Tin tức – Sự kiện

MỘT SỐ GIẢI PHÁP QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SÂN KHẤU HÓA CÁC GIÁ ĐỒNG TẠI NHÀ HÁT CHÈO HÀ NỘI

24 Tháng Tám 2020

                                                                   Trần Thị Hiền  [*]

Hát văn, Hầu đồng còn được gọi là Giá văn, Hầu đồng hoặc Giá Hầu đồng (gọi tắt là Giá đồng). Trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Giá đồng là một bộ phận cấu thành quan trọng, chứa đựng giá trị tâm linh, giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, giá trị giáo dục đạo đức truyền thống uống nước nhớ nguồn, tôn vinh những người có công với dân với nước. Giá đồng có lịch sử hình thành, phát triển từ hàng trăm năm, nhưng chủ yếu được diễn xướng ở các đền, phủ, chưa hòa nhập trong đời sống văn hoá tinh thần thường ngày của người dân.

Với những giá trị độc đáo, đặc sắc về văn học, âm nhạc, múa, mỹ thuật… các Giá đồng đã trở thành nguồn cảm hứng lớn để các nhà biên kịch, đạo diễn, nhạc sĩ, nghệ sỹ thời hiện đại khai thác, phát triển, biến đổi... tạo nên nhiều tác phẩm sân khấu được công chúng hoan nghênh.

             Giá đồng Cô Chín trên sân khấu Nhà hát Chèo Hà Nội

Nguồn: Nhà hát Chèo Hà Nội.

Biểu diễn các Giá đồng của Nhà hát Chèo Hà Nội trong thời gian qua được khán giả nhiệt liệt khen ngợi. Tuy nhiên, còn có những ý kiến góp ý của khán giả về một số vấn đề từ kịch bản đến diễn xuất và công tác tổ chức biểu diễn…

Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý hoạt động sân khấu hóa các Giá đồng tốt hơn, phục vụ cho công chúng những sản phẩm nghệ thuật chất lượng cao hơn, chúng tôi đề xuất một số giải pháp.

1. Về quản lý xây dựng kịch bản sân khấu hóa các Giá đồng

Sau khi Ban Giám đốc giao nhiệm vụ cho các tác giả, sẽ cùng tham gia vào quá trình thực hiện và quản lý quá trình thực hiện, đồng thời tổ chức tham vấn chuyên gia và các nghệ nhân am hiểu về thực hành các Giá đồng để xây dựng kịch bản. Từ sự quản lý, chỉ đạo xây dựng kịch bản theo kiểu hành chính/giao việc sang cách quản lý tư vấn sát sao của Ban Giám đốc, các nhà biên kịch, đạo diễn, biên đạo múa... sáng tác những kịch bản các Giá đồng đa dạng về nội dung, phong phú về sự biểu hiện và chặt chẽ, logic mang đậm tính dân tộc - hiện đại.

2. Đổi mới Quản lý hoạt động biểu diễn

Trong hoạt động biểu diễn, có khi xảy ra tình huống như có khán giả hoặc là vô ý thức, hoặc là có ý thức với những biểu hiện thiếu văn minh như nói to, gây lộn xộn... công tác bảo vệ trật tự, an ninh cần kiên quyết yêu cầu khán giả giữ nghiêm nội quy xem biểu diễn. Khi biểu diễn, không chỉ có khán giả vui thích bước lên sân khấu tặng hoa, khen ngợi, mà còn có nghệ sĩ hưng phấn xuống dưới khán giả giao lưu, không nằm trong khuôn khổ kịch bản, đạo diễn cũng cần nghiêm khắc chấn chỉnh.

3. Tăng cường tuyên truyền, quảng cáo những giá trị các Giá đồng

Cần tăng cường tuyên truyền, quảng cáo những giá trị các Giá đồng với nhiều hình thức khác nhau như phát tờ rơi hay phát thanh tuyên truyền những giá trị các Giá đồng tại địa điểm biểu diễn. Đặc biệt ở thời đại 4.0, cần biên soạn nội dung về giá trị các Giá đồng trên website của Nhà hát. Trong giới thiệu những giá trị các Giá đồng trên website, nội dung nêu rõ một số giá trị cốt lõi: Giá trị lịch sử, giá trị giáo dục đạo đức truyền thống, giá trị văn hóa tâm linh, giá trị nghệ thuật.

4. Đổi mới công tác quản lý nguồn nhân lực

4.1. Quản lý cán bộ là tác giả kịch bản, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ sáng tác

Do đặc thù công việc của cán bộ thuộc Nhà hát quản lý là tác giả kịch bản, đạo diễn, họa sĩ, nhạc sĩ sáng tác, Ban Giám đốc cần thành lập một Tổ Tác giả. Phân cấp Tổ trưởng Tổ Tác giả trực thuộc và chịu trách nhiệm trước Ban Giám đốc.

 Cách thức quản lý Tổ Tác giả của Ban Giám đốc vừa tạo điều kiện phù hợp với công việc của từng thành viên, vừa sát sao theo công việc của từng thành viên trong Tổ, sẽ có hiệu quả hơn.

4.2. Quản lý nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công

Phương pháp quản lý của Ban Giám đốc và lãnh đạo các Đoàn Diễn viên là giao công việc theo nhóm: có nhóm ôn tập tiết mục, vai diễn đang biểu diễn, có nhóm dàn dựng tiết mục, vai diễn mới; nhạc công tập phân phổ tổng phổ hoặc hòa tấu… Từng nhóm tự quản lý công việc được giao; nhóm trưởng giao công việc cho từng cá nhân tự hoàn thành công việc được giao.

4.5. Quản lý nguồn nhân lực phục vụ biểu diễn

Thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Ban Giám đốc Nhà hát cần sử dụng biện pháp xã hội hóa quản lý nguồn nhân lực phục vụ biểu diễn, đó là việc phân công từng bộ phận chịu trách nhiệm quản lý nguồn nhân lực.

Công tác quản lý nguồn nhân lực biểu diễn và phục vụ biểu diễn của Ban Giám đốc Nhà hát đi vào từng vấn đề cụ thể, chi tiết sẽ có hiệu quả tốt hơn..

5. Về công tác kiểm tra, giám sát và thi đua khen thưởng

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ở Nhà hát thời gian qua chưa được chú trọng cao. Học tập, luôn luôn học tập để góp phần nâng cao những thành tích đã có, tạo ra những thành tích mới là một yêu cầu đối với người nghệ sĩ. Không chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, mà Ban Giám đốc cần bổ sung một số nội dung bồi dưỡng về kiến thức lý luận chính trị, kiến thức văn hóa xã hội cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công. Cùng với việc bổ sung tiêu chí thi đua, khen thưởng cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, là bổ sung tiêu chí nâng cao trình độ cho đội ngũ những người phục vụ hoạt động biểu diễn như kỹ sư âm thanh, ánh sáng… để xét thi đua, khen thưởng.

6. Về chế độ với nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công

 Chúng tôi đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Uủ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước cần nghiên cứu một chế độ phù hợp hơn cho người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp thuộc các đơn vị công lập như: khôi phục lại chế độ thanh sắc, chế độ nghỉ hưu (có thể sớm hơn), chế độ bảo hiểm nghề nghiệp, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ đào tạo bồi dưỡng nghề.... sao cho thật phù hợp, đẻ người hoạt động nghệ thuật yên tâm, cống hiến tài năng, trí tuệ cho đơn vị của mình trong toàn bộ cuộc đời hoạt động nghệ thuật.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo về hoạt động văn hóa – văn nghệ của Đảng, Nhà nước và các quy định của UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa & Thể thao thành phố Hà Nội về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Để hoạt động và quản lý hoạt động sân khấu hóa các Giá đồng hiệu quả hơn, chất lượng biểu diễn các Gía đồng được nâng cao, chúng tôi đề xuất một số vấn đề trong đổi mới công tác quản lý hoạt động biểu diễn các Giá đồng tại Nhà hát Chèo Hà Nội nêu trên.

 

     TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Văn hóa, Thể tho & Du lịch (2016), Thông tư Số: 01/2016/TT-BVHTTDL.
  2. Chính phủ (2016), Nghị định Số: 15/2016/NĐ-CP. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
  3. Nguyễn Chí Bền, Từ Thị Loan, Võ Hoàng Lan, Khúc Mạnh Kiên, Nguyễn Kim Chi (2017), Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, hành trình đến di sản văn hóa nhân loại, Nxb Thế giới, Hà Nội.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2014), số 33-NQ/TW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương khóa XI.
  5.  Nguyến văn Kim (2012), Tiếp biến và hội nhập văn hóa ở Việt Nam, Nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội
  6. Nxb Chính trị Quốc gia (2009), Luật Di sản Văn hóa và văn bản hướng dẫn thi hành, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội
  7. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2009), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa, số 32/2009/QH12 của Quốc hội.
  8.  Ngô Đức Thịnh Chủ biên (2013), Văn hóa thờ nữ thần - Mẫu ở Việt Nam và châu Á bản sắc và giá trị, Nxb Thế giới, Hà Nội.

  ------------------------------------------------------

      [*] Lớp Cao học K8 -  Ngành Quản lý Văn hóa