Nội san

THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ DI TÍCH LỊCH SỬ MỘ VÀ ĐỀN THỜ THÂN CÔNG TÀI, XÃ HỒNG THÁI, HUYỆN VIỆT YÊN, TỈNH BẮC GIANG

22 Tháng Mười 2019

                                                                                         Dương Thị Yến [*]

Di sản văn hóa, trong đó có các loại hình di tích là tài sản quý giá, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Di tích chính là bằng chứng vật chất có ý nghĩa, minh chứng cho lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của nhân dân, là nơi tham quan, tìm hiểu về cội nguồn dân tộc, tìm hiểu về truyền thống lịch sử, đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân, từ đó hiểu được đặc trưng văn hóa và giáo dục các thế hệ tiếp bước truyền thống văn hóa và nhân văn của dân tộc...

Với nhận thức sâu sắc về giá trị, vai trò của Di sản văn hóa đối với cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong những năm qua xã Hồng Thái đã từng bước quan tâm, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và các đề án, kế hoạch, dự án…về bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa trên địa bàn. Trong đó, công tác quản lý di tích luôn được xã Hồng Thái ưu tiên dành nhiều sự quan tâm đặc biệt, bởi đây là việc làm thiết thực, có ý nghĩa lớn lao góp phần vun đúc, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trong hệ thống 89 di tích đã được nhà nước xếp hạng trên địa bàn huyện Việt Yên, di tích Mộ và Đền thờ Thân Công Tài tọa lạc tại thôn Như Thiết, xã Hồng Thái là di là công trình được xây dựng để thờ phụng, tưởng nhớ công lao của Thân Công Tài - danh nhân lịch sử văn hóa tiêu biểu, nhà chính trị - quân sự - ngoại giao - kinh tế đại tài ở cuối thế kỷ XVII. Di tích được nhà nước công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia tại quyết định 4010/QĐ-BVHTTDL ngày 18/11/2015.

1.  Thực trạng công tác quản lý di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Thân Công Tài trong thời gian qua

Trong những năm qua, nhất là từ khi Luật Di sản văn hoá năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) được ban hành, là cơ sở pháp lý quan trọng để đẩy mạnh việc đổi mới các hoạt động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị DSVH, công tác quản lý di tích đã được UBND xã Hồng Thái, Ban Quản lý di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Thân Công Tài cùng với các ban, ngành, chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trên địa bàn xã quan tâm và thực hiện nghiêm túc. UBND xã Hồng Thái đã phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Quản lý di tích; đưa các nội dung về bảo vệ, phát huy giá trị của di tích vào quy ước, hương ước để nhân dân cùng thực hiện. Công tác tuyên truyền, giáo dục về Luật Di sản văn hóa, về giá trị của di tích và công tác bảo tồn, phát huy, quảng bá giá trị di tích được thực hiện thường xuyên, liên tục. Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích luôn được nâng cao. Công tác trùng tu, tôn tạo chống xuống cấp di tích bằng các nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước và xã hội hóa đạt hiệu quả. Công tác kiểm tra di vật, cổ vật được quan tâm thực hiện. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, quản lý và bảo vệ di tích được đảm bảo. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và thi đua khen thưởng được tăng cường thực hiện, qua đó đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý kịp thời, góp phần thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của địa phương.

Bên cạnh những ưu điểm thì công tác quản lý di tích Mộ và đền thờ Thân Công Tài hiện vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Bộ máy quản lý di tích cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ; năng lực và trình độ chuyên môn của cán bộ làm công tác văn hoá còn hạn chế; việc nắm bắt và kết nối thông tin, triển khai các văn bản pháp qui và qui phạm pháp luật giữa các đơn vị quản lý chưa chặt chẽ, thường xuyên; việc tuyên truyền, giới thiệu, tổ chức khai thác ở di tích còn đơn điệu, thiếu tính khoa học, chưa bài bản, ….

2. Những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Thân Công Tài trong giai đoạn tới và những năm tiếp theo

 Trong thời gian tới, để hoạt động quản lý di tích đi đúng hướng, đạt hiệu quả, chúng ta cần nghiên cứu xác định để tìm ra những giá trị tiêu biểu của di tích trên các mặt: giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ; đồng thời đưa ra giải pháp để bảo tồn và khai thác các giá trị của đó phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ nhu cầu tham quan của du khách thập phương ngày một tốt hơn… Một số giải pháp cụ thể nằm trong 03 nhóm giải pháp cơ bản được đưa ra nhằm đáp ứng yêu cầu trên:

Thứ nhất: Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cơ quan quản lý; tăng cường công tác tuyên truyền cho mọi tầng lớp trong xã hội nhận thức đúng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của di tích nói chung, di tích Mộ và đền thờ Thân Công Tài nói riêng, từ đó có những hành động cụ thể trong công tác chỉ đạo, điều hành, ban hành văn bản quản lý thiết thực, hiệu quả để bảo vệ di tích này ngày một tốt hơn.

Thứ hai: Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các phòng, ban chức năng và cộng đồng dân cư nơi có di tích; tuyên truyền để các phòng ban, chức năng của huyện Việt Yên với ngành VH&TT và UBND xã Hồng Thái, Ban QLDT cơ sở, cộng đồng dân cư tham gia, phối kết hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý di tích.

Thứ ba: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực để có một đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn, có năng lực, nghiệp vụ vững vàng, tâm huyết phục vụ nghiên cứu, bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích. Nhà nước cần đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Thứ tư: Bổ sung và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, thực hiện XHH trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích phải gắn liền việc nghiên cứu và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương. Để thực hiện tốt công tác quản lý đối với di tích Mộ và đền thờ Thân Công Tài có hiệu quả, Phòng VH&TT huyện Việt Yên cần tham mưu cho UBND huyện Việt Yên về việc xây dựng quy chế, chính sách tài chính trong việc đầu tư tôn tạo và phát huy giá trị di tích trong đó chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của người đầu tư được làm những gì, trách nhiệm ra sao? Nếu quy chế đó sớm được ban hành thì hiệu quả trong việc thu hút các doanh nghiệp tham gia vào việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo cho di tích này sẽ được nâng cao. Điều đó vừa đem lại nguồn kinh phí để đầu tư cho tu bổ di tích hàng năm, đồng thời cũng tạo cơ sở nền tảng cho quá trình phát triển kinh tế du lịch ở địa phương. Việc xây dựng chính sách tài chính đúng mức sẽ thúc đẩy công tác bảo tồn giá trị của di tích đạt hiệu quả cao hơn và cũng giúp công tác quản lý được dễ dàng hơn.

Thứ năm: Tăng cường cơ sở vật chất cho di tích trên cơ sở tiến hành xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn và ngắn hạn đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích Mộ và đền thờ Thân Công Tài dựa trên các nghiên cứu khoa học về hệ thống DTLSVH trên địa bàn huyện; các quy hoạch phát triển du lịch để từ đó xây dựng và thực hiện kế hoạch hoàn thiện cho từng giai đoạn phát triển. Việc tu bổ tôn tạo vừa nhằm mục đích bảo vệ nguyên trạng di tích đồng thời tạo không gian thích hợp cho việc tổ chức các hoạt động diễn ra trong lễ hội.

Thứ sáu: Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích là việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ tạo được nguồn lực tài chính nhằm khơi thông mọi nguồn lực, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giáo dục truyền thống, nâng cao ý thức bảo vệ di tích lịch sử trong nhân dân.

Thứ bảy: Tăng cường công tác bảo vệ di vật, cổ vật là vấn đề cấp thiết. Vì vây, để công tác bảo vệ di tích đi vào nề nếp, có hiệu quả, Ban QLDT cơ sở cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của Ban QLDT Mộ và đền thờ Thân Công Tài; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp; giao trách nhiệm cụ thể cho các vị trí công tác đối với từng cán bộ, thành viên của Ban QLDT trong việc bảo vệ các di vật, cổ vật, đồ thờ cúng trong di tích; thực hiện tốt việc rà soát, kiểm kê, đăng ký di vật, cổ vật, đồ thờ cúng tại di tích.

Thứ tám: Nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền quảng bá di tích thông qua việc hoàn thiện hệ thống bảng, biển giới thiệu về di tích; các hình thức tuyên truyền, giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân bảo vệ di tích như thiết kế tờ rơi, tập gấp, đưa ra một số thông tin chung để giới thiệu về di tích; xây dựng trang Website về di tích Mộ và đền thờ Thân Công Tài trên Website của cổng thông tin điện tử huyện Việt Yên, Sở VH,TT&DL Bắc Giang nhằm giới thiệu cho đông đảo nhân dân cả nước biết về di tích này; dựng các sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương nơi có di tích; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, có nhiều hình thức để áp dụng cho việc đào tạo như ngắn hạn, dài hạn, tham quan học tập, giao lưu học hỏi; định hướng để cho thế hệ trẻ có sự nhìn nhận đúng về truyền thống văn hóa của dân tộc.

Thứ chín:. Đẩy mạnh công tác tổ chức và quản lý lễ hội nhằm góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hoá, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy hoạt động dịch vụ, du lịch ở địa phương phát triển.

Thứ mười: Phát huy vai trò của cộng đồng trong quản lý di tích nhằm huy động nhân dân cùng chính quyền tham gia giữ gìn, tu bổ di tích; kiểm tra giám sát các hoạt động tu bổ, kinh doanh dịch vụ trong những ngày diễn ra lễ hội tại di tích; Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm và thi đua khen thưởng nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sai phạm về di tích và tuyên truyền, động viên, khích lệ những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đóng góp trực tiếp cho công tác giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa.

Có thể nói, thông qua việc đánh giá thực trạng công tác quản lý di tích lịch sử Mộ và Đền thờ Thân Công Tài  đã đưa ra những giải pháp phù hợp trong công tác quản lý, góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.

                                         Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương đảng (1998), Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Hà Nội.

2. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hồng Thái (2017), Lịch sử Đảng bộ xã Hồng Thái (Tài liệu lưu hành nội bộ), Nhà in Báo Bắc Giang.

3. Quốc hội (2002), Luật Di sản văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (2015), Quyết định số 4010/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2015 về việc xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia, Hà Nội.

 

-----------------------------------------------------------------

[*] Lớp cao học K7 -  Chuyên ngành Quản lý Văn hóa