Nội san

VAI TRÒ CỦA TRANG TRÍ HOẠT ĐỘNG GÓC TRONG GIÁO DỤC MẦM NON

23 Tháng Mười 2019

Vũ Hạnh Chi [*]

          Các chuyên gia giáo dục thường đưa ra những quan điểm khác nhau về việc đổi mới phương pháp dạy học, giúp trẻ mầm non tiếp cận việc học tập và vui chơi dưới mái trường hiện đại. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực không nhỏ của các giáo viên, các chuyên gia và những giáo viên chuyên ngành mỹ thuật nhằm đưa những hình ảnh sinh động, hấp dẫn có tích chất giáo dục cao cho trẻ mầm non để phù hợp lứa tuổi, nhóm tuổi và môi trường hoạt động với các chủ đề giáo dục hiện đại. Hoạt động góc góp phần tích cực vào chương trình giáo dục mầm non đáp ứng yêu cầu đổi giáo dục hiện đại trong tình hình mới.

Có thể nói, việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non là cần thiết và quan trọng. Thông qua hoạt động chơi, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện. Môi trường sạch sẽ, an toàn, có sự bố trí khu vực chơi, học tập trong lớp và ngoài trời phù hợp, thuận tiện, có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với sự phát triển thể chất của trẻ, mà còn thỏa mãn nhu cầu nhận thức, mở rộng hiểu biết của trẻ, kích thích trẻ hoạt động tích cực, sáng tạo. Xây dựng tốt môi trường giáo dục trong trường mầm non là phương tiện, điều kiện để trẻ phát triển toàn diện về thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, khả năng thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ mầm non vào học lớp 1; phù hợp với phương châm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo: "Học mà chơi, chơi mà học".

Tạo ra một môi trường hoạt động vui, khỏe, bổ ích cho trẻ là nhiệm vụ không nhỏ của những nhà giáo dục mầm non. Làm sao để trẻ nhỏ thích đến trường , thích tham gia vào các hoạt động học tập và sáng tạo mỗi ngày; điều đó phụ thuộc vào môi trường trang trí, hình thức tổ chức học tập ở lớp, ở trường. Hình thức tổ chức học tập hoạt động theo các góc được thiết kế sử dụng rộng rãi ở nhiều trường mầm non hiện nay. Hoạt động góc có giá trị lớn và đã trở thành phương tiện để giáo dục trẻ phát triển tình cảm xã hội, phát triển thẩm mỹ, phát triển thể chất, phát triển ngôn ngữ, phát triển nhận thức và là phương tiện không thể thiếu nhằm phát triển toàn diện nhân cách và trí tuệ cho trẻ ở trường mầm non. Tuy nhiên để hiệu quả học tập đạt kết quả tốt nhất, tích cực nhất đối với hoạt động góc cần tạo môi trường trang trí các góc học tập thật phong phú phù hợp với chức năng của từng phân góc cụ thể.

Hoạt động góc ở trường mầm non chiếm thời gian phần lớn trong thời gian biểu của trẻ, được thiết kế và tổ chức theo các chủ đề phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Trẻ có nhu cầu chơi vì luôn mong muốn hiểu biết về cuộc sống xung quanh, hơn nữa ở trường mầm non hoạt động chủ đạo của trẻ nhà trẻ là “Hoạt động với đồ vật”. Khi tham gia vào các hoạt động khác nhau sẽ giúp trẻ phát triển tính chủ động sáng tạo, khả năng giao tiếp, khơi gợi hứng thú cảm xúc, ham tìm hiểu khám phá thế giới xung quanh, lĩnh hội những kỹ năng sống cần thiết. Hoạt động chơi có vai trò là phương tiện giáo dục hàng đầu của trẻ mầm non khi được sự hướng dẫn hợp lý của giáo viên, quan tâm của nhà quản lý, hoạt động chơi của trẻ sẽ được hình thành và phát triển một cách có hiệu quả trên những nấc thang phát triển ngày càng cao do người lớn xây dựng.

Thực tế hoạt động góc trong nhiều năm qua đã được các cấp lãnh đạo nhìn nhận và đánh giá rất quan trọng đối với trẻ. Đã có nhiều buổi tập huấn, phát hành tài liệu, nhiều bài viết liên quan đến việc tổ chức hoạt động góc do Bộ giáo dục, sở giáo dục và đào tạo tổ chức. Bên cạnh đó, để tổ chức tốt hoạt động góc cho trẻ đòi hỏi người giáo viên cần phải tâm huyết, phải có kế hoạch xây dựng, tổ chức, nắm bắt thực tế, đánh giá, điều chỉnh những nội dung chơi,  kỹ năng chơi cho trẻ phù hợp với từng giai đoạn phát triển.

Qua nghiên cứu và tham quan thực nghiệm tại một số trường mầm non, chúng tôi nhận thấy các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả trang trí góc như tổ chức và phân bố các góc hoạt động hợp lý, vận động cha mẹ học sinh cùng tham gia hỗ trợ ủng hộ nguyên vật liệu tái chế để tạo ra cá sản phẩm trang trí học tập, tổ chức trình bày các sản phẩm của cô và trò đã có kết quả tốt và ứng dụng vào thực tế. Các biện pháp trên đã nâng cao chất lượng dạy học theo góc, giúp trẻ nhỏ yêu thích và đam mê tham gia vào hoạt động góc thường xuyên và tích cực hơn. Các trường mầm non cần đưa ra nhiều biện pháp phong phú và đa dạng hơn nữa để hoạt động góc của trẻ nhỏ ở trường mầm non thực sự hữu ích và phát huy hơn nữa vai trò của người giáo viên trong giáo dục mầm non, để giáo dục mầm non trở thành môi trường giáo dục nền tảng cho việc hình thành nhân cách và thẩm mỹ cho trẻ nhỏ ở những bậc học sau này.

