Sự kiện

Xây dựng thể chế là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu

27 Tháng Tám 2019

Sáng nay (27/8), Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị công tác pháp chế ngành Giáo dục năm 2019. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Hữu Độ, Lê Hải An chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư Pháp, đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ.

 Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Kim Hiền

 

Với Bộ GD&ĐT, công tác quản lý nhà nước phải được đặt lên hàng đầu, mà quản lý nhà nước phải bằng văn bản - nhấn mạnh điều này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ trong phát biểu khai mạc: Thực tế, chúng ta đang chỉ đạo một lĩnh vực quá rộng lớn, liên quan đến từng người, từng nhà, các địa phương… Nếu không có hệ thống văn bản pháp lý đầy đủ, hợp lý, có tính thực tiễn cao để chỉ đạo điều hành sẽ rất khó khăn. Do đó, công việc đầu tiên, vô cùng quan trọng là xây dựng văn bản.

Muốn xây dựng hệ thống văn bản tốt, theo Bộ trưởng, điều quan trọng là phải tổng kết thực tiễn, dự kiến đưa vào chính sách gì cần có đánh giá tác động để đảm bảo tính khả thi của văn bản.

Lần đầu tiên Bộ GD&ĐT có 50 đề tài cấp Nhà nước, nghiên cứu diện rộng các vấn đề để xây dựng luận cứ cho xây dựng chính sách. Thông qua 50 đề tài cấp Nhà nước, giúp Bộ GD&ĐT xác định vấn đề, nghiên cứu tổng kết thực tiễn và đánh giá tác động, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng các văn bản pháp luật.

Bước đầu, phương án này thể hiện hiệu quả qua 2 luật đã được Quốc hội thông qua là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục. Ngoài ra, các nghị định và dưới đó là nhiều thông tư ban hành cũng đều trên cơ sở có nghiên cứu.

Cùng xây dựng văn bản, Bộ trưởng cũng lưu ý công tác phải triển khai đồng thời là rà soát các văn bản đã ban hành để xem các văn bản ấy có còn phù hợp. Cuộc sống luôn thay đổi, nhất là trong bối cảnh chúng ta thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, sau đó là nhiều Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ…, gần đây nhất là ban hành 2 văn bản Luật, tác động rất lớn; nên việc dành thời gian để rà soát các văn bản quy phạm pháp luật càng quan trọng.

Hội nghị công tác pháp chế ngành Giáo dục 

 

Công việc thứ 3, theo Bộ trưởng là hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật để các đối tượng thực hiện biết, hiểu và thực hiện. Nhận định công tác này đã được làm tích cực nhưng hiệu quả còn hạn chế. Bộ trưởng nhấn mạnh: Công tác pháp chế là công tác của từng đơn vị, từ lãnh đạo đến chuyên viên đều phải thấm nhuần điều này.

Cuối cùng là công tác kiểm tra, giám sát để xem văn bản đi vào thực tế như thế nào, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung nếu cần thiết. Vấn đề này, nhận định của Bộ trưởng, vẫn còn có hạn chế.

Về phương hướng trong thời gian tới, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý việc xây dựng các văn bản để triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục. Đồng thời, khi 2 luật nói trên cùng các nghị định kèm 2 luật này có hiệu lực thì hàng loạt các thông tư phải thay đổi. Đây là khối lượng công việc khổng lồ.

Nêu rõ các điểm yếu cần khắc phục, trong đó có năng lực công tác pháp chế, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ phải xây dựng chương trình nâng cao năng lực công tác pháp chế cho cán bộ, công chức – đây là tiêu chí để đánh giá cán bộ về nhận thức cũng như năng lực.

(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn - Hiếu Nguyễn)