Nội san

Thử tìm cách giải nghĩa rền và nền trong dân ca Quan họ

12 Tháng Năm 2010

Đặng Phương Lan

 Khoa Thanh nhạc - Nhạc cụ

 

         Vang - rền - nền - nẩy là những đặc trưng rất quan trọng của dân ca Quan họ. Tuy vậy, cho tới nay vẫn chưa có sự thống nhất trong cách giải thích nội dung những khái niệm này, đặc biệt đối với rềnnền. Trong quá trình giảng dạy Quan họ (môn Dân ca) người viết bài này nhận thấy rằng nếu không hiểu rõ những khái niệm này thì rất khó truyền đạt cho sinh viên có hiệu quả kiến thức và kỹ năng hát Quan họ. Vì lẽ đó chúng tôi đã tra tìm cách giải thích rền nền trong các công trình nghiên cứu về Quan họ, song đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa tìm được tài liệu nào, kể cả các chuyên khảo về dân ca Quan họ, có sự giải thích cần thiết về những khái niệm quan trọng này của dân ca Quan họ. Chúng tôi cũng đã trao đổi với nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ Quan họ về những đặc trưng vang, rền, nền, nẩy, qua đó thấy rằng hai đặc trưng vangnẩy thường được giải thích thống nhất, còn hai đặc trưng rềnnền chưa có cách hiểu rõ ràng, dẫn đến nhiều tranh luận. Chẳng hạn, một số người cho rằng nềnnền nã, nền nếp, liên quan đến tính cách và trang phục của người Quan họ. Hoặc có người lại cho rằng, nền nghĩa là bằng phẳng như nền nhà, không gập ghềnh, gấp khúc, mà không xác định rõ nội hàm của nền là gì. Về đặc điểm rền, nhiều người cho rằng rền cần phải có từ hai người hát trở lên, một người hát chính, một người hát luồn mới tạo ra độ rền trong hát Quan họ. Có người lại cho rằng vang - nền là yếu tố “trời cho” và “mang tính di truyền”, còn rền - nẩy là do “luyện tập” (?!)** (Xem: Lối chơi Quan họ. Trung tâm Unessco Văn hoá Quan họ, Hà Nội, 2006, tr.82).

 

Trong khi chờ đợi cách giải thích chính thức của các chuyên gia nghiên cứu Quan họ, bài viết này thử đưa ra một cách lý giải rềnnền trong dân ca Quan họ. Chúng tôi cho rằng, để giải thích các khái niệm này một cách thấu đáo, không những cần am tường dân ca Quan họ, mà còn cần tìm hiểu mối quan hệ nghĩa của chúng với nghĩa trong ngôn ngữ toàn dân. Đây là cách lý giải rềnnền của bài viết này.

               1.Rền.

          Theo cách hiểu phổ biến hiện nay thì rền được hiểu như sự hoà quyện của hai hoặc nhiều người hát, như vậy rền có nét nghĩa tương đồng như rền trong xôi rền, bánh trưng rền… Cách hiểu này có chỗ cần phải bàn thêm vì hai nhẽ:

           Thứ nhất, theo cách hiểu này thì một người hát không thể tạo ra độ rền.

            Thứ hai, hát tốp, hát luồn là hiện tượng phổ biến của nhiều thể loại hát và luôn đòi hỏi có sự hoà quyện của các giọng hát. Như vậy, đây không phải là đặc trưng riêng của dân ca Quan họ.

            Vậy rền còn có thể hiểu theo cách nào khác?

             Trong Tiếng Việt còn có một từ rền nói về âm thanh, như trong các cụm từ sấm rền, pháo rền, trống rền… Muốn có độ rền, âm thanh  phải có các đặc điểm: 1. kế tiếp nhau; 2. liên tục và 3. đồng đều.

           Trở lại chữ rền trong dân ca Quan họ, nếu chú ý đến cách hát Quan họ thì có thể thấy nét đặc thù của âm thanh. Chẳng hạn, một âm ơ có thể kéo dài và được hát như có nhiều âm ơ đồng đều, kế tiếp nhau liên tục. Quan họ chủ yếu được hát bằng giọng cổ và khi ngân có độ rung giọng, tạo ra những âm đều nhau, kế tiếp liên tục, không đứt quãng. Chính cách hát này tạo ra độ rền của âm thanh trong lối hát Quan họ. Với cách hiểu như vậy, Rền có thể được xác định là đặc điểm âm thanh có độ rung đều đều, liên tục, không đứt.   

       2. Nền.

       Cách hiểu mang tính dân dã hiện nay cho rằng nềnnền nã, nền nếp khó có thể được chấp nhận, bởi lẽ trong 4 đặc điểm của dân ca Quan họ thì ba đặc điểm vang, rền, nẩy đều nói về âm thanh, vì vậy tất yếu nền cũng phải liên quan đến âm thanh. Hơn nữa, nền nã, nền nếp dễ gây ấn tượng chỉ liên tưởng đến giới nữ và cũng khó có thể khẳng định đây là đặc điểm riêng chỉ có ở người Quan họ.

        Tìm hiểu nghĩa của chữ nền trong tiếng Việt, chúng tôi thấy trong các nghĩa của chữ nền được ghi nhận trong Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học, 2000) có một nghĩa đáng chú ý là “4. cái được trải ra trên một diện rộng và làm nổi lên những gì ở trên đó. Vải nền trắng, hoa xanh. Nền trời đầy sao”. Nếu chữ nền trong Quan họ tiếp nhận nghĩa này thì có câu hỏi đặt ra là: Cái gì làm thành nền và làm nổi lên cái gì trong bài hát Quan họ?

         Trong ca hát nói chung, khi hát có dàn nhạc đệm thì nhạc đệm thường được xem như nền của bài hát. Hiềm là Quan họ cổ không có dàn nhạc đệm. Tuy nhiên, nếu chú ý đến đặc điểm sử dụng tiếng đệm trong hát Quan họ, vấn đề có thể được sáng tỏ.    

         Tiếng đệm trong dân ca Quan họ có một chức năng mà mọi người đều thống nhất nhận định - đó là chức năng thay cho dàn nhạc đệm. Quả thật, âm thanh của tiếng đệm trải rộng trong bài hát Quan họ, tạo ra mặt bằng giai điệu như một dàn nhạc đệm, làm nổi lên lời thơ. Như vậy, nền trong Quan họ có thể được hiểu là đặc điểm của các tiếng đệm tạo nên mặt bằng giai điệu để làm nổi lên lời thơ. Chẳng hạn, trong câu Gọi íơ ớ ơ hự à đò không íi thấy íi hì đò hì i  - thưa ii (câu bỉ bài Gọi đò) các tiếng đệm…íơ ớ ơ hự à.. íi…íi hì…hìi…ii làm nền cho lời thơ Gọi đò không thấy đò thưa. Cách hát nền đòi hỏi cần phải xử lý tinh tế tiếng đệm sao cho chúng không át đi, mà còn tôn lên lời thơ.

         Sự kết hợp các yếu tố vang - rền - nền - nẩy trong bài hát tạo ra sắc thái âm thanh đặc trưng của lối hát Quan họ. Bài viết này chỉ xin đề xuất một cách hiểu chữ rền nền trong Quan họ. Để kết thúc, chúng tôi xin lưu ý rằng, việc nắm rõ nghĩa của chữ nềnrền có thể tránh được không ít khó khăn và nhầm lẫn trong giảng dạy, nghiên cứu, thưởng thức và đánh giá nghệ thuật hát Quan họ./.