Nội san

PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC DÂN CA H’MÔNG CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ

04 Tháng Mười Một 2019

Sùng Y Dua[*]

 

Giáo dục âm nhạc cho học sinh nói chung, cũng như dạy hát dân ca cho học sinh trung học cơ sở  nói riêng là hoạt động nghệ thuật có tác dụng nâng cao thẩm mỹ, giúp học sinh phát triển toàn diện về Đức – Trí – Thể - Mỹ, giúp học sinh biết cảm nhận cái hay cái đẹp qua góc nhìn nghệ thuật.

Để dạy học hát dân ca đạt hiệu quả, giáo viên cần thiết kế giờ dạy và hướng dẫn từng nội dung dạy học cho phù hợp. Ngoài việc dạy cho học sinh  được cách hát đúng giai điệu, đúng lời ca, Dân ca H’Mông thường phản ánh nhiều mặt trong đời sống xã hội, về tình cảm và ước mơ, về sự chân thực, chung thủy trong tình yêu và hạnh phúc gia đình. Qua học hát dân ca H’Mông, học sinh sẽ được giáo dục về tình yêu chung thuỷ và hạnh phúc gia đình. Từ đó chúng tôi đề xuất những phương pháp dạy học dân ca H’Mông cho học sinh trung học cơ sở.

  1. Dạy học theo phương pháp truyền miệng

Truyền miệng là phương pháp dạy học truyền thống trong dân gian. Để dạy dạy học dân ca H’Mông cho học sinh Trung học cơ sở có thể sử dụng phương pháp này. Để phương pháp này đạt hiệu quả, giáo viên (GV) cần chuẩn bị kỹ những kiến thức cơ bản về văn hóa dân gian H’Mông nói chung, đồng thời phải thuộc nhuần nhuyễn và thể hiện đúng tính chất của bài dân ca. Khi dạy, nên hát mẫu cho học sinh (HS) nghe trước vài lần, sau đó mới hướng dẫn các em thực hành luyện tập theo phương pháp truyền miệng. Điểm nổi bật của phương pháp này là HS dễ nhớ, dễ thuộc và nắm vững tính chất làn điệu hơn thực hành hát theo bản nhạc trên giấy do được tập luyện theo lối móc xích các câu hát. Khi hát mẫu, GV cần  phải hát chuẩn xác cao độ, tiết tấu, các mô hình luyến láy và thể hiện đúng tính chất bài dân ca.

Khi dạy học kiểu móc xích, nên chia nhỏ và hát mẫu từng câu cho HS hát theo. Chẳng hạn, với bài dân ca Nhớ em yêu! HS sẽ được hát lần lượt: câu 1: “A Chiều, lòng anh nhớ gọi em. Mái!” đến câu 2: “Chiều, kìa tiếng sáo gọi em lưng đồi”. Sau đó, sẽ thực hành hát móc xích cả 2 câu: “A Chiều, lòng anh nhớ gọi em. Mái!/ Chiều, kìa tiếng sáo gọi em lưng đồi”. Tiếp đến là hát câu 3: “Vầng trăng lên sáng rồi, bừng lên núi”, câu 4: “Nhớ người yêu, lòng anh buồn và móc xích” và hát cả 2 câu: “Vầng trăng lên sáng rồi, bừng lên núi/ Nhớ người yêu, lòng anh buồn...”. Cứ luân phiên như vậy cho đến đoạn, hết bài.

Dạy truyền miệng có ưu điểm giúp HS cảm nhận tốt hơn tính chất bài dân ca, dễ thuộc giai điệu và lời ca. Với cách dạy học này, GV cần chú ý đến ngữ điệu phát âm để hướng dẫn HS lấy hơi nhả chữ hợp lý, đồng thời hát đúng những mẫu âm luyến láy đặc trưng.

  1. Phương pháp thuyết trình, vấn đáp

Khi dạy học bằng phương pháp này trong dạy học hát dân ca H’Mông, để tạo sự sinh động cho tiết học, bên cạnh việc dùng lời nói để thuyết trình, GV có thể minh họa bằng những hình ảnh, trích đoạn video được lấy từ các nguồn tư liệu khác nhau (tự sưu tầm hoặc lấy trên mạng xã hội) để dẫn chứng về đời sống văn hóa của tộc người. Những mình họa này nhất thiết phải gắn với thể loại hoặc nội dung của bài dân ca.

Chẳng hạn, khi dạy hát bài Hát làm mối, GV thuyết trình về tục cưới xin của người H’mông, từ những cuộc gặp gỡ, giao duyên của các đôi trai gái vào mỗi dịp chợ phiên, lễ tết cho đến khi nên vợ thành chồng.

Theo phong tục của người H'mông, hôn nhân có các nghi lễ như: “dạm hỏi, ăn hỏi và lễ đón dâu, tất cả đều được tổ chức vào ngày lành tháng tốt. Lễ dạm hỏi bắt buộc phải có hai ông mối thông thuộc các bài hát nghi lễ cưới xin, kết nối hai nhà để làm thủ tục dạm hỏi và hẹn ngày đón dâu”.

Vào ngày cưới, mọi người đều mặc trang phục truyền thống. Khi gia đình, họ hàng chú rể đông đủ, trưởng họ sẽ giao đồ lễ cho ông mối. Sau khi trưởng họ thắp hương, ông mối sẽ hướng dẫn chú rể, phù rể vái lạy tổ tiên trời đất để xin phép lên đường đi đón dâu, lúc này ông mối sẽ hát bài Xin chiếc ô đen (ô để che mưa nắng trên đường rước râu). Khi đến nhà gái, ông mối sẽ hát các bài Xin mở cửa, Xin bàn ghế, Hát làm mối... sau đó sẽ giao đồ lễ gồm: thịt lợn, thịt gà, cơm xôi, mèn mén, rượu ngô, tiền mặt... cho nhà gái.

Qua dạy học bài Hát làm mối, GV có thể hướng tới giáo dục HS về đám cưới truyền thống của người H’Mông. Về chuyện tìm hiểu nhau tới tổ chức đám cưới, chính thức thành vợ chồng. Về việc chuẩn bị trang phục cho cô do chính cô dâu tự may, việc xin phép tổ tiên chứng giám phù hộ cho đôi vợ chồng trẻ. Cả tục khi chú rể đón được cô dâu thì không quay đầu nhìn lại, hay khi rước dâu phải dừng chân giữa đường bày đồ ăn để ông mối làm lễ mời các vị thần; về vai trò quan trọng của ông mối trong đám cưới của người H’Mông và Hát làm mối là một cách giúp cho hai bên họ hàng hiểu nhau hơn, cũng là để xin phép cho chú rể được rước cô dâu về nhà mình.

Ngoài ra, GV cũng dùng phương pháp thuyết trình để giới thiệu tính chất trữ tình của thể loại, sau đó nên hát mẫu hoặc cho HS nghe trích đoạn video để các em cảm nhận tốt hơn về tính chất âm nhạc.

Để khuyến khích tinh thần học tập tự giác của HS, tùy thuộc vào tình huống dạy học, GV nên gợi ý, trao đổi, thảo luận và khuyết khích HS trả lời. Áp dụng cách dạy học này sẽ tránh được được lối truyền dạy thụ động một chiều, giúp cho HS tích cực hơn trong học tập. Để chủ động trong dạy học, GV cần chuẩn bị trước những câu hỏi theo hướng gợi mở, liên quan đến bài học, nhằm tạo sự tập trung và sinh động trong tổ chức lớp học. Ngoài ra, GV cần chuẩn bị tranh ảnh, trích đoạn video để phục vụ cho tiết học.

  1. Phương pháp thực hành luyện tập

Bên cạnh phương pháp thuyết trình, phương pháp thực hành luyện cần được sử dụng trong quá trình dạy học. Đây là phương pháp hướng tới giúp cho HS rèn luyện thực hành học hát hiệu quả. Để thực hành hiệu quả, GV nên chia thành các nội dung dạy học như: khởi động giọng; luyện đọc cao độ nốt nhạc; luyện hát từng mô hình luyến, láy; luyện nghe nhạc để giúp cho HS cảm nhận tính chất của bài dân ca…

Khởi động giọng

Trước khi học hát, GV nên khởi động giọng cho HS bằng những mẫu âm đơn giản theo thang âm của bài dân. Chẳng hạn, với bài Hát ru con, căn cứ vào giai điệu của bài hát, gồm có các nốt: c-f-g-b-(c2), GV nên khởi động giọng cho HS theo mẫu: c-f-g-b-(c2). Ở đây, GV có thể sử dụng đàn piano hoặc organ đàn mẫu, sau đó mới bắt nhịp cho HS thực hành khởi động giọng bằng âm “ma”, âm “la” hoặc âm “mi”...

Ví dụ 25:

 

Thực hành các mẫu luyến láy

Dân ca H’mông sử dụng khá nhiều mô hình luyến láy. Vì vậy, để hát tốt những đường nét giai điệu uyển chuyển rất riêng trong dân ca của họ, GV cần phân tích, tìm hiểu các mô hình luyến láy để hướng dẫn HS thực hành đạt hiệu quả.

Qua tổng hợp, phân tích các bài dân ca H’mông, chúng tôi nhận thấy có các mô hình luyến láy sau:

Luyến 2 âm quãng 2 đi lên hoặc xuống, luyến 3 âm đi lên, luyến 4 âm đi xuống (Làm mối, Ký tàu, Hát ru con...); luyến 3 âm quãng 2 đi lên sau đó đi xuống quãng 5 ở các bài (Làm mối), luyến 3 âm quãng 5 đi lên và xuống (Ký tàu)... Chẳng hạn, khi dạy Hát ru con, GV cần phân tích các mô hình luyến láy và luyến 2 âm quãng 3, luyến 3 âm trượt qua quãng 2... Trong quá trình dạy học, GV cần hát mẫu các mô hình luyến láy này, sau đó hướng dẫn cho HS đọc riêng từng cao độ, tiết tấu, sau đó mới thực hiện ghép lời ca.

