Sự kiện

Thử nghiệm cách dạy mới xong, kinh nghiệm là gì?

24 Tháng Mười 2019

TTO - Cùng với việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, từ năm 2012, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều nội dung đổi mới thay cho cách dạy "đọc - chép" truyền thống. Bài học thành - bại trong các thử nghiệm này như thế nào?

 

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) thực hành chăm sóc cây tại Học viện Nông nghiệp VN trong đợt học tập trải nghiệm - Ảnh: HUY TRẦN

Theo một số chuyên gia giáo dục, việc tổng kết những thử nghiệm này là rất cần thiết và cần được thông tin rộng rãi khi triển khai chương trình giáo dục mới. Tất cả đều là những giá trị để rút ra bài học cho việc tiếp tục áp dụng, triển khai ở chương trình mới.

Nhiều phương pháp tích cực

Có thể kể ra một số phương pháp từng được đưa vào trường phổ thông như phương pháp "Bàn tay nặn bột", phương pháp dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo dự án, dạy học gắn với nghiên cứu khoa học và gần nhất là xu hướng giáo dục STEM. 

Điểm chung của những phương pháp dạy học tích cực là "học sinh làm trực tiếp" để khám phá kiến thức, vận dụng kiến thức đó vào giải quyết các vấn đề khác nhau của đời sống.

Thời kỳ "vàng" của việc đưa những phương pháp dạy học tích cực vào trường phổ thông, cựu thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển từng chỉ đạo các sở GD-ĐT không kiểm tra, đánh giá chuyên môn đối với những giáo viên đang áp dụng thử nghiệm các phương pháp dạy học tích cực. Việc này để giúp giáo viên thoát khỏi nỗi sợ khi có thanh tra, kiểm tra, tập trung vào việc đổi mới.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ vào thời điểm đó, ông Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng khi giáo viên mạnh dạn đổi mới sáng tạo, có thể họ thành công hoặc có thể có thiếu sót. Nhưng từ việc triển khai mới rút kinh nghiệm để vận dụng tốt hơn. Nếu họ mới làm đã bị soi xét, đánh giá thì không ai dám đổi mới. 

Nhiều văn bản "cởi trói" cho giáo viên để có tâm thế tốt nhất cho việc sáng tạo cũng được Bộ GD-ĐT đưa ra từ thời đó như thông điệp giáo viên có thể "thoát ly" SGK để vận dụng linh hoạt các tài liệu dạy học, giảm bớt sổ sách không cần thiết, cho phép các trường áp dụng sổ sách, giáo án điện tử...

Mở rộng không gian lớp học

Bên cạnh triển khai mô hình trường học mới ở bậc tiểu học, một trong những nội dung đáng nói nhằm tiệm cận với định hướng đổi mới giáo dục hiện nay là chủ trương mở rộng không gian lớp học ở bậc trung học. 

Theo ông Vũ Đình Chuẩn - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, các mô hình như dạy học gắn với sản xuất kinh doanh, dạy học gắn với di sản, dạy học thông qua hoạt động trải nghiệm ở bên ngoài lớp học được nhiều địa phương triển khai thành công như Lào Cai, Tuyên Quang, Phú Thọ, Ninh Bình...

Ở Phú Thọ, hầu hết trường THCS, THPT, PTDT nội trú đều đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tham quan, trải nghiệm các mô hình trồng rừng, trồng cây ăn quả, trang trại, nghề truyền thống... Học sinh tự trải nghiệm, tham gia lao động, chăm sóc cây trồng và các mô hình chăn nuôi nhỏ tại gia đình, nhằm gắn lý thuyết với thực tiễn lao động, tham gia sản xuất nhằm tăng thu nhập cho gia đình và phát triển kinh tế của địa phương.

Các trường học đồi cam, trường học đồi chè, trường học du lịch cũng triển khai ở Lào Cai, Tuyên Quang. Tại Ninh Bình, rất nhiều trường THCS và THPT cũng đang áp dụng thành công mô hình này và có những kết quả ngoài mong đợi.

Những môn học khiến nhiều học sinh "sợ" như ngữ văn, lịch sử, GDCD... được một số nhà trường sáng tạo bằng các dự án sân khấu hóa tác phẩm văn học, tái hiện nhân vật lịch sử, diễn kịch... 

Táo bạo hơn, Trường THPT Thái Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM) từng có một chuyến cho học sinh đi thực tế dài ngày về tích hợp liên môn ở miền Bắc. Trong đó tích hợp giảng dạy 32 bài địa lý, một số bài lịch sử, hóa học, sinh học, văn học...

Khoảng hẫng ở tầm vĩ mô và khó khăn khi lan tỏa

Những chuyển biến tích cực song hành với hướng đổi mới nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học kể trên tiếc là mới chỉ triển khai mạnh mẽ ở một số nhà trường, một số địa phương. Những nơi triển khai mạnh mẽ nhất lại ở một số tỉnh miền núi, điển hình như Lào Cai, một số tỉnh phía Nam.

Tại Hà Nội, các cơ sở giáo dục đi tiên phong lại là các trường tư, trường công lập tự chủ. Các trường công lập truyền thống vẫn là khối trường có sức ì quá lớn do tư tưởng bảo thủ, cầu toàn, do không chịu áp lực phải xây dựng "thương hiệu" và do phải chạy theo các mục tiêu cũng rất "truyền thống" là tỉ lệ đỗ đạt, giải thưởng học sinh giỏi, nhiều hoạt động mang tính phong trào.

Những tác động tích cực vào "thành trì bảo thủ" của lối dạy học truyền thống mạnh mẽ nhất trong 5-6 năm trước - khi chương trình giáo dục phổ thông mới manh nha xây dựng. 

Lẽ ra thành quả này phải được phát huy mạnh mẽ hơn trên cơ sở các tổng kết, đánh giá ưu - nhược điểm của việc triển khai để có những chỉ đạo rốt ráo hơn của Bộ GD-ĐT, phù hợp với bối cảnh hiện nay, chuẩn bị triển khai chương trình mới thì lại rơi vào khoảng hẫng trong 1-2 năm gần đây.

Ngoài ra, ở một số địa phương, các thử nghiệm được cho là quan điểm dạy học hiện đại lại đang được áp dụng tùy tiện, thiếu một sự định hướng cần thiết, điển hình là xu hướng dạy học STEM. 

Cốt lõi của STEM là vận dụng kiến thức của các môn học để giải quyết các vấn đề thực tiễn, tạo nên những sản phẩm ứng dụng hữu ích nhưng ở nhiều nhà trường đã biến việc này thành phong trào, ghi điểm thành tích, kết hợp với các đơn vị kinh doanh để mua sắm các thiết bị đắt tiền mang danh thiết bị phục vụ giáo dục STEM.

Những mô hình giáo dục tích cực khi lệch sang mục tiêu "phong trào" cũng không còn giữ đúng như ban đầu nên khi gặp những phản ứng trái chiều thì co lại và ngưng hẳn.

Trao "chìa khóa", nhưng...

Năm 2013, hướng dẫn 791/HD-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành thực sự tạo nên một luồng gió mới cho một số trường mạnh dạn đi đầu trong việc xây dựng "Chương trình nhà trường" (nay gọi là "Kế hoạch giáo dục nhà trường").

Nhưng ngoài những trường/địa phương đi tiên phong trong các năm đầu, việc lan tỏa "chương trình nhà trường" chậm dần, yếu hơn cho dù đây được xem như "chìa khóa" để thực hiện những nội dung đổi mới giáo dục.

Những trường vốn trì trệ trong đón nhận sự đổi mới cũng có nhiều lý do để e dè. Một trong những lý do gây cản trở nhiều nhất khi áp dụng những nội dung đổi mới là cách kiểm tra đánh giá ở bậc trung học chưa được điều chỉnh bằng quy định pháp lý.

Tâm lý bám theo cách dạy học cũ để đảm bảo cho học sinh thi THPT quốc gia cũng là điều mà các trường công lập xem như nguyên do chính khiến họ chưa mạnh mẽ áp dụng những mô hình, phương pháp đổi mới dạy học.

Việc tuyên truyền (bao gồm cả tuyên truyền cho cha mẹ học sinh và thầy cô giáo, cán bộ quản lý), việc tập huấn giáo viên mang tính bài bản do ngành GD-ĐT các cấp tổ chức ở nhiều địa phương chưa làm tốt. Trong số này có những nơi là thành phố, vùng kinh tế - xã hội phát triển.

Vì thế, "chìa khóa" này có thể mở những "chân trời" mới nào còn phải cần những động thái mạnh mẽ và nhất quán từ ngành GD-ĐT để các trường tin tưởng, có động lực thoát khỏi sức ì.

Vĩnh Hà

Nguồn https://tuoitre.vn/thu-nghiem-cach-day-moi-xong-kinh-nghiem-la-gi-20191023104653702.htm