Tin tức

Một số giải pháp xây dựng Văn hóa học đường trong các trường trung học phô thông tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

18 Tháng Tám 2020

                                                          Phạm Xuân Hoàn [*]

         Văn hóa học đường có vai trò quan trọng trong các trường THPT. Văn hóa học đường lành mạnh giúp các thành viên trong nhà trường chia sẻ với nhau những kinh nghiệm và kiến thức, phát triển khả năng hợp tác giữa các thành viên trong mọi lĩnh vực hoạt động của nhà trường. Từ đó, tạo ra môi trường thuận lợi, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau, giúp mọi thành viên trong nhà trường quan tâm đến việc nâng cao chất lượng dạy và học, tích cực hoạt động vì sự nghiệp chung của nhà trường. Văn hóa học đường tạo niềm tin cho xã hội trong việc thực hiện các chức năng giáo dục của mình, đặc biệt trong việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

Đông Triều, một thị xã trẻ của tỉnh Quảng Ninh, văn hóa học đường hiện nay đang trở thành nhân tố rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ trở thành những con người sống có ước mơ, có hoài bão, có lý tưởng. Trong đó, vấn đề đặt ra đó là sự phối kết hợp giữa nhà trường, gia đình, học sinh để xây dựng có hiệu quả môi trường văn hóa, văn hóa tổ chức và văn hóa ứng xử.

Để xây dựng văn hóa học đường trong các trường THPT tại thị xã Đông Triều, cần tập trung một số giải pháp cụ thể như sau:

Nâng cao nhận thức về văn hóa học đường trong đội ngũ quản lý và giáo viên nhà trường.

Đội ngũ quản lý của các nhà trường chính là Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, trưởng các bộ môn. Một ngôi trường có thành tích tốt thì vai trò quản lý của đội ngũ cán bộ này rất quan trọng. Vì vậy, cần phải xây dựng đội ngũ quản lý vững mạnh. Có được như vậy cần phải có những giải pháp lựa chọn đúng người. Đối với các trường THPT trên địa bàn thị xã Đông Triều rất quan tâm đến công tác cán bộ, để lựa chọn được một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đúng nghĩa, thị xã Đông Triều đã thực hiện công tác thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý. Từ các cuộc thi tuyển với các phần thi lý thuyết và thuyết trình đề án đã lựa chọn được những người xứng đáng với các vị trí, chức danh lãnh đạo, quản lý.

Đối với giáo viên, là người trực tiếp truyền tải những kiến thức văn hóa và xã hội cho học sinh, vì vậy, đội ngũ giáo viên này cần phải thường xuyên được quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, dài hạn do tỉnh, do địa phương tổ chức về chuyên môn, về văn hóa học đường để giáo viên có thể hiểu sâu, hiểu rộng về những kiến thức văn hóa cũng như xã hội để giáo dục học sinh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải thường xuyên và lâu dài.

Hoàn thiện các văn bản về văn hóa học đường và tăng cường vai trò của nhà trường-gia đình và xã hội

   Các văn bản quy định về xây dựng văn hóa học đường có vai trò định hướng cho công tác xây dựng văn hóa học đường của mỗi nhà trường. Do vậy cần phải có những giải pháp nhằm hoàn thiện các văn bản quy định về xây dựng văn hóa học đường.

Nhằm nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên trong nhà trường trước tiên cần tuyên truyền thông qua các biển hiệu, pano trong trường, xung quanh trường để cán bộ, công nhân viên, đội ngũ giáo viên và học sinh nhận thức được rằng nâng cao chất lượng văn hóa học đường là nhiệm vụ của tất cả mọi người, nhằm tạo ra một môi trường văn hóa học đường lành mạnh, giúp nâng cao chất lượng dạy và học của thầy cô và các em học sinh.

Thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình, có thành tích tiêu biểu trong các phong trào, tạo nên môi trường văn hóa tốt từ đó mỗi cá nhân đều được hưởng lợi từ những thành quả của các phong trào đó. Bên cạnh đó, các nhà trường cần phải xây dựng được một đội ngũ giáo viên, học sinh là những tuyên truyền viên, thường xuyên tuyên truyền đến các thầy cô giáo, các em học sinh những phương pháp nâng cao chất lượng văn hóa học đường, nhằm tạo nên một môi trường văn hóa lành mạnh.

Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Một môi trường văn hóa học đường được tạo dựng từ sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, sự kết hợp này có khả năng chống lại những mầm bệnh, loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng lành mạnh, thân thiện và trong sáng.

