Nội san

Đưa âm nhạc vào hoạt động kể chuyện cho trẻ bậc tiểu học ở một số nhà văn hoá

12 Tháng Năm 2010

 

Nguyễn Ngọc Anh

Khoa Thanh nhạc - Nhạc cụ

 

Là một giảng viên, qua quá trình giảng dạy, đào tạo, tôi mong muốn mình không chỉ là người truyền thụ tri thức, mà còn là người chia sẻ với các em sinh viên, người thầy giáo, cô giáo trong tương lai, những điều còn lúng túng khi đưa các phương pháp giảng dạy âm nhạc vào hoạt động giáo dục ngoại khoá tại địa phương, nơi các em sẽ công tác sau này. Với mong mốn đó, tôi mạnh dạn đưa ra ý tưởng/đề xuất trong bài viết này hi vọng một phần nào đó giúp các em làm giàu phương pháp, đa dạng hoá phương thức giảng dạy vận dụng được vốn kiến thức đã học trong quá trình công tác tại trường và các nhà văn hoá tại địa phương.

Có thể nói, cũng với giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học chính là tiền đề vì đó là môi trường diễn ra hoạt động giáo dục khởi đầu cho các cấp học sau này của mỗi con người. Hệ giáo dục này có vai trò quan trọng trong việc giúp trẻ nhận thức, khám phá thế giới, có ý nghĩa rất lớn trong việc hình thành nhân cách trẻ. Trong đó âm nhạc và kể chuyện là hai hoạt động có quan hệ chặt chẽ, góp phần không nhỏ trong việc giáo dục tình cảm đạo đức (tình yêu gia đình, bè bạn, hành vi ứng xử xã hội…), hình thành thị hiếu thẩm mỹ (yêu cái đẹp, cái tốt; biết phân biệt cái hay, cái dở…)

Sự phát triển trí tuệ (tư duy logic, trí tưởng tượng…) và thể chất cho trẻ (ngôn ngữ…). Âm nhạc, kể chuyện là hoạt động không thể thiếu và trở thành một nhu cầu tinh thần rất cần thiết của trẻ em như nhà sư phạm Xu-khôm-lin-xki đã viết: “Tuổi ấu thơ không thể thiếu âm nhạc cũng như không thể thiếu trò chơi và truyện cổ tích, thiếu đi những cái đó trẻ chỉ còn là những bông hoa khô héo…”.

Qua những nhà văn hoá được khảo sát, có thể thấy đây là nơi chủ yếu thu hút các em tham gia hoạt động ngoại khoá. Do đó, hầu hết các nhà văn hoá đều có các lớp năng khiếu: Vẽ đàn, múa, võ thuật, kể chuyện, tạo hình… với sự đầu tư phương tiện giáo dục, cơ sở vật chất, trang thiết bị: keyboard, băng đài, trang ảnh, gương… Tuy nhiên, qua nghiên cứu tôi thấy thực trạng hoạt động kể chuyện ở đây còn nhiều hạn chế, chưa đạt được hiệu quả cao, nguyên nhân chủ yếu là do hoạt động kể chuyện chưa được lồng ghép với các hoạt động giáo dục khác mà chỉ chủ yếu tiến hành kể chuyện bằng phương pháp thuyết trình, nặng về truyền đạt bằng ngôn ngữ kết hợp ngữ điệu (tranh minh hoạ, gấu nhồi bông…). Vì vậy trẻ mới chỉ “cảm nhận” được câu chuyện ở trạng thái tĩnh mà chưa có âm thanh, nên, phần lớn trẻ sau khi nghe kể các em dễ quên hoặc nhớ không hoàn chỉnh câu chuyện, ít có sự tưởng tượng sáng tạo, hiệu quả giáo dục lúc này sẽ không cao. Do đặc điểm tâm sinh lý nên phần lớn trẻ tham gia lớp kể chuyện ở độ tuổi từ 4-6,7 tuổi với khả năng tập trung không dài, dễ mất tập trung. Mặt khác, theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, ở lứa tuổi này, giai đoạn thính giác trẻ phát triển, có khả năng cảm thụ âm thanh khác - đặc biệt là âm thanh âm nhạc. Một giai điệu, một nét nhạc có thể gợi lên ở trẻ những rung cảm nhất định, tạo nên những sắc thái tâm lý khác nhau. Sẽ rất thuận lợi nếu giáo viên có thể khai thác khả năng này để hỗ trợ cho trẻ tiếp cận tri thức. Do đó, cần thiết kết hợp âm nhạc vào hoạt động kể chuyện để hỗ trợ khả năng tiếp thu, cảm thụ của trẻ một cách thoải mái, chủ động, linh hoạt và trọn vẹn hơn. Với những điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi được các nhà văn hoá chú ý đầu tư (máy tính, băng đĩa, đài, đàn keyboard…) thì điều này có thể thực hiện.

Trong quá trình thực hiện giáo viên cần lưu ý tâm sinh lý trẻ ở mỗi độ tuổi. Khả năng chú ý và ghi nhớ của trẻ 4 - 5 tuổi có tốt hơn trẻ 3 - 4 tuổi, những nền tảng cơ bản về nhân cách trẻ đang dần ổn định nên nội dung câu chuyện cũng được kéo dài hơn, nhiều tình tiết và nhân vật hơn. Bởi vậy, các câu chuyện giáo viên kể cho trẻ chủ yếu nhằm định hướng những phẩm chất, nhân cách cho trẻ. 5-7 tuổi, bắt đầu đến trường, thể lực, trí não phát triển, trẻ đã tích luỹ được nhiều hơn các kiến thức, tri thức, nhận biết được nhiều hơn các sự vật, hiện tượng xung quanh. Do vậy những câu chuyện kể cho trẻ ở giai đoạn này chủ yếu giáo dục nhân cách theo chiều sâu. Trẻ ở lứa tuổi này khả năng ghi nhớ tốt nên câu chuyện có nhiều tình huống nhân vật hơn. Về khả năng âm nhạc, trẻ 4 - 5 tuổi duy trì hứng thú hoạt động âm nhạc (hát, múa, đàn…), thậm chí hiểu được cách thể hiện bài theo tính chất âm nhạc. Trẻ có khả năng ghi nhớ khi nghe nhạc, thính giác phát triển hơn…Ở độ tuổi 5-7 tuổi, trẻ còn thể hiện hứng thú và khả năng âm nhạc rõ hơn: cảm giác tai nghe, so sánh phương tiện biểu hiện tính chất, cường độ âm nhạc… Những phân tích trên cho thấy trẻ ở mỗi độ tuổi đều có sự khác biệt về tâm sinh lý cũng như khả năng nhận thức. Cho nên giáo viên cần tìm hiểu, nắm được khả năng ghi nhớ, sử dụng ngôn ngữ, khả năng âm nhạc của trẻ từng giai đoạn để lựa chọn những trò chơi, bài hát, câu chuyện hay đưa âm nhạc vào hỗ trợ hoạt động kể chuyện không chỉ là những bài hát có trong chương trình mà còn có thể là âm thanh tiếng động, các trích đoạn không lời… phù hợp ở từng lứa tuổi. Vì vậy, đòi hỏi giáo viên cần khai thác, tìm hiểu bổ sung các âm thanh, đoạn nhạc đáp ứng được yêu cầu trên.

- Chọn âm thanh: minh hoạ nhân vật, tiếng động tái tạo lại nhân vật, khung cảnh câu chuyện 1 cách sinh động và cụ thể hơn. Giáo viên có thể chọn âm thanh có sẵn trong đàn keyboard hoặc lựa chọn thêm âm thanh thực thu được bằng các phần mềm semples sound để lồng ghép, như tiếng kêu các loài động vật (chó, mèo, lợn, chim hót, vó ngựa, gà gáy, ếch, ve …); tiếng phương tiện giao thông (chuông xe, tàu hoả, xe cảnh sát, xe cứu thương…); tiếng đồ vật (chuông đồng hồ, gõ cửa…); âm thanh của các hiện tượng tự nhiên (gió, mưa, sấm sét, sóng biển, suối chảy…).

- Chọn âm nhạc: giáo viên có thể sử dụng bài hát trong và ngoài chương trình, sử dụng cả bài hoặc đoạn nhạc có nội dung, tính chất phù hợp để minh họa cảnh huống, hành động, cảm xúc nhân vật: Rửa mặt như mèo; Nào! chúng ta cùng tập thể dục; ông cháu, cả nhà thương nhau, chú bộ đội, bác đưa thư vui tính, em yêu cây xanh, đếm sao, cho tôi đi làm mưa với, quê tươi đẹp, tìm bạn thân… hoặc những tác phẩm nhạc không lời - thể loại nhạc mới mẻ nhưng theo các kết quả nghiên cứu, lại có tác động rất lớn tới việc hình thành, phát triển tư duy của trẻ cũng như khả năng gợi mở sáng tạo lớn. Giáo viên nên khai thác các trích đoạn nhạc không lời để minh hoạ cho tình huống truyện, làm nền cho hành động, trạng thái cảm xúc nhân vật (sonate Mozart, Beethoven, Schubert, Debussy…). Ngoài ra, tuỳ khả năng giáo viên có thể tự nghĩ ra những bài hát, đoạn nhạc minh hoạ cho câu chuyện. Vì vậy giáo viên cần nghiên cứu các câu chuyện sẽ kể (nội dung, tình tiết), âm nhạc, âm thanh vào các vị trí thích hợp để dẫn dắt, gợi mở không khí, khung cảnh câu chuyện thu hút sự chú ý của trẻ.