 

Ví dụ 26:

SEEV ME NUYAM (Hát ru con)

                                                               Mèo Vạt-Cao Bằng

Một trong những nét đặc trưng trong dân ca H’mông là có sử dụng các mô hình luyến láy. Vì vậy, GV luôn phải lưu ý vấn đề này khi dạy học thực hành, sao cho giờ học hát dân ca H’mông thực sự đạt hiệu quả.

Thực hành vận động cơ thể trong biểu diễn

Để cho các tiết mục hát dân ca H’mông trở nên sinh động, sau khi dạy các em học thuộc bài hát, GV nên hướng dẫn các em vận động cơ thể nhịp nhàng với tính chất âm nhạc. Căn cứ vào đặc điểm âm nhạc của bài dân ca, HS chỉ nên đung đưa người nhẹ nhàng theo nhịp điệu bài hát. Khi hát, nếu có phần đệm của nhạc cụ, các em sẽ tự nhiên và uyển chuyển hơn.

Người H’mông thường hát dân ca có phần đệm của khèn (còn gọi là khềnh) trong các dịp lễ tết, hội hè. Vì vậy, sau khi HS học thuộc bài hát, những tiết mục này cần được hoàn thiện hơn về tính chất cũng như yêu cầu cần có đối với dân ca H’mông, cần thiết phải hướng dẫn các em thực hành vận động có phần đệm của nhạc cụ. Về vấn đề này, GV cần đề xuất với Ban lãnh đạo nhà trường mời nghệ nhân sinh hoạt cùng CLB. Nghệ nhân có thể nói chuyện với HS về văn hóa âm nhạc của tộc người, đồng thời tham gia đệm hát để giúp HS hoàn thiện tiết mục khi hát có phần đệm của khèn. Do phần đệm được lấy từ nét giai điệu của bài dân ca nên HS không chỉ được học cách ngưng nghỉ, lấy hơi, mà đồng thời được cảm nhận rất tốt về tính chất của làn điệu. Hát dân ca H’mông khi có nhạc đệm cũng giúp HS vận động tự nhiên hơn, thể hiện sắc thái tốt hơn. Đó là những tiêu chí cần đạt trước tiết mục được đưa lên sân khấu biểu diễn.

Như vậy, đây cũng là một trong những phương pháp cần được sử dụng trong dạy học dân ca H’mông. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, GV nên dặn dò HS luyện tập kỹ ở nhà để phần hát thật nhuần nhuyễn. Đó là một trong những yêu cầu của GV đối với HS trước khi hát có nhạc đệm.

  1. Sử dụng bản ký âm

Những bài dân ca H’Mông được lựa chọn đưa vào dạy học ngoại khóa cho HS đều được ký âm thành bản nhạc. Trong quá trình dạy học, GV có thể sử dụng những bản ký âm này để hướng dẫn cho HS thực hành. Bài dân ca đã được ký âm có ưu điểm là giúp cho GV dạy học nhanh hơn. Tuy nhiên, bản ký âm thường được ghi chính xác những cao độ chính, còn những mô hình luyến láy chỉ có thể ghi một cách tương đối.

Chẳng hạn, bài Cầu mong, có ký hiệu vuốt (glissando:  ), không thể hiện bằng nốt nhạc. Trong trường hợp này, GV cần phải học từ nghệ nhân cách vuốt sao cho mềm mại và đúng với cách hát của người H’Mông. Khi dạy học, GV sẽ hát mẫu và hướng dẫn HS thực hành theo kiểu truyền miệng.

            Ví dụ

HÁT CẦU MONG

                                          Già Mi Nô (Mèo Trắng)

                                                           Xã: Xủng Lát Hát

  Như vậy, phương pháp sử dụng bản ký âm sẽ góp phần chủ yếu trong dạy học dân ca H’Mông. Dù bản ký âm không thể hiện hết những đặc điểm âm nhạc trong dân ca H’Mông, GV vẫn có thể dựa vào đó để hướng dẫn HS hoàn thiện theo đúng tính chất của làn điệu. Đó là cách GV nên sử dụng khi dạy hát dân ca cho HS trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở B Mai Châu, Hòa Bình.

Tóm lại, Để dạy học hát dân ca hiệu quả, cần có sự kết hợp hài hòa các phương pháp trong mỗi tiết học. Ngoài ra, cần tăng cường các phương tiện hỗ trợ dạy học như: đàn phím điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác các nguồn tư liệu trên internet để tạo nên những tiết  dạy học dân ca H’Mông sinh động và hiệu quả.

 

                                       Tài liệu tham khảo

 

  1. Bộ giáo dục đào tạo (2001), Phương pháp dạy học âm nhạc, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Phạm Lê Hòa (chủ biên, 2009), Đề án hỗ trợ đưa dân ca vào trường Trung học cơ sở, đề tài khoa học cấp bộ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội.
  3. Mã A Lềnh (2009), Ghi chép về văn hóa dân gian H’Mông, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
  4. Doãn Thanh (1967), Dân ca Mèo, Nxb Văn học, Hà Nội.

5. Hồng Thao ( 1997), Âm nhạc dân tộc H'mông, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K8 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học Âm nhạc