Thế nào là trường học hạnh phúc?

Khi được hỏi về những cảm nhận tại chính ngôi trường mà mình đang theo học, em Đặng Tuấn Đạt, học sinh lớp 11-D4, Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) chia sẻ: “Em thấy vui khi đến lớp tham gia học tập, rèn luyện. Em được các thầy cô và bạn bè chia sẻ trong mọi hoạt động, kể cả tâm tư, tình cảm và được tôn trọng những sở thích cá nhân. Chính từ đó mà em nhận thấy hạnh phúc khi đến trường”.

Cảm nhận của Đặng Tuấn Đạt cũng là ý kiến mà học sinh Trường THPT Việt Đức bày tỏ khi được hỏi về suy nghĩ của mình đối với hoạt động học tập ở nhà trường. Phần lớn học sinh đều đánh giá môi trường học tập đang theo học đã mang lại hạnh phúc. Theo cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức: Tạo ra được môi trường học tập hạnh phúc có nghĩa là cả giáo viên và học sinh phải cảm nhận được niềm vui, sự đam mê, tâm huyết khi tham gia hoạt động dạy học. Để làm được điều đó, ngoài việc biết lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của học sinh, nhà trường cần phải có nhiều hoạt động bổ ích, thiết thực thông qua từng giờ học, từng buổi sinh hoạt câu lạc bộ học sinh...

Học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) hào hứng tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Điều mà Trường THPT Việt Đức và nhiều trường phổ thông đang triển khai thực hiện chính là nhằm cụ thể hóa mục tiêu về xây dựng "trường học hạnh phúc" mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xác định. Theo đó, để có một môi trường học đường được đánh giá là hạnh phúc cần đáp ứng 3 tiêu chí lớn: Yêu thương, an toàn và tôn trọng. Tiêu chí đầu tiên để đánh giá môi trường học tập hạnh phúc chính là sự quan tâm, chia sẻ và tin tưởng giữa thầy, cô giáo đối với nhau; thầy, cô đối với học sinh và giữa học sinh với học sinh. Thứ hai, ở môi trường học đường, giáo viên và học sinh cần được bảo đảm an toàn cả về thể chất và tinh thần. Thứ ba, mỗi học sinh, mỗi thầy, cô giáo cần được tôn trọng sự khác biệt trong môi trường chung, từ đó giúp giáo viên và học sinh phát huy hết năng lực, thế mạnh, sự sáng tạo trong hoạt động dạy học.

Không định lượng nhưng phải có điều kiện cần

Nói về "trường học hạnh phúc", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng: Không nên lấy chỉ số trường học hạnh phúc là tiêu chí thi đua. Tuy nhiên, đây sẽ là cơ sở để đánh giá về môi trường dạy học và là động lực để thầy, trò thi đua dạy tốt, học tốt. Vì thế, cần bảo đảm những điều kiện tiền đề để tạo dựng môi trường học tập tốt.

Điều này cũng nhận được sự đồng tình của nhiều thầy cô giáo ở các cơ sở giáo dục. Cô Nguyễn Thị Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Thái Nguyên) khẳng định: “Xây dựng "trường học hạnh phúc" cần những tiêu chí mở giúp các trường ở địa phương khác nhau tổ chức phù hợp với điều kiện thực tiễn nhằm đạt mục tiêu cả học sinh và giáo viên đều nhận được niềm vui, sự thoải mái khi tham gia hoạt động giáo dục. Tuy nhiên, việc tạo nên cảm xúc cho người dạy, người học là rất khó đo đếm cụ thể, mà chỉ qua cảm nhận và đánh giá từ kết quả dạy học. Vì thế, muốn thực hiện được, thì trước hết phải bảo đảm tốt các điều kiện cần, như: Cơ sở vật chất, trình độ, năng lực đội ngũ nhà giáo".

Hiện nay, việc triển khai xây dựng mô hình "trường học hạnh phúc" được phát động trong các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên còn không ít khó khăn về những điều kiện cần. Đầu tiên có thể thấy, đội ngũ giáo viên tư vấn tâm lý hầu hết còn kiêm nhiệm, khó có thể đáp ứng hết yêu cầu trong việc tư vấn tâm lý, giải tỏa các áp lực, chia sẻ cảm xúc đối với học sinh. Các tổ tư vấn tâm lý của một số nhà trường mới ra đời nên hoạt động chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động này vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Vì thế, việc trước mắt là cần phải đáp ứng đủ các điều kiện mới có thể xây dựng tốt mô hình "trường học hạnh phúc".

Để mô hình "trường học hạnh phúc" lan tỏa

Về nhân rộng mô hình "trường học hạnh phúc", ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) bày tỏ: "Ngành giáo dục đang quyết tâm triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình "trường học hạnh phúc" đến mọi cơ sở giáo dục trong cả nước. Trước mắt, phát động các nhà trường cùng với thực hiện tốt công tác dạy học cần xây dựng hoạt động ngoài giờ lên lớp phong phú, lành mạnh. Bên cạnh đó cần thành lập, tổ chức tốt hoạt động của các tổ tư vấn tâm lý trong nhà trường để đáp ứng các nhu cầu tham vấn tâm lý cho học sinh".

Niềm vui trong giờ học của giáo viên và học sinh Trường THPT Trung Nghĩa (Thanh Thủy, Phú Thọ).

 Sau khi Bộ GD&ĐT phát động xây dựng "trường học hạnh phúc", nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức những chương trình phù hợp. Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã hiện thực hóa bằng việc phát động xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc-Thầy cô hạnh phúc-Học sinh hạnh phúc” trên địa bàn, trong đó đưa ra mục tiêu nhà trường không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP Hà Nội cho rằng: "Để nhân rộng mô hình "trường học hạnh phúc", cần bắt đầu từ thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ quản lý và phương pháp dạy học của giáo viên trong nhà trường. Khi giáo viên truyền được cảm hứng cho học sinh thì mỗi giờ học là một giờ các em được hình thành tri thức, đạo đức, bộc lộ cảm xúc chân thực nhất. Đó sẽ là thành công bước đầu trong xây dựng "trường học hạnh phúc". Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh đẹp về môi trường học đường lan tỏa đến giáo viên, học sinh và toàn xã hội, tạo tiền đề nhân rộng mô hình "trường học hạnh phúc" đến các cơ sở giáo dục".

Bài và ảnh: MINH ANH

Nguồn https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nhan-rong-mo-hinh-truong-hoc-hanh-phuc-593071