Việc giáo dục trẻ là sự phối kết hợp giữa gia đình và nhà trường. Các kiến thức trẻ tiếp thu được sẽ được khắc sâu hơn nếu cả gia đình và cô giáo cùng dạy trẻ. Chính vì vậy cần tạo ra một môi trường học tập vui khỏe và có ích  để trẻ phát triển toàn diện về nhân cách và trí tuệ

Hoạt động góc phản ánh sự sáng tạo, độc đáo của nhận thức và ngôn ngữ, nó là tác động qua lại giữa trẻ với môi trường xung quanh. Khi trẻ hoạt động góc có nghĩa là đang sống trong cuộc sống thực, trong khi chơi trẻ được đối thoại cùng nhau, trao đổi thỏa thuận, thương lượng cùng nhau, trẻ phải nói cho bạn chơi hiểu và phải hiểu lời bạn cùng chơi. Từ đó làm cho trí tuệ của trẻ phát triển mạnh mẽ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tình cảm xã hội của trẻ hướng đến cái đẹp trong giao tiếp, cư xử giữa người với người, góp phần hình thành hành vi văn minh trong xã hội, hình thành thái độ tích cực của trẻ với bản thân.

Việc lập kế hoạch trang trí các góc ngoài việc tạo được hình thức trang trí đẹp, phong phú, thiết thực, phù hợp, sáng tạo mà cần có tác dụng giáo dục đảm bảo các yêu cầu phù hợp với nội dung ý tưởng trang trí của từng góc hoạt động. Trong chương trình hoạt động ở trường mầm non, không gian vui chơi và học tập là một yếu tố quan trọng, đây là nơi diễn ra các hoạt động của các em trong thời gian ở trường, nơi trẻ sẽ được học tập, trao đổi tương tác qua nhiều kênh thông tin phong phú và bổ ích, bao gồm như không gian vui chơi học tập trong lớp, không gian vui chơi học tập ngoài lớp học, các không gian  này phần lớn chiếm thời gian học tập tại trường của trẻ.

Ngoài việc tổ chức sắp xếp các góc học tập và vui chơi trong lớp việc trang trí các góc học tập ngoài trời kết hợp với không gian vui chơi sẽ tạo nên sự phát triển toàn diện cho trẻ, góc không gian vui chơi ngoài trời là nơi giúp trẻ rèn luyện thể chất, phát triển chiều cao, sự nhanh nhạy trong thao tác. Qua đó có thể phát triển những năng khiếu và sở thích của trẻ, không gian giao tiếp với môi trường thiên nhiên là nơi trẻ được làm quen với môi trường thiên nhiên, giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên cho trẻ.

Hoạt động góc là một trong những hoạt động quan trọng trong giáo dục trẻ. Vai trò của hoạt động góc trong dạy học là cần thiết, để tạo một môi trường mầm non có góc học tập đổi mới đồng bộ từ cơ sở vật chất đến giáo viên và phương pháp dạy học cần rất nhiều sự quan tâm của các lãnh đạo trường mầm non cùng sự đồng lòng của cán bộ giáo viên trong trường. Từ thực trạng và tầm quan trọng của việc trang trí các góc học tập ở trường mầm non, ta có thể thấy được vai trò của môn học trang trí môi trường  trong chương trình đào tạo ngành Sư phạm Mỹ thuật Mầm non của trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hướng dẫn sinh viên biết cách tổ chức sắp xếp các hoạt động trang trí và hướng dẫn học sinh tham gia vào việc trang trí các góc học tập nhằm đem lại hiệu quả trong học tập và dạy dỗ trẻ mầm non. Từ đó đưa ra các biện pháp để nâng cao hiệu quả trang trí góc học tập nhằm thu hút sự chú ý của trẻ để trẻ thích đến trường tham gia vào các hoạt động học và chơi ở lớp. Hoạt động chơi ở các góc có giá trị rất lớn và đã trở thành phương tiện để giáo dục trẻ phát triển tình cảm xã hội, phát triển thẩm mỹ, phát triển thể chất, phát triển ngôn ngữ, phát triển nhận thức và là phương tiện không thể thiếu nhằm phát triển toàn diện nhân cách và trí tuệ cho trẻ ở trường mầm non.

           Đã có một số tài liệu đề cập đến vai trò của hoạt động góc tuy nhiên các nghiên cứu được thực hiện ở các khía cạnh khác nhau, chưa được áp dụng thực hiện đối với sinh viên sư phạm mầm non. Phần lớn nghiên cứu một số hoạt động góc cụ thể có thể đề cập đến như giới thiệu góc địa phương của lớp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Mục đích tuyên truyền và nâng cao chất lượng dạy học cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số từ đó tăng cường khă năng tiếng Việt cho trẻ. Hoạt động góc- cơ hội để trẻ làm quen với các biểu tượng toán học. Khuyến khích trẻ sáng tạo khi chơi, mục đích thông qua hoạt động góc trẻ có thể làm những gì mình thích, có thể đóng vai người lớn như những gì chúng muốn. Bài viết này tác giả đã đề cập đến vai trò của hoạt động góc trong giáo dục mầm non và từ đấy đưa ra các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động trang trí góc trong trường mầm non. Thông qua hoạt động thực tiễn dạy học tại trường mầm non và một số hình thức trang trí hoạt động góc, tác giả hy vọng góp phần vào việc nâng cao hiệu quả và chất lượng dạy và học môn trang trí môi trường cho sinh viên chuyên ngành sư phạm mỹ thuật mầm non.

 

----------------------------------------------------------------

[*] Khoa Sư phạm Mỹ thuật