Tin tức

Ngành Giáo dục khắc phục chạy theo thành tích trong thi đua, khen thưởng như thế nào?

09 Tháng Mười Hai 2019

GD&TĐ - Trong những năm qua, ngành Giáo dục đã đổi mới cơ bản trong việc xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn thi đua theo hướng sát thực tế, hướng về nhà giáo và người trực tiếp giảng dạy.

 

Ảnh minh họa/internet

Bộ tiêu chí thi đua đã được định lượng, rõ ràng, công khai, có minh chứng, sản phẩm khi đánh giá. Riêng đối với khối giáo dục đại học đã từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục của khu vực và quốc tế; đánh giá sự tiến bộ của chính cá nhân, tập thể đó, không áp đặt chỉ tiêu thi đua quá cao so với năng lực thực tế của mỗi tập thể, cá nhân và không chạy theo thành tích.

Để khắc phục tình trạng chạy theo thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát văn bản dẫn đếnbệnh thành tích trong giáo dục.

Đồng thời, tổ chức Hội nghị chuyên đề pháp chế và đưa nội dung “sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản có các quy định dẫn đến bệnh thành tích trong giáo dục” vào giải pháp công tác pháp chế hàng năm của Bộ.

Thực hiện Luật Giáo dục 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đang soạn thảo các văn bản cho phù hợp; giảm các thủ tục hành chính cũng đã được ngành Giáo dục quan tâm và triển khai thông qua việc ban hành các văn bản về công tác thi đua, khen thưởng.

 

Để các hoạt động của phong trào thi đua thực sự đi vào nền nếp và hiệu quả, Bộ GD&ĐT căn cứ vào vị trí địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội, sự tương đồng về tình hình phát triển giáo dục của địa phương, đã phân chia khối các sở GD&ĐT làm 9 cụm thi đua và khối các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ làm 8 cụm thi đua.

Việc chia khối, cụm thi đua để hoạt động cũng là nét nổi bật của ngành Giáo dục trong công tác tổ chức thi đua.

Các khối, cụm thi đua căn cứ chức năng nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức sơ kết, tống kết, hội thảo trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, chia sẻ, học tập kinh nghiệm để nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng và thực hiện tốt chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; thực hiện tốt việc bình xét, suy tôn, xếp hạng các đơn vị trong khối thi đua để đề nghị khen thưởng theo đúng quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.

Thực hiện đúng theo tinh thần của Luật Thi đua, khen thưởng và Chỉ thị số 34, Bộ GD&ĐT đã quan tâm, chú trọng khen thưởng người có thành tích đột xuất, thành tích đặc biệt xuất sắc; những cá nhân, tập thể được khen thưởng phải gắn với minh chứng, sản phẩm cụ thể, thiết thực được tập thể suy tôn, học tập, làm theo.

Ưu tiên khen thưởng người trực tiếp lao động theo tỷ lệ 2/3 trong tổng số người được khen. Hằng năm, lấy kết quả đánh giá xếp loại công chức, viên chức, người lao động làm căn cứ chủ yếu để xét thi đua, khen thưởng (đã áp dụng đối với cơ quan Bộ và các đơn vị trực thuộc), từng bước giảm các việc làm hình thức, kém hiệu quả.

Giai đoạn từ 2014 đến 2018, khối sở GD&ĐT đã có 761 tập thể và 2762 cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng; 556 tập thể được Cờ thi đua cấp Bộ.

 

(Theo số liệu báo cáo của 45 sở GD&ĐT).

 

Khối trực thuộc Bộ: Tặng Bằng khen Bộ trưởng cho 841 tập thế, 3514 cá nhân; công nhận Chiến sĩ thi đua cấp Bộ cho 615 cá nhân; tặng Cờ Thi đua cho 203 tập thể; Công nhận danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cho 1799 tập thể.

 

Khen thưởng cấp Nhà nước: Cờ thi đua Chính phủ cho 21 tập thể; Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho 13 cá nhân; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho 43 tập thể, 234 cá nhân; Anh hùng lao động cho 5 tập thể, 1 cá nhân; Huân chương độc lập (hạng nhất cho 5 tập thể; hạng ba cho 1 tập thế, 1 cá nhân); Huân chương lao động (hạng nhất 5 tập thể, 1 cá nhân; hạng nhì 3 tập thể, 21 cá nhân; hạng ba 11 tập thể, 80 cá nhân).

 

(Theo số liệu báo cáo của 28 đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT).

Hải Bình