Tin tức

ĐẶC TRƯNG, GIÁ TRỊ CỦA NGHỆ THUẬT CHẠM KHẮC GỖ THANH HÓA THẾ KỶ XVII VẬN DỤNG VÀO DẠY HỌC MÔN TRANG TRÍ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH THANH HÓA

18 Tháng Tám 2020

Lê Thị Minh Thư[*]

Thanh Hóa là một vùng đất có bề dày lịch sử với hệ thống di sản văn hóa hết sức đa dạng, 1.535 di tích trong đó có 141 di tích cấp quốc gia, 659 di tích cấp tỉnh, đặc biệt có 4 di tích thuộc loại di tích quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới. Việc giáo dục tinh thần yêu nước, yêu dân tộc thông qua trải nghiệm thực tế di sản văn hóa truyền thống dân tộc là một hình thức hiệu quả đặc biệt. Với nhóm di tích chạm khắc gỗ TK XVII ở Bảng Môn Đình, chùa Hoa Long Tự, đền Trần Khát Chân và đình Phú Thượng là những kho dữ liệu quý giá cho sinh viên trường ĐHVH TT và DL Thanh Hóa học tập, vận dụng và sáng tạo vào các bài học trang trí một cách hấp dẫn và hiệu quả.

Môn học trang trí là một môn học quan trọng trong ngành mĩ thuật; môn học này có hầu hết trong các chương trình đào tạo của chuyên ngành đồ họa, sư phạm mĩ thuật, thiết kế thời trang và các lĩnh vực nghệ thuật khác. Nghệ thuật chạm khắc gỗ Thanh Hóa có tiến trình phát triển chậm hơn vùng Đồng Bằng Bắc Bộ một nhịp, do chiến tranh Nam Bắc Triều (1533-1677) đã làm cho nông thôn Thanh Hóa kiệt quệ không có đủ nguồn lực phát triển các công trình tín ngưỡng cộng đồng to lớn ở TK XVI và đầu TK XVII (đình, đền, chùa). Tuy nhiên, do đặc điểm của quy luật lan tỏa và cộng hưởng tự nhiên của văn hóa, do nhu cầu tâm linh của cộng đồng xã hội, ngay từ đầu TK XVII và đặc biệt cuối TK XVII nhiều đền, chùa, đình làng vẫn được xây dựng mới trên đất Thanh Hóa mà ngày nay chúng ta có thể nhận diện được qua phong cách chạm khắc gỗ trên cấu kiện của kiến trúc. Tuy số lượng các di sản nghệ thuật chạm khắc gỗ TK XVII còn lại ở Thanh Hóa rất ít nhưng lại có những đặc trưng nghệ thuật rất độc đáo. Đó là các công trình tiêu biểu như: Đền Trần Khát Chân, chùa Hoa Long Tự (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc), Bảng Môn Đình (xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa), đình Phú Thượng (xã Hà Đông, huyện Hà Trung)…

Để việc ứng dụng nét đặc sắc trong chạm khắc ở một số Đình, Chùa tiêu biểu ở Thanh Hóa trong giảng dạy mĩ thuật tại trường Đại học Văn hóa thể thao và Du lịch Thanh Hóa đạt hiệu quả, đòi hỏi người giảng viên nghiên cứu và nắm bắt những yếu tố thẩm mỹ dân gian, nhận ra được lúc nào cần sử dụng đường nét cầu kỳ, lúc nào cần sự tượng trưng khái quát, gạt bỏ những chi tiết rườm rà để thể hiện những mảng màu và đường nét của các hình tượng, làm nổi bật chủ đề và tạo cảm xúc mới mẻ, nhưng vẫn đảm bảo các thuộc tính nghệ thuật và vẫn nằm trong tổng thể giá trị mĩ thuật truyền thống của chúng. Từ đó, vận dụng vào bài học cụ thể, áp dụng vào cuộc sống thực tế và hơn hết là trong giảng dạy môn trang trí là điều rất cần thiết.

1. Mô típ đặc trưng trong nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống Thanh Hóa TK XVII

            Đặc trưng trong nghệ thuật chạm khắc gỗ Thanh Hóa ở trong các di tích chạm khắc gỗ Thanh Hóa của thế kỷ XVII bao gồm:

- Mô típ thần tiên và người

- Nhóm mô típ Linh vật,  Hoa lá 

+ Hình tượng tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng

+ Tứ quý: Tùng, Trúc, Cúc, Mai

-   Nhóm mô tuýp mặt trời, vân mây

-  Nhóm mô tuýp trang trí động vật

Hình tượng mèo- chuột

Hình tượng voi

Hình tượng hươu

  • Nhóm mô típ trang trí khác

+ Hoa văn mặt trời

+ Mặt trời và mây

+ Mặt trời bên trong có hình gà trống

+ Hình mặt trời – nghê-  hoa cúc.

