Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với NGND, GS, TSKH Nguyễn Mậu Bành, Phó chủ tịch phụ trách Hội Cựu giáo chức Việt Nam để nhìn lại chặng đường qua và phương hướng, nhiệm vụ của hội trong nhiệm kỳ 2019-2024.

Phóng viên (PV): Hội Cựu giáo chức Việt Nam ra đời đã tập hợp đông đảo lực lượng "chiến sĩ" trên mặt trận giáo dục. Giáo sư có thể chia sẻ về những đóng góp của hội trong công cuộc đổi mới nền giáo dục nước nhà thời gian qua?

GS, TSKH Nguyễn Mậu Bành: Hội Cựu giáo chức Việt Nam thành lập ngày 3-7-2004, đến nay đã qua 15 năm xây dựng, hoạt động và phát triển. Hội đã đáp ứng được nguyên vọng của đông đảo đội ngũ cựu giáo chức cả nước và có vị thế ngày càng cao trong xã hội. 3 nhiệm kỳ qua, hội luôn đồng hành cùng Công đoàn giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam vì mục tiêu góp phần đổi mới GD&ĐT, xây dựng xã hội học tập, chăm lo người cao tuổi trong đó có cộng đồng cựu giáo chức của đất nước. Dấu ấn lớn nhất trong 15 năm hoạt động của hội là từ năm 2006, hội cùng Bộ GD&ĐT đã có văn bản ký kết thống nhất thực hiện “4 cùng” với các nội dung cùng tham gia: Đánh giá phát hiện tình hình; góp ý, xây dựng chương trình, hoạt động của ngành; triển khai các công việc có chọn lọc; phối hợp chăm sóc đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đã về hưu.

Cống hiến trí tuệ, tâm sức tham gia sự nghiệp đổi mới giáo dục
 Hội Cựu giáo chức Việt Nam nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại Đại hội Hội Cựu giáo chức Việt Nam lần thứ IV (GS, TSKH Nguyễn Mậu Bành đứng ngoài cùng, bên phải). Ảnh: Uyên Nhi.
 

Những năm qua, hội đã dày công tổ chức bảo vệ và chăm sóc đời sống tinh thần, vật chất cho hội viên; khích lệ, động viên các hội viên tiếp tục đóng góp trí tuệ và công sức cùng ngành GD&ĐT trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Đội ngũ nhà giáo về hưu đã thể hiện tính gương mẫu sư phạm, năng lực trí tuệ người trí thức trong tham gia thực hiện và vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của Đảng về phong trào khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Thành công rất quan trọng của hội là việc đề nghị và đã được Chính phủ ra Quyết định số 52/2013/QĐ-CP trợ cấp một lần cho 180.000 nhà giáo về hưu chưa được hưởng chế độ thâm niên, được đội ngũ hội viên phấn khởi và hoan nghênh.

PV: Hội viên của hội là những cựu giáo chức đã cao tuổi, sức khỏe có hạn. Vậy trong quá trình hoạt động, hội có gặp những khó khăn, tồn tại gì, thưa giáo sư?

GS, TSKH Nguyễn Mậu Bành: Tuy các hội viên đã cao tuổi nhưng bù lại họ rất nhiệt tình, trách nhiệm. Nhiều cựu giáo viên dù đã bước sang tuổi 80, 90 nhưng vẫn rất tâm huyết, tham gia đóng góp ý kiến cho ngành giáo dục. Tuy nhiên, phong trào và hoạt động của hội vẫn chưa đồng đều. Điều đáng nói là tổ chức hội ở các tỉnh nông thôn, miền núi chưa mang lại nhiều hiệu quả, sát tới từng xã, phường hơn là tổ chức hội ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, một trong những khó khăn lớn nhất của hội là vấn đề kinh phí. Vì không phải hội đặc thù nên Hội Cựu giáo chức Việt Nam hoạt động bằng cách tự vận động kinh phí từ Bộ GD&ĐT, các đơn vị, các trường đại học và các nhà hảo tâm. Tại một số tổ chức của hội, nguồn đóng góp hội phí của hội viên chưa đủ để tổ chức các hoạt động chung nên còn lúng túng về phương pháp, nội dung hoạt động.

PV: Đại hội Hội Cựu giáo chức Việt Nam lần thứ IV nhiệm kỳ 2019-2024 vừa diễn ra cách đây ít ngày. Hội sẽ có những thay đổi gì để thu hút hội viên, nâng cao chất lượng hoạt động trong nhiệm kỳ mới?

GS, TSKH Nguyễn Mậu Bành: Với khẩu hiệu hành động “Đoàn kết-trí tuệ-nêu gương-trách nhiệm”, trong nhiệm kỳ này, hội sẽ lấy chăm sóc và bảo vệ lợi ích hội viên làm mục tiêu hoạt động, đoàn kết, gắn bó hội viên với tổ chức hội; lấy việc tham gia đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm đối với các chủ trương của ngành, tuyên truyền, giải thích trong xã hội về các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của ngành trong lĩnh vực GD&ĐT, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Hội cũng sẽ đẩy mạnh tham gia các hoạt động xã hội, phát huy vai trò gương mẫu và trách nhiệm công dân của nhà giáo vào việc góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để tạo vị thế của hội trong cộng đồng và trong ngành.

PV: Giáo sư có thể cho biết hội sẽ có những chương trình gì triển khai cùng Bộ GD&ĐT trong thời gian tới?

GS, TSKH Nguyễn Mậu Bành: Để phát huy vai trò của hội trong việc hỗ trợ ngành, thời gian tới, hội sẽ cùng Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện chủ trương “4 cùng” như đã nói ở trên. Năm 2020 là năm triển khai thực hiện Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục Đại học, toàn hội sẽ góp phần thực hiện chương trình công tác của ngành trong năm 2020, như: Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trường đại học sư phạm; tham gia thực hiện Luật Giáo dục 2019 và Luật Sửa đổi một số điều của Luật Giáo dục Đại học; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên, chống bạo lực học đường, bảo vệ uy tín và danh dự nhà giáo.

Ngoài ra, hội sẽ tiếp tục tham mưu chính sách cho nhà giáo làm quản lý giáo dục, giáo viên mầm non và chú trọng tập hợp các nhà giáo về hưu để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, đem trí tuệ, kinh nghiệm và trách nhiệm để tham gia đổi mới GD&ĐT trong kỷ nguyên hội nhập và cạnh tranh quốc tế.

PV: Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)

Nguồn https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/cong-hien-tri-tue-tam-suc-tham-gia-su-nghiep-doi-moi-giao-duc-603492