Tin tức

Tiến sĩ Phạm Thanh Bình- Người "thắp lửa"cho ngành Công tác xã hội NUAE.

21 Tháng Tư 2020

Xin chào thầy! Cảm ơn thầy đã dành thời gian cho buổi trao đổi hôm nay. Trước khi đến đây gặp thầy, tôi cứ loay hoay mãi trong đầu 4 chữ "Công tác xã hội" và muốn thầy chia sẻ để truyền cảm hứng tới bạn đọc.

TS. Phạm Thanh Bình: bạn cứ thoải mái hỏi nhé (cười vui vẻ).

Pv. Tôi tò mò về câu chuyện thầy bỏ cơ hội học tập từ Mỹ để trở về đầu quân cho ngành Công tác xã hội. Thầy có thể bật mí lí do được không ạ?

TS. Phạm Thanh Bình: Được đi học tập ở một đất nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ là ước mơ của rất nhiều người. Từ khi còn nhỏ, tôi đã gặp nhiều người rất khó khăn trong cuộc sống. Khi ấy, tôi mơ ước sau này mình có thể giúp đỡ họ. Sau này, khi trải nghiệm thực tế, tôi càng thấy thương cảm hơn với những mảnh đời còn khó khăn, vất vả. Khi sang học tập ở nước Mỹ tôi cũng gặp những người ăn xin trên hè phố, trẻ em nghèo… tôi càng thấy mình phải tiếp tục hiện thực hóa ước mơ của mình. Vì vậy, khi về nước tôi tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là giảng dạy, đào tạo nhân viên CTXH (Công tác xã hội). Cho đến ngày hôm nay, có thể nói, việc tham gia vào ngành CTXH trở thành một niềm đam mê trong tôi.

Pv. Như vậy có nghĩa thầy theo đuổi ngành vì đam mê, sẵn sàng đánh đổi 1 cơ hội mà bao nhiêu người mơ ước ạ?

TS. Phạm Thanh Bình:  Mỗi một cơ hội cho ta một con đường đi đến đích tuỳ theo cách bạn chinh phục. Nhưng tôi nghĩ, đích cuối cùng của mỗi người là mình được hạnh phúc và có thể mang hạnh phúc lại cho người khác. Tôi đã lựa chọn đúng đam mê của mình và hiện tại tôi rất hài lòng và hạnh phúc khi theo đuổi con đường mình đã chọn.

Pv. Nhiều người còn chưa biết đến Ngành công tác xã hội, chưa hiểu được tầm quan trọng và cơ hội của ngành.

TS. Phạm Thanh Bình:  Đầu tiên có thể nói khái quát rằng: Nghề công tác xã hội là nghề trợ giúp. Trợ giúp cho những ai yếu thế trong xã hội. Học ngành CTXH là học về cách trợ giúp người khác để họ bớt khó khăn, để họ được hạnh phúc hơn. Một cách kỹ lưỡng hơn, ngành CTXH đào tạo những người có đạo đức và tài năng làm việc được trong những vấn đề liên quan đến đời sống xã hội của con người, thúc đẩy sự thay đổi xã hội. Xây dựng kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy và nhất là kỹ năng can thiệp các vấn đề xã hội, tư vấn xây dựng các chính sách xã hội. Như vậy có thể nói, xã hội càng phát triển lại càng cần nhân viên CTXH.

Thứ hai, nhu cầu nhân viên CTXH ở nước ta rất lớn. Đặt mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 (Quyết định 32/2010/QĐ-TTg), còn gọi là Đề án 32. Chỉ từ khi Đề án được ban hành, CTXH mới được chính thức coi như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức. Tính đến nay, cả nước có hơn 500 cơ sở bảo trợ xã hội. Theo Đề án, hiện số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 40% dân số. Cả nước có hơn 32.000 cán bộ, nhân viên, cộng tác viên làm việc trong lĩnh vực CTXH, tuy nhiên phần lớn (81,5%) chưa qua đào tạo.

Thứ ba, Cơ hội việc làm cho sinh viên tốt nghiệp ngành CTXH cũng hết sức đa dạng, phong phú: làm việc tại các cơ quan nhà nước trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, làm việc trong các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan Đoàn thể các cấp từ Trung ương đến địa phương: Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội chữ thập đỏ … ; trở thành nhân viên CTXH tại các xã, phường..., nhân viên CTXH trong trường học, bệnh viện; làm việc tại các cơ quan cung cấp dịch vụ xã hội: trị liệu, can thiệp và giáo dục hòa nhập trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi…Bạn cũng có thể trở thành giảng viên tại các trường đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học CTXH. Ngoài ra, bạn có thể làm ở các tổ chức phi chính phủ, các dự án phát triển cộng đồng (Tổ chức Rồng Xanh, Tổ chức World Vision, Tổ chức Save Child...). Và bạn hoàn toàn có thể  tự thành lập các Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội.

Trường ĐHSP Nghệ thuật TW với bề dày 50 năm xây dựng và trưởng thành, là một trong những nơi uy tín nhất về đào tạo giáo viên nghệ thuật và cán bộ quản lý cho ngành giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam.

Bắt đầu từ năm học 2019 – 2020, Trường ĐHSP Nghệ thuật TW được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở mã ngành Công tác xã hội. Với chương trình đào tạo chuẩn,  đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết với ngành nghề.  Giáo trình tăng cường thời lượng giờ thực hành được xây dựng dựa trên sự phân tích nhu cầu thực tế của các tổ chức xã hội. Đặc biệt còn có nhiều môn học chuyên sâu, đặc thù nhưng được đổi mới sáng tạo bắt kịp xu hướng hội nhập quốc tế. Điều này góp phần mở ra cơ hội cho nhiều học sinh muốn trở thành nhân viên CTXH.

Pv. Quả là 1 ngành học hấp dẫn và có giá trị lớn cho xã hội. Tôi cũng được biết thầy hiện đang là Phó trưởng khoa Văn hoá Nghệ thuật kiêm trưởng Ngành Công tác xã hội. Công việc trong vai trò mới có bao giờ thầy thấy mệt mỏi hay áp lực không ạ?

TS. Phạm Thanh Bình: Được làm việc ở một lĩnh vực mà mình đam mê là điều hạnh phúc đối với cá nhân tôi.

 Xã hội đang rất cần những nhân viên CTXH được đào tạo bài bản. Tôi thiết nghĩ mình cần có trách nhiệm phát triển ngành CTXH, đào tạo những nhân viên CTXH tài năng cho đất nước.

Pv. Thưa thầy hiện nay có 1 số trường  họ rất thành công trong việc đào tạo ngành Công tác xã hội. Thầy có thể cho biết điểm mới khác biệt trong công tác xây dựng, đào tạo và phát triển ngành này của NUAE?

TS. Phạm Thanh Bình: Để chuẩn bị cho công tác đào tạo ngành CTXH, Trường ĐHSP nghệ thuật TW đã đầu tư một cách bài bản ngay từ ban đầu. Chúng tôi đã tiếp cận, học hỏi và kế thừa các chương trình đào tạo CTXH của các Trường Đại học CTXH trong nước và quốc tế. Mặt khác để đáp ứng các yêu cầu kiểm định chất lượng, hướng tới đạt chất lượng kiểm định Châu Á (AUN-QA), chương trình tăng cường thực hành tại các cơ sở xã hội trong cả nước, các môn học chuyên sâu ứng dụng các chuyên ngành nghệ thuật, công nghệ thông tin.

Pv. Thầy có tin mình sẽ thành công?

TS. Phạm Thanh Bình: Chúng tôi tin chương trình đào tạo CTXH của nhà trường sẽ thành công và lan tỏa trong cộng đồng.

Pv. Là một ngành tuyệt vời, nhiều điều kiện thuận lợi như vậy, chắc hẳn thi vào ngành không dễ phải không thưa thầy?

TS. Phạm Thanh Bình: Về điều kiện: Năm học 2020 – 2021, Ngành CTXH xét tuyển 1 trong 4 tổ hợp: (Văn, Sử, Địa) hoặc (Văn, Toán, Sử), (Văn, Toán, Địa) và (Văn, Toán, Ngoại ngữ). Hơn nữa, khi tham gia vào nghề CTXH bạn cần có một tấm lòng vì nghề CTXH là nghề của lòng nhân ái.

Pv. Nghe thầy chia sẻ tôi ước mình được trẻ lại để nhận được sự may mắn đó. Câu hỏi cuối cùng dành cho thầy ạ? Thầy có tin vào sự thành công của ngành xã hội trong công tác tuyển sinh năm nay không ạ?

TS. Phạm Thanh Bình:  Chúng tôi luôn luôn chào đón tất cả các bạn về cùng mái nhà CTXH – ĐHSP Nghệ thuật TW – chỉ cần bạn yêu thương con người, có một trái tim nhân ái, muốn chia sẻ với người khác – hãy đến với chúng tôi. Nghề CTXH là nghề của sự chia sẻ và sẻ chia. Tôi rất thích một câu châm ngôn “Cuộc sống là cùng CHIA SẺ hạnh phúc”. Việc tuyển sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng chúng ta tin vào những điều tốt đẹp đang ở phía trước.

Pv. Cảm ơn thầy đã chia sẻ và giúp tôi hiểu biết về thầy, về một ngành học có quá nhiều ý nghĩa với những giá trị lớn lao cho xã hội.

Kính chúc thầy cùng các cán bộ giảng viên ngành Công tác xã hội của khoa Văn hoá Nghệ thuật sẽ đón chào những lứa sinh viên tài năng, xây những viên gạch hồng đẹp đẽ và toả sáng!

Xin cảm ơn thầy về buổi nói chuyện rất cởi mở ạ!

TS. Phạm Thanh Bình - Phó Trưởng khoa Văn hóa Nghệ thuật 

Người phỏng vấn: ThS. Thanh Mai