+ Hình mặt trời có hươu cõng       

2. Tính khả thi trong việc vận dụng hình tượng, biểu tượng, mô típ, bố cục trang trí chạm khắc gỗ vào môn học trang trí

            Biểu đạt về không gian ở chạm khắc gỗ Thanh Hóa từ không gian hình khối của chạm khắc gỗ không gian 3D sinh viên sẽ chuyển hóa sang thành không gian 2D của đồ họa, việc sử lý này sinh viên sẽ nghiên cứu cái hay, cái đẹp của hình, nét và không gian 3D để chuyển hóa một cách sáng tạo sang không gian 2D và chuyển từ hình nét khối sang hình nét mảng và nét màu.

            Tính khả thi sáng tạo từ hình tượng, biểu tượng của chạm khắc cổ sinh viên hoàn toàn cách tân theo nhịp điệu mới, mô típ mới nhưng vẫn giữ được cái gốc của vốn cổ đó là chuyển từ các đường cong thành các hình kỳ hà để tạo cho nó một nhịp điệu mới trong các bài tập như: quảng bá di sản văn hóa, trang trí bìa sách...

Hệ thống tư liệu vốn cổ chạm khắc dân gian trên các di sản nghệ thuật ở Thanh Hóa TK XVII có thể giúp công việc dạy học mĩ thuật phát triển theo các chiều hướng sau:

- Đổi mới phương pháp dạy học thông qua thực nghiệm nghiên cứu tư liệu và nghiên cứu tại di tích đối với môn trang trí

-Lựa chọn các nhóm mô típ khác nhau ứng dụng vào các bài học trang trí khác nhau

- Kết hợp sự cách tân, cách điệu, phóng tác trên nền của mô tuýp mỹ thuật của di sản truyền thống

3. Biện pháp khai thác tích cực giá trị nghệ thuật chạm khắc gỗ trong môn học trang trí

Chạm khắc gỗ ở Thanh Hóa luôn luôn giữ một vai trò quan trọng trong nghệ thuật, nó giúp sinh viên học tập những nét tinh hoa, tính sáng tạo trong cách sắp xếp bố cục, cách tạo hình thẩm mỹ trong bài vẽ. Từ đó, biết vận dụng và kế thừa vào các bài học cụ thể, áp dụng vào cuộc sống thực tế trong tương lai và hơn hết là trong công việc giảng dạy, truyền bá kiến thức cho thế hệ trẻ.

Để việc ứng dụng nét đặc sắc trong chạm khắc ở một số Đình, Chùa tiêu biểu ở Thanh Hóa trong giảng dạy mĩ thuật đạt hiệu quả, đòi hỏi người giảng viên nghiên cứu và nắm bắt những yếu tố thẩm mỹ dân gian, nhận ra được lúc nào cần sử dụng đường nét cầu kỳ, lúc nào cần sự tượng trưng khái quát, gạt bỏ những chi tiết rườm rà để thể hiện những mảng màu và đường nét của các hình tượng, làm nổi bật chủ đề và tạo cảm xúc mới mẻ, nhưng vẫn đảm bảo các thuộc tính nghệ thuật và vẫn nằm trong tổng thể giá trị mĩ thuật truyền thống của chúng. Từ đó, vận dụng vào bài học cụ thể, áp dụng vào cuộc sống thực tế và hơn hết là trong giảng dạy sau này.

Lựa chọn phù điêu, họa tiết phù hợp để khai thác thành họa tiết trang trí. Việc vận dụng các yếu tố tạo hình của chạm khắc gỗ vào bài học nhưng không phải theo kiểu sao chép vụng về, không lấy tất cả những gì chạm khắc cổ có mà chỉ chọn một vài yếu tố thẩm mỹ tiêu biểu để nâng lên, rút ra những cái đặc sắc nhất, trên cái cấu trúc của chạm khắc cổ Thanh Hóa ở hình, nét, nhưng màu và bố cục  lại mang sắc thái mới.

3.1. Khai thác  họa tiết từ những hình chạm khắc tiêu biểu

3.2. Vận dụng vào trang trí các hình cơ bản

Từ các hình được lấy ra trong chạm khắc gỗ tiêu biểu, định hướng cho các em tham khảo đưa vào bài học trang trí cụ thể

Dùng nguyên mảng và nét làm phương tiện. Dùng nền màu tạo chất chuyển sắc độ.

Quy họa tiết vào hình cơ bản áp dụng các nguyên tắc thường dùng trong trang trí cơ bản, nhằm tạo sự hoàn chỉnh cho họa tiết cách điệu

+ Trang trí hình vuông

Đặc điểm của hình vuông là có 4 cạnh và 4 góc bằng nhau. Trang trí hình vuông là sắp xếp các hình mảng đậm nhạt, họa tiết, màu sắc sao cho phù hợp với đặc điểm của nó, làm nổi rõ trọng tâm.

