Nghiên cứu lý luận

RÈN LUYỆN KỸ THUẬT ĐÓNG TIẾNG CHO HỌC SINH GIỌNG NAM TRUNG

06 Tháng Chín 2019

Nguyễn Việt Cường [*]

1. Đặt vấn đề

Đóng tiếng là một trong những kỹ thuật quan trọng và phức tạp của thanh nhạc, nhằm mở rộng âm vực để đáp ứng với yêu cầu của sự phát triển ca hát trong lĩnh vực opera từ thế kỷ XIX. Đóng tiếng giúp người hát có thể xử lý tốt các nốt cao mà không bị nhòe mờ hay vỡ âm thanh. Hiện nay, qua nghiên cứu và tìm hiểu tương đối nhiều sách chuyên khảo, giáo trình, tài liệu của các tác giả như: Nguyễn Trung Kiên, Hồ Mộ La... Chúng tôi nhận thấy chưa có khái niệm cơ bản về "đóng tiếng" một cách rõ ràng và hoàn chỉnh nhất. Tuy nhiên, trong cuốn Phương pháp sư phạm thanh nhạc của tác giả Nguyễn Trung Kiên đã nêu những đặc điểm cơ bản về âm thanh đóng như sau:

Đối với âm thanh đóng, phải mở rộng phần trong của miệng bằng cách buông lỏng hàm dưới, nhấc hàm ếch mềm lên một cách mềm mại. Nguyên âm a hát tròn tiếng, pha chất tròn và gọn của nguyên âm ô và u. Càng hát lên cao, càng phải mở rộng phần trong của miệng. " Vị trí" âm thanh phải tập trung "chụm", cảm giác như ở trên đỉnh sống mũi. Đặc biệt phải chú ý tăng cường nén hơi thở, hơi thở sâu và nén chặt. [1; 81]

Vì vậy, trong bài viết này, chúng tôi sẽ dựa theo quan điểm của tác giả Nguyễn Trung Kiên làm cơ sở để phân tích về những vấn đề liên quan đến kỹ thuật đóng tiếng.

2. Một số biện pháp rèn luyện kỹ thuật đóng tiếng

Kỹ thuật đóng tiếng là là điểm then chốt và là yếu tố không thể thiếu trong quá trình học thanh nhạc đối với giọng nam trung. Sau đây, chúng tôi xin nêu một số biện pháp rèn luyện kỹ thuật đóng tiếng trong dạy học thanh nhạc cho giọng nam trung.

2.1. Xây dựng một số mẫu luyện thanh đóng tiếng

Kỹ thuật đóng tiếng là một dạng kỹ thuật khó và phức tạp, đòi hỏi phải có quá trình luyện tập bài bản, theo một quy trình chuẩn mực mới có thể thực hiện được. Để học kỹ thuật này, trước tiên phải rèn luyện các kỹ thuật thanh nhạc cơ bản khác như: khẩu hình, lấy hơi, phát âm, nhả chữ, legato, staccato, cộng minh, vị trí âm thanh... Sau đó mới được luyện tập với kỹ thuật đóng tiếng. Tuy nhiên, trong quá trình học tập không phải học sinh nào cũng xử lý được theo ý muốn, có một số học sinh có giọng hát thuận lợi nên luyện tập kỹ thuật đóng tiếng được dễ dàng hơn, ngược lại một số em thì rất vất vả trong học tập với kỹ thuật này.

Vì vậy, trong khuôn khổ của bài viết, chúng tôi xây dựng một số mẫu luyện thanh để luyện tập và nâng cao kỹ thuật đóng tiếng cho học sinh nam trung với mức độ từ dễ đến khó phù hợp với khả năng cũng như trình độ của từng học sinh, giúp các em có thể phát huy tốt chất giọng của mình, nhất là kỹ thuật đóng tiếng. Các mẫu luyện thanh dưới đây có thể luyện tập với các nguyên âm i, ê, ô, a:

Ví dụ 1:  Mẫu luyện thanh số 1:

Ví dụ 2:  Mẫu luyện thanh số 2:

Ví dụ 3:   Mẫu luyện thanh số 3:

Ví dụ 4: Mẫu luyện thanh số 4:

Ví dụ 5: Mẫu luyện thanh số 5:

2.2. Phương pháp luyện tập

Với các mẫu luyện thanh như trên, để có thể luyện tập được tốt và dễ dàng thì đòi hỏi phải có những hiểu biết và phương pháp rèn luyện thích hợp. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất ở kỹ thuật hát đóng tiếng là giữ thanh quản ở vị trí thấp trong khi hát, đồng thời kết hợp với một số yếu tố hỗ trợ tích cực khác như: hơi thở, vị trí âm thanh, hoạt động của hàm, môi, lưỡi thì sẽ đạt được hiệu qủa như mong đợi.