Quan tâm đầu tư cho xây dựng môi trường văn hóa

Trước hết phải tăng cường giáo dục chính trị - tư tưởng cho cán bộ, giáo viên và đoàn viên thanh niên là học sinh. Giáo dục chính trị được thực hiện thông qua các môn học, từ đó giúp cán bộ, giáo viên và học sinh định hướng một cách rõ ràng mục tiêu học tập và lý tưởng nghề nghiệp, hình thành ở cán bộ, giáo viên và học sinh những ấn tượng sâu sắc, những giá trị tình cảm tốt đẹp đối với nhà trường, nâng cao ý thức giác ngộ chính trị, bồi dưỡng niềm tin của cán bộ, giáo viên và học sinh vào đường lối lãnh đạo của Đảng.

Thứ hai phải xây dựng môi trường cảnh quan văn hoá, khuôn viên xanh - sạch - đẹp kết hợp với tăng cường cơ sở vật chất nhà trường, lớp học, giúp giáo dục học sinh cách sống khỏe mạnh, ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh trường lớp, môi trường sống xung quanh. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cây xanh trong khuôn viên trường, lớp; phân công trách nhiệm cho các thành viên chăm sóc cây xanh, sửa chữa cơ sở vật chất; Thực hiện nội dung lồng ghép, tích hợp về giáo dục môi trường trong các môn học chính khóa cho các em học sinh.

Hoàn thiện công tác xây dựng văn hóa nhà trường

Phát triển nguồn nhân lực quản lý là một nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng lên một ngôi trường đảm bảo chất lượng dạy và học, nguồn nhân lực quản lý tại các trường học cần phải là những người đủ tâm, đủ tầm, có năng lực quản lý tốt, chuyên môn vững vàng. Hiện nay, thị xã Đông Triều nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung đang thực hiện mô hình thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý, trong đó có các trường THPT. Thị xã Đông Triều là nơi thí điểm thi tuyển các chức danh trên, trong năm 2019, thị xã Đông Triều đã tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Quốc Việt và Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Hoa Thám. Qua thi tuyển đã chọn được những người có năng lực xứng đáng vị trí quàn lý của một trường. Ngoài ra, thị xã Đông Triều còn thường xuyên thực hiện công tác luân chuyển cán bộ quản lý giữa các trường học nhằm tạo cho các đồng chí rèn luyện ở nhiều môi trường khác nhau, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý.

Tăng cường quản lý nề nếp dạy học và chất lượng dạy và học, trước hết là ở đội ngũ giáo viên, cần phải cải tiến nề nếp hoạt động của giáo viên nhằm mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo nên hiệu quả giáo dục trong toàn trường. Nêu cao tinh thần trách nhiệm - lương tâm chức nghiệp của giáo viên, giáo viên phải luôn có ý thức “Tất cả vì học sinh thân yêu”. Thực hiện tốt nề nếp dạy học với tinh thần trách nhiệm cao như lên lớp đúng giờ, không tùy tiện bỏ lớp bỏ giờ. Luôn tận tụy, trách nhiệm, yêu nghề, sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ giáo dục học sinh, chịu trách nhiệm về chất lượng giảng dạy và giáo dục ở lớp được phân công.

Đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa ứng xử

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học là một trong những nội dung quan trọng trong văn hóa học đường. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các nội dung: Tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, học sinh, sinh viên, gia đình và cộng đồng về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học; về mục đích, ý nghĩa, biện pháp, trách nhiệm của nhà trường, gia đình người học, tổ chức, đoàn thể, chính quyền địa phương đối với việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; về thái độ, hành vi, ngôn ngữ, chuẩn mực của người học, nhà giáo, cán bộ, nhân viên trong trường học.

Đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học, tạo ra một môi trường văn hóa học đường lành mạnh. Nội dung đổi mới, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học được thể hiện qua việc Bổ sung, hoàn thiện nội dung giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh trong các trường THPT; thể hiện được giá trị cốt lõi trong văn hóa ứng xử: Nhân ái, tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, trung thực phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo, vùng miền. Giáo dục nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao phẩm chất, năng lực ứng xử cho nhà giáo, người học.

Như vậy, để xây dựng văn hóa học đường trong các trường THPT trên địa bàn thị xã Đông Triều ngày càng lành mạnh, tạo môi trường dạy và học tốt cho giáo viên và học sinh cần phải có những nhóm giải pháp thiết thực và từng bước thực hiện để đạt kết quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đinh Xuân Dũng (2014), Văn hóa trong chiến lược phát triển con người Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Phạm Minh Hạc (2010), Một số vấn đề giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XXI, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  3. Vũ Bá Hòa (2010), Góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, NXB Giáo dục Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh.
  4. Nguyễn Khắc Hùng (2011), Văn hóa và văn hóa học đường, NXB Thanh niên, Tp. Hồ Chí Minh.
  5. Trần Viết Lưu (2012), Phổ biến giáo dục pháp luật cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội.
  6. Nguyễn Thị Kim Ngân (Tổng hợp và giới thiệu) (2011), Văn hóa giao tiếp trong nhà trường, NXB Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Hồ Chí Minh.

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K5 - Ngành Quản lí Văn hóa