Nội san

Vận dụng phương pháp dạy học tích cực vào phân môn vẽ tranh và thường thức mĩ thuật ở lớp 4 và 5 trong trường tiểu học

12 Tháng Tám 2019

Phạm Thanh Hùng [*]

Phương pháp dạy học tích cực hay phương pháp giáo dục chủ động là những cách gọi để chỉ những phương pháp, cách thức, kỹ thuật khác nhau làm cho giờ học sinh động, hấp dẫn, người học được làm việc, được sáng tạo. Đối với người giáo viên, khi áp dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực thì mỗi giờ dạy - học trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Đối với người học, họ được chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của mình đồng thời với việc bổ sung những kiến thức, kinh nghiệm không chỉ từ người thầy mà còn từ chính các bạn trong lớp.   

Đổi mới phương pháp dạy học luôn là nhiệm vụ hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng dạy học. Tại trường tiểu học, việc đổi mới phương pháp dạy học luôn được chú trọng, đây là nhiệm vụ hàng  đầu trong công tác giảng dạy của nhà trường hàng năm. Đối với môn mĩ thuật cũng vậy, không phải bây giờ mới thay đổi về phương pháp dạy học mà việc áp dụng những phương pháp dạy học phù hợp và phát huy hiệu quả của học sinh luôn được giáo viên cùng ban giám hiệu nhà trường chú trọng và xây dựng hàng năm sao cho phù hợp.

Bài viết đề cập đến một số phương pháp đã áp dụng khi dạy môn Mĩ thuật ở trường tiểu học. Đây là những phương pháp không phải mới trong dạy học nhưng tác giả xây dựng những phương pháp này ở từng nhóm bài cụ thể để phát huy hiệu quả tối đa. Việc áp dụng những phương pháp đó xin được trình bày cụ thể dưới đây:

* Phương pháp đóng vai

Đóng vai là phương pháp tổ chức cho học sinh thực hành một số cách ứng xử nào đó trong một tình huống giả định.

Phương pháp đóng vai có những ưu điểm sau:

- Học sinh được rèn luyện thực hành những kỹ năng ứng xử và bày tỏ thái độ trong môi trường an toàn trước khi thực hành trong thực tiễn.

- Gây hứng thú và chú ý cho học sinh

- Tạo điều kiện làm nảy sinh óc sáng tạo của học sinh

- Khích lệ sự thay đổi thái độ, hành vi của học sinh theo chuẩn mực hành vi đạo đức và chính trị - xã hội

- Có thể thấy ngay tác động và hiệu quả của lời nói hoặc việc làm của các vai diễn.

* Cách tiến hành có thể như sau:

+ Giáo viên chia nhóm, giao tình huống đóng vai cho từng nhóm và quy định rõ thời gian chuẩn mực, thời gian đóng vai

+ Các nhóm thảo luận chuẩn bị đóng vai

+ Các nhóm lên đóng vai

+ Giáo viên phỏng vấn học sinh đóng vai

- Vì sao em lại ứng xử như vậy?

- Cảm xúc, thái độ của em khi thực hiện cách ứng xử? Khi nhận được cách ứng xử (đúng hoặc sai).

+ Lớp thảo luận, nhận xét: Cách ứng xử của các vai diễn phù hợp hay chưa phù hợp? Chưa phù hợp ở điểm nào? Vì sao?

+ Giáo viên kết luận về cách ứng xử cần thiết trong tình huống.

* Những điều cần lưu ý khi sử dụng:

+ Tình huống nên để mở, không cho trước “kịch bản”, lời thoại

+ Phải dành thời gian phù hợp cho các nhóm chuẩn bị đóng vai

+ Người đóng vai phải hiểu rõ vai của mình trong bài tập đóng vai để không lạc đề

+ Nên khích lệ cả những học sinh nhút nhát tham gia

+ Nên hoá trang và đạo cụ đơn giản để tăng tính hấp dẫn của trò chơi đóng vai

Ví dụ: Ở bài Vẽ tranh đề tài “Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11” - Lớp 4

Chọn 1 bạn vào vai cô giáo, 5 học sinh xung phong vào vai các bạn đến thăm cô giáo vào ngày 20.11.

Diễn biến:

Sau giờ học khi cô và các bạn đã dọn xong đồ dùng và dụng cụ. Các bạn tạo bất ngờ cho cô của mình bằng việc cùng lúc chạy lên tặng cô một bó hoa tươi thắm do tự tay các em làm với nhiều câu chúc tốt đẹp. Cô giáo bất ngờ và cảm động trước tình cảm của các em, cô cảm ơn cả lớp.

 Học sinh nhận xét về:

   - Thái độ diễn của các bạn

   - Câu thoại như thế nào

   - Tình cảm thể hiện với cô ra sao

   Cảm nhận của em về đoạn kịch - ý nghĩa.

   Học sinh nêu cảm nhận theo ý thích

Giáo viên nhận xét thái độ các em qua vở kịch

Ở tiết học sau, giáo viên có thể cho học sinh kể lại câu chuyện của vở kịch này để các em hình dung nhớ lại áp dụng vào bài vẽ của mình.

* Phương pháp hợp tác trong nhóm nhỏ

Dạy học hợp tác trong nhóm nhỏ là một hình thức xã hội của dạy học, trong đó học sinh (HS) của một lớp học được chia thành các nhóm nhỏ trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Kết quả làm việc của nhóm sau đó được trình bày và đánh giá trước toàn lớp.

Phương pháp này là hình thức giảng dạy đặt HS vào môi trường học tập tích cực, trong đó HS được tổ chức thành nhóm một cách thích hợp. Một trong những lý do chính để sử dụng phương pháp này là nhằm khuyến khích HS trao đổi và biết cách làm việc hợp tác (vì vậy còn gọi là phương pháp dạy học hợp tác theo nhóm hay thảo luận nhóm).

Tổ chức HS học tập theo nhóm sẽ phát huy được tính tích cực, tự giác, khả năng chủ động, sáng tạo trong hoạt động nhận thức của HS.

Đối với cấp tiểu học, việc rèn cho HS các kỹ năng học hợp tác nhóm là hết sức cần thiết, tạo điều kiện để HS có nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, góp phần vào việc giáo dục toàn diện nhân cách cho HS.

* Một số cách thức tổ chức dạy học của Đan Mạch được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào giảng dạy một số trường tiểu học vào năm 2014 - 2015 trên toàn quốc:

Đây là phương pháp mới phát huy tính tích cực của học sinh của vương quốc Đan Mạch được sử dụng thông qua 7 qui trình. Những quy trình mĩ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch đều hướng tới mục tiêu lấy học sinh làm trung tâm; kích thích sự tương tác, tư duy sáng tạo và phát triển nhận thức. Để từ đó, các em có thể hình thành và phát triển ba năng lực cốt lõi là:

- Học sinh hiểu, cảm nhận và phản ánh được hình ảnh của sản phẩm/tác phẩm mĩ thuật (phân tích, đánh giá được sản phẩm/tác phẩm).

- Học sinh giao tiếp/trao đổi, tiếp nhận ý tưởng và ý nghĩa thông qua sản phẩm/tác phẩm mĩ thuật.

Cùng lúc với việc phát triển những năng lực nói trên, HS cũng có thể phát triển các giác quan, các kĩ năng sống, kinh nghiệm và khả năng giải quyết vấn đề, các năng lực hợp tác, năng lực tự học và tự đánh giá.

Cách thực hiện:

Giáo viên cần lập kế hoạch bài dạy cho một chủ đề: Gia đình, Nhà trường, Thiên nhiên… Trong mỗi chủ đề, giáo viên thực hiện dạy từ 2 đến 5 tiết được tích hợp một số bài học có nội dung liên quan với nhau.

Những chủ đề trong cách thức dạy học này được thực hiện thông qua 7 qui trình:

- Quy trình Vẽ cùng nhau và sáng tạo các câu chuyện: Vẽ kí hoạ dáng (người/vật)

- Quy trình Vẽ  biểu cảm: Vẽ theo mẫu (chân dung /vật thể)

- Quy trình Trang trí và vẽ tranh qua âm nhạc: Vẽ trang trí (Làm bìa sách, bưu thiếp, giấy mời…)

- Quy trình Xây dựng cốt truyện: Hình ảnh các nhân vật được xé, cắt dán, tạo hình 3D để tạo một chủ đề có cốt truyện

- Quy trình tạo hình 3D tiếp cận theo chủ đề: Các hình khối được tạo ra từ vật tìm được, dây thép, đất nặn, giấy bồi… và được kết nối với nhau trong một không gian nhất định

- Quy trình Điêu khắc - Nghệ thuật tạo hình không gian: Các nhân vật được tạo hình từ các vật dụng tìm được và câu chuyện được phát triển theo chủ đề

- Quy trình Tạo hình con rối và nghệ thuật biểu diễn: Tạo hình các con rối và tạo ra một buổi trình diễn ấn tượng.

 Ví dụ:

Chủ đề “Ngày Tết ở quê em” – Lớp 5 (bài dạy trong 4 tiết).

Ở chủ đề này áp dụng Quy trình Xây dựng cốt truyện: Hình ảnh các nhân vật được xé, cắt dán, tạo hình 3D để tạo một chủ đề có cốt truyện.

Giáo viên tích hợp những bài như: Phong cảnh thiên nhiên, tập nặn dáng người, vẽ chân dung, Trang trí đường diềm trên áo váy.

Ở tiết 1 thực hiện vẽ cùng nhau, vẽ về dáng người, giáo viên gợi ý học sinh tạo dáng những công việc chuẩn bị ngày tết như: quét dọn nhà cửa, gói bánh, vận chuyển cây cảnh ra chợ hoa…tạo ngân hàng hình ảnh.

Ở tiết 2 học sinh chia nhóm thảo luận nội dung sẽ vẽ và phân công các bạn chuẩn bị dụng cụ để tạo tranh 2D hoặc 3D.

Tiết 3 các nhóm cùng thực hiện công việc mà tiết 2 đã chuẩn bị (lưu ý nhắc nhở học sinh giữ trật tự trong lúc thực hiện).

Tiết 4 hoàn chỉnh sản phẩm (tranh 2D, 3D) và trình bày sản phẩm:

Học sinh thuyết trình trước lớp về sản phẩm, các nhóm khác chất vấn về nội dung, chất liệu, qui trình thực hiện…

+ Vai trò của giáo viên:

Giáo viên là nhà thiết kế sáng tạo và linh hoạt các hoạt động dạy, vì họ chính là người điều khiển cách thức học tập. Giáo viên lựa chọn và bao quát được toàn bộ hoạt động trên lớp dựa trên những kiến thức nền tảng cũng như những gì phát sinh trong quá trình học. Giáo viên phải là một “giám đốc dự án”, là một “nhạc trưởng” trong các quá trình học tập của học sinh.

Quá trình vận dụng và trực tiếp thực hành, tiếp nhận phản hồi từ phía học sinh ở lớp 4 và 5 cho thấy, phương pháp dạy học mới đã thực sự tạo được không khí học tập tích cực, tham gia bằng sự chủ động, mạnh dạn, tự tin hơn trong thực hiện các nhiệm vụ học tập, theo đó đã thúc đẩy phát triển nhận thức và các năng lực cá nhân, từ đó tạo cho việc kết hợp phương pháp, phương tiện và kỹ thuật dạy học một cách nhịp nhàng và phát huy được tối đa ưu điểm của các phương pháp, phương tiện dạy học cũng như các kỹ thuật dạy học tích cực trong dạy học môn Mĩ thuật. Đồng thời, từ kết quả bước đầu này, hy vọng việc vận dụng các phương pháp dạy học được nhân rộng và thường xuyên hơn trong dạy học Mĩ thuật và các môn học khác trong nhà trường.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự án Việt - Bỉ (2010), Dạy và học tích cực - Một số phương pháp và kỹ thuật dạy học, Nxb Đại học Sư phạm.
  2.  Bộ Giáo dục và Đào tạo (2011), Tài liệu tập huấn các kĩ thuật dạy học tích cực, Nxb

Giáo dục, Hà Nội.

  1. Nguyễn Thị Đông (2012), Tập bài giảng phương pháp dạy học Mỹ thuật 2, hệ Đại học Sư phạm Mỹ thuật. Tài liệu lưu hành nội bộ, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW Hà Nội.
  2. Nguyễn Thị Nhung (2014), Tài liệu dạy học Mĩ thuật dành cho giáo viên tiểu học.
  3. Đỗ Hương Trà (2015), Dạy học tích hợp phát triển năng lực học sinh, Nxb Đại học   Sư phạm, Hà Nội.

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K4 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật