Nghiên cứu lý luận

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP VÀ KĨ THUẬT DẠY HỌC THEO HƯỚNG TIẾP CẬN NĂNG LỰC TRONG MÔN MỸ THUẬT Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ

04 Tháng Mười Một 2019

Trần Văn Tuấn [*]

 

Theo quan điểm giáo dục hiện đại, dạy học là một quá trình tương tác giữa giáo viên và học sinh, học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên…, trong đó, “học sinh” là trung tâm, là đối tượng của hoạt động “dạy”, đồng thời là chủ thể của hoạt động “học” được cuốn hút vào các hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo, thông qua đó tự lực khám phá những điều mình chưa rõ, chưa có chứ không phải thụ động tiếp thu những tri thức đã được giáo viên sắp đặt. Để đạt được điều ấy, trong quá trình dạy học, người thầy cần phải khơi dạy ở các em tính ham hiểu biết, dạy các em biết suy nghĩ và hành động tích cực.

 Dạy học Mĩ thuật theo hướng tiếp cận năng lực nhằm trang bị, cung cấp cho các em một số những kiến thức và hiểu biết về nghệ thuật tạo hình thông qua một số kiến thức cơ bản. Với mục tiêu của môn Mĩ thuật là bồi dưỡng, phát triển cho học sinh năng lực thẩm mỹ, sáng tạo với các năng lực thành phần đặc thù của môn học như: quan sát, cảm thụ nghệ thuật, khám phá, thể hiện nghệ thuật, phân tích, đánh giá nghệ thuật, kế thừa, phát huy văn hóa nghệ thuật dân tộc phù hợp với sự phát triển của công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Có thể hiểu phương pháp dạy học là cách người dạy – giáo viên thực hiện tổ chức các hoạt động dạy của mình và cách tổ chức các hoạt động học của người học – học sinh. Trong hai quá trình đó thì phương pháp dạy của giáo viên là quan trọng hơn cả nó quyết định và điều khiển phương pháp học của người học.

Với việc dụng các phương pháp, kỹ thuật trong dạy học đạt hiệu quả cao còn đòi hỏi người dạy phải linh hoạt, sáng tạo và nghệ thuật sư phạm của một người giáo viên trong việc lựa chọn các phương pháp dạy học và kỹ thuật dạy học phù hợp tuỳ theo từng hoạt động của từng bài học.

Phương pháp dạy học theo nhóm

Dạy học nhóm là một hình thức xã hội của dạy học, trong đó học sinh của một lớp học được chia thành các nhóm nhỏ trong khoảng thời gian giới hạn, mỗi nhóm tự lực hoàn thành các nhiệm vụ học tập trên cơ sở phân công và hợp tác làm việc. Kết quả làm việc của nhóm sau đó được trình bày và đánh giá trước toàn lớp.

Dạy học nhóm còn được gọi bằng những tên gọi khác như dạy học hợp tác, dạy học theo nhóm nhỏ. Dạy học nhóm không phải là một phương pháp dạy học cụ thể mà là một hình thức xã hội, hay là hình thức hợp tác của dạy học. Cũng có tài liệu gọi đây là một hình thức tổ chức dạy học. Tùy theo nhiệm vụ cần giải quyết trong nhóm mà có những phương pháp làm việc khác nhau được sử dụng. Khi không phân biệt giữa hình thức và PPDH cụ thể thì dạy học nhóm trong nhiều tài liệu cũng gọi là PPDH nhóm.

Số lượng học sinh (HS) trong nhóm thường khoảng 4-6 HS, Nhiệm vụ của các nhóm có thể giống nhau hoặc mỗi nhóm nhận một nhiệm vụ khác nhau, là các phần trong một chủ đề chung.

Dạy học nhóm thường được áp dụng để đi sâu, vận dụng, luyện tập, củng cố một chủ đề đã học, nhưng cũng có thể để tìm hiểu một chủ đề mới.Trong các môn khoa học tự nhiên, công việc nhóm có thể được sử dụng để tiến hành các thí nghiệm và tìm các giải pháp cho những vấn đề được đặt ra. Trong các môn nghệ thuật, âm nhạc, các môn khoa học xã hội, các đề tài chuyên môn có thể được xử lý độc lập trong các nhóm, các sản phẩm học tập sẽ được sẽ tạo ra. Trong môn ngoại ngữ có thể chuẩn bị các trò chơi đóng kịch…

Ở mức độ cao, có thể đề ra những nhiệm vụ cho các nhóm HS hoàn toàn độc lập xử lý các lĩnh vực đề tài và trình bày kết quả của mình cho những HS khác ở dạng bài giảng.

Ưu điểm và nhược điểm của dạy học theo nhóm

Ưu điểm:

Ưu điểm chính của dạy học nhóm là thông qua cộng tác làm việc trong một nhiệm vụ học tập có thể phát triển tính lực, sáng tạo cũng như năng lực xã hội, đặc biệt là khả năng cộng tác làm việc, thái độ đoàn kết của HS.

Dạy học nhóm nếu được tổ chức tốt, sẽ thực hiện được những chức năng và công dụng khác với dạy học toàn lớp, do đó có tác dụng bổ sung cho dạy học toàn lớp:

Phát huy tính tích cực, tự lực và tính trách nhiệm của HS: trong học nhóm, HS phải tự lực giải quyết nhiệm vụ học tập, đòi hỏi sự tham gia tích cực của các thành viên, trách nhiệm với nhiệm vụ và kết quả làm việc của mình. Dạy học nhóm hỗ trợ tư duy, tình cảm và hành động độc lập, sáng tạo của HS.

Phát triển năng lực cộng tác làm việc: công việc nhóm là phương pháp làm việc được HS ưu thích. HS được rèn luyện những kỹ năng cộng tác làm việc như tinh thần đồng đội, sự quan tâm đến những người khác và tính khoan dung.

Phát triền ăng lực giao tiếp: thông qua cộng tác làm việc trong nhóm, giúp HS phát triển năng lực giao tiếp như biết lắng nghe, chấp nhận và phê phán ý kiến người khác, biết trình bày, bảo vệ ý kiến của mình trong nhóm.

Hỗ trợ quá trình học tập mang tính xã hội: dạy học nhóm là quá trình học tập mang tính xã hội. HS học tập trong mối tương tác lẫn nhau trong nhóm, có thể giúp đỡ lẫn nhau, tạo lập, củng cố các quan hệ xã hội và không cảm thấy phải chịu áp lực trước GV.

Tăng cường sự tự tin cho HS: vì HS được liên kết với nhau qua giao tiếp xã hội, các em sẽ mạnh dạn hơn và ít sợ mắc phải sai lầm. Mặt khác, thông qua giao tiếp sẽ giúp khắc phục sự thô bạo, cục cằn.

Phát triển năng lực phương pháp: thông qua quá trình tự lực làm việc và làm việc nhóm giúp học sinh rèn luyện, phát triển phương pháp làm việc.

Dạy học nhóm tạo ra khả năng dạy học phân hóa: lựa chọn nhóm theo hứng thú chung hay lựa chọn ngẫu nhiên, các đòi hỏi như nhau hay khác nhau về mức độ khó khăn, cách học tập như nhau hay khác nhau, phân công công việc như nhau hoặc khác nhau, nam HS và nữ HS làm bài cùng nhau hay riêng rẽ.

Tăng cường kết quả học tập: những nghiên cứu so sánh kết quả học tập của HS cho thấy rằng, những trường học đạt kết quả dạy học đặc biệt tốt là những trường có áp dụng và tổ chức tốt hình thức dạy học nhóm.

Nhược điểm của dạy học theo nhóm

Dạy học nhóm đòi hỏi thời gian nhiều. Thời gian 45 phút của mỗi tiết học cũng là một trở ngại trên con đường đạt được thành công cho công việc nhóm. Một quá trình học tập với các giai đoạn dẫn nhập vào một chủ đề, phân công nhiệm vụ, làm việc nhóm và tiếp theo là sự trình bày kết quả của nhiều nhóm,... những việc đó khó được tổ chức một cách thỏa đáng trong một tiết học.

Công việc nhóm không phải bao giờ cũng mang lại kết quả mong muốn. Nếu được tổ chức và thực hiện kém, nó thường sẽ dẫn đến kết quả ngược lại với những gì dự định sẽ đạt.

Trong các nhóm chưa được luyện tập dễ xảy ra hỗn loạn. Ví dụ, có thể xảy ra chuyện là một HS phụ trách nhóm theo kiểu độc đoán, đa số các thành viên trong nhóm không làm bài tập mà lại quan tâm đến những việc khác, trong nhóm và giữa các nhóm phát sinh tình trạng đối địch, lo sợ và giận dữ. Khi đó, sự trình bày kết quả làm việc sẽ cũng như bản thân quá trình làm việc của nhóm sẽ diễn ra theo cách không thỏa mãn.

Kĩ thuật ổ bi

Kỹ thuật “ổ bi” là một kỹ thuật dùng trong thảo luận nhóm, Giáo viên cho học sinh chia thành hai nhóm, một nhóm vòng ngoài và một nhóm vòng trong, ngồi đối mặt nhau như hai vòng của một ổ bi để tạo khi thảo luận mỗi học sinh đều có thể nói chuyện, giao lưu, thảo luận với lần lượt các học sinh ở nhóm khác cho đến khi tìm được kết quả cuối cùng.

Kỹ thuật bể cá

Kỹ thuật “bể cá”là một kỹ thuật thường hay dùng cho thảo luận nhóm, giáo viên tổ chức lớp chia làm 2 hoặc 3 phần, trong đó 1 phần tạo thành 1 nhóm thảo luận ở giữa lớp trong khi đó những thành viên còn lại của lớp thì ở vòng ngoài theo dõi cuộc thảo luận của nhóm ngồi bên trong giữa lớp, khi hết thời gian thảo luận thì nhóm ngồi ngoài – xung quanh nhận xét về những cách ứng xử của các học sinh trong nhóm thảo luận ở giữa lớp.

Trong nhóm ngồi giữa lớp thảo luận có thể lựa chọn 1 hoặc 2 vị trí trống, các bạn tham gia nhóm bên ngoài quan sát có thể ngồi vào vị trí đó và tham gia đóng góp ý kiến thảo luận của nhóm bên trong, có thể đưa ra câu hỏi cho nhóm thảo luận hoặc nêu ý kiến khi nhóm thảo luận tạm dừng thảo luận hoặc khi thảo luận lạc đề. Kỹ thuật này giúp những học sinh thảo luận và người không thảo luận có thể quan sát và trao đổi vai trò với nhau.

     Có thể nói, dạy học là những biện pháp, cách thức hành động của giáo viên và học sinh tác động qua lại với nhau nhằm thực hiện một nội dung cụ thể. Trong quá trình dạy và học, để áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học đạt hiệu quả cao đòi hỏi người giáo viên phải biết vận dụng một cách linh hoạt các phương pháp và các kĩ thuật dạy học vào từng nội dung của bài học.

 

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Thu Tuấn (2010), Giáo trình Phương pháp dạy học mỹ thuật Tập I,II, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
  2. Nguyễn Quốc Toản (Chủ biên) - Hoàng Kim Tiến (2007), Phương Pháp dạy - học Mỹ thuật, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  3. Nguyễn Mạnh Tường (1995), Lý luận dạy học Châu Âu, NXb Giáo dục, Hà Nội.
  4. Phan Thị Hồng Vinh (2007), Phương pháp dạy học Giáo dục học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  5. Phạm Viết Vượng (2008), Giáo dục học, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.

 

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K4 - Chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật