Nội san

Một vài suy nghĩ về phương pháp giảng dạy bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng

12 Tháng Năm 2010

 

 Ths Đặng Thị Loan

 Khoa Thanh nhạc – Nhạc cụ

 

 

 Thanh nhạc là bộ môn mang tính đặc thù cao, trong đó phương pháp giảng dạy Thanh nhạc nói chung đều dựa trên sự truyền đạt những cảm giác chủ quan của người thầy và sự tiếp nhận thụ động của học sinh, đặc biệt là trong thời gian đầu. Tuy nhiên cả người thầy và người học cần phải biết phân tích, lựa chọn hướng đúng, có tính khoa học và thực tiễn để tránh những sai lầm bởi sự chủ quan áp đặt. Một đặc thù cần được quan tâm sâu sắc trong phương pháp giảng dạy thanh nhạc, đó là: Mỗi người học là một cá thể sinh động có tâm sinh lý, khả năng tiếp thu khác nhau và có chất giọng khác nhau. Có thể nói, mỗi giờ học là một giáo án khác nhau.

Giảng dạy Thanh nhạc ở Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW chúng tôi – những giảng viên khoa Thanh nhạc – Nhạc cụ - luôn xác định rõ, mục tiêu đào tạo của nhà trường là đào tạo các giáo viên âm nhạc có trình độ chuyên môn cũng như nghiệp vụ sư phạm, đáp ứng được những yêu cầu của các trường phổ thông hiện nay. Bên cạnh đó, những yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi giảng viên đó là: nghiên cứu kỹ tác phẩm về xuất xứ tác phẩm, tác giả, nội dung, ý nghĩa, tầm cữ của tác phẩm phải phù hợp với tầm cữ của người học. Thêm vào đó, lòng nhiệt tình và yêu nghề của người thầy cùng sự hăng say luyện tập của người học cũng sẽ góp phần quan trọng vào sự thành công của buổi học.

Qua quá trình giảng dạy, tôi xin đưa ra một vài suy nghĩ về phương pháp giảng dạy bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” của nhạc sĩ Xuân Hồng đối với giọng nữ trung năm thứ hai tại khoa Thanh nhạc – Nhạc cụ Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW.

Bài hát nói về ngày vui đất nước thống nhất (30/4/1975). Thời điểm lịch sử đó  được nhạc sỹ Xuân Hồng ví như mùa xuân với sự đâm chồi nảy lộc của cỏ cây hoa lá, sự ngập tràn sức sống của vạn vật, muôn loài. Nhạc sỹ Xuân Hồng đã thể hiện cảm xúc dạt dào của mình qua giai điệu lời ca của bài hát.

Bài hát có tầm cữ:

 

Viết ở nhịp 2/4, hát với tốc độ vừa phải.

Bài hát chia làm 2 đoạn, đoạn thứ nhất 1 (từ ô nhịp thứ nhất đến ô nhịp thứ 29) tác giả ngợi ca chiến thắng, đất nước ta tràn ngập mùa xuân, tràn ngập sự sống và nụ cười. Chiến thắng 30/4/1975 là thắng lợi lịch sử vĩ đại của dân tộc ta, kết thúc hoàn toàn cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mở ra thời kì phát triển mới của nước Việt Nam độc lập, thống nhất xây dựng chủ nghĩa xã hội ấm no hạnh phúc của nhân dân, đồng thời cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Vì có nhịp lấy đà nên giảng viên chú ý giảng cho sinh viên hát nhấn đầu phách, rõ lời, trước khi hát hít hơi sâu để không phát ra tiếng động, chú ý thể hiện các nốt luyến móc kép, móc giật cho chính xác.

 

Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, các cán bộ, chiến sĩ và đồng bào thành phố Hồ Chí Minh đã dũng cảm mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, không tiếc máu xương của mình, góp phần đánh bại các chiến lược chiến tranh, làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm sụp đổ chính quyền tay sai, tiến tới trận quyết chiến chiến lược mùa xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước, non sông thu về một mối. Nội dung trên được thể hiện rất rõ qua câu nhạc từ nhịp thứ 10 đến đầu nhịp thứ 19. Với phần lời ca: “Thành phố Hồ Chí Minh quê ta đã viết nên thiên anh hùng ca, thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói lưu danh đến muôn đời”. Với phần lời ca trên, giảng viên nhắc sinh viên lấy hơi đúng câu, hát rõ lời, giữ vị trí âm thanh ổn định vì có những quãng nhảy liên tiếp ở ô nhịp 10, 11 đặc biệt ô nhịp 16 có từ “chói” hát rõ, nét, chính xác.

 

 

Hình ảnh thành phố Hồ Chí Minh tràn ngập bóng cờ bay trong mùa xuân đại thắng làm chúng ta liên tưởng tới hình ảnh hàng ngàn người đổ xuống đường chung một niềm vui phấn khởi vô bờ với nụ cười rạng rỡ.

Từ ô nhịp 19 đến đầu ô nhịp 29:

 

Đoạn 2 từ cuối ô nhịp 29 đến hết:

Với 2 lời ca khúc khác nhau, tác giả ngợi ca niềm hân hoan hội ngộ sau những năm xa cách, tiết tấu giai điệu thể hiện một niềm vui khôn xiết, lời ca và âm nhạc tuôn trào tưởng như không bao giờ cạn.

Phần giai điệu ở đoạn 2 khó hơn với nhiều nốt treo, ngân dài, vì vậy khi hát cần rõ lời có kĩ thuật nén hơi, hàm trên nhấc nhiều cảm giác như cười nhằm giữ vị trí âm thanh ổn định.

 

 

Sau 30 năm đất nước ta bị chia cắt hai miền Nam Bắc, mùa xuân 1975 trong niềm vui không gì tả xiết xen lẫn niềm xúc động đến không kìm được nước mắt, tất cả mọi người như hòa một khối dưới cờ và hoa rợp trời Sài Gòn “Ngày đi như trong đêm mơ tuổi lớn rồi mà như ngây thơ. Ôi ta đang đi đi giữa rừng hoa hay ta đi giữa rừng cờ”.

 

 

Phần kết bài hát chủ yếu là âm thanh “treo”, do vậy, giảng viên cần chú ý  giảng dạy kỹ thuật câu hát này tỉ mỉ và thị phạm chính xác; trước khi hát phải hít hơi sâu, nén chặt, điều tiết hơi ổn định. Đặc biệt, từ “nhất” ngân tự do lại là vần câm, không phải là âm mở nên rất khó hát cho nên giảng viên cần cho sinh viên luyện tập kĩ. Sau đó là cụm “quê mình”, từ “mình” ngân dài 4 phách giữ vị trí âm thanh ổn định, giữ được sức căng, tránh để âm thanh non và đuối dần.

 

 

Khi dạy, giảng viên vừa đệm đàn, vừa nghe, vừa quan sát cũng như chỉnh sửa tư thế, phong cách hát và những chỗ sai, từ đó đề ra phương pháp tự luyện tập cho sinh viên, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo trong nhà trường. Ngoài việc áp dụng kĩ thuật thanh nhạc vào bài hát, giảng viên cần chú trọng đến đặc điểm thẩm mỹ, tâm sinh lý để sinh viên có thể đáp ứng những yêu cầu của bài hát, đặc biệt là “tròn vành rõ chữ”, một yếu tố rất quan trọng trong thanh nhạc.

Là giảng viên giảng dạy bộ môn Thanh nhạc, luôn cố gắng chủ động tìm tòi, tư duy sáng tạo, kết hợp học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm giảng dạy tiên tiến, hiện đại trên thế giới, đồng thời tích cực học tập, trao đổi với đồng nghiệp nhằm mục đích tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu của xã hội. Từ đó, mỗi giảng viên đã tìm ra phương pháp riêng cho mình để cùng nhau ngày càng nâng cao chất lượng giảng dạy, góp phần không nhỏ vào việc khẳng định thương hiệu “ĐHSP TW là trường đào tạo sư phạm nghệ thuật duy nhất trong cả nước”./.