Nội san

Giá trị đặc sắc của di tích lịch sử quốc gia đặc biệt đình Nội, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang

31 Tháng Bảy 2019

 Hà Ngọc Luyện [*]

Di tích đình Nội, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang được xây dựng vào đời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 34 (tức năm 1775). Là một trong những di sản văn hóa có nhiều giá trị đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc và đã vinh dự được nằm trong danh sách 23 di tích và cụm di tích lịch sử “Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế” được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 10/5/2012 công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Giá trị lịch sử, văn hóa: đình Nội là một di tích tích chứa đựng những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa. Đây là địa điểm gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tinh thần thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào dân tộc, tính cố kết cộng đồng... của người dân nơi đây. Với những giá trị tiêu biểu về kiến trúc nghệ thuật và lịch sử - văn hoá, đồng thời là một địa điểm có mối liên hệ mật thiết với cuộc khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo (cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX), theo lời các cụ trong Ban “Hương công của Đình”: đình Nội, trong thời kỳ chống Pháp trước đây Hoàng Hoa Thám đã đến, gặp các cụ bô lão trong làng, tổ chức các cuộc họp bàn về chống Pháp tại đây... Quyết định này khẳng định vai trò, giá trị của di tích và chính là một sự tri ân của nhà nước đối với công lao to lớn của bậc tiền nhân đã tạo dựng cho các thế hệ con cháu ngày nay được sống trong thanh bình.

Nhìn tổng thể các di vật, cổ vật thuộc di tích đình Nội hiện nay gồm có: Kiệu bát cống; ngai thờ và bài vị; bát hương gốm Thổ Hà... có niên đại khoảng thế kỷ XIX-XX. Đây là những hiện vật được đánh giá là cổ vật quý cần được quan tâm bảo vệ có giá trị trong nghiên cứu khoa học. Chính những hiện vật này đã tạo thêm giá trị cho di tích.

Giá trị kiến trúc, nghệ thuật: Hiện nay, đình Nội có bố cục mặt bằng theo lối chữ đinh (J) gồm tòa Đại đình 5 gian 2 chái và tòa Hậu cung 2 gian. Đứng từ xa nhìn lại, chúng ta có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng toàn cảnh ngôi đình như một con thuyền lớn với mái lợp ngói mũi, bờ nóc gắn dải gạch rỗng hoa chanh, chính giữa bờ nóc gắn biển đề hai chữ Hán “Tiên đình”, bờ dải xây gạch phủ vữa soi gờ, các đầu đao cong vút mang dáng dấp đao đình của thời Lê trung hưng với hệ mái chiếm 2/3 chiều cao ngôi đình, xòe rộng thoải xuống có tác dụng che nắng, che mưa cho toàn bộ ngôi đình.

Bên trong, hệ thống khung gỗ được liên kết theo kiểu chồng rường, giá chiêng, tiền kẻ hậu bẩy, chéo đao đầu góc với 6 hàng chân cột. Khung đình là sự kết nối tài tình của mộng mà không cần có sự tham gia của chút kim loại nào. Những cột cái, cột quân đứng thẳng trên từng hòn chân tảng kê bằng đá được ghè đẽo công phu, cẩn thận... chính sự liên kết này đã làm cho chúng ta thấy nét độc đáo của kiến trúc đình, chùa Việt Nam.

Tòa Hậu cung 2 gian cũng được xây dựng theo lối kiến trúc chồng rường giá chiêng, chéo đao đầu góc. Đây là nơi đặt ngai thờ, bài vị của hai vị Thành hoàng làng là Cao Sơn, Qúy Minh đại vương.

Có thể nói, nét đặc sắc làm cho đình Nội nổi bật hơn các ngôi đình khác không phải ở kiến trúc, quy mô hay niên đại tạo dựng mà điều độc đáo và nổi bật nhất chính là nghệ thật chạm khắc đã làm nên linh hồn cho ngôi đình này. Tương truyền rằng, khi người dân 3 giáp Tây, Mỹ, Trong đã chuẩn bị đủ nguyên vật liệu để làm đình, nhân dân trong làng cho mời hiệp thợ giỏi nhất ở Bắc Ninh lên xây dựng đình. Các hiệp thợ cùng đua nhau trổ hết tài năng của mình nên đã để lại ở đình Nội một công trình nghệ thuật chạm khắc vào loại độc đáo, tinh xảo nhất tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Điều đặc biệt là chúng ta chưa từng bắt gặp đồ án trang trí đề tài những bức chạm này ở các ngôi đình khác trong tỉnh. Với nghệ thuật chạm nổi, chạm chìm, chạm kênh bong rất công phu, tỉ mỉ, các đề tài trang trí được thể hiện phong phú như: Đề tài tứ linh, tứ quý, chèo thuyền bắt cò, cò lả, vừa đánh vừa đàm... mang đặc trưng phong cách nghệ thuật đan xen của hai thời Lê-Nguyễn.

Một số đề tài, hình tượng trang trí điêu khắc tiêu biểu:

+ Bức chạm khắc với đề tài “chèo thuyền bắt cò”: Đề tài này dựa theo điển tích “Bạng duật tương trì, ngư ông đắc lợi”. Bức chạm miêu tả con cò mổ con trai, con trai cặp vỏ giữ chặt mỏ con cò lại, nhân thế ông lão đánh chài bèn chèo thuyền ra bắt cả đôi. Phải chăng thông qua bức chạm nghệ nhân xưa muốn phản ánh xã hội lúc bấy giờ tranh giành ngôi vị trong thời gian dài làm cho tình hình kinh tế, chính trị của nước ta bất ổn, đã làm cho kẻ thù lợi dụng tình hình đó mà nhảy vào đoạt lợi? Với những đường nét chạm khắc mộc mạc có phần thô phác, tỉ lệ lại không cân đối (con cò to hơn ông lão đánh chài), ấy thế mà lại diễn tả được tâm ý dân gian đầy sâu sắc, diễn tả được cả một quá trình của một giai đoạn lịch sử. Người nghệ nhân này muốn gửi gắm lại cho hậu thế có phải là sự đoàn kết, sẻ chia nhường nhịn lẫn nhau tránh gây hiềm khích để kẻ thứ ba sẽ không có cơ hội hưởng lợi?

+ Bức chạm “vừa đánh vừa đàm”: Bức chạm miêu tả hai viên quan ngồi uống rượu với nhau nhưng sau lưng mỗi vị quan này lại có hai võ sĩ cầm kiếm đứng ngay bên cạnh. Thông qua bức chạm này người nghệ nhân như muốn nói rằng dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần phải giữ được bình tĩnh, bàn bạc cho kỹ như vậy ắt sẽ có được thành công. Vẫn là những nét chạm thô phác nhưng người nghệ nhân đã biểu lộ được tất cả hàm ý của mình vào trong tác phẩm.

+ Hình tượng rồng: Qua quá trình khảo sát thực tế tại di tích đình Nội, tác giả nhận thấy nghệ thuật chạm khắc đề tài rồng ở đây được tạo tác khác nhau với những đặc điểm có thể nhận ra đây là do hai hiệp thợ làm. Các đầu dư nằm dưới câu đầu chạm hình rồng mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII với đặc điểm: Mắt lồi, hốc mắt sâu, mũi sư tử, lông mày dài dạng mác, bờm tóc chia thành 5 nhánh duỗi thẳng về phía sau... Bên cạnh đó có những hình rồng được trang trí với nghệ thuật chạm bong kênh với đặc điểm: Răng nanh dài cong và lớn, tai thú, các đao mác uốn lượn dạng dải lụa...

+ Hình tượng hoa lá: Được thể hiện trên các thanh xà, kẻ và hệ thống ván trong kiến trúc của ngôi đình với các dạng: vân xoắn, hoa cúc, mây lửa cách điệu cùng thủ pháp nghệ thuật chạm nổi, chạm lộng mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Ngoài ra còn có bức chạm miêu tả cảnh các kỵ binh ra trận trong tư thế vô cùng khỏe khoắn, mạnh mẽ... Và còn rất nhiều bức chạm khắc khác mà thông qua mỗi tác phẩm này người nghệ nhân dân gian xưa như muốn phản ánh thực tế xã hội lúc bấy giờ. Các nghệ nhân đã thổi hồn vào từng thớ gỗ để giờ đây lớp hậu sinh chúng ta có cơ hội được chiêm ngưỡng, hiểu hoàn cảnh lịch sử văn hóa xã hội khi xưa. Với bàn tay tài hoa, khéo léo, các hiệp thợ Bắc Ninh đã thể hiện những nét chạm tinh tế, độc đáo khiến đình Nội trở nên nổi bật mà hiếm có ngôi đình nào trong tỉnh có được.

Lễ hội đình Nội

            Hàng năm, vào ngày 10 và 11 tháng Giêng (âm lịch), nhân dân làng Nội lại nô nức tổ chức lễ hội lớn tại trung tâm đình Nội. Đây là một lễ hội lớn của xã Việt Lập nói riêng và huyện Tân Yên nói chung. Trải qua thời gian, lễ hội cũng có nhiều thay đổi.

- Không gian lễ hội: Để tổ chức lễ hội này, làng cho các giáp chọn ra một ông cai đám, hai ông lềnh, hai ông hóa, một ông đương cai và 13 ông trong ban tế để giúp làng lo việc hội. Vào ngày 10 tháng Giêng, dân làng tổ chức rước sắc ở nhà dân giữ sắc ra đình. Phong tục ở làng Nội không lưu sắc ở đình, đền hoặc nhà sắc mà lưu ở một nhà dân trong nhiều năm không chuyển, trừ khi nhà đó có tang chở. Buổi sáng rước xong, tế lễ yên vị rồi cho đóng đám vào lệ. Buổi tối có hát nhà tơ tại sân đình.

Đến ngày chính hội (11 tháng Giêng) làng cho tế thần ở đình. Các gia đình trong xã đều có mâm lễ để dâng lên vị Thành hoàng làng nhằm thể hiện lòng biết ơn và cầu mong đức Thành hoàng phù hộ độ trì cho bản thân, gia đình và cộng đồng làng xã. Nhiều đoàn khách du lịch cũng thực hành tín ngưỡng tại di tích và dâng lên đức Thành hoàng các đồ lễ thể hiện lòng thành tâm. Đặc biệt trong ngày hội có thi cỗ, làm cây xôi năm mâm đắp thành 4 chữ “thiên hạ thái bình”, có lệ hát ca trù, hát chèo... đón dân kết chạ ở Lăng Cao cùng đến vui hội.

- Phần hội: Trong lễ hội làng Nội có tổ chức nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: Đánh đu, đấu vật, cờ người, chọi gà... Đặc biệt là trò chơi cướp cầu cạn thu hút đông đảo du khách cùng nhân dân tham dự. Người dân làng Nội đến nay vẫn truyền nhau câu ca rằng: “Đình Nội có hội cướp cầu/ Tháng Giêng mười một đâu đâu cũng về”.

Trải qua năm tháng, hội lệ của làng vẫn được duy trì thường niên, tuy nhiên trò chơi cướp cầu đã bị mai một, đến nay chỉ còn một số cụ cao niên trong làng còn nhớ nghi thức trò chơi này. Trò chơi cướp cầu trong ngày hội nói riêng là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc cần được bảo tồn, tiếp tục duy trì và phát huy giá trị trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang (2012), Di tích lịch sử Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, Nxb Thông Tấn, Hà Nội.
  2. Ban Quản lý di tích tỉnh Bắc Giang (2015), Các vị Thần, Thành Hoàng tỉnh Bắc Giang, Nxb Thông tấn, Hà Nội.
  3. Bảo tàng Bắc Giang (2008), Di sản văn hóa Bắc Giang về Văn hóa phi vật thể, Nxb Công ty cổ phần In Bắc Giang, Bắc Giang.
  4. Bảo tàng Bắc Giang (2012), Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt đình Nội, xã Việt Lập, huyện Tân Yên, Hồ sơ lưu tại Phòng Kiểm kê Bảo quản-Bảo tàng Bắc Giang.
  5. Nguyễn Quyết Chiến – Bảo tàng Bắc Giang (2016), Chuyên đề nghiên cứu, Lễ hội đình Nội và không gian tổ chức lễ hội 
  6. Đảng bộ xã Việt Lập (2016), Lịch sử Đảng bộ xã Việt Lập, Bắc Giang.
  7.  

[*] Học viên cao học K7 chuyên ngành Quản lý văn hóa