Ví dụ: Sử dụng chạm khắc hình tiên nữ  làm họa tiết trang trí        

Ở bài trang trí hình vuông cơ bản, sử dụng họa tiết trong phù điêu Tiên nữ chạm khắc ở chùa Hoa Long. Mảng chính là họa tiết sắp xếp theo nguyên tắc đăng đối, lặp lại, chính giữa tâm sử dụng tia mặt trời, phía trong vẽ họa tiết âm dương.

Bài trang trí sử dụng hình ảnh Tiên nữ, chạm khắc chùa Hoa Long. Các họa tiết được sắp xếp đối xứng qua trục. Màu sắc sử dụng các màu tự chọn.

+ Trang trí hình tròn

Đặc điểm của hình tròn: Hình tròn có điểm trọng tâm chính là tâm của hình tròn. Khi trang trí cần làm nổi rõ trọng tâm, có mảng chính, mảng phụ, cần tránh những hình mảng làm phá vỡ khuôn hình.

Họa tiết chính được lấy từ chạm khắc Voi, kết hợp với lối tô màu dùng mảng màu nguyên mang tính đối lập, tươi vui rực rỡ. Màu nền của hình sử dụng nền sáng hoặc nền đậm họa tiết sáng.

3.3. Vận dụng vào trang trí ứng dụng

Trang trí vải hoa thể hiện hài hòa, cân đối giữa hình nền và các họa tiết chính. Phân bố hợp lý giữa họa tiết và nền đề trống để tạo được phần trọng tâm của trang trí làm nổi bật ý đồ của trang trí, tạo sự hài hòa về bố cục.

Thể hiện được sự hài hòa về màu sắc, hạn chế dùng các màu nguyên sắc, cố gắng tìm các màu quý, đẹp bằng cách pha trộn nhiều màu với nhau nhưng không nên nhiều hơn 3 màu.

Việc ứng dụng ngôn ngữ tạo hình chạm khắc gỗ thế kỷ XVII ở  một số di tích văn hóa lịch sử tiêu biểu ở Thanh Hóa vào các bài vẽ trang trí cho sinh viên khoa Thời trang và khoa Sư phạm Mĩ thuật ở trường đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa giúp sinh viên hiểu biết và trân quý hơn nghệ thuật chạm khắc cổ dân tộc, đồng thời biết chủ động, kế thừa những nét tinh hoa, vận dụng một cách sáng tạo vào quá trình học tập.

 KÊT LUẬN

Vận dụng di sản mĩ thuật truyền thống Thanh Hóa trong giảng dạy môn trang trí: nâng cao chất lượng học chuyên ngành, tạo dựng hứng thú sáng tạo, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và  ý thức bảo tồn, phát huy, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, quảng bá hình ảnh văn hóa dân tộc với thế giới thông qua các sáng tác trang trí…

Chạm khắc được phân tích nét nổi trội, đa dạng ở nghệ thuật chạm khắc trang trí ở một số di tích điển hình: chùa Hoa Long, đền Trần Khát Chân, đình Phú Thượng, Bảng Môn đình. Luận văn đặc biệt chú trọng phân tích những bố cục, đặc điểm tạo nét, khối, giai điệu, gắn với với các chủ đề ở mỗi di tích từ đó nêu lên được tính khả thi trong vận dụng phát huy vốn cổ dân tộc vào dạy học môn đồ họa tại trường Đại học VHTTDL Thanh Hóa.

Thủ pháp tạo hình của chạm khắc gỗ dân gian, thích hợp với đặc điểm tư liệu nguồn ở mỗi di tích để tạo ra những giá trị thẩm mỹ mới trong các bài học trang trí cơ bản, bài hình tròn, hình vuông, đường diềm hay bài trang trí vải hoa…

Việc nghiên cứu thực tiễn đã phân tích tính khả thi của hệ thống tư liệu hết sức đa dạng của nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian TK XVII ở Thanh Hóa và thực nghiệm cho sinh viên sử dụng tư liệu họa tiết nghệ thuật cổ để sáng tạo trong một số bài học trang trí mang lại kết quả tích cực.

Thông qua thực nghiệm đã chứng minh được tính tích cực nhiều mặt của việc cho sinh viên nghiên cứu vốn cổ mỹ thuật ở địa phương. Với các sản phẩm sáng tạo là  bài học  của sinh viên có sử dụng các yếu tố tạo hình dân gian như màu sắc, hình, nét, bố cục… là bằng chứng khẳng định tính đúng đắn của việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng.

                                         TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Văn Tạo (2012), Nghệ thuật điêu khắc gỗ truyền thống Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.

2. Lê Văn Tạo, Hà Đình Hùng (2008), Nghệ thuật kiến trúc, chạm khắc gỗ truyền thống ở Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa.

3. Trần Đình Tuấn (2012), Hình tượng con người trong nghệ thuật chạm khắc đình làng vùng châu thổ sông Hồng, Luận án tiến sĩ Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật, thư viện Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

4. Tạ Phương Thảo (2010), Giáo Trình Trang Trí (Tập 1) Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K4 -  LL&PP dạy học Bộ môn Mĩ thuật