- Dùng để minh hoạ trong quá trình kể chuyện: giáo viên có thể sử dụng âm thanh, âm nhạc xen kẽ, đan lồng vào trong quá trình kể chuyện. Phần âm thanh, âm nhạc được đưa vào gắn liền với bối cảnh hoặc nhân vật trong câu chuyện. Khi minh hoạ tiếng các loài động vật nên sử dụng tiếng kêu đặc trưng (bằng băng đĩa, keyboard…). Khi miêu tả khung cảnh, bối cảnh truyện thì nên sử dụng kết hợp nhiều tiếng động như ở làng quê (gà gáy, chó sủa, tiếng kêu của ếch, dế…), thành phố (ôtô, xe máy, cảnh sát…), rừng núi (suối chảy, tiếng gió…)…  như những bài hát Trời nắng trời mưa, Ánh trăng hoà bình, Đếm sao, Nắng sớm, Mùa xuân, Sonate Ánh trăng (Beethoven), Concerto bốn mùa Vivaldi, giao hưởng Biển, Debussy, Chèo thuyền trong tổ khúc giao hưởng Seheradad của Rimsky Korsakov… Khi miêu tả nhân vật phản diện, xấu xa thì sử dụng âm nhạc mang màu sắc tối, gớm ghiếc, kỳ quái như Anistra trong Peer Gynt của Greig, bức tranh quỷ sứ trong bài liên khúc Những bức tranh trong phòng triển lãm của Mussoogsky… Những nhân vật tốt bụng, dũng cảm, đại điện cho cái thiện thì sử dụng âm nhạc giản dị, trong sáng như trong Cendeiella của Prokofiev, Bài ca nàng Xonvây trong Peer Gynt của Grieg, Opera Epghenhi Ơnhegin của Tchaikovsky… hay miêu tả tâm lý nhân vật như nỗi buồn của Xanh xăng, nước mắt (Schubert), cô đơn  (con đường mùa đông trong tập liên ca khúc - Schubert…, Vũ khúc bầy gà con trong liên khúc bức tranh trong phòng triển lãm (Mussoogsky), chủ đề ngày hội trong khúc mở màn opera Carmen của Bizet, sự sợ hãi (Vũ khúc kinh hãi trong Ballet Mối tình kì ảo của Derfalla)…

- Dùng để kết thúc chuyện: có thể sử dụng âm nhạc để gợi nhớ, củng cố lại nội dụng kiến thức câu chuyện trẻ vừa nghe hoặc vừa vận dụng theo nhạc trong các trò chơi có nội dung phù hợp câu chuyện vừa kể…

Qua quá trình khảo sát, tìm hiểu tâm sinh lý của trẻ qua các chương trình đào tạo tại các lớp kể chuyện ở nhà văn hoá, tôi mạnh dạn đưa ra một số gợi ý để tiến hành hoạt động kể chuyện có sự phối hợp lồng ghép âm nhạc bao gồm: Cách thức lựa chọn âm thanh, bài hát/ trích đoạn các tác phẩm âm nhạc để lồng ghép, kết hợp hoạt động kể chuyện, cách thức lồng ghép ở các thời điểm (mở đầu, trong quá trình kể, kết thúc) kể câu chuyện… Từ đó tôi hi vọng rằng, các giáo viên có thể nghiên cứu xây dựng các bước tiến hành giảng dạy, ứng dụng biên soạn các giáo án, tổ chức hoạt động kể chuyện âm nhạc cụ thể. Tuy nhiên để triển khai đề tài này trên thực tế, tôi có một số đề xuất sau: cần trẻ hoá đội ngũ giáo viên để nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng âm nhạc, khả năng sử dụng các phần mềm thu âm thanh semples sound, phần mềm cắt dán các đoạn nhạc cần lồng ghép bằng chương trình phần mềm wave lab, sử dụng keyboard, đầu đĩa…)

Trên đây là những ý tưởng, đề xuất của cá nhân tôi, mong rằng sẽ góp phần vào cải thiện chất lượng giáo dục, hỗ trợ giảng viên trong việc đưa âm nhạc vào hoạt động ngoại khoá với các phân môn khác. Hi vọng sẽ nhận được thêm nhiều ý tưởng và sự góp ý của các đồng nghiệp.