Nội san

Giá trị văn hóa nghệ thuật trong lễ cưới của người Nùng Phàn Slình

06 Tháng Sáu 2010

Ngô Thị Việt Anh

                                                                        Khoa Thanh nhạc – Nhạc cụ

                                                                         

Người Nùng là một trong 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đứng hàng thứ bảy trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, sau các dân tộc: Kinh, Tày, Thái, Hoa, Khơ Me, Mường. Đồng bào Nùng cư trú ở hầu khắp các địa phương trong cả nước, trong đó tập trung chủ yếu ở hai tỉnh phía Đông Bắc là Lạng Sơn và Cao Bằng. 

Lễ cưới là một nghi lễ không thể thiếu trong hôn nhân của người Nùng Phàn Slình. Có thể nói, hôn nhân của người Nùng nói chung, người Nùng Phàn Slình nói riêng, ẩn chứa rất nhiều giá trị văn hoá, nghệ thuật. Thông qua hôn nhân, các cá nhân trong cộng đồng, xã hội được gắn kết chặt chẽ hơn trong mối quan hệ thân thuộc và quan hệ thông gia. Đặc biệt, trong một địa bàn sinh sống nhỏ hẹp, tụ cư xen kẽ giữa nhiều dân tộc khác nhau, mối quan hệ tình cảm nam nữ đã góp phần tạo mối liên kết xã hội bền vững, yêu thương đoàn kết không những chỉ giữa gia đình này với gia đình khác mà còn giữa làng bản này với làng bản khác, rộng hơn là giữa dân tộc này với dân tộc khác. Tất cả tạo nên sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc vô cùng gắn bó ở địa phương nói riêng và trên cả nước nói chung.

Qua hôn nhân, việc giáo dục con cháu được thực hiện trên nhiều bình diện, mà trước hết là việc gìn giữ lễ nghĩa, tôn ti trật tự gia đình. Điều này được phản ánh trong rất nhiều nghi lễ, bắt đầu từ việc cô dâu, chú rể trình diện tổ tiên, lạy tạ họ hàng một cách lễ phép, kính cẩn. Mặt khác, những nghi lễ trong hôn nhân còn là nét đẹp văn hóa thông qua cách ứng xử của cô dâu, chú rể trong và sau ngày cưới như cô dâu bưng bát nước súc miệng cho ông bà, cha mẹ chồng; bưng khay quà mừng cho họ hàng hai họ; tục sêu tết tặng quà cho bố mẹ vợ, đi tết ông mối, bá mè… Những nghi lễ trên mang tính giáo dục cao, hướng con người cần luôn tôn kính, biết ơn cha mẹ sinh thành và giữ đúng lễ nghĩa trong mối quan hệ với mọi người trong xã hội. Đó là những nét đẹp ứng xử mà bất kỳ xã hội nào cũng cần phải có.

Nét đẹp ứng xử trong hôn nhân của người Nùng Phàn Slình còn được thể hiện trong quan hệ giữa nhà trai, nhà gái và ông mối. Cả trước và sau khi cưới, các cặp hôn nhân vẫn duy trì mối quan hệ thân thuộc, chuẩn mực một cách bền vững. Đôi vợ chồng trẻ coi ông mối là người bố thứ hai của mình và lễ tết đều đặn tới cuối đời. Đó là một trong những biểu hiện của truyền thống uống nước nhớ nguồn rất đáng trân trọng, cần được khơi dậy và gìn giữ trong xã hội hiện nay.

Ngoài ra, nét đẹp ứng xử còn được phản ánh qua lời ca, điệu hát rất thân thuộc của dân tộc Nùng mà hai tác giả Nông Minh Châu và Vi Quốc Bảo đã sưu tầm và giới thiệu trong Dân ca đám cưới Tày - Nùng. Ngoài ra còn có những bài sli, lượn, cỏ lảu trong lễ cưới.

                                    Tới mệt thì uống chè

                                    Tới mệt thì uống rượu

                                    Uống vài chén chè cho đỡ mệt

                                    Uống một vài chén rượu rồi ngủ.

