Nội san

Biện pháp dạy học soạn đệm ca khúc của nhạc sĩ Đức Trịnh trên Đàn phím điện tử

12 Tháng Tám 2019

Chu Bằng Long [*]

Soạn đệm ca khúc trên đàn phím điện tử là học phần trang bị cho người học những kỹ năng, kỹ xảo sử dụng tính năng, âm sắc, hòa thanh, kỹ thuật hình thành nên phần đệm phong phú, đa dạng trong đệm hát. Nhạc sĩ Đức Trịnh là một trong những nhạc sĩ quân đội có những thành công nhất định trong sáng tác ca khúc. Ca khúc của ông có sự đan xen nhiều chất liệu âm nhạc khác nhau. Vì vậy, ca khúc của nhạc sĩ Đức Trịnh sẽ giúp cho học viên có thể rèn luyện nâng cao kỹ năng soạn đệm.

Trên cơ sở các biện pháp dạy học soạn đệm ca khúc của nhạc sĩ Đức Trịnh, chúng tôi hướng tới việc góp phần nâng cao khả năng soạn đệm ca khúc cho học viên hệ Trung cấp nhạc cụ chuyên ngành Đàn phím điện tử tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.

Tìm hiểu thực trạng dạy học soạn đệm trên đàn phím điện tử cho sinh viên hệ trung cấp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chúng tôi xin đề xuất các biện pháp hướng dẫn soạn đệm ca khúc của nhạc sĩ Đức Trịnh trên Đàn phím điện tử như sau:

1. Phân tích ca khúc

Phân tích ca khúc trước khi soạn đệm là khâu rất quan trọng, giúp cho người học có thể nắm được thủ pháp sáng tác cũng như tính chất âm nhạc, để đưa ra cách soạn phù hợp.

Trước tiên, cần phân tích tổng thể ca khúc để nhận biết được điệu thức, cấu trúc, nhịp điệu, sau đó đi vào chi tiết để tìm hiểu thủ pháp sáng tác. Khi phân tích, bên cạnh việc phân tích trên giấy, cần phải đọc hoặc đàn giai điệu để cảm nhận được tính chất của ca khúc. Để phối hòa âm hiệu quả, cần hướng dẫn người học phân tích điệu thức để nhận biết được giọng, điệu của ca khúc. Đó là cơ sở để phối hòa âm hợp lý, hài hòa. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu sự sáng tạo vận dụng một cách linh hoạt các điệu thức trưởng thứ bằng cách đưa vào các quãng đặc trưng, các mô típ mang yếu tố dân gian để soạn những bản phối khí không chỉ đúng về mặt lý thuyết, mà còn tạo nên những mảng màu riêng biệt, những dấu ấn riêng cho ca khúc. Việc soạn hòa thanh đệm như trên dựa vào điệu thức, lối tiến hành giai điệu và các âm kết của câu, đoạn đã được phân tích. Theo đó, khi phát triển lên cao trào, theo ý tưởng của chúng tôi là hòa thanh có sự luân chuyển liên tục giữa các hợp âm và khi kết thúc giai điệu có chiều hướng chậm dần, nên phần đệm ít có sự thay đổi về màu sắc để ổn định cho toàn ca khúc.

Việc phân tích ca khúc sẽ góp phần quan trọng để tạo nên phần soạn đệm hay và ấn tượng. Vì vậy, trước khi hướng dẫn soạn đệm, giảng viên cần lưu lý hướng dẫn học viên thực hiện công đoạn này. Khi phân tích ca khúc, ngoài việc dựa vào cấu trúc hình thức, điệu thức, phải đặc biệt quan tâm đến lối tiến hành giai điệu, tìm hiểu bút pháp sáng tạo độc đáo và mới lạ để tiến hành soạn đệm hiệu quả.

2. Chọn và đặt hòa thanh

Để tạo nên hiệu quả âm thanh mới lạ, phù hợp với tính chất của ca khúc, đồng thời đáp ứng thị hiếu âm nhạc của quần chúng hiện nay, cần tạo nên những bản phối hay và mới. Đó cũng chính là phong cách mà nhạc sĩ Đức Trịnh đã tạo nên trong âm nhạc của ông.

