Nội san

CA - RA - VA - GIƠ họa sỹ mở đường cho khuynh hướng hiện thực

04 Tháng Sáu 2010

                                               Nguyễn Thị Hồng Thư

 Khoa Mỹ thuật Cơ sở

 

      Những thập niên cuối thế kỷ XVI, ở Ý ra đời một khuynh hướng nghệ thuật mới: Nghệ thuật kiểu sức. Ở khuynh hướng nghệ thuật này, các họa sỹ tìm mọi cách tạo ra phong cách mới cho những tác phẩm nghệ thuật của mình. Lúc đầu phong cách biểu đạt đó cũng có sức thu hút, lan tỏa nhất định. Song đứng về mặt nội dung, linh hồn của tác phẩm thì lại rơi vào tình trạng sa sút và cạn kiệt dần sinh khí. Chính sự thay đổi  trong quan niệm và bút pháp biểu đạt đã gây ra sự lo ngại cho các nghệ sỹ, họ đã phải tìm mọi cách để ngăn chặn làn sóng đó. Trong bối cảnh thay đổi, nghệ thuật tạo hình thế kỷ XVII đã dấy lên hai làn sóng phản ứng:

        -   Chủ nghĩa Kinh viện của anh em họ Ca - rát - xơ

        -   Chủ nghĩa Tự nhiên của Ca - ra - va - giơ.

      Theo Tiếng Pháp, Chủ nghĩa Kinh viện (Academisme) là trường phái tập hợp những người ưu tú nhất, có thẩm quyền nhất, đại diện cho những tư tưởng, đường lối chính thống nhất được hình thành trên cơ sở từ các nhà trường. Có thể nói lần đầu tiên việc đào tạo các họa sỹ được đưa vào nhà trường một cách chính thống, dựa trên những bài giảng có hệ thống do ba anh em họ Ca - rát - xơ (Ý) sáng lập. Anh em họ Ca - rát - xơ cho rằng, đào tạo ra các họa sỹ lỗi lạc, vượt các bậc thầy xưa bằng việc đề ra lý thuyết chiết trung. Lý thuyết chiết trung tìm tòi, chắt lọc ở mỗi bậc thầy một hay nhiều điểm tinh hoa, ưu việt nhất để kết tụ, chung đúc ở  một người. Có thể lấy phong cách diễn hình mạnh mẽ của Mi - ken - lăng - giơ với phong cách yếu điệu, mềm mại của Co - re - giơ để đạt đến lý tưởng thẩm mỹ ưu việt nhất. Trên thực tế, lý thuyết chiết trung khó có thể dẫn tới kiệt tác nghệ thuật, mà ngược lại đẩy họa sỹ đến tình trạng suy yếu, cạn kiệt khả năng sáng tạo. Thực tế trong sáng tạo nghệ thuật, nếu người nghệ sỹ chỉ biết lấy tinh hoa của nghệ sĩ này cộng với tinh hoa của người nghệ sĩ kia để có được tác phẩm thì tranh của anh ta sẽ là sự lai căng, thiếu sáng tạo. Bằng tài năng, tình yêu nghệ thuật, anh em Ca - rát - xơ cùng với những người học trò xuất sắc đã không dập khuôn, máy móc theo lý thuyết đó, họ đã tạo ra những tác phẩm tranh tường đặc sắc, độc đáo.

      Trái ngược với Chủ nghĩa Kinh viện của anh em Ca - rát - xơ là Chủ nghĩa Tự nhiên của Ca – ra - va - giơ. Ca - ra - va – giơ, họa sỹ mở đường cho khuynh hướng nghệ thuật hiện thực - chỉ thừa nhận một người thầy duy nhất của mình đó là tự nhiên. Ca - ra- va - giơ nói “Thiên nhiên cung cấp cho con người đủ mọi kiểu mẫu, cả đẹp lẫn xấu. Chỉ cần chúng ta có khả năng diễn đạt nó”. Với quan niệm nghệ thuật như vậy, ông đã trở thành người đi tiên phong cho một xu hướng sáng tác nghệ thuật hướng vào tự nhiên, coi tự nhiên là người thầy vĩ đại nhất của hội họa.

       Nếu anh em họa sỹ Ca - rát - xơ quan niệm, họa sĩ phải được đào tạo trong trường học, theo hệ thống cơ bản, thì Ca - ra - va - giơ lại cho rằng, tài năng của họa sỹ có thể tự học, tự rèn luyện mà thành. Do đó ông là hiện thân của tinh thần chống đối khuynh hướng kiểu sức và khuynh hướng giảng dạy mang màu sắc kinh viện của anh em Ca - rát - xơ.

      Ca - ra - va - giơ (1573 – 1610) là họa sỹ gốc bình dân, không được học nhiều về hội họa và sự nghiệp nghệ thuật của ông do tự học là chủ yếu. Có tài năng, cộng với niềm đam mê nghệ thuật, ông tự rèn luyện và nâng cao bản lĩnh nghệ thuật của mình, tự so sánh mình với họa sĩ Vê - lát - skê (Tây Ban Nha) và Răm - brăng (Hà Lan).

     Xuất thân từ tầng lớp người nghèo trong xã hội, ông sống xa cách với giới thương lưu, gần gũi với tầng lớp bình dân, kể cả những người du thủ, du thực. Cuộc đời thanh niên của ông ngang dọc, đầy tai tiếng, nhiều sóng gió dữ dội. Ông thường hay lui tới nơi ăn chơi, hành lạc. Tính khí của ông ương ngạnh, nóng nảy, do đó rất hay va chạm. Nhiều lần do xô xát, ông đã bị tù tội. Thời gian dành cho nghệ thuật của họa sỹ tài ba này luôn bị ngắt quãng, hết vào tù rồi lại lẩn trốn. Có lẽ vì lý do đó mà trong các tác phẩm chân dung tự họa của ông bao giờ cũng đeo kiếm. Ba năm cuối đời, trong một cuộc chơi cầu, do cãi nhau về luật, ông đã rút kiếm đâm chết một người và làm cho một người bị thương. Sau đó ông đã trốn ra hải đảo ở Địa Trung Hải. Ông bôn ba từ Napls, Malta, qua Sicilly rồi qua đời vì bị cơn sốt ác tính trên đường về Naples.

     Nếu xét về mặt nghệ thuật, Ca - ra - va - giơ đã tạo nên một cuộc cách mạng về đề tài và kỹ thuật vẽ tranh. Ông không đi vào khai thác những đề tài quen thuộc đã trở thành truyền thống của các họa sỹ tiền bối. Ông tìm đến và say mê với những mảng đề tài từ trước tới nay bị xa lánh, lãng quên. Đối với ông, những mảng đề tài đó vô cùng gần gũi, thân thương như chính máu thịt và cuộc sống của mình. Đó là những cảnh hàng ngày trên phố mà ông đã quan sát được, sòng bạc, nơi ăn chơi... Trong tranh của ông là những cảnh dung tục của cuộc sống thực, cuộc sống bình dân, trái ngược hoàn toàn với tranh của Ca - rát - xơ: mang vể quý tộc, sang trọng.

     Ngay cả mảng đề tài tôn giáo, nhân vật của ông thực sự là những người nông dân nghèo, hoặc dân nghèo thành thị. Có khác chăng chỉ là vầng hào quang trên đầu nhân vật. Tranh của ông vừa bình dân, vừa hiện thực, thậm chí hiện thực triệt để đến mức thô bạo. Vì vậy giới nghệ thuật thế kỷ XIX sau này tỏ thái độ  khinh miệt hội họa Baroque, điển hình là Ca - ra - va - giơ.

       Nhưng tác phẩm thời kỳ đầu của ông là tranh sinh hoạt. Tiêu biểu cho sáng tác của ông trong thể loai tranh này là tác phẩm: “Người chơi đàn Lute” sáng tác năm 1596. Nhân vật được diễn tả trong tranh là một thanh niên trông yểu điệu và lãng mạn như một thiếu nữ. Với những đường cong mềm mai, uyển chuyển từ bàn tay chuyển qua dây đàn. Gương mật, ánh mắt, nét môi được diễn tả sinh động, gợi vẻ quyến rũ. Ca - ra - va - giơ đã thổi vào tâm hồn chàng trai một nỗi buồn man mác, hình như là một cảm thức mơ hồ về tuổi thanh xuân sớm nở, tối tàn như bình hoa trước mặt. Sức hấp dẫn của tác phẩm còn được thể hiện trong cách diễn tả ánh sáng một cách huyền diệu. Ông đã vận dụng sự tương phản giữa sáng và tối để thể hiện một thứ ánh sáng mới khác hẳn với ánh sáng trong tranh của các họa sỹ Phục Hưng. Đó là ánh sáng Ba - rốc, ánh sáng rọi tập trung vào một số điểm nhất định trong tranh, phần còn lại chìm trong bóng tối.

 

Tác phẩm “Người chơi đàn Lute” (năm 1596)

 

Trong tác phẩm “Tửu thần Bacchus”, vị thần rượu hiện thân là một thanh niên tuy vạm vỡ nhưng vẫn lộ ra chất nữ tính với những đường nết yểu điệu ở bàn tay. nếp áo, hoa lá cài trên đầu, hoa trang trí dưới bàn. Toàn bộ bức tranh cho người xem cảm nhận một cảm thức vô thường trong lạc thú, hạnh phúc ở trần gian. Ánh sáng và bóng tối, thiện ác và sinh tử, là những sự thực diễn ra trong cõi  hiện thực vô thường.

      Tác phẩm “Cái chết của Thánh nữ Đồng trinh” sáng tác năm 1605 là một tác phẩm gây nhiều tai tiếng cho họa sỹ trước công luận và tổ chức Giáo hội. Giáo hội dặt Ca - ra - va - giơ vẽ tranh theo chủ đề tôn giáo, nhưng họa sỹ đã “hiện thực” đến mức quá độ. Thánh mẫu trông giống thi thể của người phụ nữ bình thường, không ánh hào quang. Tác phẩm đã bị các giáo sỹ khước từ vì sự hiện thưc đến trần trụi đó. Dưới bút pháp của Ca - ra - va - giơ, Đức Mẹ đã chết như một người phàm tục. Gương mặt già nua, tái mét, bàn tay bẩn chìa ra ngay trước mắt khán giả. Người ta nghi ngờ rằng ông đã dùng xác chết trôi của một gái giang hồ nào đó để làm người mẫu. Sự thực có đúng như vậy không đến nay chưa có tài liệu nào khẳng định nhưng rõ ràng Ca - ra - va - giơ đã không vẽ điển tích này theo giáo lý của sách thánh kinh như ta thấy trong tranh truyền thống thời kỳ Phục Hưng. Nhân vật Đức Mẹ được thể hiện trong dáng dấp trần trụi. nằm sõng xoài thì không thể nào bay lên trời được như những điển tích được thể hiện trong sách thánh kinh.

Tác phẩm “Cái chết của Thánh nữ Đồng trinh” (năm 1605)

 

    Tác phẩm “Bữa ăn ở Emmaus”, Ca - ra - va - giơ vẽ cảnh tượng ba thầy trò ăn bữa tối trong một quán trọ. Trong tư thế làm phép bánh thánh, hai tông đồ mới sửng sốt phát hiện ra vị thánh quá cố đã trở về với họ bằng xương, bằng thịt. Người chủ quán đứng bên cạnh chúa tỏ vẻ kinh ngạc, không hiểu chuyện gì xảy ra. Vị tông đồ đeo vỏ sò tượng trưng cho huy hiệu của kẻ hành hương về đát thánh. Gương mặt kinh ngạc của ông được phụ họa bởi hai cánh tay giang rộng, gợi nhớ hình ảnh Chúa dang tay trên cây thánh giá. Có lẽ Ca - ra - va - giơ đã chịu ảnh hưởng của Lê – ô – na - đờ - vanh - xi khi vẽ gương mặt Chúa không có râu. Dù ảnh hưởng của họa sỹ nào đi chăng nữa thỉ ông vẫn tìm mọi cách phá bỏ những quy ước mà ông cho là giáo điều, truyền thống. Hình tượng Đức Mẹ trong tác phẩm “Cái chết của Thánh nữ Đồng trinh” hay hình tượng chúa trong tác phẩm “Bữa ăn ở Emmaus” đều được họa sỹ thể hiện như những con người thực, bình dị trong cuộc sống đời thường.

 

Tác phẩm “Bữa ăn ở Emmaus”

  

Lễ phục sinh diễn ra vào mùa xuân, nhưng họa sỹ vẫn chọn những trái cây mùa thu cho phù hợp với ý nghĩa tượng trưng. Trái táo là “tội tổ tông truyền”, từ Ađam và Êva, nho tượng trưng cho “Rượu thánh lễ”, giỏ đan gợi hình chiếc mũ Chúa đội lúc bị hành hình trên cây thánh giá. Giỏ trái cây được đặt cận cảnh, sát tầm mắt người xem, vừa mang tính tượng trưng, vừa tao sự liên tưởng về không gian với độ tương phản mạnh.

      Ca - ra - va - giơ đã sống một cuộc đời đấy sóng gió và bất hạnh. Bởi người nghệ sỹ tài hoa ấy luôn khát khao vượt lên trên thời đại. Ông đã bất chấp mọi quy ước ông cho là giả tạo, cả về mặt xã hội và nghệ thuật. Cuộc sống của ông đã bị xã hội lúc bấy giờ phán xét là hoang đãng, vô kỷ luật nhưng nghệ thuật của ông thì ngược lại: đó chính là kỷ cương và được thiết lập vô cùng nghiêm túc. Khi vẽ tranh, ông tôn trọng sự thực đến mức độ sùng kính. Đối với Ca - ra - va - giơ, sự thực là cái đẹp tối thượng. Những yếu tố của sự thực trong tranh của Ca - ra - va - giơ là ánh sáng và bóng tối được thiết lập qua kỹ thuật chuyển đổi sắc độ tinh tế và được tái hiện từ những hình mẫu thực. Ông đã tạo hình tượng Chúa như những con người thật, một người giữa mọi người bình thường trong cuộc sống. Chúa của Ca - ra - va - giơ có gương mặt bầu bĩnh, khỏe mạnh, chất phác như một người nông dân đích thực, không hề quý phái, xa lạ. Dù không có vòng hào quang trên đầu nhưng ánh sáng tự nhiên tỏa ra từ gương mặt và tà áo khoác vai của Chúa, chiếu xuống mặt bàn. Ca - ra - va - giơ tạo chiều sâu không gian bằng cách xử lý cánh tay Chúa “chỉa” ra phía người xem cùng với hai cánh tay của vị tông đồ giang ra hai phía trước mặt và sau lưng chúa, như một sự đo lường chiều sâu không gian trong tác phẩm.

      Sự nghiệp nghệ thuật của Ca- ra - va - giơ ghi dấu ấn trong lịch sử mỹ thuật không chỉ một phong cách nghệ thuật mà còn là sự khởi đầu cho khuynh hướng tự nhiên trong nghệ thuật tạo hình đã được thiết lập. Họa sỹ đã để lại cho nhân loại cuộc cách mạng về đề tài, kỹ thuật biểu đạt ánh sáng, tạo ra sự thay đổi căn bản của nghệ thuật tạo hình sau khi phong trào văn hóa Phục Hưng bắt đầu sa sút.

    Với phương châm sáng tác là khi vẽ một con người cũng như một lẵng đựng hoa quả tôi đều tôn trọng như nhau, Ca - ra - va - giơ còn là họa sỹ khơi nguồn cho thể loại tranh tĩnh vật ra đời và phát triền mạnh mẽ ở những thế kỷ tiếp theo.

     Từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII - XIX, nhiều họa sỹ đã đi theo khuynh hướng hiện thực, coi tác phẩm của Ca - ra- va - giơ là những bài học cao quý,  xứng đáng để những người yêu nghệ thuật tạo hình trân trọng. Lịch sử và những bậc thầy hội họa ở những thế kỷ sau đã suy tôn ông là người đi tiên phong trong khuynh hướng nghệ thuật hướng vào tự nhiên, đề cao cái đẹp của hiện thực./.

 

 

.