(trích trong Dân ca Nùng của Mông Ky Slay, Lê Chí Quế và Hoàng Huy Phách)

Lời ca thể hiện lời chào hỏi, mời mọc nhau chứa chan tình cảm tốt đẹp giữa nhà trai và nhà gái, giữa nam và nữ. Vì vậy, tuy lời thơ đôi lúc có chút châm biếm, nhưng phần nhiều là tươi vui và luôn cũng lịch thiệp, trang nhã:

                      Bá mè ơi

                      Chén rượu này uống chia đôi

                      Cùng uống để nhớ mãi không quên

                      Có điều gì sơ suất xin thông cảm

                      Nên nói ra những điều hay điều tốt

                      Để người khác còn dám đến nơi đây.

(Bài: Cỏ lảu ông mối căn dặn bá mè do ông Hoàng Văn Toòng cung cấp)

Trong những bài sli, tuy là những người lao động bình thường nhưng khi đối đáp, những tác giả tỏ ra rất khéo léo và thông minh. Họ thường dùng những hình ảnh, sự vật phù hợp với cảm xúc của mình để sáng tác thành thơ. Chính vì vậy, tư tưởng, tình cảm của những bài hát trong lễ cưới thường bộc lộ một cách bộc trực, thẳng thắn:

                Trông nàng vừa đẹp lại vừa xinh

                Quả ngon lòng ngậm ngùi nhớ mãi.

(Tư liệu do ông Hoàng Văn Toòng cung cấp)

Ngoài ra, những bài hát trong nghi lễ hôn nhân của người Nùng Phàn Slình còn có giá trị phản ánh ở rất nhiều khía cạnh khác nhau. Như khi họ nói về đôi đũa, một đồ dùng sinh hoạt quen thuộc trong gia đình, với sự nâng niu, quí trọng:

                                      Bà mẹ ở trong nhà

                                      Hai ba ngày đi long

                                      Bốn năm ngày đi rừng

                                      Đi lũng hái cây soong

                                      Đi rừng hái cây kháo

                                      Đem về vót đũa hoa

                                      Đem về vót đũa nụ

                                      Làm đũa nụ đẹp xinh

                                      Làm đũa hoa tươi tắn

                                      Hàng chục ngày mẹ vót

                                      Hàng trăm ngày mẹ lau

                                      Hôm nay đũa đẹp rồi

                                      Đem dùng trong ngày cưới

(trích trong Dân ca Nùng của Mông Ky Slay- Lê Chí Quế- Hoàng Huy Phách)

Hay khi nói về con dao:

                          Dao vừa chẻ nứa trong nhà nhóm bếp

                          Dao vừa mới chẻ lạt buộc vườn

                          Dao lấy củi, phát nương vừa lại

                          Dao vừa chặt chuối lợn sau nhà

                          Dao thái thịt để mà làm cơm tiếp khách

(trích trong Dân ca đám cưới Tày - Nùng của Nông Minh Châu - Vi Quốc Bảo)

Ngoài ra, những bài hát trong lễ cưới của người Nùng Phàn Slình còn mang giá trị hiện thực sâu sắc. Qua thực tế đấu tranh chống áp bức bóc lột trong xã hội, họ đã có những cách nhìn sâu sắc, triết lý. Xã hội đương thời được tái hiện trong những bài hát của người Nùng không hoàn toàn yên bình, êm ả mà đầy rẫy những cảnh áp bức, bất công, loạn lạc, binh đao…:

                           Vẫn biết đây chưa yên dân sự

                           Trên dưới còn giặc giã nhiễu nhương…

(trích Dân ca đám cưới Tày – Nùng của Nông Minh Châu – Vi Quốc Bảo)

Như vậy, những bài hát trong lễ cưới cổ truyền của người Nùng Phàn Slình là một kho tàng văn học vô cùng phong phú. Cái hay, cái đẹp ở chỗ qua từ ngữ, hình ảnh, giai điệu, chúng đã thể hiện sắc thái rất riêng của dân tộc này. Hôn nhân của người Nùng Phàn Slình rất coi trọng lối nói ví von, ẩn dụ tinh tế khi giao. Lời ca của sli, lượn, cỏ lảu là những lời hát đầy tình cảm, gửi gắm những tâm tư sâu kín của người Nùng Phàn Slình một cách tế nhị và sâu lắng nhất.

