Tin tức

Dạy học trên truyền hình: Mong mỏi của giáo viên được “chọn mặt gửi vàng”

23 Tháng Ba 2020

 

Chương trình dạy học được phát trên Đài Truyền hình tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: ITChương trình dạy học được phát trên Đài Truyền hình tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: IT

Áp lực trước ống kính

Là một trong 50 GV được lựa chọn tham gia dạy học trên truyền hình, dù đã có kinh nghiệm nhiều năm đứng trước ống kính dạy học, thầy Bùi Nghĩa Hoàng, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Phú Thọ vẫn cảm thấy hồi hộp. Thầy Hoàng cho biết: Cách dạy học này đòi hỏi người thầy phải vững chuyên môn, chuẩn bị kỹ kịch bản, luyện tập để tác phong trước ống kính và tương tác với phương tiện, nhân viên kỹ thuật hiệu quả.

“Do không làm việc trực tiếp với HS, nên khi dạy, cử chỉ, nét mặt GV phải phù hợp, việc giữ được cảm hứng, nhịp độ sẽ khó khăn hơn. Cách kiểm tra, đánh giá HS cũng khác, đòi hỏi sự tương tác với GV của HS, hoặc thông qua nền tảng web khác để kiểm tra, đánh giá. Bản thân tôi hay dùng Microsoft form hoặc Kahoot, Quizizz. Kết quả đều khách quan, đánh giá được diện rộng tốt, HS cũng hứng thú hơn” – thầy Hoàng chia sẻ.

Tại Vĩnh Long, 20 thầy cô giáo vững nghề nhất và 61 GV thực hiện công tác hỗ trợ được huy động để triển khai dạy học trên truyền hình. Việc soạn bài và ghi hình bắt đầu từ ngày 16/3/2020 và phát sóng từ ngày 23/3/2020. Chia sẻ trải nghiệm với hình thức dạy học mới, cô Trần Huỳnh Nhị, GV Trường THPT Nguyễn Thông, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long) cho biết: Dạy học trên truyền hình, người dạy sẽ chuẩn bị nội dung giảng nhiều, bảo đảm thời lượng phát sóng. Công tác chuẩn bị bài dạy có thêm phần phong cách (từ những cử chỉ, biểu cảm đến cách nói để truyền cảm hứng).

Tại An Giang, 39 thầy cô được huy động tham gia dạy học trên truyền hình. Ngoài ra, còn có các thầy cô trong tổ tư vấn chuyên môn hỗ trợ, tất cả đều là những GV cốt cán ở từng bộ môn. Là người trực tiếp lên sóng, cô Bùi Thị Phương Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Châu Đốc (An Giang) chia sẻ: Khác với dạy học trên lớp, dạy học trên truyền hình không có đối tượng HS để tương tác. GV chỉ sử dụng phương pháp truyền thụ một chiều, đòi hỏi người dạy phải có kỹ năng nói liên tục. 

Mặc dù năng lực chuyên môn tốt, song rơi vào trạng thái “độc thoại” không tránh khỏi một số sai sót không mong muốn trong cách diễn đạt, dùng từ, phát âm. Thậm chí, chỉ thiếu, hoặc dư một từ cũng ảnh hưởng đến chất lượng buổi ghi hình. Áp lực nhất là ngồi trước ống kính nói một mình, chuyện này không phải ai cũng làm được. Về chuyên môn, theo cô Tâm, GV phải đầu tư nhiều và huy động sự tham gia góp ý, giám sát của tổ tư vấn. “Tiết dạy 45 phút trên truyền hình có công sức của nhiều người phối hợp, kể cả bộ phận kỹ thuật ghi hình và chỉnh sửa của nhà đài” – cô Phương Tâm cho hay.

Vui khi kết quả học trực tuyến được công nhận

Cho biết bản thân và đồng nghiệp đều bỡ ngỡ với việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS qua dạy học trên truyền hình, cô Trần Huỳnh Nhị mong muốn cấp quản lý có hướng dẫn cụ thể về kiểm tra đánh giá với hình thức học này. Việc đánh giá kết quả học tập của HS cần được xây dựng theo hướng mở để các em phát triển bản thân.

“Tôi đã xây dựng nhóm học tập theo lớp, cho các em bài tập làm tại nhà. Mỗi HS thực hiện bài tập trên email gửi lại cho cô giáo để cô chấm bài. Ngoài cho bài tập cố định, tôi động viên HS nhắn tin hỏi những điều còn chưa rõ. Tôi cũng dự định tổ chức một số hoạt động trực tuyến để HS tham gia, như: Giờ đọc diễn cảm đoạn văn bản mà em thích trong tác phẩm; Sưu tầm câu hỏi, đề văn liên quan đến tác phẩm được học, tập viết lời bình cho tác phẩm, vẽ tranh, viết kịch bản… 

Để việc dạy đạt hiệu quả, GV cần đặc biệt chú ý khâu chuẩn bị; Giữ tâm thế thoải mái để tạo cảm hứng cho bài dạy; Có niềm tin vào HS. Việc kiểm tra đánh giá cần theo mức độ, tránh áp lực, quy định rõ ràng thời gian tương tác trực tuyến để việc học tập diễn ra khoa học” – cô Nhị chia sẻ kinh nghiệm.

Với thầy Bùi Nghĩa Hoàng, bí quyết để có giờ dạy trên truyền hình tốt là thiết kế giáo án phù hợp với mỗi chương trình; Kiến thức chuyên môn phải chắc; Trang phục và cử chỉ, nét mặt theo yêu cầu kỹ thuật; Cảm hứng khi lên hình phải được duy trì; Quay xong phải làm việc với kỹ thuật viên để xử lý các vấn đề phát sinh... Từ thực tế triển khai, thầy Hoàng cho rằng, Bộ GD&ĐT nên có chương trình dạy học trên truyền hình chung; Trưng tập các GV tốt của các tỉnh và dạy học cho HS trên cả nước.

“Đặc biệt, nên công nhận kết quả học trực tuyến. Để làm điều này, cần thống nhất dùng chung một nền tảng kỹ thuật trên cả nước như Microsoft form, có tính bảo mật cao, diện rộng, đủ yêu cầu cho GV. Đồng thời, nên có kinh phí hỗ trợ để giáo viên thêm động lực, đầu tư tốt hơn cho bài dạy” – thầy Hoàng nêu kiến nghị.

Với cô Bùi Thị Phương Tâm, để có bài dạy tốt, ngoài chuẩn bị chu đáo của cá nhân, phải có tổ tư vấn tham gia thẩm định nội dung, giám sát trong khi ghi hình, bảo đảm không sai sót về kiến thức. Bài giảng có sự cân đối vừa phải giữa kiến thức và thời lượng để tránh nhàm chán vì nội dung đơn điệu, hoặc quá tải về kiến thức. Bản thân người GV phải tự tin, vững vàng chuyên môn, phát âm tốt, bình tĩnh trước ống kính; Giọng nói và phương pháp giảng bài phải thu hút, lưu loát tự nhiên, hạn chế dùng từ địa phương. Đối với các môn khoa học tự nhiên, nếu có bảng phấn, GV sẽ dễ hướng dẫn HS cách làm bài tập. HS có thể vừa theo dõi truyền hình vừa tranh thủ thời gian làm bài tập theo hướng dẫn của GV sẽ giảm được sự nhàm chán khi học trên truyền hình.

Học trên truyền hình chỉ đạt yêu cầu khi HS tự học tốt, tự làm các bài tập phù hợp với nội dung đã được ôn tập. Tuy nhiên, hạn chế là bản thân các em chưa bị ràng buộc bởi việc giao nhiệm vụ học tập cụ thể. Hoặc khi GV dạy giao nhiệm vụ, cần sự tham gia phối hợp, theo dõi của GV bộ môn tại trường để kiểm tra, đánh giá sản phẩm học tập, có như vậy mới mong đạt được hiệu quả cao. Cô Bùi Thị Phương Tâm.