Nội san

Phát huy giá trị di tích đình chùa Đức Hậu gắn với phát triển du lịch

18 Tháng Chín 2019

Nguyễn Thị Bích Hằng [*]

 

Cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40km về phía Bắc, đình chùa Đức Hậu nằm trên địa bàn xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn là một cụm di tích cổ gồm đình Đức Hậu và chùa Đức Hậu nằm cạnh nhau, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Trong mô hình bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nghệ thuật của đình chùa Đức Hậu là một nguồn tài nguyên du lịch quý giá cần được khai thác, qua đó quảng bá những giá trị của di tích và góp phần phát triển kinh tế địa phương.

1. Những giá trị của di tích đình chùa Đức Hậu

Đến với di tích đình chùa Đức Hậu, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng và lưu lại những hình ảnh đẹp trong một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu đậm chất Á Đông, được hiểu thêm về những câu chuyện lịch sử dân tộc, được thỏa mãn nhu cầu tâm linh, mà còn được chìm đắm trong không gian lễ hội với nhiều hoạt động văn hóa - tín ngưỡng.

Cho đến nay, chưa có tư liệu nào ghi chép chính xác về thời điểm xây dựng đình chùa Đức Hậu, nhưng dựa vào đặc điểm kiến trúc và hoa văn trang trí có thể xác định đình chùa Đức Hậu được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, dưới thời Lê Trung Hưng. Từ đó đến nay, di tích đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng quy mô vào các thế kỷ XIX, XX. Với tuổi đời trên dưới 300 năm, đình chùa Đức Hậu là một “nhân chứng” lịch sử, phản ánh những biến cố, những sự kiện lịch sử hay nhân vật qua các thời kỳ lịch sử.

Tư liệu sắc phong, thần phả còn lưu tại đình làng cho biết đình Đức Hậu thờ Trương Hống, Trương Hát. Đây là hai vị tướng dưới thời Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương đã có công tham gia chống quân xâm lược nhà Lương. Sau khi Triệu Việt Vương bị Lý Phật Tử hãm hại, Trương Hống, Trương Hát đã tự vẫn ở ngã ba sông Cầu để tỏ lòng trung với Triệu Việt Vương. Vì có nhiều công lao với dân với nước, thánh Tam Giang nhiều lần được các triều vua truy tặng, sắc phong là “Tam Giang thượng đẳng thần” và được nhân dân các làng dọc sông Cầu, sông Đuống, sông Cà Lồ, trong đó có dân làng Đức Hậu thờ phụng, gọi là Đức Thánh Tam Giang. Hình tượng Thánh Tam Giang thể hiện tinh thần, ý chí kiên cường trung dũng của người dân đất Việt trong công cuộc kháng chiến, đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập dân tộc.

Đình chùa Đức Hậu là không gian sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân địa phương, mà đỉnh cao là lễ hội làng Đức Hậu được tổ chức vào các ngày 04, 05, 06 tháng 9 (âm lịch) hàng năm để nhớ tới ngày Thánh Tam Giang tới vùng đất này. Lễ hội làng Đức Hậu là một bảo tàng sống lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng, của dân tộc. Đến với lễ hội làng Đức Hậu, du khách sẽ được chìm đắm trong không gian lễ hội đậm chất Bắc Bộ với nhiều hoạt động tín ngưỡng và văn hóa, bao gồm những nghi lễ tế thành hoàng, những hình thức diễn xướng như hát quan họ, múa song quạt, múa kiếm và các trò chơi dân gian như: chọi gà, đu quay, ném vòng cổ chai...

Nằm trên một không gian thoáng đãng với thế đất “Minh đường tụ thủy, tả thanh long - hữu bạch hổ”, đình chùa Đức Hậu là một cụm công trình kiến trúc tiêu biểu cho phong cách kiến trúc của đình chùa Việt Nam. Đình Đức Hậu có bố cục kiểu “Tiền chữ Nhất, hậu chữ Công” bao gồm: Tiền tế, đại đình, ống muống, hậu cung. Khu kiến trúc chính được đặt ở vị trí trung tâm, bên trái và phía sau đã xây dựng tường bao, bên phải để thông với chùa Đức Hậu. Trước sân đình là một hồ nước hình vuông rộng hơn 1.000m2. Chùa Đức Hậu có mặt bằng kiến trúc hình chữ “Đinh”, gồm tiền đường, thượng điện và hậu đường. Hai dãy nhà nhìn vào thượng điện được dùng làm nhà thờ Tổ và nhà tăng. Nhìn chung, về bố cục mặt bằng tổng thể, đình và chùa Đức Hậu cũng như các ngôi đình, chùa khác của người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ đều không có xu hướng vươn cao lên mà trải rộng theo mặt bằng và hoà hợp với không gian cảnh quan tự nhiên của đất trời.

Về nghệ thuật chạm khắc, bên trong đình Đức Hậu vẫn giữ được một số mảng chạm khắc đẹp ít thấy ở các di tích khác. Đặc biệt tại tòa Đại đình còn lưu giữ nhiều mảng chạm khắc với nội dung phong phú, sinh động, đường nét thanh thoát, mang phong cách nghệ thuật của các thời kỳ Hậu Lê, Nguyễn. Đại đình là nơi chủ yếu có các mảng chạm nổi bong kênh kiểu rồng có tai và nhiều thú vật như hươu, chuột, sóc, các loại rồng mình thú với hình người trên đầu rồng, phụ nữ cưỡi rồng, v.v. và một số trang trí hoa lá cách điệu. Các mảng trang trí nghệ thuật ở chùa Đức Hậu tập trung vào 2 vì giữa tiền đường. Từ đó nối sang thượng điện có 1 bức cửa võng chạm trổ cầu kỳ, phía trên cửa võng có chạm hổ phù và triện cúc dây, 2 cốn nách chạm hình tam ly hóa hí cầu. Các vì khác có các họa tiết chạm nổi các đề tài hóa rồng,...

Những giá trị lịch sử cũng như những nét đẹp về văn hóa, kiến trúc kể trên chính là những yếu tố thu hút du khách đến với đình chùa Đức Hậu.

2. Khai thác các giá trị di tích gắn với phát triển chuỗi du lịch tâm linh

Có thể thấy, những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của đình chùa Đức Hậu là một nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc. Khi liệt kê các điểm du lịch tâm linh của huyện Sóc Sơn, một số website về quảng bá du lịch đều xếp đình chùa Đức Hậu là một trong các điểm du lịch nổi tiếng nhất của huyện Sóc Sơn. Tuy nhiên, thời gian qua, việc khai thác du lịch tại di tích đình chùa Đức Hậu còn nhiều hạn chế. Do đó, cần thiết phải thúc đẩy các hoạt động du lịch gắn với di tích để phát huy hiệu quả các giá trị của di tích, góp phần nâng cao giá trị kinh tế địa phương.

Trong những năm gần đây, du lịch tâm linh đang trở thành một mảng “hot” của ngành du lịch, do đó, kế hoạch xây dựng chuỗi du lịch tâm linh trên địa bàn huyện Sóc Sơn gắn với di tích đình chùa Đức Hậu cho thấy nhiều triển vọng và mang tính khả thi. Huyện Sóc Sơn không cách xa trung tâm Hà Nội, có điều kiện giao thông thuận lợi, có cảnh quan thiên nhiên phong phú, sơn thủy hữu tình, có nhiều di tích/công trình tâm linh nổi tiếng thu hút đông du khách thập phương như quần thể di tích đền Sóc với hàng chục công trình, chùa Non nước, khu du lịch tâm linh Văn Lang, Học viện Phật giáo,... và những lễ hội dân gian đặc sắc, tiêu biểu là lễ hội Gióng đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2010.

Có thể thấy, sự đa dạng, phong phú và đặc sắc của các công trình tâm linh cùng với các lễ hội gắn với di tích là thế mạnh rất lớn để có thể khai thác các tour du lịch tâm linh ở Sóc Sơn. Trong chuỗi du lịch tâm linh này, di tích quốc gia đình chùa Đức Hậu cũng là một điểm du lịch độc đáo về kiến trúc, nghệ thuật và tín ngưỡng không thể bỏ qua. Do cùng nằm trên một địa bàn và cách không xa Hà Nội (bán kính khoảng 30 - 40 km) nên có thể xây dựng các tour đi về trong ngày. Trong quá trình thiết kế các tour du lịch tâm linh, hoàn toàn có thể lồng ghép vào đó các điểm du khác (như Hồ Đồng Quan, khu sinh thái Hương Tràm, núi Hàm Lợn và Thung lũng xanh - hồ Kẻo Cà, Việt phủ Thành Chương,…), vừa giúp tour thêm phong phú, vừa giúp du khách đỡ nhàm chán.

Tuy nhiên, để di tích đình chùa Đức Hậu thực sự trở thành một điểm đến không thể bỏ qua đối với các tour du lịch tâm linh ở huyện Sóc Sơn, cần thiết phải hình thành ở di tích này những dịch vụ đáp ứng nhu cầu du lịch như: công tác liên hệ, liên kết với các công ty, tổ chức du lịch, công tác đưa đón đoàn, công tác tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh để phục vụ nhu cầu du khách, các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi,… Việc lựa chọn các thành viên trong Ban quản lý và các nhóm chức năng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đặt nền móng cho sự phát triển mô hình quản lý di sản gắn với phát triển du lịch của địa phương sau này. Đây phải là những người tâm huyết với phát triển du lịch cộng đồng, có uy tín với cộng đồng và có thời gian để triển khai các hoạt động của địa phương. Ngoài ra, cần có kế hoạch bàn bản, có chương trình cụ thể và có đội ngũ những người dân địa phương được đào tạo về các nghiệp vụ du lịch để chính họ là những người trực tiếp giới thiệu cho du khách những nét đặc sắc về di tích của mình. Bên cạnh đó, công tác quảng bá du lịch cần đẩy mạnh hơn nữa, trong đó chú trọng quảng bá trên các website du lịch để du khách dễ tiếp cận.

Tóm lại, đình chùa Đức Hậu là một di tích cổ chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc, nghệ thuật mang tầm quốc gia. Với những đặc trưng về địa lý,cảnh quan và văn hóa của huyện Sóc Sơn, việc xây dựng các chuỗi du lịch tâm linh gắn với di tích đình chùa Đức Hậu là cần thiết và mang tính khả thi. Việc làm này không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương mà còn quảng bá những giá trị của di tích, giúp các thế hệ hiểu thêm về truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc.

Tài liệu tham khảo

  1. Ban quản lý di tích và Danh thắng Hà Nội (1994), Hồ sơ Khoa học di tích đình chùa  Đức Hậu, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội.
  2. Phan Hồng Giang, Bùi Hoài Sơn (đồng chủ biên) (2012), Quản lý văn hóa Việt Nam trong tiễn trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Lê Hồng Lý (2010), Quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
  4. Thần tích chùa Đức Hậu (1992), Bản đánh máy khổ A4, 32 trang, lưu hành nội bộ.

 

------------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K7 - Chuyên ngành Quản lí Văn hóa