Theo tác giả Nông Minh Châu và Vi Quốc Bảo trong cuốn Dân ca đám cưới Tày – Nùng, “người con trai nào – dù là ông mối hay phù rể - nếu phải uống rượu thay hát thì sẽ mang tiếng xấu, tiếng nhục, nhiều khi hàng mấy chục năm sau chưa rửa được”. Chính vì vậy trước đây, trai gái người Nùng Phàn Slình khi đến tuổi làm phù rể, phù dâu đều tìm cách học các bài sli, lượn, cỏ lảu để làm vốn. Nhiều người đã nghe và hát biết bao bài thơ lảu, có những người đã từng làm ông mối, bá mè đại diện nhà trai, nhà gái tham dự những cuộc hát đối đáp giữa hai họ thì giờ đây, họ có dịp nhớ lại những làn điệu đã in sâu trong ký ức. Đối với những người khác, đặc biệt là lớp người trẻ tuổi thì đây là thời điểm thích hợp để họ học những bài hát này để có thể sử dụng khi cần thiết. Đây chính là môi trường để người Nùng nói chung và người Nùng Phàn Slình nói riêng bảo tồn cả một kho tàng văn học khá phong phú của mình.

Các bài hát trong lễ cưới của người Nùng Phàn Slình mang giá trị văn học. Trước hết, có thể nhận thấy đó là sự phong phú của các thể thơ được sử dụng làm ca từ trong hôn lễ. Phần nhiều các bài sli, lượn, cỏ lảu đều là thể thơ bảy chữ, nhưng nhiều khi, các nghệ nhân dân gian chuyển sang dùng cả thể thơ bốn, năm tiếng và thơ tự do để thể hiện những cung bậc tình cảm khác nhau của mình bằng nhiều hình ảnh sinh động:

Nam:     Rồng phượng bay qua bao sông biển

              Có biết hai ta tình vấn vương.

Nữ :       Một năm, mười hai tháng trôi qua

              Ong bướm cũng giao hòa vui sướng.

                                       (Tư liệu do ông Hoàng Văn Toòng cung cấp)

Phần ngôn ngữ của các bài hát trong lễ cưới của người Nùng Phàn Slình thường là lối nói có hình ảnh, ưa ví von so sánh theo phong cách dân tộc miền núi. Khi muốn tả sự may mắn, người miền xuôi có câu: “Buồn ngủ gặp chiếu manh” hoặc “chuột sa chĩnh gạo”, thì người Nùng Phàn Slình ví rằng:

                          Gà đói đến gặp mâm gạo trắng

                          Trâu gầy gặp sườn núi cỏ non”

 (trích trong Dân ca đám cưới Tày - Nùng của Nông Minh Châu - Vi Quốc Bảo)

Ngoài giá trị về văn học, những bài hát trong lễ cưới của người Nùng Phàn Slình còn mang giá trị âm nhạc rất đặc sắc. Các làn điệu được viết ở thang âm đơn giản, chủ yếu là 4 âm, chất liệu không phức tạp, mỗi làn điệu chỉ có hai âm hình cơ bản nhưng cách phát triển linh hoạt không gây cảm giác đơn điệu, nhàm chán.

Mỗi làn điệu sử dụng trong lễ cưới đều có một giai điệu lòng bản. Trong quá trình diễn xướng, người hát có thể dùng lại nguyên xi hoặc biến hóa, phát triển giai điệu, tạo nên những trổ nhỏ dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, người nghe vẫn có thể nhận ra khá rõ lòng bản của làn điệu đó.

Một nét đặc biệt nữa ở một số làn điệu trong lễ cưới của người Nùng Phàn Slình là sự kết hợp khéo léo của lối hát hai bè đi quãng 2 tạo nên âm hưởng hết sức độc đáo. Chính vì điều này nên khi hát phải có đôi và nhất thiết đôi đó phải hợp giọng với nhau.

Có thể nói, nghi lễ và âm nhạc trong lễ cưới nói riêng, hôn nhân của người Nùng Phàn Slình nói chung chứa đựng không ít giá trị văn hóa nghệ thuật. Đó là những tài sản quí báu góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Đây là những nét văn hóa độc đáo cần được bảo tồn, gìn giữ và phát triển./.

*** Những ví dụ nhạc là do tác giả ghi âm trực tiếp từ nghệ nhân hát sli.