Với các ca khúc được viết ở giọng trưởng và thứ phương Tây thì việc phối hòa thanh sẽ nằm trong hệ thống các giọng họ hàng của giọng chính. Theo nguyên tắc cổ điển, sẽ có 6 hợp âm chính của cặp giọng trưởng thứ song song, ngoài ra có thể kết hợp thêm hợp âm bảy để tạo sự hút dẫn hoặc ly điệu. Đơn giản và hiệu quả là vòng hòa thanh đệm theo quy tắc quãng 4 (át - chủ). Nếu lấy giọng Đô trưởng làm gốc, có thể sử dụng các vòng hòa thanh: C - F - G7 - C; C - Dm - G7 - C… Giọng la thứ có thể sử dụng: Am - Dm - E7 - Am... Tuy nhiên, với ca khúc Đức Trịnh, cần hướng dẫn người học biết cách sáng tạo những hợp mới dựa trên vòng hòa thanh như vậy. Theo đó, vòng hòa thanh theo khuôn mẫu trên có thể trở thành: Bm - Em - Bm9 - A - Gmaj7 - F# (sus4)...

Với những ca khúc mang chất liệu dân gian, có thể tìm quãng và tiết tấu đặc trưng trong giai điệu, để từ đó có thể vận dụng sáng tạo những hợp âm mang âm hưởng phù hợp với chất liệu dân gian. Nếu tạo nên các chồng âm, hợp âm có ít nhất 3 âm khác nhau là có thể tạo được các chồng âm, hợp âm theo chủ ý của người soạn. Cách soạn đệm như vậy làm cho yếu tố dân gian với nhạc mới có sự hòa quyện mới lạ. Phong cách này đang thịnh hành trong giai đoạn hiện nay với tên gọi: “Âm nhạc dân gian đương đại”.

Với ca khúc mang chất liệu dân gian của Đức Trịnh, ngoài cách phối hòa âm dựa trên quãng đặc trưng, cần kết hợp các nét giai điệu bè tòng để làm nổi rõ hơn tính chất của ca khúc và phong phú hơn cho hòa thanh đệm. Cách soạn đệm đó sẽ tạo nên màu sắc mới, phù hợp với thị hiếu của công chúng giai đoạn hiện nay.

3. Soạn nhạc dạo đầu, nhạc nối và nhạc kết

Dạo đầu trong đàn phím điện tử ghi là: Intro, nghĩa là giới thiệu. Dạo đầu có chức năng mở ra không gian bắt đầu cho tác phẩm, đồng thời để lấy giọng và nhịp cho người hát. Có nhiều cách soạn nhạc dạo đầu, đơn giản nhất là dạo đầu bằng intro của đàn. Ngoài ra, còn có cách soạn khác như dạo đầu bằng hợp âm chủ hoặc các hợp âm ba chính; dạo đầu bằng một câu hay đoạn nhạc nổi bật của ca khúc; dạo đầu bằng cách sử dụng âm hình tiết tấu chủ đạo của ca khúc; dạo đầu dựa vào chất liệu của bài hát để tạo nên nét giai điệu mới...

Đức Trịnh là một trong những nhạc sĩ có sự sáng tạo mới trong ca khúc. Ông đã dựa vào các thủ pháp sáng tác phương Tây và đưa vào đó những dấu ấn riêng của mình. Do đó, khi soạn đệm, cần có sự sáng tạo sao cho phần đệm không chỉ đạt được mức độ đúng hợp âm, đúng nhịp điệu, đúng điệu thức... mà còn hướng tới nâng cao tính chất của ca khúc bằng hiệu ứng của âm thanh đệm. Với ca khúc của nhạc sĩ Đức Trịnh, nên hướng dẫn người học lựa chọn cách dạo đầu bằng dựa trên một yếu tố nào đó từ tác phẩm để tạo nên phong cách mới. Để soạn phần dạo mới, người đệm phải nắm chắc các thủ pháp xây dựng và phát triển mô típ dựa trên hình tiết tấu hoặc tiết nhạc, câu nhạc đặc trưng của ca khúc. Phần dạo với chất liệu mới sẽ tạo cầu nối dẫn vào tác phẩm một cách ấn tượng hơn.

Nhạc nối xuất hiện ở các câu, các đoạn hoặc giữa các lần hát và nhạc công có thể phô diễn kỹ thuật chơi đàn, tạo nét nhạc ấn tượng, lúc đó, người hát được nghỉ ngơi. Khi diễn, có thể thể hiện động tác theo âm nhạc vang lên lúc đó. Thủ pháp soạn nhạc nối thường gặp là nhắc lại và phát triển nét nhạc của phần dạo đầu, như vậy có thể mở rộng hơn về cấu trúc cùng với chất liệu âm nhạc mới.

Khi soạn nhạc nối, với chức năng dẫn dắt từ đoạn a sang đoạn b, có thể viết những nét nhạc ấn tượng, vừa có chức năng dẫn dắt, vừa tạo hiệu quả âm thanh cho người nghe. Đơn giản hơn, có thể dồn trống báo hết đoạn, với đoạn a dùng Fill A hoặc Fill B; với đoạn b dùng Fill C hoặc Fill D. Ngoài ra, tùy thuộc vào tính chất của từng ca khúc, người soạn đệm phải khéo léo sử dụng âm hình, âm sắc và hòa thanh cho phù hợp với tính chất của từng bài, đồng thời tạo sự tương phản giữa hai đoạn a và b. Đây là một trong những kỹ năng cơ bản cần phải trang bị trong quá trình dạy và học soạn đệm ca khúc của nhạc sĩ Đức Trịnh.

Nhạc kết cũng có vai trò quan trọng như dạo đầu và nhạc nối, nhưng nó mang ý nghĩa khác là tổng kết hình tượng nghệ thuật của toàn tác phẩm. Vì vậy, nhạc kết rất cần tạo nên sự ấn tượng. Có rất nhiều cách thực hiện phần nhạc kết: Nhắc lại một câu nhạc của ca khúc; Nhắc lại dạo đầu; Là một nét nhạc dựa trên chất liệu của ca khúc âm hưởng của ca khúc; Là đoạn nhạc mới.

Các phần nhạc dạo, nhạc nối và nhạc kết sẽ làm cho ca khúc hay hơn, nổi bật hơn tính chất của tác phẩm, đồng thời giúp cho người hát có cảm hứng hơn khi hát. Khi soạn đệm ca khúc của nhạc sĩ Đức Trịnh, cần tìm hiểu kỹ các quãng và mô hình tiết tấu đặc trưng để tiến hành soạn để mang lại hiệu quả cao cho ca khúc.

Soạn đệm hát là một trong những nội dung rất quan trọng đối với chuyên ngành Đàn phím điện tử. Đệm hát là kỹ năng cần thiết đối với mỗi học viên, bởi đây chính là công cụ cho các em hoạt động sau khi ra trường. Qua quá trình đào tạo, soạn đệm đã cung cấp cho học viên những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất giúp các em có thể sử dụng đàn phím điện tử làm phương tiện chính cho các hoạt động ca hát trong nhà trường cũng như ngoài xã hội. Vì vậy, chúng tôi tập trung vào vấn đề hướng dẫn kỹ năng soạn đệm cho các em hằm nâng cao hiệu quả của môn học. 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Bách (2003), Hòa âm truyền thống (từ Cổ điển đến Hiện đại), Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  2. Phạm Chỉnh (2001), Hướng dẫn thực hành phần đệm trên đàn Ocgan, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  3. Nguyễn Mai Kiên (2003), Hòa thanh nhạc nhẹ, Giáo trình bậc Đại học, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Hà Nội.
  4. Lê Anh Tuấn (chủ biên), Nguyễn Phúc Linh (2016), Phương pháp tư duy tích cực và sáng tạo trong giáo dục âm nhạc, Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  5. Đỗ Hải Lễ (1993), Hòa âm, Trường CĐSP Nhạc Họa TW, Hà Nội.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K8 - Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc