Nội san

Giá trị di tích lịch sử Địa điểm Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (1946 - 1947), Xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình

19 Tháng Tám 2019

Bùi Thanh Hường [*]

Di tích lịch sử Nhà máy in tiền tại đồn điền Chi Nê (1946 - 1947) nằm trên địa bàn xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình, được công nhận di tích cấp quốc gia theo Quyết định xếp hạng di tích lịch sử số 03/2007/BVHTTDL ngày 27/8/2007 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.

Hiện nay, di tích gồm 4 địa điểm thuộc xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ: Nhà tưởng niệm người có công và cán bộ, công nhân Nhà máy in tiền; Ngôi nhà trung tâm của đồn điền Chi Nê xưa, nơi được đón Bác Hồ tới nghỉ và làm việc khi Người về thăm Lạc Thuỷ năm 1947; Xưởng in bạc đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946 - 1947); Kho để tiền (sau khi in).

Địa điểm di tích trước đây là nơi ra đời tờ bạc 100 đồng “con trâu xanh” hay “tờ bạc tài chính cụ Hồ”. Tờ bạc đầu tiên mang sứ mệnh lịch sử lớn lao của chính quyền cách mạng trong những ngày đầu độc lập. Đây là nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên trong những năm tháng đầy khó khăn của chính quyền cách mạng nói chung và của Bộ Tài chính nói riêng. Sự ra đời của giấy bạc tài chính không chỉ khiến kẻ địch hoang mang mà còn là vũ khí sắc bén trên mặt trận tài chính, là đòn tâm lý đánh vào kẻ thù.

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1946 bùng nổ, địa bàn Lạc Thuỷ trở thành nơi đón tiếp và bảo vệ nhiều cơ quan trung ương và đồng bào ở Hà Nội và các tỉnh về tản cư. Trong những năm đầu đầy khó khăn, thử thách đó, đồn điền Chi Nê của ông bà Đỗ Đình Thiện đã đóng góp một phần không nhỏ vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhà nước ta. Đồn điền Chi Nê được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX của nhà tỉ phú người Pháp Enet Bô-ren. Đây là dải đất màu mỡ của huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Đồn điền chiếm tới 7.331 héc ta, với chiều dài 13km, rộng hơn 9km. Với 400.000 gốc cà phê, 200.000 gốc xoan, 1.500 mẫu ruộng và 4.000 con trâu, bò, dê, cừu... Bên cạnh là dòng sông Bôi uốn lượn chảy qua và những đỉnh núi nhấp nhô bao quanh làm cho đồn điền thêm trù phú và đẹp như bức tranh thuỷ mặc. Hơn 40 năm khai phá và xây dựng, đến năm 1943, Bô-ren bán lại đồn điền cho gia đình ông bà Đỗ Đình Thiện là nhà tư sản Việt Nam yêu nước với giá 2.000 lượng vàng. Đồn điền Chi Nê là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm cho một số Chi đội giải phóng quân, khi các đơn vị này hành quân Nam tiến và các lực lượng vũ trang của Chiến khu 2 đồng thời đóng vai trò như một “trạm giao liên” cho các cán bộ của Đảng, Nhà nước hoạt động.

Không những thế, đồn điền Chi Nê còn được Chính phủ và Hồ Chủ tịch, Bộ Tài chính chọn là một trong những cơ sở đặt Nhà máy in tiền đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Điều đó đánh dấu một mốc son chói lọi của nền tài chính tiền tệ Việt Nam. Địa điểm Nhà máy in tiền là minh chứng về tầm nhìn, tài lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ khi quyết định sơ tán Nhà máy in tiền về đặt tại nơi đây. Nước Việt Nam từ một nền tài chính non yếu, kiệt quệ do hậu quả của gần 100 năm nước ngoài đô hộ. Nay chúng ta có một Nhà máy in tiền đầu tiên sản xuất ra những đồng tiền độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Lần đầu tiên trong lịch sử, đồng tiền của Nhà nước Việt Nam độc lập đã ra đời và được lưu hành đầu tiên ở Nam Trung bộ, sau đó là trên toàn quốc. Những đồng tiền ấy có sự góp công của anh chị em cán bộ, công nhân viên thuộc nhà máy in tiền ở Chi Nê - mà Bác Hồ gọi thân mật là nhà máy in giấy bạc của chú Thiện”.

Tờ bạc tài chính Cụ Hồ ra đời có sứ mệnh lịch sử là góp phần đấu tranh tiền tệ với địch để bảo vệ nền độc lập dân tộc và trở thành một lợi khí để đấu tranh trên mặt trận kinh tế - tài chính - tiền tệ, loại bỏ đồng tiền Đông Dương của thực dân Pháp ra khỏi nước ta, góp phần quyết định vào việc cung cấp nhu cầu vật chất, lưu thông hàng hoá trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp của nhân dân ta.

Như vậy, nơi đây đã lưu giữ những dấu ấn lịch sử đầu tiên của Bộ Tài chính trong những năm tháng đầy khó khăn của chính quyền cách mạng nói chung và của Bộ Tài chính nói riêng. Sự ra đời của đồng tiền như minh chứng cho lịch sử ngành ngân hàng - tài chính Việt Nam, đóng góp vào việc củng cố chính quyền và tiền tệ cho công cuộc kháng chiến. Đây cũng là địa điểm ghi dấu những dấu tích đầu tiên của ngành công nghiệp in ấn tiền Việt Nam.

Đến với khu di tích, chúng ta mới thấy được những đóng góp vô cùng lớn lao của gia đình ông Đỗ Đình Thiện, một nhà tư sản giàu lòng yêu nước đã hy sinh sản nghiệp lớn lao của một gia tộc vì cuộc đấu tranh giành và giữ độc lập, tự do của Tổ quốc, một sự hy sinh mà ở vào thời điểm quan trọng của lịch sử dân tộc là rất đáng quý và đáng trân trọng. Sự ra đời của di tích là minh chứng cho lòng yêu nước, tinh thần ủng hộ cách mạng của đồng bào mà ông Đỗ Đình Thiện là đại diện tiêu biểu.

Không những thế, nơi đây năm 1947, Đảng bộ và nhân dân huyện Lạc Thuỷ vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và động viên như được thêm một sức mạnh vô biên, quê hương Lạc Thuỷ bước vào cuộc kháng chiến với tư thế vững vàng. Được Bác Hồ về thăm, lòng dân càng tin vào đường lối cách mạng của Đảng, cổ vũ mọi phong trào thi đua đánh giặc của huyện Lạc Thuỷ đóng góp một phần nhỏ của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tại khu vực thị trấn Đầm Đa, nông trường Sông Bôi và xóm Đồng Thung đã in dấu chân và được nghe những lời dạy bảo ân cần của Người. Đây còn là địa điểm ghi nhận một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa vô cùng lớn lao của quê hương với lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc.

Di tích lịch sử Địa điểm Nhà máy in tiền còn có giá trị vô cùng to lớn về mặt văn hoá, giáo dục. Di tích xưởng in tiền và kho bạc xã Cố Nghĩa, huyện Lạc Thuỷ là một di tích cách mạng, nó ghi dấu ấn một thời kỳ chiến tranh nóng bỏng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Bác Hồ. Đồng thời tôn vinh những người đã hết lòng vì cách mạng, như vợ chồng nhà đại tư sản Đỗ Đình Thiện đã cống hiến rất nhiều công sức, tiền bạc và gia sản cho cách mạng. Nó có ý nghĩa giáo dục lớp trẻ ngày nay lòng yêu nước, hy sinh, cống hiến  cho đất nước, tiếp bước cha anh xây dựng xã hội phồn vinh. Cùng với các khu ATK Thái Nguyên và Tuyên Quang, Lạc Thuỷ cũng là một căn cứ quan trọng bảo vệ an toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến, góp phần làm nên thắng lợi của dân tộc. 

Di tích lịch sử Địa điểm Nhà máy in tiền tại Đồn điền Chi Nê (1946 - 1947) còn là điểm nhấn quan trọng trong tuyến du lịch tại huyện Lạc Thủy. Di tích đóng góp giá trị rất lớn góp phần làm phong phú cho nền văn hoá, du lịch của Lạc Thuỷ, cũng như của tỉnh Hoà Bình. Đây cũng gần các địa điểm du lịch nổi tiếng như suối khoáng Kim Bôi (Hoà Bình), chùa Hương (Hà Nội), Ngũ động sơn (Hà Nam), chùa Tam Chúc (Ba Sao) và rừng Cúc Phương (Ninh Bình), có thể xây dựng thành tuyến du lịch liên tỉnh.

Di tích này có ý nghĩa lớn trong lịch sử của dân tộc và ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước và ý thức giữ gìn những thành quả của cách mạng đem lại  cho thế hệ chúng ta. Nó gợi cho chúng ta tưởng nhớ đến thời kỳ kháng chiến gian khổ của đồng bào, tưởng nhớ đến công lao của Bác Hồ và những người lãnh đạo Đảng đối với ngành tài chính trong những ngày đầu hoạt động. Đồng thời tôn vinh những người đã đóng góp tiền của, vàng bạc cho cuộc kháng chiến. Đặc biệt là nhà tư sản Đỗ Đình Thiện, đã đóng góp rất nhiều tiền, vàng và gia sản cho Nhà nước. Gắn kết với những di tích thắng cảnh khác, nó làm phong phú cho văn hoá, du lịch của huyện Lạc Thuỷ và tỉnh Hoà Bình.

Hiện nay, nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước ngày một tăng cao, đặc biệt ngành du lịch cần phải phát triển mạnh để đáp ứng nhu cầu cho du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần phải có kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo khu di tích để đón tiếp nhân dân đến tham quan, tưởng nhớ đến thời kỳ kháng chiến gian khổ của đồng bào, tưởng nhớ đến công lao của Bác Hồ và những nhà lãnh đạo đối với ngành tài chính trong những ngày đầu hoạt động và nhớ đến tình thương của Bác giành cho nhân dân Lạc Thuỷ, đồng thời cũng góp phần phát triển ngành du lịch của tỉnh Hòa Bình nói chung và của huyện Lạc Thủy nói riêng nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân.

Các di tích lịch sử cách mạng là kết tinh những giá trị văn hóa, lịch sử của cha ông ta để lại. Nếu những giá trị đó được thế hệ hôm nay trân trọng phát huy tốt thì sẽ có vai trò rất lớn trong việc đáp ứng giữ gìn lịch sử, giáo dục truyền thống, bên cạnh đó còn mang lại những lợi ích lớn về kinh tế, văn hóa, chính trị cho địa phương và đất nước.

Tài liệu tham khảo

1. Đặng Văn Bài (2006), Tu bổ và tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa là hoạt động có tính đặc thù chuyên ngành, Tạp chí Di sản văn hóa.

2. Ban tài chính quản trị trung ương, “Biên niên sử hoạt động tài chính của Đảng cộng sản Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc gia.

3. Bộ Tài chính (2010), 65 năm tài chính Việt Nam qua tư liệu và hình ảnh, Nxb Tài chính.

4. Lê Văn Hiến (2004), Nhật ký của một bộ trưởng, tập I, II, Nxb Đà Nẵng.

5. Hội đồng nhân dân huyện Lạc Thủy (2015), Nghị quyết số 18/2015/NQ-HĐND ngày 18/12/2015 của họp kỳ thứ mười ba (khóa XVIII) về việc phê duyệt Đề án phát triển Du lịch huyện Lạc Thủy giai đoạn 2015 - 2020; tầm nhìn đến năm 2030.

6. Huyện ủy Lạc Thủy (1994), Lịch sử Đảng bộ huyện Lạc Thủy, tập I (1930 - 1954), Nxb Chính trị quốc gia.

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Quản lý Văn hóa