- Phương pháp hát với thanh quản ở vị trí thấp: đối với phương pháp tập luyện này, học sinh cố gắng giữ cảm giác thả lỏng của các cơ xung quanh cổ họng và vùng vai trong khi hát, không được căng thẳng. Lưu ý tập âm thanh  mở sao cho khẩu hình được tròn và thanh quản không bị nâng lên.

- Luyện tập cảm giác thả lỏng ở cổ và vị trí âm thanh:

Với phương pháp luyện tập này, giảng viên tập trung vào việc hướng dẫn học sinh mở rộng cổ họng và tạo nên một đường đi thông thoáng cho âm thanh. Một khi âm thanh được khởi đầu với một cơ cấu đúng, tự nhiên nó sẽ tạo ra sự cộng minh tối đa, và sự rung vang ở cơ mặt, đây đích đến mà học sinh phải thực hiện được.

Trong khi tập các bài luyện thanh trên, học sinh nam trung sẽ gặp phải một số vướng mắc, thường gặp nhất là khi khẩu hình trong mở rộng, càng hát lên cao càng nâng vòm mềm thì âm thanh của các em thường có khuynh hướng bị hút sâu vào bên trong cuống họng. Điều này xảy ra là do trong quá trình cố gắng mở rộng khẩu hình bên trong, các em đã kéo cuống lưỡi vào trong và đè nó xuống. Khi đó cuống lưỡi trở thành một chướng ngại vật chắn ngang đường đi của âm thanh. Khi xảy ra tình trạng này, giảng viên có thể cho học sinh tập một bài tập thả lỏng lưỡi đơn giản như sau: mở khẩu hình rộng, bắt đầu hát với âm "a" ngân dài ở một cao độ vừa phải sau đó đưa hẳn lưỡi ra trước miệng, khi đó âm thanh sẽ tự động chuyển thành âm "e", rồi lại rút lưỡi vào, lúc này âm thanh tự động chuyển lại thành "a". Cứ thế lặp đi lặp lại vài lần rồi dứt câu hát ở âm "a". Sau đó lấy hơi và lặp lại quá trình trên, khi lưỡi đã thả lỏng thì việc luyện thanh với các mẫu âm trên sẽ được dễ dàng hơn.

- Phương pháp lấy hơi:

Ở các mẫu luyện thanh rèn luyện kỹ thuật đóng tiếng trên, khi luyện tập, học sinh cần chú ý lấy hơi sâu mềm mại, không căng cứng, khi hát phải điều tiết hơi từ từ, không nên đẩy hơi ra ngoài quá nhanh, hơi ra đến đâu âm thanh ra đến đó một cách đều đặn, đặc biệt phải giữ vị trí của âm thanh không thay đổi. Những bài tập có lấy hơi ở nhiều đoạn thì phải lấy hơi nhanh, sau đó nén hơi và đẩy đơi ra đều đặn cùng với âm thanh (mẫu số 1, mẫu số 2), các bài tập cần xử lý trong một hơi dài thì học sinh chú ý hít hơi sâu, miết hơi thật chắc để tránh tình trạng bị hụt hơi, hết hơi giữa chừng (mẫu số 3, mẫu số 4, mẫu số 5).

- Phương pháp xử lý các nốt đóng giọng:

Khi luyện tập kỹ thuật đóng tiếng, học sinh nam trung phải luôn quan tâm đến nốt e2 ở các mẫu trên, đây là nốt cần phải đóng tiếng. Để âm thanh đóng được hiểu quả cao nhất thì việc làm trước tiên là phải xướng âm trên cao độ của nốt nhạc thật chuẩn, luyện tập với tốc độ chậm, chậm vừa, tiếp theo là đọc chuẩn các nguyên âm đi kèm với cao độ. Sau đó học sinh chú ý xử lý tốt các nguyên âm đóng hoặc các biến âm như “ê” pha “i”; “ô” pha “u”, “a” pha “ư”, “i” pha “ê”, kết hợp với việc nén hơi sao cho âm thanh thật vững chắc, vang sáng và đều đặn.

Trong quá trình luyện tập các mẫu âm đóng tiếng trên, các bộ phận như thanh quản, cổ họng, hàm ếch... phải luôn hoạt động và kết hợp với nhau một cách nhịp nhàng theo một cơ chế là: Thanh quản hạ xuống như trong khi lấy hơi, cổ họng mở, các xoang thanh quản và cổ họng trở thành một khoang cộng minh; hít hơi sâu, cảm giác lồng ngực được mở rộng; cổ họng mở ra, cuống lưỡi hạ xuống, hàm ếch mềm được nâng lên, phần sau của họng được mở rộng.

Mẫu số 5 là bài tập nâng cao dành cho một số học sinh nổi trội hơn. Khi luyện tập mẫu luyện thanh này, đặc biệt là nốt đóng tiếng (nốt e2) kết hợp với kỹ thuật staccato học sinh chú ý buông lỏng hàm dưới, khẩu hình mở theo chiều dọc, hơi thở cần nén sâu, nhấn cơ bụng sao cho các âm thanh bật ra được vang, nảy, chắc, gọn.

2.3. Bài tập ứng dụng

Trong các tác phẩm nước ngoài, kỹ thuật đóng tiếng được sử dụng khá phổ biến, trong đó Aria Serse Ombra mai fu dưới đây là một dẫn chứng:

Ví dụ 6:

Tác phẩm Aria Serse Ombra mai fu của nhạc sỹ Gorge Frideric Handel được viết ở giọng Mi giáng trưởng (Eb) nhịp 3/4 với tốc độ chậm. Tác phẩm có giai điệu đẹp, mềm mại, uyển chuyển, giàu chất thơ với kỹ thuật thanh nhạc chủ yếu là legato. Bên cạnh đó, còn sử dụng kỹ thuật đóng tiếng ở âm khu cao (nốt e2) ở ô nhịp 25 và 30, để xử lý tốt kỹ thuật này thì học sinh phải dùng giọng óc và cộng minh thanh khu đầu. Giảng viên hướng dẫn học sinh lấy hơi sâu ở bụng dưới, khi đó cơ hoành cách mô hạ xuống, giữ hơi thở để tạo thành cột hơi vững chắc. Khẩu hình mở theo chiều dọc giống như khi ngáp, cơ hàm trên luôn ở trạng thái cười, hàm dưới mở mềm, thả lỏng. Khi hát chữ "di - ve - ge - ta…" học sinh phải nhấc cao hàm ếch mềm, miết hơi thở sâu, dựng vị trí âm thanh, góc phát âm ngay sát bên trong hàm răng trên để hát chữ "di" và hát các nốt tiếp theo trên một liên tuyến âm thanh. Khi hát chữ "piu - nốt e2" , đây là chữ có 2 nguyên âm "i" và "u" học sinh phải đóng tiếng ngay từ âm "pi" nối luôn sang âm "u" và ngân dài tùy theo khả năng sao cho âm thanh luôn vang, gọn và chắc chắn. Đặc biệt phải chú ý bước nhảy quãng 6 (f1 - d2) ở ô nhịp 29 (trước ô nhịp cần đóng giọng), đây là quãng nhảy khó trong thanh nhạc, đòi hỏi học sinh phải chuẩn về cao độ, thống nhất về vị trí âm thanh. Trong trường hợp này sẽ có hai cách xử lý như sau: Thứ nhất có thể lấy hơi sau nốt f1 áp dụng cho một số học sinh có hơi thở ngắn, khả năng hát các quãng rộng thường chưa chuẩn xác vì không tự tin trong vấn đề xử lý cao độ; thứ hai là sẽ hát liền không lấy hơi ở quãng nhảy áp dụng với các học sinh có hơi thở vững vàng, vị trí âm thanh ổn định, có khả năng xử lý tốt cao độ ở các quãng nhảy xa...

Nhìn chung, để hát tốt kỹ thuật đóng tiếng trong tác phẩm này, học sinh cần luyện tập thường xuyên để củng cố về hơi thở, vị trí âm thanh, hát chuẩn xác các quãng nhảy xa, xử lý tốt cao độ, cách thức pha chữ để tạo cho hiệu âm thanh được tốt nhất.

Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều ca khúc Việt Nam cần thể hiện kỹ thuật đóng tiếng, có thể kể ra như ca khúc Đàn bò của tôi do nhạc sĩ Trần Kiết Tường sáng tác là một ví dụ.

3. Kết luận

Nhìn chung để có một chất giọng tốt, bên cạnh việc rèn luyện kỹ thuật thanh nhạc nói chung, kỹ thuật đóng tiếng nói riêng, giọng nam trung cần phải kiên trì và có phương pháp luyện tập hiệu quả, cũng như am hiểu sâu rộng về các môn âm nhạc khác... Có như vậy, học sinh nam trung mới phát huy được tối đa được chất giọng của mình, thể hiện tốt các bài hát, mang lại cho người nghe những rung cảm sâu lắng.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc xuất bản, Hà Nội.
  2. Nguyễn Trung Kiên (2002), Giáo trình thanh nhạc hệ trung học 4 năm, Nhạc viện Hà Nội.
  3. Nguyễn Trung Kiên (2004), Nghệ thuật Opera, Viện Âm nhạc, Hà Nội.
  4.  Nguyễn Trung Kiên (2014), Những vấn đề sư phạm thanh nhạc, Nxb Âm nhạc, Hà Nội.
  5. Hồ Mộ La (2005), Lịch sử nghệ thuật Thanh nhạc phương Tây, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.
  6.  Hồ Mộ La (2008), Phương pháp dạy Thanh nhạc, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.
  7.  Trần Ngọc Lan (2011), Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

 

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K9-  Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc