Tin tức – Sự kiện

TRÒ CHƠI TRONG DẠY HỌC LÝ THUYẾT ÂM NHẠC CHO TRẺ TỰ KỶ

31 Tháng Tám 2020

 Bùi Thảo Vân[*]

Mục tiêu giáo dục âm nhạc hay nói cách khác là trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ hướng tới là làm giảm bớt các hành vi bất lợi, khắc phục một số khiếm khuyết về ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, mức độ tập trung của trẻ, tăng cường các tương tác xã hội thông qua âm nhạc.

Trẻ tự kỷ là những đối tượng đặc biệt, nên việc dạy học lý thuyết âm nhạc cho trẻ đòi hỏi người giáo viên phải có chuyên môn âm nhạc và kiên nhẫn với trẻ do sự khác biệt về tâm sinh lý cũng như những ảnh hưởng về mặt nhận thức chi phối khả năng tiếp thu của trẻ tự kỷ. Với trẻ bình thường, cách truyền đạt của giáo viên trong buổi đầu tiên đã có thể giúp các em có những kiến thức cơ bản bước đầu về âm nhạc. Nhưng đối với trẻ tự kỷ thì khác, quá trình đó có thể phải kéo dài gấp 2 hoặc 3 lần so với trẻ bình thường. Chính vì thế, ở đây chúng tôi đã lồng ghép kiến thức nhận biết hình thù nốt nhạc và cao độ của nốt nhạc, ký hiệu và giá trị trường độ với nhau để giảm tải kiến thức cho trẻ, giúp trẻ nắm vững kiến thức về nốt nhạc và ký hiệu trường độ trong âm nhạc:

  1. Trò chơi nhận biết nốt nhạc

Việc dạy học cho trẻ tự kỷ nhận biết được các nốt nhạc là một công việc quan trọng, đòi hỏi giáo viên có nhiều kiên nhẫn thì mới giúp các em nhận biết nốt nhạc tốt hơn. Giáo viên có thể sử dụng một số cách thức như: dùng số, dùng màu, dùng chữ cái và dùng thẻ… (có thể kết hợp giữa phương pháp trò chơi và  phương pháp trực quan) để tác động vào bài dạy thêm hiệu quả hơn.

  • Cách thức dùng số và dùng chữ

Với cách sử dụng số, chúng ta áp dụng sau khi đã cho trẻ nhận biết số ngón tay tương ứng với các nốt nhạc. Ở đây chúng ta quy định, số 1 tương ứng với nốt Đô, số 2 tương ứng nốt Rê, số 3 tương ứng nốt Mi, số 4 tương ứng nốt Fa, số 5 tương ứng nốt Sol. Các số trên ngón tay và trên phím đàn cũng tương ứng với các số trên. Vì khả năng của các em không được nhanh nhạy, nên giáo viên cần cho các em nhận biết dần dần từng nốt nhạc trên khuông nhạc. Sau khi các em đã ghi nhớ được hết 5 nốt nhạc tương ứng với 5 số, giáo viên sẽ cho các em thực hành trên đàn. Mỗi nốt nhạc trên khuông nhạc sẽ tương ứng với một số trên ngón tay và một số trên phím đàn. Giáo viên cần kiên nhẫn trong việc này vì đây là một trong những bước khởi đầu của các em.

Ngoài cách dùng số, giáo viên có thể biến tấu cách chơi này bằng cách sử dụng chữ cái. Cách thức này gần giống với cách dùng số. Thay vì dùng số thứ tự từ 1 đến 5 để giúp trẻ ghi nhớ nốt nhạc thì ta sẽ dùng chữ cái. Chúng ta sẽ quy định chữ C là nốt Đô, chữ D là nốt Rê, chữ E là nốt Mi, chữ F là nốt Fa, chữ G là nốt Sol. Các chữ này cũng tương ứng với các ngón tay. Giáo viên có thể giúp trẻ nhớ tốt hơn bằng cách nêu tên chữ và yêu cầu trẻ đoán nốt.

  • Cách thức dùng màu

Trước hết, chúng ta quy định mỗi nốt nhạc tương ứng với một màu. Nốt Đô là màu đỏ, nốt Rê là màu cam, nốt Mi là màu Vàng, nốt Fa là màu xanh lá cây, nốt Sol là màu xanh da trời. Giáo viên sẽ lần lượt chỉ cho các em nhớ mỗi màu sẽ là một nốt nhạc. Tùy vào trí nhớ nhanh hay chậm của các em mà giáo viên sẽ hướng dẫn các em hoặc đưa ra trò chơi như nhìn màu đoán tên nốt để kích thích các em. Sau khi các em đã nhớ rõ, có thể kiểm tra các em bằng các bài tập màu đơn giản. Giáo viên cũng có thể cho các em tô màu theo tên nốt để tăng khả năng nhớ của các em. Khi các em đã nhớ thành thạo tên các nốt thì giáo viên sẽ cho các em thực hành trên đàn Xylophone. Khi các em đã nhận biết được các nốt nhạc tương ứng với phím đàn Xylophone thì sẽ chuyển sang bài tập khó hơn. Tuy nhiên, cách học này chỉ là khởi đầu và cần nhiều công sức, nhưng không nên sử dụng lâu dài. Khi các em đã nhận biết tốt các nốt nhạc thì không áp dụng nữa.

  • Cách thức dùng thẻ

Để áp dụng, giáo viên cần chuẩn bị các thẻ bằng nhựa hoặc bằng bìa, kích thước khoảng chừng một cây bài tây hoặc tùy chọn, nhưng không nên nhỏ quá. Mỗi thẻ sẽ gồm có hai mặt. Một mặt vẽ hình nốt nhạc và vị trí của nốt đó trên khuông nhạc, mặt còn lại sẽ là tên nốt nhạc. Có thể chuẩn bị từ 5 đến 7 thẻ như vậy hoặc nhiều hơn. Khi đã có các thẻ, giáo viên sẽ hướng dẫn các em nhận biết nốt nhạc bằng cách cho các em xem mặt ghi nốt nhạc sau đó giới thiệu cho các em vài lần. Tiếp theo, lấy một thẻ bất kỳ rồi hỏi để các em trả lời, nếu các em không đoán được tên nốt nhạc thì sẽ cho các em xem mặt bên kia. Giáo viên có thể biến phương pháp này thành những trò chơi rất thú vị cho các em để các em có thể nhớ nhanh được tên các nốt nhạc và vị trí của chúng. Sau khi nhớ các nốt nhạc, giáo viên có thể kiểm tra các em bằng cách dùng các thẻ để ra bài tập cho các em. Sau khi đã nhớ tên các nốt nhạc thì giáo viên sẽ cho các em thực hành trên đàn.

Một trong những cách áp dụng khác của cách thức dùng thẻ đó là sử dụng hình ảnh. Với cách này, giáo viên cũng chuẩn bị các thẻ có kích thước giống như cách dùng thẻ. Ở mặt trước của thẻ sẽ là hình ảnh của một con vật hoặc một vật có tên tiếng anh bắt đầu bằng tên của nốt nhạc. Ví dụ, nốt Đô sẽ là Cat: con mèo. Ở mặt sau thẻ sẽ là vị trí và tên nốt nhạc. Các nốt nhạc tiếp theo áp dụng tương tự. Nốt Rê sẽ là Dinosaurs (khủng long), nốt Mi là Elephant (con voi), nốt Fa là Fox (con cáo), nốt Sol là Goat (con dê). Sau khi chuẩn bị xong các thẻ, giáo viên sẽ hướng dẫn các em cách nhận biết tên các nốt nhạc bằng cách giới thiệu cho trẻ biết tên nốt nhạc tương ứng với hình ảnh các con vật để giúp trẻ dễ liên tưởng và dễ nhớ hơn. Giáo viên có thể cho các em chơi trò chơi bằng cách đưa một thẻ bất kì có hình ảnh một con vật để cho trẻ đoán tên nốt, nếu trẻ không đoán được thì sẽ cho trẻ xem mặt sau có tên của nốt đó. Trò chơi này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần cho đến khi trẻ nhớ hết và nhuần nhuyễn được tên các nốt nhạc. Sau khi trẻ đã nhớ hết thì giáo viên sẽ cho trẻ thực hành trên phím đàn. Tốc độ đưa thẻ sẽ tăng dần lên theo sự tiếp thu của trẻ để các em có phản xạ nhanh hơn khi thực hành.

  1. Trò chơi nhận biết ký hiệu và giá trị của trường độ âm nhạc

Cũng giống như phần trước, chúng tôi sử dụng một số cách thức như: dùng thẻ, dùng màu kết hợp với phương pháp trò chơi, phương pháp trực quan trong quá trình dạy trẻ để đem lại hiệu quả tốt hơn.

  • Cách thức dùng thẻ

Với cách này, việc sử dụng bộ thẻ để dạy học cho trẻ được sử dụng rất hiệu quả. Việc giúp trẻ nhận biết các ký hiệu âm nhạc thông qua việc sử dụng các đồ dùng dạy học flash card, trẻ sẽ dễ dàng bị lôi cuốn vào việc khám và thu hút sự chú ý ở trẻ, khiến việc học lý thuyết trở nên nhẹ nhàng và hiệu quả hơn rất nhiều.

Trong bộ ký hiệu âm nhạc sẽ bao gồm tất cả các ký hiệu âm nhạc, mỗi thẻ tương ứng với hình nốt tròn, trắng, đen, móc đơn, móc kép, các hình dấu lặng tương ứng, nhịp 2/4, 3/4, khóa Sol, khóa Fa… Cũng giống như bộ thẻ để nhận biết nốt nhạc, việc thiết kế thẻ cũng có hai mặt, mặt trước là hình nốt cơ bản với nét vẽ chuẩn, giúp các con tiếp cận với kiến thức chính xác, mặt sau là tên của ký hiệu âm nhạc đó.

Việc sử dụng linh hoạt các thẻ học ký hiệu âm nhạc cơ bản giúp các em luyện tập các âm hình tiết tấu một cách sinh động và sáng tạo. Với trẻ tự kỷ quá trình dạy cho các em phải càng chậm, càng đơn giản càng tốt. Lúc đầu các em có thể rất chậm và mất tập trung nhưng với việc sử dụng các phương pháp linh hoạt sinh động sẽ thu hút sự chú ý cũng như khả năng tiếp thu ở trẻ. Sau khi đã nhận biết được ký hiệu âm nhạc giáo viên chỉ cần sắp xếp một vài hình nốt và dấu lặng là có ngay một câu nhạc cho trẻ. Cách học này sẽ giúp trẻ nắm bắt nhanh mà không cần phải giải thích nhiều về các khái niệm.

  • Cách thức dùng màu

Cũng giống như việc sử dụng màu để nhận biết nốt nhạc, giáo viên có thể sử dụng cách này để giúp trẻ nhận biết ký hiệu âm nhạc. Việc sử dụng màu sắc là một cách hữu hiệu để trẻ nhận biết độ dài nốt. Giáo viên có thể cho trẻ tập tô các nốt tròn, nốt đen, nốt trắng tương ứng với trò chơi “cột đèn giao thông”. Mỗi nốt là một màu của cột đèn giao thông: màu xanh - nốt đen; màu vàng - nốt trắng; màu đỏ - nốt tròn.

Đối với trẻ tự kỷ việc ghi nhớ sẽ dễ dàng hơn nhiều khi nội dung đó được lặp đi lặp lại nhiều lần với nhiều hình thức khác nhau, do đó giáo viên cần sử dụng linh hoạt các phương pháp, sử dụng một cách sáng tạo các đồ dùng dạy học linh động để giúp các em nắm bắt kiến thức, lôi cuốn và thu hút sự chú ý của các em ngay từ đầu buổi học.

Khi cho trẻ tiếp cận với kiến thức mới giáo viên cần lưu ý kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, lấy việc thực hành để củng cố kiến thức và phát triển tai nghe âm nhạc. Cần xác định rõ từng đố tượng trẻ tự kỷ và khả năng âm nhạc của chúng để có những phương pháp phù hợp.

Cả hai phần cách nhận biết nốt nhạc và cách nhận biết ký hiệu âm nhạc gần giống nhau ở phương pháp tiếp cận. Do vậy, giáo viên cần xác định rõ phương pháp mình định dạy cho các em ngay từ đầu. Phương pháp nào đã dùng để xác định nốt nhạc rồi thì không nên dùng cho việc nhận biết ký hiệu âm nhạc để tránh sự nhầm lẫn ở trẻ.

Ngoài ra, giáo viên có thể dạy trẻ học tiết tấu qua một số trò chơi đơn giản khác:

+ Trò chơi “nhạc hiệu”: thu hút sự chú ý của trẻ bằng cách phát ra âm thanh ở một phía nào đó, để trẻ lắng tai nghe và tìm nguồn phát ra âm thanh. Với trò cơi này phải đảm bảo không gian yên tĩnh, không nên chọn không gian ồn ào, trành sự sao nhãng của trẻ.

+ Trò chơi “tay trống cừ khôi”: bằng việc sử dụng trống con, trẻ sẽ lắng nghe và ghi nhớ mẫu tiết tấu của giáo viên và bắt chước đúng như mẫu tiết tấu đã cho. Hãy hướng dẫn trẻ từ những mẫu tiết tấu đơn giản và ngắn rồi đến những mẫu tiết tấu phức tạp và dài. Hoặc hướng dẫn trẻ gõ theo tiết tấu của bài hát đã được học.

Sau 10 tuần chúng tôi thực nghiệm các biện pháp sử dụng trò chơi âm nhạc tại trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Hải Phòng, kết quả đã cho thấy âm nhạc thực sự mang lại sự phát triển khác biệt cho nhóm trẻ thực nghiệm. Âm nhạc đã giúp trẻ phát triển tốt nhưng không có nghĩa âm nhạc sẽ có hiệu quả tốt với tất cả các trẻ tự kỷ. Các hoạt động âm nhạc khi được tổ chức thường xuyên sẽ góp phần hỗ trợ cho sự phát triển các kỹ năng của trẻ. Kết quả thực nghiệm đã được các giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên trực tiếp dạy trẻ đánh giá cao, khẳng định hiệu quả của các biện pháp sử dụng trò chơi âm nhạc cho trẻ tự kỷ từ 3 đến 6 tuổi. Hy vọng kết quả thực nghiệm này sẽ phần nào giúp các giáo viên làm công tác giáo dục cho trẻ tự kỷ cùng những bậc phụ huynh sẽ có cái nhìn khách quan hơn về trị liệu âm nhạc, đồng thời có thể tìm ra cách tiếp cận mới giúp trẻ phát triển và hòa nhập cộng đồng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Vũ Minh Hồng (1980), Trò chơi học tập, Nxb Giáo dục.
  2. Trương Thị Xuân Huệ (2004), Xây dựng và sử dụng trò chơi phát triển nhằm hình thành biểu tượng toán ba đầu cho trẻ 5 - 6 tuổi, Luận án tiến sĩ giáo dục, Hà Nội.
  3. Lý Thu Hiền - Nguyễn Cẩm Bích (2007), Trò chơi âm nhạc cho trẻ từ 2 - 6 tuổi theo hướng tích hợp chủ đề, Nxb Giáo dục
  4. Vũ Thị Thanh Nhiều, Thiết kế trò chơi nhận biết ký hiệu âm nhạc cho trẻ năng khiếu ở các trường mầm non thành phố Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học, Đại học Sư Phạm Nghệ Thuật Trung ương
  5. Trần Thị Thùy (2014), Giáo dục âm nhạc cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ từ 4 - 6 tuổi tại Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ Lý luận và phương pháp dạy học, Đại học Sư Phạm Nghệ Thuật Trung ương.

 

----------------------------------------------------------------

[*] Lớp Cao học K11 - Chuyên ngành LL&PP dạy học Âm nhạc