Tin tức – Sự kiện

Giáo dục đại học ngày càng hướng đến chất lượng

09 Tháng Chín 2019

Hấp dẫn các ngành khoa học cơ bản ở Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội)

Điểm chuẩn trúng tuyển của một số trường đại học top trên công bố năm nay cao hơn năm 2018 ở nhiều nhóm ngành từ 1 - 2 điểm. Đặc biệt khối ngành khoa học cơ bản và sư phạm ở một số trường có những biến động tăng ít nhiều từng ngành. 

Nhiều chuyên gia tuyển sinh cho rằng, điều này hoàn toàn có cơ sở vì điểm thi của thí sinh năm nay cao hơn năm 2018. Thêm nữa, sự phân tầng ngày càng mạnh giữa các trường cho thấy giáo dục đại học đang ngày càng hướng đến chất lượng.

Phân khúc chất lượng

Năm nay các đại học top đầu như Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Ngoại thương… và nhiều trường top giữa đều tăng điểm chuẩn trúng tuyển ở một số ngành. Phân tích của các chuyên gia tuyển sinh cho thấy, với điểm thi cao hơn nên điểm chuẩn cao hơn năm 2018 là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Điều đáng mừng năm nay là điểm chuẩn tăng nhẹ ở hầu hết các ngành, trường từ top giữa đến top đầu, cùng với đó là việc ghi nhận sự phân hoá chất lượng và uy tín giữa các trường cũng thể hiện ngày một rõ hơn. Trong khi các trừng top đầu và một số trường top giữa xét tuyển hết chỉ tiêu ngay từ đợt đầu tiên thì cũng có những trường top dưới lo lắng sẽ tiếp tục khó khăn về nguồn tuyển.

Cho dù quyền tự chủ trong tuyển sinh đã được các trường thể hiện ngày càng cao, từ việc lấy điểm thi trung học phổ thông quốc gia xét tuyển sinh cho đến lấy kết quả học tập trung học phổ thông để xét tuyển, tuy nhiên vẫn sẽ có những trường tiếp tục khó khăn trong tuyển sinh.

“Điều này rất cần thiết và hữu ích cho xã hội trong điều kiện tự chủ đại học và tạo ra sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo giữa các trường trong toàn hệ thống” – PGS Nguyễn Thị Kim Phụng.

Khẳng định điều này với truyền thông, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại hoc, cho rằng: Sự chênh lệch về điểm chuẩn giữa các nhóm trường đã thể hiện chính sách chất lượng của từng trường và sự phân khúc chất lượng của mỗi nhóm trường trong toàn hệ thống. Điều đó cũng phản ánh uy tín của các trường và cũng phản ánh sự minh bạch về chất lượng trong tuyển sinh và đào tạo…

 Ảnh minh họa/ Internet

 

Sư phạm và khoa học cơ bản lên ngôi

Một tín hiệu vui nữa là điểm trúng tuyển của khối sư phạm đã tăng cùng với mức tăng điểm sàn, không những thế còn có thí sinh được giải quốc tế đăng ký xét tuyển thẳng vào học sư phạm. Mặt bằng điểm trúng tuyển của các trường đào tạo các ngành sức khoẻ cũng tăng nhẹ và đồng đều hơn so với các năm trước.

Cũng như vậy, khối các trường đào tạo các ngành khoa học cơ bản liên quan đến lĩnh vực khoa học tự nhiên cũng có những biến đổi tích cực. Theo ông Trương Thanh Tú, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội): “Trường có 3 nhóm ngành thuộc top đầu là Công nghệ Sinh học, Hóa dược - Hóa học, Máy tính và Công nghệ thông tin đều có mức điểm trúng tuyển cao”.

Đối với khối sư phạm, năm nay điểm chuẩn ở nhiều trường đại học đều tăng. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có điểm trúng tuyển khá cao, từ 22 đến trên 26 điểm cho các ngành học. Các ngành Sư phạm Toán, Vật lý bằng tiếng Anh có mức điểm chuẩn từ 21 - 22 điểm (Vật lý) và 26,35 - 26,4 (Toán). Một số ngành truyền thống như Sư phạm Ngữ văn, sư phạm Lịch sử, Giáo dục công dân, Giáo dục đặc biệt đều có mức tăng…

Đặc biệt, điểm chuẩn cao nhất là ngành Sư phạm Toán học (dạy Toán bằng tiếng Anh) với mức 26,4 điểm. Như vậy, thí sinh phải đạt gần 9 điểm mỗi môn mới đủ điểm đậu vào ngành Sư phạm Toán của trường này. Nhiều ngành sư phạm khác như Sư phạm Sinh học (24,95 điểm); Sư phạm Ngữ văn (24,75 điểm); Sư phạm Tin học (24,25 điểm); Giáo dục công dân (24,05 điểm) và Sư phạm Tiếng Anh (24,04 điểm).

Nhận định của nhiều chuyên gia tuyển sinh, thay đổi tích cực này là tác động hiệu quả từ công tác quản lý và điều hành hoạt động. Thực tế cho thấy, Bộ GD&ĐT đã rất quyết liệt trong vấn đề này. Để bảo đảm chất lượng nguồn tuyển, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường phải minh bạch thông tin để người học và xã hội biết, có lựa chọn phù hợp.

Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức đào tạo của các trường này để buộc họ phải nỗ lực nâng cao chất lượng trong dạy và học. Việc kiểm soát các chương trình đào tạo phải đạt chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động cũng được đẩy mạnh. Ngay sau khi một số trường đưa ra mức điểm ngưỡng nhận hồ sơ thấp, Bộ GD&ĐT đã tiến hành thanh tra những trường này về công tác bảo đảm chất lượng đào tạo.

Sự chuyển biến tích cực hướng đến chất lượng là điều đáng mừng của giáo dục đại học. Tuy nhiên, vẫn có những ngành khoa học cơ bản của những trường thuộc khối lâm nghiệp, nông nghiệp, thuỷ lợi….. gặp khó khăn trong tuyển sinh. Nhiều ngành ở trường top đầu vẫn buộc phải xác định điểm trúng tuyển thấp hơn mặt bằng chung để có người học. Lý giải điều này, các nhà quản lý cho rằng do các ngành học này không thu hút sự hấp dẫn từ xã hội. Không có cách nào khác là Nhà nước cần có đầu tư nhiều hơn cho khu vực này, như có chính sách ưu đãi với người học, tạo nhiều hơn cơ hội việc làm cũng như việc cải thiện thu nhập và tích cực tuyên truyền để thu hút thí sinh.

(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn - Hà An)