức 2 đoạn đơn. Đây là hình thức được nhiều nhạc sĩ sử dụng bởi nó có tính phù hợp với nội dung tác phẩm (nội dung,hình tượng âm nhạc vừa phải). Ở hình thức 2 đoạn đơn dạng tương phản có thể kể đến một số ca khúc như: Lào Cai ngày nắng mới (Sáng tác: Kim Xuân Hùng); Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên (Sáng tác: Ngọc Quang); Tình Si Ma Cai (Sáng tác: Lê Trọng Hùng), Tìm em cô gái Si Ma Cai (Sáng tác: Xuân Quỳnh)…

Ở hình thức 2 đoạn đơn dạng phát triển có một số ca khúc như: Lào Cai thành phố anh hùng (Sáng tác: Văn Bình); Lào Cai thành phố trẻ ta yêu (Sáng tác: Minh Sơn); Bắc Hà yêu thương (Thuận Yến); Lào Cai ơn nhớ Bác Hồ (Sáng tác: Lê Trọng Hùng)…

            Từ đặc điểm về hình thức như đã trình bày ở trên là cơ sở giúp người dàn dựng chủ động xây dựng tiết mục, xây dựng chương trình tổng thể hài hòa, khoa học và đảm bảo nội dung.Chẳng hạn, khi dàn dựng 01 ca khúc có hình thức 02 đoạn đơn dạng tương phản. Người dàn dựng cần có sự điều chỉnh: Ngoài các yếu tố chính như: Âm nhạc, giọng hát thì các yếu tố phụ họa như: Múa phụ họa, trang phục biểu diễn, bố cục sân khấu…cũng phải thay đổi để thể hiện sự tương phản trong nội dung của ca khúc.

Về điệu thức: Đa số các ca khúc viết về Lào Cai được viết ở điệu thức 7 âm. Đó là những ca khúc mang âm hưởng hiện đại như: Lào Cai ngày nắng mới (Sáng tác: Kim Xuân Hùng); Lào Cai thành phố anh hùng (Sáng tác: Văn Bình); Lào Cai thành phố trẻ ta yêu (Sáng tác: Minh Sơn); Cô gái vùng cao xinh đẹp (Sáng tác: Xuân Quỳnh)…Một số ca khúc cũng sử dụng điệu thức 7 âm nhưng có mang âm hưởng, chất liệu dân ca của các dân tộc Hmông, Dao, Tày, Nùng…có thể kể ra các ca khúc như: Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên (Sáng tác:Ngọc Quang);Bảo Yên khúc hát mùa xuân (Sáng tác: Phùng Chiến); Văn Bàn quê em nghĩa tình (Sáng tác: Minh Sơn); Lào Cai ơn nhớ Bác Hồ (Sáng tác: Lê Trọng Hùng)…

Từ những đánh giá, nhận định trên, người dàn dựng phải đặc biệt quan tâm đến đặc điểm về điệu thức của ca khúc, từ đó phối bè sao cho không bị mất đi tính chất âm nhạc đặc trưng mà tác giả gửi gắm trong ca khúc. Chẳng hạn, trong các ca khúc Bảo Yên khúc hát mùa xuân (Sáng tác: Phùng Chiến); Văn Bàn quê em nghĩa tình (Sáng tác: Minh Sơn), đây là các bài hát mang âm hưởng dân ca Tày. Do vậy, khi phối bè nên phối các quãng 4Đ, 5Đ để tạo nên màu sắc dân ca đặc trưng.

Về tiết tấu: Trong các ca khúc viết về Lào Cai, tùy vào nội dung, hình tượng âm nhạc của ca khúc mà các tác giả sử dụng các tiết tấu khác nhau: Chẳng hạn những bài ca ngợi vẻ đẹp quê hương, tình yêu lứa đôi trong hòa bình ta thấy các tác giả thường sử dụng tiết tấu có tính chất vừa phải, nhẹ nhàng…có thể kể ra một số bài như: Lào Cai thành phố anh hùng (Sáng tác: Văn Bình); Lào Cai thành phố trẻ ta yêu (Sáng tác: Minh Sơn); Bắc Hà yêu thương (Sáng tác: Thuận Yến); Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên (Sáng tác: Ngọc Quang)…Một số bài sử dụng âm hưởng nhịp đàn tính trong hát Then của dân tộc Tày như: Bảo Yên khúc hát mùa xuân (Sáng tác: Phùng Chiến); Văn Bàn quê em nghĩa tình (Sáng tác: Minh Sơn); Về bản em (Sáng tác: Văn Bình);

Một số bài có tiết tấu vui nhộn (sử đụng đảo phách, nghịch phách) thể hiện niềm vui của mọi người trong ngày hội xuân, niềm vui của đôi trai gái gặp nhau trong ngày hội xuân hay các buổi chợ phiên như: Lào Cai ơn nhớ Bác Hồ (Sáng tác: Lê Trọng Hùng); Tình Si Ma Cai (Sáng tác: Lê Trọng Hùng); Hội xuân Lào Cai (Sáng tác: Trang Anh); Cô gái vùng cao xinh đẹp (Sáng tác: Xuân Quỳnh)…

Chẳng hạn, trong ca khúc Lào Cai ơn nhớ Bác Hồ (Sáng tác: Lê Trọng Hùng), xuất hiện tiết tấu nhanh, rộn ràng, diễn tả không khí ngày hội.

Ví dụ:

Hay trong ca khúc Hội xuân Lào Cai (Sáng tác: Trang Anh), tác giả cũng sử dụng đảo phách, nghịch phách ở điệp khúc để tạo không khí vui tươi, trẻ trung của các bạn trẻ vùng cao trong ngày hội xuân.

Ví dụ:

Việc phân tích về tiết tấu của khúc kể trên giúp người phụ trách lựa chọn hình thức biểu diễn, cách phối bè trong dàn dựng hát, các yếu tố phụ họa (múa phụ họa, âm thanh, ánh sáng, trang phục, đạo cụ)…sao cho phù hợp với tiết tấu chủ đạo của ca khúc.

Về giai điệu: Nhìn chung, ca khúc viết về Lào Cai thường có giai điệu đẹp, dễ nhớ, dễ hát. Là tỉnh vùng cao biên giới, địa hình có sự phân chia rõ rệt đã tạo nên những điều kiện tự nhiên, xã hội khác nhau. Khu vực vùng cao gồm các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Bát Xát là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc như: Hmông, Hà Nhì, Phù Lá, Pa Dí…Khu vực vùng thấp gồm các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn và thành phố Lào Cai là nơi sinh sống chủ yếu của các dân tộc như: Kinh, Tày, Nùng, Dáy…chính những điều kiện tự nhiên, xã hội này đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đặc trưng âm nhạc của từng khu vực trong tỉnh Lào Cai.

Trong giai điệu của các ca khúc viết về vùng cao,phần mở đầu thường xuất hiện quãng rộng (quãng 4 đến quãng 8), hay viết ở âm khu cao và nhiều bước nhảy trong giai điệu để phần nào diễn tả thiên nhiên hùng vĩ, nơi có những ngọn núi cao, quanh năm mây phủ…có một số bài như: Tìm em cô gái Si Ma Cai (Sáng tác: Xuân Quỳnh); Tiếng hát trên đỉnh Hoàng Liên (Sáng tác: Ngọc Quang); Sa Pa nơi gặp gỡ đất trời (Sáng tác: Phùng Chiến); Tình Si Ma Cai (Lê Trọng Hùng)…Chẳng hạn, trong ca khúc Tìm em cô gái Si Ma Cai (Sáng tác: Xuân Quỳnh), ở phần đầu có xuất hiện nhiều các quãng rộng (quãng  4, 5, 7,8)

Ví dụ:

Ngược lại, ở các ca khúc viết về vùng thấp giai điệu ở phần mở đầu thường mềm mại, viết ở âm khu trung, trầm,ít có những quãng rộng (thông thường từ quãng 2 đến quãng 4), có một số bài như: Bảo Yên khúc hát mùa xuân (Sáng tác: Phùng Chiến); Văn Bàn quê em nghĩa tình (Sáng tác: Minh Sơn); Về bản em (Sáng tác: Văn Bình)…

Việc phân tích giai điệu kể trên có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn người hát.Trên cơ sở phân tích giai điệu của ca khúc, người phụ trách sẽ có cơ sở quan trọng để lựa chọn giọng hát cho phù hợp (về âm khu, thanh khu, tầm cữ giọng)…

Về lời ca: Ca khúc viết về Lào Cai thường sử dụng ca từ mộc mạc, giản dị, dễ hiểu, dễ thuộc, phản ánh cuộc sống một cách chân thực. Đa số các ca khúc có 2 lời, có bài sử dụng ca từ bằng tiếng dân tộc thiểu số như: Văn Bàn quê em nghĩa tình (Sáng tác: Minh Sơn), Bảo Yên khúc hát mùa xuân (Sáng tác: Phùng Chiến)…

Phân tích đặc điểm ca khúc viết về Lào Cai trong hoạt động dàn dựng ca khúc là một công việc cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, là bước tiền đề giúp người dàn dựng có những dữ liệu khoa học, từ đó đưa ra quyết định về chuyên môn như: Lựa chọn ca khúc, hình thức biểu diễn, diễn viên, chất liệu âm nhạc, các yếu tố phụ họa…sao cho phù hợp với nội dung và hình thức của ca khúc, ý nghĩa của hoạt động hay một sự kiện diễn ra hoạt động biểu diễn ca khúc đó. Để hoạt động dàn dựng và biểu diễn ca khúc viết về Lào Cai đạt được kết quả cao hơn nữa, thiết nghĩ ngoài việc người dàn dựng vững vàng về chuyên môn thì cần phải có sự am hiểu sâu sắc về các đặc điểm của ca khúc viết về Lào Cai, từ đó đưa ra các biện pháp dàn dựng phụ hợp, từng bước nâng cao chất lượng dàn dựng và biểu diễn ca khúc viết về Lào Cai.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Ngọc Canh (2003), Phương pháp đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp, Nxb Văn hóa Thông tin Hà Nội.

2. Phùng Chiến (2010), Tuyển tập ca khúcSa Pa nơi gặp gỡ đất trời,

Nxb Âm nhạc - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Đào Ngọc Dung (1997), Những bài hát tập thể, đồng ca, hợp xướng I, II, III, Trường Cao đẳng Sư phạm  Nhạc - Họa Trung Ương.

4. Lê Thế Hào, Nguyễn Thiết (1985), Chỉ huy dàn dựng các tác phẩm âm nhạc, Nxb giáo dục

5. Phạm Tú Hương, Vũ Nhật Thăng (1993), Hòa thanh, Nhạc viện Hà Nội.

6. Nguyễn Thị Nhung (1996), Thể loại Âm nhạc, Nxb Âm nhạc.

7. Đoàn Phi (1999), Chỉ huy dàn dựng hát tập thể, Nxb Đại học sư phạm.

 

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K9 - Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc