Tin tức

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả các lực lượng trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT

15 Tháng Bảy 2020

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việcBộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc

Tiếp đoàn công tác có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh – Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh – Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh; Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gợi mở 2 vấn đề cần thảo luận là: Công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, trước mắt là đối với lớp 1 – năm học 2020 - 2021.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng ghi nhận và gửi lời cảm ơn đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã có những quan tâm, chỉ đạo sâu sát đối với ngành Giáo dục. Dù có nhiều khó khăn, nhưng tỉnh Hà Giang đã huy động được xã hội cùng chung tay chăm lo cho sự nghiệp "trồng người".

Đặc biệt, trong thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngành Giáo dục Hà Giang đã nỗ lực, khắc phục khó khăn chuyển sang dạy - học theo hình thức trực tuyến và trên truyền hình. Qua đó góp phần cùng với toàn ngành Giáo dục hoàn thành nhiệm vụ "kép": Vừa phòng chống tốt dịch bệnh, vừa bảo đảm việc dạy - học với phương châm "tạm dừng đến trường nhưng không dừng học".

Toàn cảnh buổi làm việc

Nhấn mạnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Bộ trưởng trao đổi: Thủ tướng ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện.

Kỳ thi năm nay được giao về cho địa phương chủ trì và Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm. Bộ GD&ĐT sẽ chịu trách nhiệm chung, trong đó có một số khâu như: Ra đề thi chung, cung cấp phần mềm chấm thi, tập huấn coi thi, tổ chức thanh tra, kiểm tra…Trao đổi về một số điểm mới của kỳ thi năm nay, Bộ trưởng cho biết: Bộ sẽ cử cán bộ, giảng viên của các trường đại học tham gia vào các đoàn thanh tra. Ngoài lực lượng thanh tra của Bộ, còn có thanh tra Nhà nước, thanh tra của sở. Các lực lượng này sẽ phối hợp nhịp nhàng, khoa học để thực thi nhiệm vụ.

Cũng theo Bộ trưởng, phần mềm chấm thi năm nay tiếp tục được nâng cấp để hoạt động tốt. Kết quả của kỳ thi không chỉ có ý nghĩa đánh giá kết quả học tập sau 12 năm học của học sinh, mà còn là căn cứ để đánh giá nội dung phương pháp dạy học ở cơ sở để điều chỉnh kịp thời, phù hợp thực tiễn. Ngoài ra, kết quả thi còn được các cơ sở giáo dục đại học làm căn cứ để tuyển sinh.

Liên quan đến công tác chuẩn bị thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng lưu ý 3 nội dung cần quan tâm:

Thứ nhất, tỉnh cần quan tâm đến biên soạn tài liệu giáo dục địa phương mang đậm bản sắc quê hương Hà Giang.

Thứ hai, bảo đảm đủ số lượng và chất lượng giáo viên để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ ba, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, trong chương trình có dự án phát triển giáo dục địa phương. Trên cơ sở đó, tỉnh Hà Giang có thể chủ động tham gia.

Bộ trưởng gợi ý: Tới đây sẽ diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh, các đồng chí có thể chủ động xây dựng một số đề án như: Đề án phát triển đội ngũ giáo viên; Đề án về cơ sở vật chất trường lớp và đề án phát triển nguồn nhân lực. Trên cơ sở đó có thể tham mưu để đưa vào văn kiện Đại hội Đảng bộ cấp tỉnh.

Bà Hà Thị Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang thông tin tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Hà Thị Minh Hạnh - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh năm 2020 cho biết, toàn tỉnh có hơn 5.600 thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Dự kiến sẽ có hơn 1.500 lượt người tham gia tổ chức kỳ thi; trong đó có 1.320 lượt cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; 70 lượt cán bộ, viên chức, nhân viên ngành y tế, điện lực tham gia một số Ban của Hội đồng thi; 200 lượt cán bộ lực lượng công an huy động tham gia bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi.

Ngoài việc thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh, tỉnh Hà Giang thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện; đồng thời xác lập kế hoạch công tác và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo. Toàn bộ các nội dung, công tác chuẩn bị, tổ chức thực hiện đều được triển khai kịp thời, đáp ứng đúng yêu cầu, tiến độ tổ chức Kỳ thi do Bộ GD&ĐT quy định.

Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh là Sở GD&ĐT, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện thành phố, các cơ sở giáo dục có học sinh lớp 12 và hơn 5.600 thí sinh tại các điểm thi thuộc Hội đồng Sở GD&DT Hà Giang đã chuẩn bị mọi điều kiện bảo đảm, sẵn sàng tâm thế để hoàn thành tốt kỳ thi.

Ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang

Cũng tại buổi làm việc, ông Trần Đức Quý - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã báo cáo với đoàn công tác về kết quả triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Đến nay, công tác triển khai thực hiện bảo đảm theo tiến độ kế hoạch đề ra và đã sẵn sàng triển khai, thực hiện. 

Theo đó, các cơ sở giáo dục tiểu học đã thực hiện đầy đủ quy trình lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, bảo đảm đúng tiến độ, công khai, minh bạch. Kết quả, toàn tỉnh có 218 trường thực hiện lựa chọn sách giáo khoa và 218 Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. 

Ông Trần Đức Quý khẳng định, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với các nhà xuất bản, triển khai, thực hiện bồi dưỡng sử dụng sách giáo khoa lớp 1 cho trên 2.500 cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp dạy lớp 1 năm học 2020-2021 thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Tỉnh cũng chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với công ty phát hành sách trên địa bàn tỉnh để bàn giải pháp bảo đảm đủ số lượng sách giáo khoa lớp 1 cung ứng cho học sinh và giáo viên phục vụ năm học mới.

Ông Đặng Quốc Khánh – Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đặng Quốc Khánh – Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang gửi lời cảm ơn đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các thành viên của đoàn công tác đã gợi mở nhiều vấn đề trong triển khai tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 và thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. 

Năm 2020, Hà Giang thực hiện nhiệm vụ kép nên còn nhiều khó khăn, thách thức. Cùng với việc ổn định an ninh chính trị, tỉnh chú trọng phát triển kinh tế xã hội. Bằng các giải pháp tích cực, 6 tháng đầu năm nay, Hà Giang vẫn là một trong những địa phương có mức tăng trưởng dương (0,43%). Ngoài ra, tỉnh vẫn làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đến văn hóa xã hội, trong đó có giáo dục, y tế…thành lập hội khuyến học, khuyến tài và đã huy động được hơn 50 tỷ tiền quỹ. 

Bí thư Tỉnh ủy khẳng định: Công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT phải bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng. Năm 2019, Kỳ thi đã diễn ra thành công, thì năm nay Kỳ thi phải được tổ chức tốt hơn, thành công hơn. Ngoài ra, tỉnh sẽ rà soát lại không nhất thiết phải nhiều điểm thi. Tinh thần là hiệu quả, chất lượng và bảo đảm an toàn, nghiêm túc ở tất các khâu.

Tiếp thu những gợi mở của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về tài liệu giáo dục địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Tỉnh sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT để xây dựng bộ tài liệu có chất lượng và mang đậm bản sắc dân tộc. Tỉnh cũng sẽ chú trọng tập huấn cho giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 để sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, tỉnh Hà Giang cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung cho công tác ôn tập cho học sinh, trong đó có thể tính đến phương án cho học sinh kiểm tra thử, qua đó kịp thời bổ khuyết những nội dung kiến thức còn thiếu cho học sinh. 

Về công tác coi thi, cần gắn trách nhiệm của những người thực hiện nhiệm vụ này; công tác bảo mật đề thi, bài thi; công tác sắp xếp, bố trí các điểm thi sao cho hợp lý, tránh việc dàn trải quá nhiều điểm thi gây nên khó khăn trong việc quản lý, tổ chức kỳ thi. 

Tỉnh Hà Giang cần chủ động phương án bố trí phương tiện đi lại, nơi ăn chốn ở cho những thí sinh ở xa; đồng thời có kịch bản ứng phó với thiên tai, mưa bão có thể xảy ra trong những ngày diễn ra kỳ thi. 

Liên quan đến triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng gợi ý một số vấn đề cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Tập huấn, bồi dưỡng giáo viên lớp 1 sử dụng sách giáo khoa. Những giáo viên chưa tham gia tập huấn sẽ không bố trí đứng lớp. Đồng thời chú ý bảo đảm số lượng và chất lượng giáo viên, chú trọng công tác bồi dưỡng để đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. 

Ngoài ra, tỉnh cần tập trung xây dựng tài liệu giáo dục địa phương theo hướng số hóa để cùng chia sẻ với cả nước. Hà Giang cũng cần quan tâm tới nguồn lực giáo viên tại chỗ và thực hiện cơ chế về đặt hàng phát triển đội ngũ nhà giáo. 

UBND tỉnh chỉ đạo dồn dịch các điểm trường, trường học theo hướng tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm chất lượng. Đồng thời làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Trên cơ sở đó, có kế hoạch đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thiết thực, hiệu quả. 

Để phát triển nguồn nhân lực, Hà Giang có thể kết nối với các trường đại học, hoặc mở phân hiệu đại học tại địa phương, không nhất thiết phải có trường đại học trên địa bàn.

Bộ trưởng đề nghị, Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã thành công tốt đẹp, được xã hội ghi nhận. Tỉnh Hà Giang cần phát huy những ưu điểm của kỳ thi năm trước để tổ chức tốt kỳ thi năm nay. Ngoài ra, cần phân công, phân nhiệm rõ ràng cho các thành viên của Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT cấp tỉnh.