Tin tức

Học sinh lo lắng trước kỳ thi THPT quốc gia

10 Tháng Tư 2020

 

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo điều chỉnh mới nhất của Bộ GD&ĐT, năm học 2019 – 2020 sẽ kết thúc trước ngày 15/7/2020. Theo đó, thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 8 đến ngày 11/8/2020. Các em học sinh khối 12 trên cả nước chỉ còn hơn 4 tháng ôn luyện kiến thức để tham dự kỳ thi quan trọng này.

Hiện đang là học sinh lớp 12 trường THPT Nam Trực (Nam Định) em Nguyễn Diệu Linh chia sẻ: “Do tình hình dịch bệnh, nên ngay sau kỳ nghỉ Tết việc học ở trường của chúng em bị gián đoạn. Dù đã được tiếp cận kiến thức thông qua phương pháp học trên truyền hình, cũng như kết hợp với chương trình học trực tuyến, nhưng em vẫn cảm thấy bỡ ngỡ. Có thể vì việc thay đổi cách học diễn ra nhanh chóng nên em và nhiều bạn chưa kịp bắt nhịp”.

“Phương pháp học trên truyền hình và học trực tuyến tuy giúp chúng em đảm bảo được sức khỏe, nhưng đây lại là một cách học mới. Chưa thực sự quen thuộc với phương pháp này, nên bản thân em thấy hiệu quả đạt được không thể được như học trực tiếp trên lớp.

Khó khăn nhất lớn nhất là việc tương tác, trao đổi ý kiến giữa thầy cô và học sinh còn hạn chế. Đôi lúc ở những phần thầy cô giảng nhanh, em chưa nắm được đều phải ghi chú cẩn thận, khi kết thúc bài giảng thì liên lạc với thầy cô để hỏi lại. Ở thời điểm này so với mọi năm thì học sinh lớp 12 đã bước vào giai đoạn luyện đề rồi, nên em cũng có nhiều lo lắng”.

Không có sự kèm cặp trực tiếp của thầy cô, nên em Vũ Mạnh Trường hiện đang là học sinh lớp 12 trường THPT Lê Quý Đôn (Thái Bình), đã cùng với 2 người bạn ở gần nhà lập thành một nhóm để cùng nhau học tập.

Trường cho biết: “Em thấy việc học theo các phương pháp hiện nay muốn hiệu quả thì phải có sự chủ động từ phía người học. Cũng chính vì người học phải chủ động tiếp cận kiến thức, không được sự hướng dẫn sát sao của các thầy cô như trước nên nhiều khi em thấy lo lắng. Do lượng kiến thức phải ôn luyện nhiều dễ khiến người học mất tập trung”.

Dù đã tìm hiểu về một số trường đại học có đào tạo ngành nghề mà mình yêu thích nhưng nam sinh lớp 12 tâm sự: “Em sẽ lắng nghe thêm tư vấn của thầy cô và gia đình, vì kết quả kỳ thi còn phụ thuộc vào việc ôn luyện kiến thức trong quãng thời gian này”. Ngoài ra, Trường cho biết em đang tự ôn lại những kiến thức đã học ở kỳ 1, vừa học kiến thức mới, cố gắng học đến đâu chắc đến đó.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô giáo Trần Thị Thu (Nam Định) chia sẻ: “Việc các em học sinh có những băn khoăn, lo lắng trước kỳ thi là điều dễ hiểu. Nhất là đối với năm học 2019 – 2020, quá trình học tập của các em bị gián đoạn rất nhiều vì tình hình dịch bệnh”.

“Việc học trực tuyến trong thời điểm hiện tại có thể xem là giải pháp tối ưu,  tuy nhiên lại đòi hỏi sự nhiệt tình của các thầy cô, chủ động của các em học sinh và hỗ trợ đắc lực từ phía các bậc phụ huynh. Thiếu đi 1 trong 3 yếu tố đó thì phương pháp này khó mà đạt được hiệu quả như mong đợi”, cô Thu lưu ý.

Cũng theo cô Thu, bản thân mỗi học sinh nên tự xây dựng cho mình một thời khóa biểu rõ ràng, luôn có thói quen chuẩn bị bài và làm bài tập theo đúng yêu cầu từ phía giáo viên. Ngoài ra nếu biết tận dụng, tham khảo nguồn kiến thức từ Internet, sách báo thì sẽ rất hữu ích cho việc ôn tập của học sinh.

“Tuy các em học sinh không được lên lớp, nhưng đổi lại sẽ có nhiều thời gian để tự học, đây là điều mỗi em cần tận dụng tối đa. Để có được mức điểm khá thì giai đoạn cận kề thời điểm ôn thi nước rút này, học sinh cần tập trung ôn chắc phần cơ bản, tránh việc sa đà vào học quá nhiều kiến thức khó”, thầy giáo Đỗ Xuân Hùng (Thái Bình) nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT đã công bố những đề thi tham khảo của các môn học, các em học sinh nên chủ động theo dõi để tìm hiểu về cấu trúc đề thi, các dạng câu hỏi. Từ đó, có thể tự mình hệ thống lại kiến thức biết được điểm yếu của mình để kịp thời ôn luyện.

Cô Thu và thầy Hùng nhắn nhủ: “Các em không nên phân tán tư tưởng và quá lo lắng, điều này dễ ảnh hưởng đến việc học. Điều quan trọng nhất là cần đảm bảo sức khỏe trong mùa dịch, giữ một tâm lý ổn định để sẵn sàng chinh phục kỳ thi”.