Sự kiện

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Cụm di tích đình - chùa Hổ Lao xã Tân Việt, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

18 Tháng Tám 2020

Nguyễn Văn Sơn[*]

Cụm di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao xưa kia thuộc xã Hổ Lao, tổng Mễ Sơn, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương (nay thuộc thôn Hổ Lao, xã Tân Việt, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) là một công trình kiến trúc văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân trong xã Tân Việt nói riêng, trên địa bàn thị xã Đông Triều nói chung. Ngày 08/6/1945, tại Cụm di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao diễn ra cuộc mít tinh tuyên bố thành lập chiến khu và đây là trung tâm căn cứ địa hoạt động cách mạng của chiến khu Trần Hưng Đạo - chiến khu Đông Triều (hay còn gọi Đệ tứ chiến khu) trong thời kỳ tiền khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Cụm di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao đã nhiều lần bị tàn phá, đến năm 2011 di tích được các cấp các ngành quan tâm đầu tư tôn tạo lại và đưa vào quản lý sử dụng, cho đến nay đã đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của cán bộ và nhân dân địa phương. Hàng năm, lễ hội truyền thống Cụm di tích đình - chùa Hổ Lao cũng được tổ chức trang trọng trong 03 ngày (từ ngày 14 đến ngày 16 tháng giêng âm lịch) đã thu hút đông đảo nhân dân trong vùng về tham dự các hoạt động lễ hội; vào các ngày lễ, tết, mùng một, ngày rằm hàng tháng nhân dân địa phương và du khách thập phương đều đến đây thắp hương, làm lễ tâm linh cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Bên cạnh đó, vào ngày 08/6 hàng năm, cán bộ và nhân dân thị xã Đông Triều nói chung, xã Tân Việt nói riêng và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn thị xã lại về đây tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, nghĩa quân đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp độc lập của tổ quốc, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm hào hùng của một thời đã qua và tự nhắc nhở mình phải giữ gìn, phát huy truyền thống cách mạng của lớp người đi trước.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng, đặc biệt là trong giai đoạn trước cách mạng tháng 8/1945. Vào ngày 12 tháng 7 năm 2001, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành quyết định số 38/2001/QĐ-BVHTT xếp hạng địa điểm di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao, xã Tân Việt, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là di tích cấp quốc gia.

 Từ khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia (năm 2001) đến nay, việc quản lý Cụm di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao và đã đạt những kết quả cụ thể như: công tác đầu tư xây dựng tôn tạo di tích, thành lập Ban quản lý di tích cơ sở, tuyên truyền quảng bá và phát huy giá trị di tích, tổ chức và quản lý lễ hội hàng năm… Tuy nhiên, thực trạng hoạt động quản lý tại Cụm di tích vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục như: việc đầu tư chống xuống cấp di tích chưa đáp ứng yêu cầu, công tác thông tin tuyên truyền chưa đạt kết quả cao, việc nhận thức của nhân dân về vai trò giá trị của di sản còn hạn chế, công tác tổ chức và quản lý lễ hội hàng năm chưa đạt hiệu quả cao... mặt khác việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Cụm di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao còn là cơ sở quan trọng để giáo dục truyền thống yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ mai sau, là tiền đề để phát triển các loại hình dịch vụ văn hóa, du lịch tâm linh góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Cụm di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao xứng tầm những giá trị lịch sử, văn hóa và với tiềm năng vốn có, đòi hỏi các cấp, các ngành cần phải tiến hành đồng bộ các giải pháp nghiên cứu hoạt động quản lý, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị một cách bài bản, khoa học, sát với thực tiễn địa phương và có lộ trình phù hợp thì mới đạt hiệu quả cao, trong đó một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Cụm di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao cần được quan tâm trong thời gian tới như:

1. Tăng cường công tác quản lý của các cấp và kiện toàn bộ máy

Công tác xây dựng củng cố bộ máy quản lý, cơ cấu tổ chức, mô hình quản lý tại Cụm di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao là một yếu tố then chốt, chi phối và quyết định toàn bộ hoạt động quản lý tại Cụm di tích lịch sử này. Bởi trong công tác quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử nói riêng, đòi hỏi phải xây dựng bộ máy quản lý có sự chuyên nghiệp, đội ngũ cán bộ có trình độ và nghiệp vụ chuyên sâu về quản lý văn hóa, có bản lĩnh chính trị vững vàng, những hiểu biết xã hội và khéo léo, linh hoạt trong ứng xử với di tích. Từng bước rà soát, củng cố và sắp xếp cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý di tích cho phù hợp, nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.

2. Hoàn thiện các cơ chế chính sách

Việc hoàn thiện những cơ chế, chính sách có liên quan trong quản lý di tích cũng rất quan trọng, trong đó là việc hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nhà nước ở các cấp; chính sách xã hội hóa công tác đầu tư xây dựng tu bổ di tích; cơ chế triển khai lập quy hoạch, thẩm định, phê duyệt đầu tư xây dựng tu bổ di tích; việc khai thác và phát huy giá trị của di tích góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương… đây là những nội dung rất quan trọng, cần được các cấp chính quyền quan tâm, có những cơ chế rõ ràng để phát huy giá trị Cụm di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao.

Thực hiện cơ chế phối hợp trong quản lý giữa các cấp các ngành từ tỉnh đến xã; nhất là sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành đoàn thể có liên quan trên địa bàn thị xã Đông Triều với các bộ phận chức năng chuyên môn của xã Tân Việt tham gia vào quá trình quản lý Cụm di tích. Bên cạnh đó cần có sự phối hợp tham gia của cộng đồng dân cư địa phương vào quá trình hoạt động quản lý là rất quan trọng theo phương châm: “chính quyền chỉ đạo đình hướng xây dựng kế hoạch quản lý, cộng đồng tham gia phối hợp trong các khâu quản lý Cụm di tích” để và có sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện vừa có sự giám sát của cộng đồng vào quá trình quản lý.

3. Vấn đề quy hoạch bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài. Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác đầu tư tôn tạo Cụm di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước thay đổi diện mạo của di tích như: Nhà nước đầu tư tôn tạo các hạng mục công trình của đình - chùa năm 2007; huy động xã hội hóa đầu tư phần nội thất năm 2012, xã hội hóa sửa chữa trùng tu hệ thống mái ngói tại di tích năm 2019… Tuy nhiên, hiện nay Cụm di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao hiện chưa được quy hoạch tổng thể, một số hạng mục công trình phục vụ cho hoạt động của di tích còn thiếu, vì vậy cần có phương án đề xuất quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Cụm di tích phục vụ cho công tác quản lý, phù hợp với điều kiện thực tế phát triển ở địa phương.

4. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát huy giá trị di tích

Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, phát huy giá trị di tích để nâng cao nhận thức của cấp ủy chính quyền địa phương, phổ biến giáo dục quần chúng nhân dân nơi có di tích, du khách thập phương ứng xử với di tích phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Nội dung tuyên truyền phù hợp với các nhóm đối tượng cụ thể, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tuyên truyền cần làm thường xuyên và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, cần được định hướng, biên tập ngắn gọn, xúc tích, phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm tuyên truyền sao cho đảm bảo hiệu quả cao. Đặc biệt là công tác tuyên truyền huy động các nguồn lực xã hội hóa góp đầu tư tu bổ, sửa chữa chống xuống cấp di tích, đây cũng chính là một nhiệm vụ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trường tồn, sống mãi trong đời sống cộng đồng.

5. Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực

Để quản lý di tích đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, thì cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực. Qua việc rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý di tích ở các cấp vẫn còn một số hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, đặt biệt cán bộ trong Ban quản lý, Tổ quản lý, người trông coi di tích chưa được đào tạo một cách bài bản, họ vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm. Để công tác quản lý di tích đạt được hiệu quả cao, cần có những chính sách đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý di tích, có chế độ chính sách khuyến khích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ thị xã đến cơ sở để học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, yên tâm công tác và bố trí phù hợp với nhiệm vụ được giao.

6. Thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm

Vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm tại di tích có ý nghĩa quan trọng, việc buông lỏng quản lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các di tích bị xâm hại, lấm chiếm; di sản văn hóa phi vật thể bị mai một. Do đó, chúng ta cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, từng bước nâng cao ý thức và trách nhiệm của cán bộ thanh tra, kiểm tra các cấp; nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng nhân dân về những hành vi ứng xử với di tích lịch sử văn hóa. Công tác thanh tra, kiểm tra, khen thưởng và xử lý vi phạm tại di tích cần được làm thường xuyên trong di tích, các kỳ tổ chức lễ hội và cần sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan liên quan, giữa các cấp, các ngành trong quá trình kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất nhằm phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả hơn nữa vai trò quản lý nhà nước trong việc quản lý di tích.

            Với những giải pháp đổi mới nâng cao hiệu quả trong quản lý Cụm di tích đình - chùa Hổ Lao, sự quan tâm của các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Ninh, thị xã Đông Triều trong lĩnh vực di sản văn hóa thì trong tương lai công tác quản lý về di sản văn hóa nói chung, quản lý di tích lịch sử nói riêng ngày sẽ càng hoàn thiện, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

                            TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Đảng bộ xã Tân Việt (2008), Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tân Việt (1930 - 2007).
  2. Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Triều (1995), Chiến khu Trần Hưng Đạo, Tài liệu lưu hành nội bộ.
  3. Ban quản lý di tích và thắng cảnh Quảng Ninh (2000), Hồ sơ xếp hạng di tích lịch sử đình - chùa Hổ Lao.
  4. Ban quản lý Di tích và Danh thắng Quảng Ninh (2002), Di tích và Danh thắng Quảng Ninh (tập I), Nxb Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ninh.
  5. Nguyễn Hữu Thức, Tập bài giảng Chính sách văn hóa ở Việt Nam (2016), Khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, Hà Nội.
  6. UBND huyện Đông Triều (2014), Đề án quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, danh thắng trên địa bàn huyện Đông Triều đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

[*] Lớp Cao học K5 -  Ngành Quản lí Văn hóa