Nghiên cứu lý luận

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO NGOÀI TRỜI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI DƯƠNG THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

22 Tháng Mười 2019

Nguyễn Hải Ngọc [*]

Ngày nay, công chúng không còn xa lạ với các loại hình quảng cáo trên các hệ thống thông tin đại chúng và quảng cáo trực quan ngoài trời ở các đô thị, nơi công cộng, các tuyến đường giao thông... Trong đó, hoạt động quảng cáo ngoài trời, một loại hình tuyên truyền cổ động trực quan với những đặc tính giới thiệu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ một cách hấp dẫn, nhanh chóng, thường xuyên, ấn tượng, hiệu quả tới các tầng lớp công chúng và luôn được các tổ chức, doanh nghiệp hết sức coi trọng. Hoạt động quảng cáo ngoài trời ở Hải Dương chủ yếu do các tổ chức, cá nhân thực hiện, thông qua hệ thống dịch vụ quảng cáo, để giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của mình tới các công chúng.

1. Tổng quan về thực trạng hoạt động Quản lý nhà nước về quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hải Dương

Trong những năm gần đây, nhờ có sự phối kết hợp giữa chính quyển, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn thành phố Hải Dương cho thấy, quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời đã đạt được một số ưu điểm đáng ghi nhận, cụ thể như sau:

- Thành phố Hải Dương đã chỉ đạo thực hiện rất tốt các văn bản quản lý của nhà nước. Các văn bản này một mặt đẩy mạnh công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời, mặt khác định hướng cho hoạt động này phát triển trong khuôn khổ của pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự và mỹ quan đô thị.

- Tham mưu, phối hợp với các Sở, ban ngành để cấp phép thực hiện quảng cáo theo quy định. Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trên địa bàn thành phố trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng kể. Phòng Văn hoá và Thông tin đã tham mưu xử lý vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân treo băng rôn quảng cáo sai quy định, đồng thời triển khai thực hiện xử lý các biển hiệu, bảng quảng cáo vi phạm trên địa bàn thành phố.

- Nhận thức của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo về việc thực hiện các quy định của pháp luật được cải thiện, hạn chế những vi phạm pháp luật về hoạt động quảng cáo ngoài trời.

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời, thành phố Hải Dương còn một số hạn chế, bất cập cần phải nhắc đến như:

- Trong công tác xây dựng các kế hoạch, văn bản hướng dẫn thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời, các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, ban hành chậm nên đã ảnh hưởng đến việc quản lý hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời. Bên cạnh đó, công tác tham mưu, phối hợp giữa các Sở, ban ngành về cấp giẩy phép thực hiện quảng cáo còn bộc lộ nhiều hạn chế như thủ tục rườm rà, thời gian chờ đợi cấp phép khá lâu gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh hoạt động quảng cáo của các doanh nghiệp.

- Việc phân cấp trong cấp phép hoạt động quảng cáo còn gây nhiều tranh cãi, công tác quản lý tại các phường còn nhiều buông lỏng và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng nên việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát còn chưa sâu sát, mang tính chiếu lệ. Lực lượng thanh tra còn mỏng chưa được bổ sung, tăng cường nhân lực.

- Ngoài những yếu tố hạn chế về nguồn nhân lực trong thanh tra, kiểm tra, nguồn nhân lực trong công tác quản lý ở các phường cũng gặp nhiều trở ngại. Hiện tại, các phường chỉ có một cán bộ chuyên phụ trách văn hóa mà mảng văn hoá rất rộng lớn bao gồm nhiều nội dung nên khó mà hoàn thành công việc một cách xuất sắc. Chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về lĩnh vực quảng cáo và quản lý quảng cáo còn nhiều hạn chế như: làm việc không đúng chuyên ngành đào tạo, nội dung đào tạo không phù hợp khiến chất lượng nguồn nhân lực không đáp ứng được yêu cầu công việc nên đơn vị sử dụng lao động phải đào tạo lại; công tác đào tạo, tập huấn bồi dưỡng chất lượng cán bộ còn hạn chế như nặng về hình thức, số lượng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ chưa tốt.

- Công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở thành phố Hải Dương cũng còn nhiều bất cập. Trên địa bàn các phường, công tác này chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự phối hợp giữa phòng Văn hoá và Thông tin quận với các phường dẫn đến tình trạng UBND các phường chưa nắm bắt, cập nhật được các quy định mới tại Luật Quảng cáo, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo.

2. Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả Quản lý nhà nước về quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hải Dương

Một là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của quảng cáo đối với phát triển kinh tế, xã hội. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của quảng cáo thương mại.

Hiện nay, nhận thức của xã hội về vai trò của quảng cáo chưa đồng đều, chưa thống nhất. Để thay đổi nhận thức của xã hội, công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật là một việc làm lâu dài và phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục.

- Phát huy vai trò của hiệp hội nghề nghiệp về quảng cáo thương mại.

Hiệp hội QCVN cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp quảng cáo, cần nêu cao vai trò đại diện về nghề nghiệp trong việc đề xuất, kiến nghị và tham gia cùng với các cơ quan QLNN trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo.

- Xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ.

Từ khi có Pháp lệnh quảng cáo ra đời năm 2001, đã cơ bản có được hành lang pháp lý định hướng cho ngành quảng cáo phát triển. Tuy nhiên, đã đến lúc cần phải có Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn động bộ, với những chế tài cao hơn để điều chỉnh hoạt động của toàn ngành.

Hai là, đổi mới cơ chế quản lý và đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật cho quảng cáo 

- Củng cố tổ chức bộ máy QLNN về quảng cáo: 

Cần củng cố bộ máy, tổ chức theo hướng tăng cường nhân lực cho bộ phận QLNN về quảng cáo, bố trí cán bộ chuyên trách có đủ năng lực, trình độ chuyên môn.

Ngoài việc quản lý theo quy hoạch chung về vị trí, hình thức, trình tự, thủ tục, công tác quản lý cần quan tâm hướng dẫn, chỉ đạo và quản lý các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo.

- Nâng cao chất lượng quy hoạch và xây dựng quy định chi tiết về thực hiện quảng cáo ngoài trời.

Ngày 25/11/2008, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 4343/QĐ-UBND phê duyệt “Quy hoạch tuyên truyền, quảng cáo ngoài trời tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2020”. Ngày 21/6/2012, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Quảng cáo. Theo đó, Luật không quy định phải cấp phép khi thực quảng cáo mà chuyển sang thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm. Chính vì vậy rất cần phải điều chỉnh Quy hoạch tổng thể cho phù hợp với Luật Quảng cáo 2012, đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố cũng phải xây dựng Quy hoạch quảng cáo chi tiết ở địa phương mình, một cách rõ ràng, cụ thể.

Ba là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và người làm quảng cáo chuyên nghiệp

- Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động quảng cáo. Cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng đào tạo của hệ thống các cơ sở đào tạo; củng cố, tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho công tác học tập, dần hình thành các cơ sở đào tạo có chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần hoàn chỉnh, đổi mới chương trình học của sinh viên; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có năng lực và phẩm chất đạo đức đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo.

- Xây dựng mô hình đào tạo nguồn nhân lực quảng cáo: Ngành quảng cáo đòi hỏi phương pháp đào tạo rất đặc thù, đây là ngành nghề đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng và luôn phải tìm tòi những ý tưởng mới. Đặc biệt, ngành quảng cáo có tính “địa phương” rất cao.

    Bốn là, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời

Để kịp thời khắc phục những tồn tại trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo, trong thời gian tới ngành VHTTDL cần đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Các nhiệm vụ cần tập trung như: 

- Bổ sung nhân lực và cơ sở vật chất, phương tiện cho Thanh tra ngành VHTTDL.

- Qua các lần thanh tra, kiểm tra, nếu có vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ kể cả các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

- Đối với một số lỗi vi phạm mới phát sinh mà chưa có chế tài xử lý, cần bổ sung kịp thời để áp dụng có hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

3. Kết luận

Ngày nay, quảng cáo ở Việt Nam nói chung và ở thành phố Hải Dương nói riêng ngày càng phát triển và có những đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của cả nước. Bên cạnh những mặt được, mặt tích cực, cũng đã xuất hiện những mặt tiêu cực của quảng cáo tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống - xã hội mà nhận thấy rõ nhất là từ quảng cáo thương mại ngoài trời. Nó ảnh hưởng dữ dội đến các giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục, cảnh quan môi trường, bộ mặt đô thị… Mặt trái của quảng cáo đã buộc các cơ quan chức năng phải quan tâm, giải quyết nếu muốn một xã hội phát triển ổn định và bền vững.

 

 

                                             TÀI LIỆU THAM KHẢO 

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Nội vụ (2017), Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Văn hóa và Thông tin thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BVHTTDL-BNV.

2. Chính phủ (2013), Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

3. Quốc hội (2013), Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 của nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 21/06/2012.

4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương (2017), Báo cáo số 55/BC-SVHTTDL ngày 07/6/2017 Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Luật Quảng cáo trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

5. Thành phố Hải Dương (2017), Đề án Nâng cấp thành phố Hải Dương lên đô thị loại I.

6. Tỉnh Hải Dương (2017), Quyết định số 05/2017/QĐ-UBND ngày 24/3/2017 Quy định  chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K6 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa