Nội san

BIỆN PHÁP VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP LÀM VIỆC THEO NHÓM TRONG DẠY HỌC PHÂN MÔN THƯỜNG THỨC MĨ THUẬT Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ ĐÔNG SƠN, TAM ĐIỆP, NINH BÌNH

06 Tháng Mười Một 2019

 Bùi Thị Thu Hằng[*]

       

            Cốt lõi của việc đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông nói chung và trường trung học cơ sở (THCS) nói riêng là hướng tới giúp học sinh học tập chủ động, linh hoạt; từ bỏ thói quen học tập thụ động. Thường thức mĩ thuật (TTMT) là một phân môn nhằm cung cấp cho học sinh một số hiểu biết về nghệ thuật tạo hình thông qua kiến thức sơ lược lịch sử mĩ thuật Việt Nam và thế giới. Đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động học tập của học sinh là xu thế của giáo dục hiện đại.

Thực trạng dạy học phân môn Thường thức Mĩ thuật ở các trường THCS nói chung và trường THCS Đông Sơn - Tam Điệp - Ninh Bình nói riêng trong những năm qua còn bộc lộ nhiều hạn chế. Một bộ phận không nhỏ học sinh (HS) chưa thấy được ý nghĩa và giá trị mang lại từ tri thức của môn học, chưa thực sự hứng thú, tích cực tham gia học tập dẫn đến hiệu quả dạy học bộ môn chưa cao. Những hạn chế trên cần được khắc phục bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó, vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm trong dạy học phân môn TTMT là hướng đi mang tính phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.

            1. Khái quát về thực trạng vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm trong dạy học phân môn Thường thức Mĩ thuật ở trường Trung học cơ sở Đông Sơn – Tam Hiệp – Ninh Bình

Trong những năm qua, việc sử dụng phương pháp làm việc theo nhóm trong dạy học phân môn TTMT ở trường THCS Đông Sơn - Tam Điệp - Ninh Bình đạt được một số kết quả như: Giáo viên (GV) Mĩ thuật trong nhà trường luôn nỗ lực, cố gắng trong đổi mới phương pháp dạy học (PPDH) nhằm phát huy tính tích cực của người học, đảm bảo chất lượng đầu ra của việc dạy học. làm việc theo nhóm là một trong những phương pháp được GV lựa chọn để đạt được mục tiêu nói trên; quá trình vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm giúp học sinh tăng cường tự học, tự nghiên cứu, bồi dưỡng hứng thú khi học tập, học sinh (HS) chủ động chiếm lĩnh tri thức và vận dụng tri thức đó vào thực tiễn, tăng cường khả năng giao tiếp và trình bày vấn đề cho HS, phát huy sức mạnh của tập thể, tăng cường sự hợp tác giữa các thành viên trong nhóm đồng thời góp phần đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu mới của DH, còn nhiều vấn đề đặt ra đối với việc vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm trong dạy học phân môn Thường thức Mĩ thuật ở trường THCS như: cần có biện pháp giúp các GV bộ môn và HS nhận thức cao hơn về sự cần thiết phải tiến hành làm việc theo nhóm trong DH phân môn TTMT ở trường THCS; cần tìm ra những nguyên tắc, biện pháp sử dụng hiệu quả phương pháp làm việc theo nhóm trong dạy học phân môn TTMT ở trường THCS.

            2. Một số biện pháp vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm trong dạy học phân môn Thường thức Mĩ thuật ở trường Trung học cơ sở Đông Sơn – Tam Hiệp – Ninh Bình

            Một là, Xây dựng chủ đề làm việc theo nhóm

Trên cơ sở nghiên cứu chương trình, nội dung phân môn TTMT ở trường THCS, GV phải chủ động lựa chọn chủ đề làm việc theo nhóm trong mỗi bài giảng.

Chủ đề làm việc theo nhóm phải đáp ứng những yêu cầu cơ bản như: Chủ đề làm việc theo nhóm phải phù hợp với mục tiêu học tập của bài học; chủ đề làm việc theo nhóm phải vừa sức đối với người học; chủ đề làm việc theo nhóm phải gắn liền với thực tiễn.

Hai là, Thiết kế giáo án vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm trong dạy phân môn Thường thức Mĩ thuật ở trường Trung học cơ sở

Quá trình thiết kế mẫu giáo án vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm trong DH phân môn TTMT ở trường THCS được thực hiện qua các bước cụ thể sau:

Bước 1. Nghiên cứu sâu sắc và toàn diện hệ thống văn bản có liên quan đến hoạt động dạy học nói chung và dạy học môn MT ở trường THCS như các văn bản của Bộ GD&ĐT; các văn bản, hướng dẫn của Sở GD&ĐT; Phòng GD&ĐT và trường THCS.

Bước 2. Nghiên cứu những yêu cầu, quy định trong thiết kế giáo án theo hướng đổi mới.

Bước 3. Nghiên cứu chương trình, nội dung, kế hoạch dạy học phân môn; đặc điểm tâm, sinh lí của HS và điều kiện giảng dạy của nhà trường; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của GV Mĩ thuật.

Bước 4. Tiến hành biên soạn mẫu

Bước 5. Kiểm tra, bổ sung, điều chỉnh mẫu giáo án cả về mặt nội dung và hình thức.

Ba là, Phối hợp hiệu quả phương pháp làm việc theo nhóm với các phương pháp dạy học tích cực

Trong quy trình dạy học, không có phương pháp nào là vạn năng nên các GV thường xuyên phải sử dụng nhiều phương pháp dạy học khác nhau trong đó có nhiều PPDH cần có sự hỗ trợ tích cực của phương pháp làm việc theo nhóm như:

Phối hợp phương pháp làm việc theo nhóm với phương pháp nghiên cứu trường hợp

Phối hợp phương pháp làm việc theo nhóm với phương pháp nêu vấn đề

Phối hợp phương pháp làm việc theo nhóm với phương pháp dạy học dự án

Kết hợp làm việc theo nhóm với phương pháp trực quan

Sử dụng hiệu quả các kỹ thuật dạy học trong tổ chức làm việc theo nhóm

Kết hợp làm việc theo nhóm với hoạt động tham quan

Bốn là, Kiểm tra, đánh giá trong vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm

Đánh giá kết quả học tập là quá trình xác định mức độ mà người học cần phải đạt được, nhu cầu học tập của người học, hỗ trợ và quản lý QTDH, giúp người học đặt ra kế hoạch học tập trong tương lai. Đánh giá tác động đến phương pháp dạy của GV và phương pháp học của HS.

Tiêu chí để đánh giá kết quả học tập luôn dựa trên cơ sở mục tiêu học tập. Mục tiêu học tập chỉ rõ những yếu tố mà HS cần thực hiện, định hướng cho họ ở tất cả các giai đoạn của quá trình học tập, giúp HS tự chủ và nỗ lực vươn lên. Trong giảng dạy, GV cần xác định rõ ràng mục tiêu học tập. Điều đó thể hiện những gì cần đánh giá, là tiêu chí để đánh giá kết quả học tập.

Xuất phát từ đặc thù của phương pháp làm việc theo nhóm hướng tới, việc đánh giá kết quả học tập của người học được thực hiện theo các cách: đánh giá của GV đối với HS và đánh giá của HS đối với HS (đánh giá đồng đẳng) theo các thang đo định lượng và định tính.

3. Thực nghiệm sư phạm

Mục đích thực nghiệm: Nhằm kiểm chứng tính hiệu quả, tính khả thi của các nhóm biện pháp sư phạm đã đề xuất khi vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm trong DH phân môn thường thức mĩ thuật ở trường THCS.

Đối tượng thực nghiệm: Thực nghiệm được tiến hành trong kì I năm học 2018 -2019 tại trường THCS Đông Sơn - Tam Điệp - Ninh Bình. Tổng HS tham gia lớp thực nghiệm (TN) là 38 HS, lớp đối chứng (ĐC) là 39 HS (khối lớp 7).

Kết quả thực nghiệm

Thông qua phiếu quan sát cho thấy kết quả của nhóm TN cao hơn hẳn so với nhóm ĐC ở tất cả các tiêu chí: Tham gia giải quyết vấn đề mà nhóm cần thực hiện; trình bày sản phẩm nghiên cứu trước nhóm; động viên, khuyến khích các thành viên trong nhóm tích cực tham gia và thể hiện quan điểm của bản thân về ý kiến của các thành viên khác nhưng không xúc phạm.

Thông qua phỏng vấn sâu: Hầu hết các HS của nhóm TN đều cảm thấy thoải mái, hứng thú khi tham gia làm việc theo nhóm trong DH phân môn thường thức mĩ thuật.

Thông qua kết quả khảo sát sau khi TN: 94.1% HS hào hứng hơn trong học tập, 100% HS đều cho rằng làm việc theo nhóm góp phần phát triển các năng lực như giao tiếp, hợp tác, tự học, tự điều chỉnh hành vi, giải quyết vấn đề. Kết quả trên cho thấy, việc tiến hành phương pháp làm việc theo nhóm trong DH phân môn TTMT đặc thù cho người học. Điều đó được thực hiện thông qua các biện pháp cụ thể khi tiến hành làm việc theo nhóm trong DH phân môn TTMT.

Kết quả thực nghiệm tác động cho thấy việc áp dụng các biện pháp vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm trong DH phân môn TTMT ở trường THCS Đông Sơn - Tam Điệp - Ninh Bình đã có những hiệu quả nhất định đối với nhóm TN.

       Kết luận

Chúng ta có thể nhận thấy rằng, vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm trong DH phân môn TTMT ở trường THCS là tất yếu, khách quan và chỉ có thể đạt được hiệu quả nếu tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định như: đảm bảo mục tiêu dạy học, đảm bảo tính thực tiễn, đảm bảo tính thống nhất giữa sự chủ đạo của người dạy và phát huy tính chủ động, tích cực của người học. Có nhiều biện pháp để tiến hành hiệu quả phương pháp làm việc theo nhóm trong DH phân môn thường thức mĩ thuật ở trường THCS song cần chú trọng các biện pháp: xây dựng các chủ đề làm việc theo nhóm, phối hợp hiệu quả phương pháp làm việc theo nhóm với các PPDH tích cực, đổi mới kiểm tra, đánh giá. Để các biện pháp trên được thực hiện tốt cần chú ý đến các điều kiện đảm bảo cho việc vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm trong DH phân môn TTMT ở trường THCS. Đây là những yếu tố không thể thiếu được và có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện làm việc theo nhóm như: điều kiện phòng học, quy mô lớp học, các phương tiện học tập…Quá trình TNSP cùng với kết quả phân tích minh chứng cho tính đúng đắn khả thi của các biện pháp đã được đề xuất. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở quan trọng để các cán bộ quản lí, giáo viên Mĩ thuật ở trường THCS cải tiến quá trình vận dụng phương pháp làm việc theo nhóm trong DH phân môn TTMT trong nhà trường, góp phần đổi mới PPDH, nâng cao chất lượng dạy học phân môn TTMT nói riêng và môn MT trong nhà trường nói chung.

Tài liệu tham khảo

1. Hoàng Phê ( chủ biên), (2009), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.

2. Nguyễn Văn Tuấn (2008), Tài liệu bài giảng phát triển chương trình đào tạo nghề, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

3. Robert Slavin Causinet (1995), Dạy học theo nhóm nhỏ: Lý thuyết nghiên cứu và thực hành, Nxb Giáo dục, Hà Nội.

4. Phan Trọng Ngọ (2005), Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

-----------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K3 - Chuyên ngành Lí luận và Phương pháp dạy học Bộ môn Mĩ thuật