Sự kiện

KHI THẦY CÔ MỸ THUẬT ĐI HỌC…

01 Tháng Mười Một 2019

Chuyện đi học đối với cán bộ là chuyện thường niên, thường kỳ, ấy vậy mà bấy lâu nay không phải cứ muốn là được, cần là có. Giáo viên dạy mỹ thuật ở Tiểu học có bằng Cao đẳng cứ ung dung nghĩ có bằng rồi, yên tâm dạy thôi, ai đi học mặc họ? Mấu chốt của câu chuyện đào tạo lại là ở chỗ chính những người đang ung dung đã tự lỡ mất cơ hội học sớm của mình. Dẫu biết rằng chẳng ai dạy người ta sáng tạo nhưng phương pháp sáng tạo thì phải có định hướng, có đổi mới, có kỹ thuật và cần lắm môi trường học tập chuyên nghiệp. Trường ĐHSP Sư phạm Nghệ thuật TW đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giao trọng trách quan trọng là đầu mối đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc của cả nước. Nơi đây biết bao thế hệ các thầy giáo đã từng trưởng thảnh từ ngôi trường thân yêu này mà tiền thân là trường trung cấp Thể dục Nhạc Họa, sau đổi tên thành CĐSP Nhạc – Họa và ngày nay là ĐHSP Nghê thuật TW.

Gắn bó với trường 18 năm, thời gian chưa nhiều nhưng cũng không phải là ít, chứng kiến những đổi thay của Nhà trường đặc biệt sự đổi thay của quan niệm về giáo dục Âm nhạc, Mỹ thuật đã làm tôi nhận thấy sự lựa chọn của mình không nhầm mặc dù có nhiều lựa chọn khác tốt hơn song cái duyên với nghề, cái duyên với trường cứ níu kéo bởi bấy lâu đã nặng lòng.

Cách đây 17 năm, từ những năm 2002 dạy liên kết tại Trung cấp VHNT Thái Bình nay là CĐVHNT Thái Bình, hôm nay trở lại thật ngỡ ngàng với khóa đào tạo liên kết của trường ĐHSP Nghệ thuật TW tại đây, tôi lại được thấy những gương mặt của các thầy cô giáo mỹ thuật mà trước kia mình đã từng dạy. Ngờ ngợ tên các thầy cô bởi dạy nhiều khóa sinh viên, bởi các anh chị có khi còn nhiều tuổi hơn tôi hoặc sêm sêm tuổi nên cứ gọi thầy cô xưng tôi cho thân thiện. Vẫn nụ cười xưa, vẫn vóc dáng ấy nhưng nay các thầy cô đã có thâm niên nghề, giờ mới lại cắp sách tới trường tiếp tục sự nghiệp học hành.

Những tưởng các thầy cô ngại học nhưng không, các thầy cô giáo mỹ thuật phổ thông của chúng tôi, sinh viên, học viên của NUAE vô cùng hăng say, các thầy cô thực sự thú vị khi được tiếp cận môn học mới.

Sinh viên hệ VLVH tại CĐVHNT Thái bình tương tác nhóm do giảng viên NUAE hướng dẫn.

                Câu hỏi mà các thầy cô đặt cho tôi ngoài các kiến thức chuyên môn về học phần “Đại cương các loại hình nghệ thuật” là câu hỏi “cô vẫn thế” hoặc bí quyết gì mà cô vẫn trẻ ạ?... Câu nói đùa song cũng rất thật là “các thầy cô cứ học thật nhiều sẽ trẻ lâu và vì chúng ta là giáo viên mỹ thuật”.

Những trao đổi chuyên môn cởi mở đã xóa tan ranh giới thầy trò, ranh giới tuổi tác, chỉ còn lại những câu chuyện nghệ thuật thú vị, những kiến thức nền tảng về các loại hình nghệ thuật được cụ thể hóa bởi các chuỗi bài tập, với sự tương tác của các thầy cô và người dạy làm cho không khí lớp học luôn sôi nổi. Nhiều thầy cô đã nói “biết thế này em đi học sớm hơn đỡ chờ đến giờ”. Mọi thứ chưa bao giờ muộn, khoa SPMT, trường ĐHSP Nghệ thuật TW (NUAE) luôn luôn chào đón các thầy cô từ mọi miền tổ quốc về hội tụ để chúng tôi được đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ giúp các thầy cô giáo nghệ thuật/ mỹ thuật của chúng ta luôn tự hào là những giáo viên giỏi nghề, thành thạo chuyên môn và tự hào với những lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Xin được chúc các thầy cô giáo mỹ thuật, các sinh viên SPMT trong và ngoài trường sức khỏe, thành công trong sự nghiệp trồng người cao quý!

Sinh viên hệ VLVH tại CĐVHNT Thái bình thuyết trình bài tập nhóm

Sinh viên hệ VLVH tại Cầu Giấy của NUAE đang học Lịch sử Mỹ thuật tại Bảo tàng

 

Sinh viên hệ VLVH tại CĐVHNT Thái Bình của NUAE tương tác nhóm (Nguồn ảnh. Trần Thị Vân).

Đào Thị Thúy Anh

Khoa SPMT - Trường ĐHSP Nghệ thuật TW