Nội san

Thực trạng và giải pháp quản lý lễ hội đình, đền, chùa Bảo Sài, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương

12 Tháng Tám 2019

Phạm Thanh Tùng [*]

Tỉnh Hải Dương nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng - cái nôi của nền văn hóa sông Hồng, được coi là vùng đất “địa linh sinh nhân kiệt”, là một trong những vùng văn hóa và văn hiến tâm linh chính của cả nước.

 Theo thống kê năm 2018, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 3000 điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó tính đến hết năm 2018 có 4 Di tích quốc gia đặc biệt gồm: khu Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (thành phố Chí Linh), quần thể An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương (huyện Kinh Môn); Văn miếu Mao Điền và Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật đền Xưa - chùa Giám - đền Bia (cùng huyện Cẩm Giàng); 141 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 229 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Tuy nhiên, do quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cùng với sự giao lưu, hội nhập toàn diện tác động một cách sâu rộng đến mọi tầng lớp cư dân nơi đây.

1. Thực trạng công tác quản lý đình, đền, chùa Bảo Sài

Di tích đình, đền, chùa Bảo Sài nằm trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Di tích này gồm đình, đền và chùa, được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định 69-VH/QĐ của Bộ Văn hóa Thông tin ngày 29/01/1993. Đình Bảo Sài được xây dựng để thờ Thống soái Đại tướng quân Trương Mỹ, một vị tướng của Hai Bà Trưng. Người có công lớn trong cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm buổi đầu dựng nước từ năm 38- 43 thế kỷ thứ nhất. Phía sau đình là đền và chùa. Đền Bảo Sài còn có tên là Thanh Hư Động thờ Tiên Dung công chúa, là con gái vua Hùng vương thứ 18; còn chùa thờ Phật có tên là Thanh Lương Động Tự, được làm theo hình chữ Đinh có 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện, ngoài ra còn một số công trình khác. Hàng năm, nhân dân các khu phố trong phường tổ chức lễ hội vào 2 đợt: Ngày 10 tháng 2 âm lịch để tưởng nhớ công lao của Đại vương Trương Mỹ và thắp hương tưởng niệm công chúa Tiên Dung và ngày 7 tháng 8 âm lịch và ngày khánh hạ là 20 tháng chạp âm lịch, có ý nghĩa đón mừng Đại tướng mang lộc của triều đình về ăn khao cùng dân làng. Cứ 5 năm một lần, vào những năm chẵn (lần gần nhất là năm 2015), chính quyền, mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Phạm Ngũ Lão và nhân dân lại tổ chức rước thần một cách trọng thể qua các tuyến phố: Bình Minh, Trương Mỹ, Lê Chân, Lê Thanh Nghị và tổ chức nhiều trò chơi dân gian tại sân đình.

Trong những năm qua, công tác quản lý di tích đã được Uỷ ban nhân dân phường Phạm Ngũ Lão, Ban Quản lý cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài cùng với các ban, ngành, chính quyền địa phương cùng quần chúng nhân dân trên địa bàn phường quan tâm và thực hiện nghiêm chỉnh theo đúng Luật Di sản văn hóa và các văn bản từ Trung ương tới địa phương về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích trên địa bàn. Uỷ ban nhân dân phường Phạm Ngũ Lão đã phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Quản lý di tích; đưa các nội dung về bảo vệ, phát huy giá trị của cụm di tích vào quy ước, hương ước để nhân dân cùng thực hiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Di sản văn hóa, về giá trị của cụm di tích và công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích được thực hiện thường xuyên, liên tục. Công tác trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp cụm di tích bằng các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp đạt hiệu quả. Công tác an ninh trật tự, quản lý và bảo vệ di tích được đảm bảo. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường và có nhiều biện pháp xử lý kịp thời, góp phần thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài còn tồn tại một số mặt hạn chế như: Công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá và nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ và phát huy giá trị cụm di tích chưa được thường xuyên, liên tục. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý văn hóa đều có trình độ đại học nhưng lại không được đào tạo đúng chuyên ngành về văn hóa. Nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo cụm di tích chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác quản lý dịch vụ tại di tích chưa được quy hoạch cụ thể; Công tác thi đua, khen thưởng chưa được quan tâm đúng mức…

2. Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích đình, đền, chùa Bảo Sài

2.1. Kiện toàn và nâng cao chất lượng bộ máy nhân sự

Công tác quản lý di tích lịch sử văn hóa là một nội dung mang tính khoa học, yêu cầu tính chuyên môn cao vì vậy đòi hỏi cần đội ngũ cán bộ có kiến thức và trình độ chuyên môn sâu, có năng lực thực sự mới đủ khả năng nghiên cứu, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Để làm được điều đó, ngoài việc đảm bảo về số lượng, đội ngũ làm công tác quản lý di tích, còn phải đảm bảo về chất lượng, về trách nhiệm và tình yêu nghề.

Cần nâng cao chế độ bồi dưỡng cho những người trực tiếp quản lý di tích về mặt vật chất, cũng như tinh thần nhằm động viên, khuyến khích họ tham gia một cách tích cực, tự giác và có trách nhiệm cao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản tại địa phương. Đặc biệt là quan tâm phát hiện, tuyển chọn, đào tạo đội ngũ thuyết minh di tích. Có chính sách ưu đãi giữ cho đội ngũ nhân sự này ổn định, lâu dài.

2.2. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân về việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích

Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quần chúng nhân dân tại di tích. Đây là một trong những giải pháp trọng tâm cần được duy trì thường xuyên, nhằm vận động nhân dân thực hiện tốt Luật di sản văn hóa và các văn bản pháp quy về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt lưu ý, nhấn mạnh sự “kiên trì” trong công tác tuyên truyền. Không thể tuyên truyền theo kiểu “thời vụ”, hay “đánh trống bỏ dùi”. Chú trọng tuyên truyền việc bảo tồn và phát huy di tích gắn liền với việc duy trì, phát triển loại hình văn hóa lành mạnh như hội đình, trò chơi dân gian, hoạt động văn nghệ, thể thao, mô hình sinh hoạt tín ngưỡng dân gian có từ bao đời nay.

2.3. Huy động mọi nguồn lực và đẩy mạnh công tác xã hội hóa

Ngoài nguồn ngân sách hạn chế từ nhà nước đã được phân bổ; cơ quan quản lý cần huy động mọi nguồn lực đến từ: ban ngành đoàn thể, các tổ chức kinh tế xã hội, cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, cần khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ.

2.4. Tăng cường công tác phối hợp giữa các đoàn thể và khuyến khích vai trò của cộng đồng

Xuất phát từ thực tiễn trên, cần phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng của cộng đồng địa phương thông qua việc lấy ý kiến của họ về các vấn đề quy hoạch đất dành cho văn hóa, phát triển du lịch, tổ chức lễ hội… cũng như việc sử dụng, bảo vệ di tích, ủng hộ quan điểm của cộng đồng địa phương, đưa những người có uy tín trong xóm, ấp tham gia thành viên Ban quản lý, Ban khánh tiết để đảm bảo sự thông hiểu và thực thi tốt các hoạt động theo đúng pháp luật hiện hành, phải xem đó là việc không phải tuỳ nghi tự phát của từng người, từng gia đình mà trở thành hoạt động của cộng đồng, tự giác được tổ chức rộng rãi, liên kết chặt chẽ, có chỉ đạo hướng dẫn thống nhất của Nhà nước.

2.5. Đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và định hướng hoạt động quản lý di tích đình, đền, chùa Bảo Sài

Phòng Văn hóa Thông tin thành phố Hải Dương cần hướng dẫn Ban quản lý di tích đình, đền, chùa Bảo Sài, người trông coi di tích có kế hoạch phối hợp với các lực lượng công an, Đội kiểm tra văn hóa thường xuyên kiểm tra, định kỳ, đột xuất nhằm xử lý kịp thời không để xảy ra hiện tượng lấn chiếm di tích. Nghiêm khắc xử lý nếu phát hiện ra: các hoạt động mê tín dị đoan, các trò chơi lừa bịp… Mặt khác, cần củng cố, nâng cao trình độ và trách nhiệm của các Đội kiểm tra văn hóa liên ngành tại thành phố và cơ sở hàng năm. Xây dựng mạng lưới cộng đồng, phát huy vai trò của Ban thanh tra nhân dân tại phường trong việc thanh, kiểm tra các di tích và hoạt động lễ hội vì trên thực tế cơ quan quản lý không thể thường xuyên tiến hành kiểm tra những vi phạm ở cơ sở nếu không có sự giúp sức từ cộng đồng.

3. Kết luận

Các di tích không chỉ là tài sản, không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa với mỗi vùng, miền hay quốc gia mà còn là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích cần ngày một được quan tâm hơn, chú trọng hơn để từ đó tăng cơ hội khai thác và phát triển, phục vụ cho đời sống của con người.

Hải Dương là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hiến, nơi sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt, danh nhân lỗi lạc. Nhiều thế kỷ trôi qua, các giá trị tiêu biểu đó được gìn giữ, bảo lưu qua phong tục tập quán và hệ thống những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong số đó có cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài. Cụm di tích này có vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Hải Dương, được các cấp chính quyền quan tâm bảo tồn và phát triển, từ đó góp phần phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của địa phương.

                                                Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương đảng (1998), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Hà Nội.

2. Ban chấp hành Trung ương Đảng (2009), Kết luận số 51-KL/TW ngày 12/5/2009 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Hà Nội.

3. Báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phường Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương (2015).

4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2011), Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21/01/2011 ban hành quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

5. Quốc hội (2002), Luật Di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K6 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa