Nội san

BIỆN PHÁP DẠY HỌC HÁT CA KHÚC CỦA NHẠC SĨ TRẦN TIẾN CHO GIỌNG NAM CAO HỆ ĐẠI HỌC SƯ PHẠM ÂM NHẠC

28 Tháng Tám 2019

Trần Bá Thành [*]

Đặc điểm xuyên suốt trong sáng tác ca khúc của Trần Tiến mang đậm âm hưởng dân ca, tính nghệ thuật cao. Ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến không những được các ca sĩ biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật, mà còn là một phần trong nội dung chương trình đào tạo thanh nhạc ở các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp và các trường có đào tạo giáo viên âm nhạc.

Từ khi xuất hiện ca khúc đầu tiên Cùng nhau đi hồng binh của Đinh Nhu, đến nay nền âm nhạc mới của nước ta đã có hàng ngàn ca khúc và hàng trăm tác giả sáng tác ca khúc. Không chỉ có ca khúc, nền âm nhạc mới nước ta còn có những tác phẩm mang tính bác học kinh điển phương Tây như giao hưởng, sonate, opera...

Từ thế hệ các nhạc sĩ đầu tiên của nền âm nhạc mới nước ta như Văn ChungLê YênDoãn MẫnĐặng Thế Phong, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tuyên, Thẩm Oánh, Hoàng Quý, Lưu Hữu Phước… đến nay, nhiều thế hệ nhạc sĩ nước ta đã trưởng thành trong các giai đoạn lịch sử. Mỗi giai đoạn lịch sử, các thế hệ nhạc sĩ đều có đóng góp to lớn vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, hùng cường, tươi đẹp.

Trong thế hệ các nhạc sĩ trưởng thành thời kỳ kháng chiến chống Mỹ có nhạc sĩ Trần Tiến. Ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến khá đa dạng mang các phong cách, tính chất, màu sắc khác nhau. Một số ca khúc mang phong cách nhạc hát thính phòng như Giai điệu Tổ quốc. Những đôi mắt mang hình viên đạn, Vết chân tròn trên cát…; một số ca khúc mang phong cách nhạc nhẹ như Mặt Trời bé con, Tạm biệt chim én, Thành phố trẻ, Rock đồng hồ…đồng thời lại có những ca khúc mang phong cách dân gian đương đại như: Tùy hứng lý ngựa ô, Tiếng trống Baranưng, Ngựa ô thương nhớ, Giấc mơ Chapi Đặc điểm xuyên suốt trong sáng tác ca khúc của Trần Tiến là mang đậm âm hưởng dân ca, có tính nghệ thuật cao. Ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến không những được các ca sĩ biểu diễn trong các chương trình nghệ thuật, mà còn là một phần trong nội dung chương trình đào tạo thanh nhạc ở các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp và các trường có đào tạo giáo viên âm nhạc. Trong chương trình môn thanh nhạc hệ Đại học Sư phạm Âm nhạc, Khoa Sư phạm Nhạc – Họa, Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội có các ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến.

Là một giảng viên giảng dạy thanh nhạc thuộc Khoa Sư phạm Nhạc - Họa, Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội, tôi nhận thấy trong dạy học hát ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến có những ưu điểm, đồng thời có những hạn chế. Do đó để phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế, tôi nghiên cứu các biện pháp dạy hát ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến cho sinh viên giọng nam cao, nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn thanh nhạc nói chung, dạy học thanh nhạc cho giọng nam cao nói riêng. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi trình bày một số vấn đề về những biện pháp dạy học hát ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến.

1. Đề xuất điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình môn thanh nhạc

- Về đề xuất điều chỉnh nội dung chương trình môn thanh nhạc

Nội dung chương trình môn học có ý nghĩa quan trọng, là kim chỉ nam cho giảng viên hướng đến đạt mục tiêu dạy học. Chương trình môn Thanh nhạc của Khoa Sư phạm Nhạc – Họa gồm lý thuyết và thực hành. Về cơ bản chương trình môn học phù hợp. Tuy nhiên cần điều chỉnh, bổ sung một số vấn đề cả về lý thuyết và thực hành. Ví dụ về lý thuyết thanh nhạc, cần điều chỉnh theo một logic như: sau giới thiệu cấu tạo hoạt động của cơ quan phát âm, tư thế luyện thanh và ca hát thì vấn đề lý thuyết về hơi thở phải là sự nối tiếp liền mạch. Hoặc sau tiết lý thuyết về hơi thở, tiếp nối là phân loại giọng hát của sinh viên… Hoặc nội dung thực hành kỹ thuật thanh nhạc, chúng tôi đề xuất về luyện thanh như: các mẫu âm luyện thanh cho sinh viên giọng nam cao ở học kỳ I, học Kỳ II luyện các chữ có nguyên âm A trước (Na, La, Ma…), sau đó mới luyện các chữ có các nguyên âm I - Ê – O (MI - MÊ – Mô…). Sở dĩ cần luyện các mẫu âm có nguyên âm A đầu tiên khi học thanh nhạc vì, nguyên âm A là nguyên âm mở khẩu hình rất thuận lợi cho người bắt đầu học thanh nhạc. Luyện nguyên âm A đầu tiên thuận lợi nhất cho việc chuyển động của cằm xuống phía dưới, thả lỏng được cơ mặt, hàm trên nhấc lên nhẹ nhàng, thoải mái. Đặc biệt khi luyện nguyên âm A, giảng viên hướng dẫn sinh viên luyện nhấc hàm ếch mềm rất dễ dàng. Nhấc được hàm ếch mềm trong vòm họng là kỹ thuật quan trọng của khoa học thanh nhạc. Âm thanh khi hát vang sáng, đẹp, cộng minh tốt phần lớn là do việc nhấc được hàm ếch mềm trong vòm họng một cách hợp lý. Ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sư phạm thanh nhạc lỗi lạc, người đề xướng ra học thuyết Bel canto trong nghệ thuật thanh nhạc Ý là G. Caccini đã nêu rõ: “Về huấn luyện cơ bản: khi mới học hát, luyện nguyên âm mở “A” sau đó luyện nguyên âm đóng “U, I”. Phải nắm được đặc điểm các nguyên âm. Khi hát âm thanh phải chính xác, sáng sủa. Ngay từ phút đầu luyện giọng, phải chuẩn xác cao độ. Bắt đầu luyện từ âm khu trung” [ 3;71].

Cùng với các mẫu âm có nguyên âm A luyện trước, các mẫu luyện thanh đối với giọng nam cao cần bắt đầu từ các nốt son, nốt la ở quãng tám 1 (g1; a1), mà không phải bắt đầu từ nốt đô ở quãng tám 1 (c1) như chương trình xây dựng. Đây là đặc thù của giọng nam cao mà qua thực tế dạy học và nghiên cứu tài liệu, chúng tôi đã đúc kết được.

- Về đề xuất bổ sung nội dung chương trình môn thanh nhạc

Qua nghiên cứu, chúng tôi đề xuất bổ sung nội dung chương trình phần kỹ thuật thanh nhạc, một số vấn đề như: hướng dẫn cách hát pha giữa giọng ngực và giọng đầu đối với giọng nam cao… hoặc kỹ thuật hát ca khúc theo phong cách dân gian đương đại; kỹ thuật hát ca khúc theo phong cách nhạc nhẹ…

- Đổi mới hình thức tổ chức lớp học và phương pháp dạy lý thuyết thanh nhạc.

Hiện tại hình thức học lý thuyết thanh nhạc ở Nhà trường là một thầy/một trò/01 tiết. Dạy học hiện đại ngày nay, hình thức tổ chức dạy học theo nhóm phát huy được tính tích cực cho người học. Học lý thuyết thanh nhạc cần học tập trung theo lớp, trong lớp chia thành các nhóm. Phương pháp dạy học cần áp dụng là dạy học nêu vấn đề, sử dụng công nghệ thông tin… Hình thức học và phương pháp dạy học theo đề xuất, vừa tiết kiệm quỹ thời gian môn học, vừa phát huy được tính tập thể, tính tích cực trong sinh viên.

2. Đổi mới phương pháp dạy học hát ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến cho giọng nam cao

Ca khúc Việt Nam nói chung, ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến nói riêng được sáng tác theo phương pháp phương Tây. Trên cơ sở phương pháp sáng tác phương Tây, các nhạc sĩ Việt Nam biến đổi nhiều dạng ca khúc có cấu trúc, hòa thanh, âm điệu …. khác nhau. Phong cách thanh nhạc Bel canto được du nhập vào nước ta không chỉ để hát các aria, các bản romance…của phương Tây, mà ứng dụng trong hát ca khúc của nhạc sĩ Việt Nam rất phù hợp. Đổi mới phương pháp dạy học hát ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến với các phong cách khác nhau như ca khúc theo phong cách thính phòng, ca khúc theo phong cách nhạc nhẹ hay ca khúc dân gian đương đại, theo chúng tôi đều dựa trên cơ sở của kỹ thuật thanh nhạc Bel canto. Tuy nhiên tùy theo phong cách của ca khúc, sử dụng biến đổi các kỹ thuật thanh nhạc cho phù hợp, tùy theo sáng tạo của từng giảng viên.

 - Luyện hơi thở

Về việc luyện hơi thở để hát ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác theo các phong cách khác nhau, chúng tôi hướng dẫn sinh viên các phương pháp sử dụng hơi thở khác nhau: hát ca khúc mang phong cách thính phòng, luyện hơi thở và sử dụng hơi thở bụng là chủ yếu; hát ca khúc mang phong cách dân gian đương đại, luyện kiểu thở ngực dưới kết hợp bụng và sử dụng hơi thở này trong thể hiện tác phẩm; hát ca khúc mang phong cách nhạc nhẹ luyện hơi thở ngực trên là chủ yếu, kết hợp sử dụng hơi thở ngực dưới và bụng khi hát các nốt cao, ngân dài…

- Luyện thanh

Các mẫu âm luyện thanh cho giọng nam cao về cơ bản vẫn sử dụng các mẫu chung, phổ biến khi dạy thanh nhạc thường dùng. Nhưng bắt đầu những mẫu âm này ở âm khu trung của giọng hát như:

             Na……………………… ..a.       Nô……………………… ô

- Phân tích tác phẩm

Hiện tại giờ học thanh nhạc tại Khoa Sư phạm Nhạc – Họa, hầu như không phân tích tác phẩm. Trong đổi mới dạy học, chúng tôi đề xuất cần có bước dạy phân tích tác phẩm ca khúc sau luyện thanh, ở những tiết học đầu tiên dạy một ca khúc nào đó. giảng viên giới thiệu khái quát về tác giả, sau đó phân tích nội dung lời ca và những đặc điểm âm nhạc của ca khúc.

- Thị phạm hát mẫu

Không chỉ giảng viên hát mẫu mà còn sử dụng công nghệ thông tin trình chiếu hình ảnh, âm thanh giọng hát của ca sĩ mà giảng viên thấy là tiêu biểu nhất, cho SV nghe, nhìn tham khảo cách sử lý tác phẩm. 

- Thực hành dạy hát

Trong thực hành dạy hát ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác theo các phong cách khác nhau, vấn đề phát âm, nhả chữ cũng có những đặc điểm riêng như:

- Dạy hát ca khúc mang phong cách thính phòng, khi hát những từ ngữ có tận cùng bằng nguyên âm là a (ta), i (đi), ê (lê)… hay tận cùng bằng phụ âm như ng (đường), t (đất), c (nước)… … đều phải mở khẩu hình, không chỉ là các từ ngữ đó có trường độ của nốt nhạc ngân dài, mà cả của những nốt nhạc không ngân. Tùy theo trường độ của nốt nhạc mà từ ngữ đó ứng với nó, khi hát, các từ ngữ này mở khẩu hình rồi đóng ngay, hoặc mở ngân cho hết trường độ rồi đóng…

- Khi dạy hát ca khúc mang phong cách dân gian đương đại, để đảm bảo phát âm, nhả chữ tiếng Việt rõ chữ, rõ lời hướng dẫn sinh viên khẩu hình khi hát không mở dọc, không mở ngang mà ở khoảng trung gian của hai lối mở khẩu hình này. Hát các từ ngữ có nguyên âm hay phụ âm tận cùng đều phải đóng khẩu hình. Các từ có trường độ là nốt đen trở xuống cần đóng khẩu hình ngay. Các từ có trường độ từ nốt đen chấm trở lên ngân 2/3 trường độ nốt nhạc, sau đó đóng khẩu hình.

-Khi dạy hát ca khúc mang phong cách nhạc nhẹ, khẩu hình không mở dọc như hát ca khúc thính phòng, không mở ngang hoàn toàn nhưng gần với mở ngang, cằm dưới luôn luôn thả lỏng, mềm mại. Phát âm, nhả chữ, môi như hơi cười. Âm thanh không sử dụng cộng minh như hát thính phòng, mà để vang tự nhiên. Tất cả những từ có phụ âm tận cùng, có trường độ nốt nhạc ngắn hay dài đều phải đóng tiếng. Tuy nhiên, để âm thanh vẫn âm vang theo trường độ nốt nhạc, những từ ngữ này sau khi đóng tiếng sẽ chuyển sang ngân âm ngậm. Ngân rung các nguyên âm, sử dụng hơi thở ngực đẩy luồng hơi qua thanh đới, qua vòm họng tạo thành những làn sóng âm thanh gập ghềnh, gồ ghề. Đây là một đặc điểm của hát ca khúc theo phong cách nhạc nhẹ của nhạc sĩ Trần Tiến.

Những vấn đề chúng tôi nêu trên khái quát vài nét về biện pháp đổi mới trong dạy học hát ca khúc của nhạc sĩ Trần Tiến cho sinh viên giọng nam cao, Khoa Sư phạm Nhạc – Họa của Trường Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội.

Những đề xuất trong nghiên cứu của chúng tôi được thể hiện qua thực nghiệm sư phạm. Bước đầu kết quả thực nghiệm sư phạm khả quan. Chúng tôi sẽ ứng dụng những kết quả nghiên cứu này vào thực tiễn dạy học trong thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Mai Khanh (1982), Sách học Thanh nhạc. Vụ Đào tạo – Bộ Văn hóa.
  2.  Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện âm nhạc, Hà Nội.
  3.  Hồ Mộ La (2005), Lịch sử nghệ thuật Thanh nhạc phương Tây, NXB Từ điển bách khoa, Hà Nội.
  4.  Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy thanh nhạc, Nxb từ điển bách khoa, Hà Nội.
  5. Nguyễn Thị Nhung (1988), Hình thức âm nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nộị.
  6.  Nguyễn Xinh (1983), Lịch sử âm nhạc thế giới tập I, Nhạc viện Hà   Nội.

 

------------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K9 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc